Quan sát các chi tiết và kết nối chúng, chuyên gia đã có cái nhìn độc đáo về những tín hiệu trong và sau Hội nghị toàn thể Trung ương 3 của ĐCSTQ. Theo ông, thông điệp cải cách mạnh mẽ và hy vọng cứu nền kinh tế sau Hội nghị chỉ là hão huyền. Lý Quỷ giả danh Lý Quỳ thì sẽ lớn tiếng, múa may, phát ra đủ loại “tín hiệu” khiến người ta e sợ vì cái danh của Lý Quỳ. Nhưng dù tín hiệu có mạnh đến đâu, hành động lại mâu thuẫn, nếu mọi người không quá ngốc hoặc có những ý đồ khác, cuối cùng vẫn sẽ tin vào hành động hơn là tin vào tín hiệu.

Một tuần sau khi Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 kết thúc, nếu vẫn còn điều gì chưa rõ ràng về những thông điệp được truyền tải, thì thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những ngày qua có thể nói đã đưa ra câu trả lời mạnh mẽ.

Liên hợp Tảo báo (của Singapore) đưa tin, “việc thiếu các chính sách quan trọng sau Hội nghị Trung ương 3 của Ban Chấp hành Trung ương, đã làm tăng thêm tâm lý bi quan”. Kể từ khi các quyết định liên quan đến Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương được công bố vào ngày 21 tháng 7, chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến liên tiếp giảm ba ngày, đến ngày 24 đóng cửa với mức giảm 0,6%, tổng cộng giảm hơn 3%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 31 tháng 1.

Cải cách, cải cách, nhưng thị trường chứng khoán lại giảm, đây chính là cách hiểu thực sự của người dân Trung Quốc về các cải cách của ĐCSTQ. Quyết định của Hội nghị Trung ương 3 lần này có hơn 20.000 chữ, trong đó từ “cải cách” xuất hiện hơn 50 lần. Tất cả những điều này, lẽ nào chỉ là những lời vô nghĩa sao? Nếu không phải chỉ là những lời vô nghĩa, vậy nó đang nói về điều gì? Còn nếu chỉ là những lời vô nghĩa, thì tại sao lại công bố chúng một cách long trọng như vậy?

Chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Ngô Quốc Quang (吴国光) đã có bài phân tích, cho rằng chỉ một động thái đơn giản, đã cho thấy Hội nghị toàn thể Trung ương 3 của ĐCSTQ dường như đã thất bại. Sau đây là cụ thể những phân tích của ông.

Đừng nhầm lẫn trọng tâm, trọng tâm không phải là “cải cách”

Quyết định của Hội nghị lần này được gọi là “Quyết định về việc tiếp tục toàn diện đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Trước và sau hội nghị, cả tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc lẫn các giải thích liên quan từ bên ngoài thường đều đề cao trọng tâm là “tiếp tục toàn diện đẩy mạnh cải cách”. Tuy nhiên, tác giả cho rằng đây là nhấn nhầm trọng tâm (thực ra, trọng tâm nằm ở câu sau, tức là “thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”).

Có người sẽ nói: Lẽ nào chính quyền Trung Quốc lại không biết trọng tâm của quyết định của họ? Đây là một câu hỏi thú vị. Để trả lời câu hỏi này, có ba yếu tố đáng xem xét.

Thứ nhất, chính quyền Trung Quốc có thể đã cố ý làm như vậy, cố ý dẫn dắt mọi người đọc sai trọng tâm. Như Thông tấn xã Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố gần đây, rằng ông Tập Cận Bình đã nói rõ mục đích của phiên họp toàn thể này: “Chính là muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ trong nước và quốc tế rằng chúng tôi kiên định và không thay đổi sẽ giương cao ngọn cờ cải cách và mở cửa”. 

Như vậy, tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc tất nhiên sẽ đặt “cải cách” làm trọng tâm. Xét từ những dự đoán và giải thích của các bên trước hội nghị về những biện pháp cải cách có thể được đưa ra, động thái “gửi tín hiệu mạnh mẽ” của Trung Quốc ban đầu có phần thành công. Nhưng dù tín hiệu có mạnh đến đâu, hành động lại mâu thuẫn, nếu mọi người không quá ngốc hoặc có những ý đồ khác, cuối cùng vẫn sẽ tin vào hành động hơn là tin vào tín hiệu.

Để tăng cường “tín hiệu” này, chính quyền Trung Quốc đã cố ý đăng một bài báo dài với tựa đề “nhà cải cách Tập Cận Bình” trong thời gian diễn ra hội nghị. Nhưng như mọi người đều biết, điều xảy ra tiếp theo thật bất ngờ, bài báo ngay lập tức bị gỡ xuống.Tại sao lại như vậy? Đây chính là yếu tố thứ hai đáng được xem xét kỹ: “cải cách” mà ông Tập muốn trao đi không phải là “cải cách” mà mọi người thường hiểu.

Có thể nói rằng, “cải cách” được đề cập trong bài báo “Nhà cải cách Tập Cận Bình” là cải cách theo nghĩa thường được hiểu từ cuối những năm 1970, tức là thúc đẩy sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, và thúc đẩy các cải cách hành chính, xã hội, thậm chí chính trị và tư tưởng văn hóa để phù hợp với quá trình chuyển đổi này. Loại cải cách này, chính ông Tập Cận Bình cũng hiểu rằng nó cần giải phóng tư tưởng, chứ không phải tăng cường quyền lực cá nhân. Nếu thực sự muốn thay đổi, bạn không cần phải hô khẩu hiệu hay cố tình tung ra tín hiệu, chỉ cần thả lỏng sự kiểm soát của mình.

Bởi vì trong chính bài báo về “nhà cải cách Tập Cận Bình” có viết: Theo báo cáo của Tạp chí Thanh niên Trung Quốc số 1 năm 1985, một bí thư huyện ủy đến thăm khu vực Chính Định do ông Tập Cận Bình lãnh đạo đã cảm khái rằng: “Ở đây, mọi người không to tiếng về cải cách, nhưng mọi nơi đều đang cải cách”. Bài viết cũng trích dẫn lời của chính ông Tập Cận Bình khi đó: “Nếu nói chúng tôi đã làm được điều gì, thì một trong những điều đó là chúng tôi đã làm được việc giải phóng tư tưởng”. 

Điều này có vẻ như đang ca ngợi ông Tập, nhưng thực tế ngày nay ông Tập có thể hoàn toàn không muốn loại cải cách như vậy, nên mới dẫn tới việc bài viết này bị “404” (nghĩa là không tìm thấy trên mạng nữa).

#Ai sẽ là ông chủ của ông Tập Cận Bình?

Vậy tại sao ông Tập lại phải phát tín hiệu cải cách nếu ông ấy không muốn thực sự cải cách? Đây chính là điểm thứ ba đáng được xem xét. Như đã nêu, ông Tập Cận Bình biết rõ ý nghĩa gốc của cải cách, và ông cũng biết rằng sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc là nhờ vào loại cải cách đó. 

Hiện nay, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế, ông cần tìm cách giảm bớt áp lực lớn do tình hình này gây ra cho ông. Tác giả lưu ý rằng, mình không nói Tập Cận Bình đang tìm cách vượt qua khó khăn này, mà chỉ nói ông ta cần giảm bớt áp lực. Để vượt qua khó khăn cần có chính sách và hành động hiệu quả, nhưng để giảm áp lực thì chỉ cần phát tín hiệu.

Tất nhiên, chỉ phát tín hiệu không thể giải quyết được vấn đề, vì vậy áp lực từ chính vấn đề đó cuối cùng sẽ không thể giảm. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào nguồn gốc của áp lực. Nếu áp lực đến từ “ông chủ”, thì các thuộc cấp chỉ có thể lừa gạt trong một thời gian, sau đó sẽ gặp rắc rối. Nhưng nếu “ông chủ” đang đối mặt với áp lực từ các thuộc cấp thì khác. Ông ta chỉ cần tạo dáng, coi như đang làm “ông chủ” phát ân huệ, làm sao mà các thuộc cấp dám lên tiếng phản đối?

Tác giả chỉ ra, “ông chủ” ở đây chính là ông Tập Cận Bình, còn các thuộc cấp là những người tinh hoa cầm quyền trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với tình hình kinh tế suy giảm, những người này không hài lòng (tất nhiên dân thường cũng không hài lòng), vì lợi ích cá nhân của họ bị ảnh hưởng, và họ cũng lo lắng rằng chính quyền sẽ rơi vào nguy cơ. 

Vua không vội, thần tự vội, lịch sử cũng không ít trường hợp các quan lại vội vã lật đổ vua và lập vua mới! “Cải cách” của ông Tập Cận Bình trước tiên là nhằm gửi tín hiệu cho những người này: Nhìn đây, tôi cũng nhấn mạnh về cải cách mà! Các anh cứ yên phận một chút! Những “nô tài” khốn khổ này, dám chất vấn chủ rằng “Cái này không phải là cải cách” sao? 

Nếu không dám chất vấn, thì cứ để yên vậy! Triệu Cao có thể chỉ con hươu nói là con ngựa, Tập Cận Bình mô tả cái ông hiểu là cải cách theo cách của ông, không phải chân thành và hợp lý hơn Triệu Cao sao? Các ông cứ nhất định hiểu cải cách của Tập Cận Bình là cải cách của Đặng Tiểu Bình, thì sao có thể trách ông Tập được?

Tác giả Ngô Quốc Quang kết luận: “Đúng vậy, kẻ giả vờ là Lý Quỳ nhưng lại là Lý Quỷ, là để lợi dụng cái tên này để tăng cường năng lực cướp bóc của mình. (ý nói: những người giả danh cướp bóc làm được như vậy vì nhờ vào cái tên của người mạnh nổi tiếng). 

Do đó, càng là những kẻ mượn danh Lý Quỳ đi cướp bóc, thì càng là những kẻ lớn lối, không giống như Lý Quỳ ‘không nói một lời, chỉ cầm hai cái rìu băng băng chém tới’. Nếu không gặp phải Lý Quỳ chính thực, thì Lý Quỷ cũng sẽ bá chủ một vùng núi rừng. Tiếc thay, những quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người vẫn nhớ nhung chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình, cũng không phải là những Lý Quỳ thực thụ!

Vậy ông Tập Cận Bình có ông chủ nào không? Về mặt pháp lý thì có, đó chính là nhân dân Trung Quốc. Thậm chí, trong hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, toàn thể đảng viên cũng là ông chủ về mặt pháp lý của ông Tập Cận Bình. Vấn đề là, Trung Quốc có pháp luật và lý lẽ hay không? Và ai có thể chỉ huy thậm chí là sa thải ông Tập theo pháp luật và lý lẽ này?”.