Nếu như thuật ngữ “đỉnh lưu” trong ngành giải trí và nghệ thuật Trung Quốc dùng để mô tả những người có độ nổi tiếng với lượng người hâm mộ cực kỳ lớn và ảnh hưởng trong xã hội mạnh mẽ; Thì ‘hàm Tập lượng’, hay lưu lượng, hàm lượng thông tin về ông Tập trên truyền thông Trung Quốc đang trở thành một thuật ngữ mới, không chỉ nói về sự xuất hiện ngày một ít đi của ông, mà còn thể hiện một thực tại buồn với ông Tập.

Trung Quốc đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 20 vào giữa tháng 7 năm nay. Việc thiếu ý tưởng mới và những thay đổi nhân sự chủ chốt trong phiên họp toàn thể khiến ngoại giới thất vọng. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, một hiện tượng đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc, đó là địa vị của ông Tập dường như không ổn định, sự hoài nghi về việc quyền lực của ông ngày càng suy giảm ngay lập tức trở thành chủ đề nóng.

Nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Hoa, Trần Phá Không, (陈破空) chỉ ra rằng, nếu chúng ta nói những tin đồn khác nhau trên Internet, chẳng hạn như ông Tập Cận Bình có vấn đề về sức khoẻ, bị đảo chính, chỉ là tin đồn, khiến mọi người nghi ngờ, thì có một sự thật không thể chối cãi là các báo cáo, hình ảnh, video và các thông tin khác về ông Tập đã giảm đáng kể trên các phương tiện truyền thông và báo chí của đảng ĐCSTQ. 

Chính hiện tượng này đã trở thành cơ sở vững chắc để tất cả các bên kết luận rằng có điều gì đó đã xảy ra với ông Tập. Trong thời kỳ này, một thuật ngữ mới đã ra đời, trong tiếng Trung được gọi là “hàm Tập lượng”, nghĩa là “Hàm lượng thông tin/lưu lượng về ông Tập”.

Thuật ngữ này dùng để chỉ số lượng và tỷ lệ thông tin của các phương tiện truyền thông đảng về ông Tập. Lần này, chính nội dung thông tin bị cắt giảm về ông Tập trên truyền thông đảng đã khiến ngoại giới bàn tán.

Theo nhà bình luận Trần Phá Không, điều này cũng giống như cách các nhà kinh tế đo lường điều kiện kinh tế tổng thể dựa trên một số chỉ số kinh tế xã hội. 

Ví dụ, một số người sử dụng lượng hành khách đi taxi để đo lường sự tăng giảm của nền kinh tế địa phương; hoặc họ sử dụng sự tăng giảm của thị trường chứng khoán để quan sát xu hướng kinh tế chung. 

Nổi tiếng nhất là “Chỉ số Lý Khắc Cường (李克强)” hay “chỉ số Khắc Cường”, sử dụng kết hợp ba chỉ số chính: tiêu thụ điện, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt và giải ngân khoản vay ngân hàng để đo lường các điều kiện kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Nó được công nhận là phản ánh tốt hơn bộ mặt thật của nền kinh tế Trung Quốc so với số liệu GDP chính thức.

Nhà bình luận Trần Phá Không cho hay, việc sử dụng sự tăng giảm “hàm Tập lượng” trên các phương tiện truyền thông đảng để quan sát sự lên xuống quyền lực của ông Tập Cận Bình đã trở thành một lý thuyết nổi bật khác trong nghiên cứu chính trị Trung Quốc ngày nay. 

Từ khi kết thúc Phiên họp toàn thể lần thứ ba đến Hội nghị Bắc Đới Hà, tức là từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 năm nay, các báo cáo, kể cả ảnh và video, cũng như mọi thông tin liên quan đến ông Tập trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã giảm đáng kể, thậm chí có lúc còn xuống mức không. 

Theo chuyên gia Trần, điều này tất yếu khiến dư luận mạng sôi sục. Chuyên gia chỉ ra rằng, chính quyền ông Tập Cận Bình có thể không hài lòng với các cuộc thảo luận trên Internet trong và ngoài nước, nhưng vấn đề là, đây chính xác là tình thế tiến thoái lưỡng nan do chính chính quyền ông Tập tạo ra. 

Chuyên gia chỉ rõ, cụ thể, đó là ngõ cụt do ông Tập và chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là Chính hiệp Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh tạo ra. 

Ông Trần Phá Không nhận định rằng, không lâu sau khi ông Tập nhậm chức, ông bị quyến rũ bởi quyền lực và mong muốn tạo ra sự khác biệt lớn cho bản thân. Vì vậy, rất có thể ý đồ của Vương Hỗ Ninh là để ông Tập thống trị các phương tiện truyền thông hàng ngày của ĐCTQ, thống trị các trang nhất và các tiêu đề báo chí, thậm chí thống trị màn hình.

Bằng cách này, theo thời gian người dân sẽ quen dần, thừa nhận quyền lực tối cao của ông Tập, từ đó chấp nhận sự thật là ông Tập sẽ nắm quyền trọn đời.

Tuy nhiên, chuyên gia Trần chỉ ra rằng, thời đại ngày nay khác với thời Mao Trạch Đông, cách làm của ông Tập đã gây ra sự bất mãn trong xã hội Trung Quốc, khiến người dân phàn nàn trên diện rộng.

Một trong những hậu quả của việc này là một khi “lưu lượng của ông Tập” trên truyền thông giảm đi, ngoại giới sẽ bắt đầu bàn tán rằng, đã xảy ra chuyện gì với ông Tập? Cư dân mạng trong và ngoài nước xôn xao bình luận, thậm chí họ còn tỏ ra vui mừng.

Vào giữa tháng 8, chính quyền Trung Quốc thông báo ông Tập sẽ xuất hiện trở lại (chẳng hạn như sự kiện tiếp đón Tân Tổng Bí thư Tô Lâm của Việt Nam). 

Nhà bình luận Trần nhận định, điều này dường như cho thấy không có chuyện gì xảy ra, rằng ông Tập Cận Bình vẫn đang nắm nắm quyền kiểm soát như thường lệ. Tuy nhiên, điều này không làm dịu đi các cuộc thảo luận và suy đoán trên khắp thế giới, thậm chí còn có tin đồn về việc có người đóng thế ông Tập. 

Trước đó, hai lần xuất hiện của ông Tập (vào ngày 20/7, ông tới Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để viếng cố Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng) và các cuộc gặp với Thủ tướng Ý và người đồng cấp Đông Timor vào cùng ngày 29 tháng 7), ngoại giới đã đặt ra câu hỏi về việc liệu có người thế thân ông Tập hay không.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao sự xuất hiện trở lại của ông Tập Cận Bình và “hàm lượng thông tin về ông Tập” ngày càng gia tăng trên các phương tiện truyền thông đảng vẫn không thể chấm dứt sự nghi ngờ bàn tán của ngoại giới.

Nhà bình luận Trần Phá Không chỉ ra rằng, hóa ra ông Tập đã cùng lúc rơi vào ba tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn, hay ba cái bẫy lớn, là bẫy tù nhân, bẫy Tacitus và bẫy Thucydides.

Về Bẫy tù nhân, ông Trần cho hay, các quan chức dân sự và quân sự của ĐCSTQ bị trói buộc cùng với ông Tập Cận Bình, giống như những tù nhân tập thể bị mắc kẹt ở Trung Nam Hải. 

Có thể hình dung rằng không chỉ người dân, mà cả những người trong ĐCSTQ, đặc biệt là những người xung quanh ông Tập, cũng thầm hy vọng có điều gì đó sẽ xảy ra với ông. Bằng cách này, một số người hy vọng có thể thay thế ông Tập, những người khác có thể thở phào nhẹ nhõm, và mọi trách nhiệm về những thất bại trong đối nội và đối ngoại đều có thể đổ lên đầu ông Tập.

Thứ hai: Bẫy Tacitus. Nhà bình luận Trần chỉ ra rằng, chỉ cần có một chút xáo trộn trên chính trường, hoặc phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đưa ít nội dung về ông Tập hơn một chút, thì bất kể tình hình thực sự của ông Tập có ra sao, người dân cũng sẽ nghĩ rằng có chuyện gì đó đã xảy ra với ông Tập, hoặc tin chắc rằng có điều gì đó sẽ xảy ra với ông Tập.

Về Bẫy Thucydides. Việc ông Tập tự đề cao và hô vang “phục hưng vĩ đại”, đã thức tỉnh Hoa Kỳ và phương Tây,  và họ đã kiềm chế chính quyền ông Tập. ĐCSTQ đã hình thành mối quan hệ thù địch với Hoa Kỳ. 

Bất kể đó là mối quan hệ cạnh tranh hay đấu tay đôi, thì nó có xu hướng là một tình huống sinh tử, nơi lửa và nước không tương thích. Ông Trần nhận định, ông Tập đã tự giăng bẫy và tự mình sa vào bẫy, và giờ đã không thể rút lui.

Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh và phe ông Tập từng tuyên bố về “Hai cơ sở” (hay lý thuyết xác lập ông Tập Cận Bình là hạt nhân của Trung ương ĐCSTQ, là địa vị cốt lõi của toàn đảng và xác lập vị trí chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình). Họ cho rằng đây là sự chắc chắn lớn nhất để ĐCSTQ và người dân Trung Quốc có thể đối phó với mọi bất ổn. 

Nhưng nhà bình luận Trần Phá Không khẳng định: Ngược lại, “Hai cơ sở” đã mang đến sự bất ổn lớn nhất cho ĐCSTQ và Trung Quốc! Bởi vì “Hai cơ sở” vi phạm kiến thức cơ bản của khoa học chính trị, và là đỉnh điểm của độc tài và thảm họa do sự độc tài gây ra. 

Theo ông Trần, những “tin đồn” liên tục xung quanh ông Tập Cận Bình, đôi khi dữ dội như sóng thần, là minh chứng rõ ràng nhất.