Đại Kỷ Nguyên

Chuyên gia: Rò rỉ hạt nhân ở biên giới Nga và Bắc Kinh lại giả câm điếc

Ảnh minh họa.

Ngay cả khi Nga và Triều Tiên “thân thiện” làm những điều đe dọa đến tính mạng và sự an toàn của công dân Trung Quốc, thì cũng có thể được Bắc Kinh tha thứ. Và một lần nữa, một vụ việc nguy hiểm ở vùng đất Nga sát ngay cạnh Trung Quốc đã được bỏ qua, Bắc Kinh bỗng “giả câm giả điếc”.

Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Chu Hiểu Huy (周曉輝) đã có những phân tích vì sao Bắc Kinh có những ứng xử hoàn toàn trái ngược đối với cùng một kiểu sự kiện quốc tế.

Theo báo cáo của Reuters ngày 5/4, hãng truyền thông chính thức TASS của Nga cùng ngày cho biết đã phát hiện một “vụ rò rỉ phóng xạ hạt nhân không xác định” tại một khu vực thuộc thành phố Khabarovsk ở vùng Viễn Đông Nga và chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực. Được biết, vụ rò rỉ kéo dài một tuần trước khi chính quyền ra tay, trong khoảng thời gian này, giá trị bức xạ từng đạt tới 5,99 microsievert/h, trong khi phạm vi bình thường chỉ nên là từ 0,01 đến 0,07 microsievert/h.

Thông tin chính thức mới nhất từ ​​Nga cho thấy nguồn phóng xạ đã được tìm thấy và di chuyển an toàn vào một thùng chứa đặc biệt, sau đó được vận chuyển đến cơ sở lưu trữ chất thải phóng xạ. Các quan chức Nga cho biết không có ai bị thương hoặc bị nhiễm phóng xạ. Đánh giá về độ tin cậy của thông tin từ chính phủ Nga, những gì họ nói chưa thể được chấp nhận hoàn toàn nếu không có bằng chứng cụ thể.

Khabarovsk là thành phố lớn thứ hai tại Viễn Đông Nga, sau Vladivostok, trong tiếng Trung gọi là “Cáp-ba-la-phu-tư-khắc” và từng là lãnh thổ của Trung Quốc. Nó nằm ở bờ phía đông nơi hợp lưu của sông Hắc Long Giang và sông Ô Tô Lý (Wusuli), đối diện với thành phố Phú Nguyên thuộc tỉnh Hắc Long Giang bên kia sông, với khoảng cách đường thủy chỉ là 65 km. Liệu bức xạ hạt nhân có vượt qua biên giới và ảnh hưởng đến các thành phố của Trung Quốc trong vòng một tuần hay không? Đã không có thông báo và lời giải thích chính thức nào từ chính quyền Trung Quốc.

Theo lẽ thường, sau khi quan chức Nga công bố thông tin rò rỉ phóng xạ hạt nhân, chính quyền Trung Quốc vốn luôn hô hào “sự sống là trên hết, con người là trên hết”, nên thông báo càng sớm càng tốt, bày tỏ cái gọi là “quan ngại” với chính phủ Nga, và cử chuyên gia Trung Quốc sang lấy mẫu ở biên giới Nga để trấn an người dân. Tuy nhiên, ngoài những thông tin rò rỉ hạt nhân của Nga lan truyền trên mạng, chính quyền Trung Quốc dường như thờ ơ, làm ngơ và không phản ứng, điều này tạo nên sự tương phản rõ rệt so với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2023 đã lật đổ sự thật, phóng đại và cường điệu hóa việc xả “nước thải hạt nhân” ra biển từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản là gây hại cho môi trường, trong khi các chỉ số đều trong mức cho phép.

Nhiều người chắc chắn sẽ nhớ rằng trước và sau khi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử, Bắc Kinh đã phớt lờ việc chính đại diện của ĐCSTQ đã ký vào giấy đồng ý xả thải nhưng vẫn lớn tiếng phản đối. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “Nhật Bản nên ngay lập tức sửa chữa hành vi ích kỷ của mình khi truyền nguy cơ ô nhiễm hạt nhân cho thế giới và không để nước Fukushima trở thành nỗi xấu hổ của Nhật Bản”. ĐCSTQ cũng ngay lập tức tuyên bố đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu thủy sản Nhật Bản kể từ lúc đó.

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng nền tảng xã hội để đăng tin rằng nước thải hạt nhân của Nhật Bản có thể gây ung thư, gây quái thai và thậm chí phá vỡ DNA của con người, gây hoang mang trong người dân và tâm lý chống Nhật Bản ở những người không biết sự thật. Trên Internet thậm chí còn có rất nhiều bình luận chống Nhật như “Việc mà người dân bình thường chúng ta có thể làm là tẩy chay tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Chỉ cần chúng ta đủ đoàn kết, chúng ta có thể buộc nước Nhật nhỏ bé ngừng xả nước thải ra nước ngoài”….

Hành vi tương tự của chính quyền Trung Quốc như đối với vụ việc ở Nga cũng xuất hiện sau vụ thử hạt nhân dưới nước của Triều Tiên vào tháng 1 năm nay. Có tin cho rằng các chuyên gia ước tính vụ thử nghiệm cho nổ hạt nhân của Triều Tiên lần này có công suất tương đương trên 100.000 tấn thuốc nổ. Vì hiện tại Triều Tiên chỉ nắm vững công nghệ phân hạch, tức là bom nguyên tử, phản ứng phân hạch chưa hoàn thiện, ô nhiễm hạt nhân lớn hơn nhiều so với bom nhiệt hạch, để chế tạo được quả bom nguyên tử công suất lớn như vậy thì phải dựa vào việc xếp chồng lên nhau một lượng lớn uranium 235. Nói cách khác, đây thực chất là một quả bom bẩn. Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Chu Hiểu Huy cũng cho biết, hải sản gần Thượng Hải, Sơn Đông, gần đây thực sự không ăn được.

Mặc dù vậy, khi đưa tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc không đề cập đến tình trạng ô nhiễm mà nó sẽ gây ra cho đại dương, phớt lờ những nghi ngờ của cư dân mạng về sự tồn tại của ô nhiễm hạt nhân và đương nhiên sẽ không công bố giá trị bức xạ hạt nhân ​​ở biển Bột Hải và biển Hoàng Hải.

Đây là một bước lùi lớn khác so với việc ĐCSTQ ngay lập tức giám sát tình trạng khẩn cấp về phóng xạ sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân tại địa điểm thử hạt nhân chỉ cách dãy núi Trường Bạch của Trung Quốc hơn 60 km vào năm 2017.

Vào thời điểm đó, các quan chức tuyên bố rằng không tìm thấy điều bất thường nào trong 8 ngày giám sát liên tục. Tuy nhiên, đánh giá từ cuộc diễn tập ứng phó khẩn cấp hạt nhân và phóng xạ sau đó tại Cảng Bưu điện Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, một số khu vực ở Cát Lâm có vẻ đã bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định. ĐCSTQ đã nói dối để xoa dịu người dân. Khi đó, Ủy ban An toàn Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc tuyên bố, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân, chất phóng xạ xenon-133 đã được phát hiện ở 13 trên tổng số 43 mẫu lấy ở Hàn Quốc, đây được coi là bằng chứng của một vụ thử hạt nhân không an toàn.

Bất cứ ai có con mắt sáng suốt đều biết lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại có thái độ khác nhau đối với rò rỉ hạt nhân ở thành phố của Nga, các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và việc Nhật Bản xả “nước thải hạt nhân đã qua xử lý”. Tức là cả Nga và Triều Tiên đều là “nước thân thiện” của ĐCSTQ.

Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, người có phức cảm “thân Nga”, đã hợp tác chặt chẽ hơn với Nga về chính trị, kinh tế, quân sự và các khía cạnh khác sau khi Nga xâm chiếm Ukraina vào năm 2022. Mục tiêu hàng đầu là đối phó với việc ngăn chặn và sức ép từ Mỹ và các nước phương Tây. Đồng thời, quan hệ giữa Triều Tiên và Nga cũng phát triển hơn nữa. Năm ngoái, Hamas đã tấn công Israel và một lần nữa làm lộ diện những người ủng hộ họ là Iran, Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ góc nhìn của các nước phương Tây, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã hình thành một liên minh trục tương tự như liên minh do Đức, Ý và Nhật Bản hình thành trong Thế chiến thứ 2. Liên minh này đang đặt ra mối đe dọa rất lớn cho thế giới phương Tây.

Từ góc độ của ĐCSTQ, ngay cả khi Nga và Triều Tiên “thân thiện” làm những điều xấu xa đe dọa đến tính mạng và sự an toàn của chính công dân của họ thì cũng có thể được tha thứ, trong khi người Trung Quốc chỉ có thể “luôn ghi nhớ sự an toàn của Thái Bình Dương”. Thật vậy, để một chế độ đã gây hại cho dân Trung Quốc trong nhiều thập niên, làm mất lòng tin của nhân dân, lại biết lo lắng về sức khỏe và tính mạng của người dân, thì không khác nào một câu chuyện cổ tích. ĐCSTQ thực sự là gì? Điều đó đã có thể được xác minh thêm qua vụ rò rỉ hạt nhân ở một thành phố ở Viễn Đông Nga.

Exit mobile version