Không chỉ sự vắng mặt trong hội nghị quan trọng, từ những bức ảnh chính thức được công bố về cuộc gặp gỡ của ông Tập với các khách quốc tế, cũng như quy mô cuộc gặp và nội dung bài phát biểu, rõ ràng có dấu hiệu sự suy yếu của ĐCSTQ.

Theo báo chí chính thức ở Trung Quốc, vào sáng ngày 11/10, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tập Cận Bình đã có buổi gặp gỡ tập thể với các khách mời quốc tế tham dự Đại hội Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc và lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không tham dự đại hội diễn ra vào buổi chiều mà để Phó Chủ tịch nước Hàn Chính thay mặt phát biểu. Đây là một sự kiện quan trọng khác mà ông Tập Cận Bình vắng mặt. Trước đó, ông cũng không theo thông lệ, vắng mặt trong Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc vào ngày 9/10.

Theo chuyên gia các vấn đề thời sự Chu Hiểu Huy (周晓辉), Hiệp hội Hữu nghị Nhân Dân Trung Quốc, vốn mang tên “nhân dân”, thực chất là một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý, liên kết với Bộ Ngoại giao, tức là một tổ chức thống nhất của ĐCSTQ. Tổ chức này kết nối với nhiều nhóm ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới qua nhiều kênh khác nhau, nhằm tuyên truyền ra nước ngoài, thể hiện hình ảnh “tốt đẹp” của Bắc Kinh, chuyển hướng các ý kiến gây hại đến hình ảnh Bắc Kinh và ủng hộ các chính sách đối ngoại có lợi cho ĐCSTQ. Những người tham gia bao gồm các nhân vật chính trị và thương mại trong nước. Chủ tịch hiện tại của Hiệp Hội là Dương Vạn Minh (杨万明) từng làm việc tại Bộ Ngoại giao và các cơ quan như Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao.

Chính vì lý do này mà hai nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tham dự và phát biểu tại hai Đại hội trước đó, thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Mặt trận Thống nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, việc ông Tập Cận Bình không tham dự đại hội như cách ông đã làm cách đây mười năm, mà chỉ gặp gỡ các khách nước ngoài trước khi đại hội diễn ra, thực sự là một điều bất thường. Điều này có thể không phải do ĐCSTQ không coi trọng công tác thống nhất, mà có thể là sắp xếp có chủ ý từ ông Tập hoặc từ bên trong đảng, nhưng lý do là gì? Có lẽ liên quan đến những đồn đoán lâu nay về việc quyền lực của ông Tập đang bị suy yếu.

Ngoài ra, từ những bức ảnh chính thức được công bố về cuộc gặp gỡ của ông Tập với các khách quốc tế, cũng như quy mô cuộc gặp và nội dung bài phát biểu, rõ ràng có dấu hiệu sự suy yếu của ĐCSTQ.

Dấu hiệu suy yếu thứ nhất: Số lượng khách quốc tế giảm, phản ánh tình thế khó khăn của Bắc Kinh trên trường quốc tế

Tại Đại hội kỷ niệm 50 năm vào tháng 5/2004, khi đó Tổng Bí thư ĐCSTQ là Hồ Cẩm Đào đã tham dự và phát biểu, có rất nhiều khách quốc tế được tiếp đón, trong đó có cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Thủ tướng Úc Bob Hawke và khoảng 700 người khác.

Tại Đại hội kỷ niệm 60 năm của hiệp hội này vào tháng 5/2014, ông Tập Cận Bình cũng đã tham dự và phát biểu, số lượng khách quốc tế tham gia cũng rất đông, bao gồm cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, cựu Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Gabon, cựu Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Jean Ping cùng hơn 800 người khác.

Tuy nhiên, năm nay, số lượng các quan chức và bạn bè nước ngoài tham dự dường như rất ít ỏi. Số người có thể chụp ảnh cùng ông Tập Cận Bình và các quan chức cao cấp của ĐCSTQ chưa đến 50 người, và số người được tiếp đón cũng không quá 200 người, trong khi tổng số người tham gia đại hội, bao gồm cả phía Trung Quốc, còn chưa đến 500 người. 

Khách nước ngoài được mời tham dự đại hội của Hiệp hội Hữu nghị Trung Quốc rõ ràng không nhiều, và điều này phản ánh thực trạng thực sự của Bắc Kinh trên trường quốc tế. 

Chuyên gia Chu Hiểu Huy cho rằng, ĐCSTQ từ lâu đã không phân biệt đúng sai, đảo lộn trắng đen, thâm nhập vào các quốc gia khác, và thể hiện sự tàn bạo với nhân dân trong nước. Đặc biệt trong hai năm qua, họ đã ủng hộ Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraina và hỗ trợ các tổ chức khủng bố được quốc tế công nhận như Hamas, tất cả đều cho thấy mối đe dọa tiềm tàng của ĐCSTQ đối với thế giới. 

Dù là các quốc gia phát triển phương Tây như Mỹ và châu Âu, hay các nước đang phát triển, cho dù là chính phủ, công ty hay cá nhân, đều đang dần dần xa cách hoặc giữ khoảng cách với Bắc Kinh. Ngay cả nhiều “người bạn cũ” từng bị tiền bạc mua chuộc cũng đang dần trở nên xa lạ.

Ông Chu tiếp túc đặt câu hỏi: “Nhìn ra toàn cầu, ĐCSTQ có thật sự có bạn bè không? Ngay cả lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên cũng xem ĐCSTQ là “kẻ thù” ở phía sau. Quan hệ Trung-Nga và Trung-Triều thực chất chủ yếu là sự lợi dụng lẫn nhau, do quyền lợi quyết định. Với tình trạng suy yếu như vậy, ĐCSTQ khó có thể tránh khỏi sự diệt vong”.

Dấu hiệu suy yếu thứ hai: Việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vào bản chất của ĐCSTQ và chính quyền ĐCSTQ phản ánh tâm lý thiếu tự tin

Trong các báo cáo chính thức của Bắc Kinh, có đề cập đến việc ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu của mình đã nói rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng phục vụ nhân dân, chính phủ Trung Quốc là chính phủ của nhân dân, ngoại giao Trung Quốc là ngoại giao của nhân dân”. Điều này trong các dịp tương tự cách đây mười hoặc hai mươi năm, dù là Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình, đều không có những lời lẽ như vậy.

Vậy tại sao ông Tập lại cố tình nói những lời này với các khách nước ngoài?

Ngay trước đó, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công khai đăng tải thông tin tuyển mộ điệp viên Trung Quốc, Iran và Triều Tiên trên nhiều tài khoản mạng xã hội của mình bằng tiếng Trung, tiếng Ba Tư và tiếng Triều Tiên, đồng thời đưa ra hướng dẫn cách liên lạc an toàn với CIA. 

Phó Giám đốc CIA, ông David Cohen, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg đã cho biết: “Có rất nhiều người ở Trung Quốc có khả năng thu thập thông tin và họ không hài lòng với chế độ của Tập Cận Bình. Những người này hiểu rằng bằng cách hợp tác với chúng tôi, họ có thể giúp đỡ đất nước của mình”.

Hành động này của CIA chắc chắn là một minh chứng cụ thể cho thấy chính phủ Mỹ đã phân biệt rõ ràng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Trong những năm gần đây, nhiều quan chức Mỹ đã công khai từ bỏ cách gọi chung “Trung Quốc” cho cả ba khái niệm “Đảng Cộng sản,” “Trung Quốc” và “nhân dân Trung Quốc”, mà bắt đầu phân biệt rõ ràng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc, giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, tức là Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là nhân dân Trung Quốc. 

Một số quốc gia phương Tây cũng dần theo chân Mỹ, phân biệt ĐCSTQ với Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Kèm theo đó, các chính phủ, phương tiện truyền thông và giới học thuật ở các quốc gia phương Tây cũng dần dần làm rõ ý nghĩa của những cách diễn đạt này, việc phân biệt ĐCSTQ với Trung Quốc và nhân dân đã trở thành một xu hướng toàn cầu.

Sự phân biệt này cũng đang truyền đạt tới nhân dân Trung Quốc, rằng kẻ thù ghét Mỹ, gây ra mối đe dọa và thách thức cho thế giới không phải là nhân dân Trung Quốc, mà ĐCSTQ. Chính ĐCSTQ, không ôm ấp các giá trị phổ quát và không trao quyền tự quyết cho những người yêu tự do như nhân dân Trung Quốc, mới chính là kẻ đi ngược lại với thế giới. Do đó, việc nhân dân Trung Quốc tự phân biệt các khái niệm “đảng”, “quốc” và “dân” là cũng vô cùng quan trọng.

Sự phân biệt này tự nhiên khiến Bắc Kinh cảm thấy xấu hổ và tức giận. Ông Tập Cận Bình, đại diện cho ĐCSTQ, nói với các khách nước ngoài rằng ĐCSTQ là “đảng phục vụ nhân dân,” “chính phủ của nhân dân,” “ngoại giao của nhân dân,” chính là nhằm mục đích tiếp tục làm mờ ranh giới giữa ĐCSTQ, Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc.

Vấn đề là có bao nhiêu người Trung Quốc tỉnh táo sẽ tin vào điều này? Có bao nhiêu chính phủ và quan chức nước ngoài sẽ tin vào điều này? 

Trong buổi gặp gỡ đầy dấu hiệu suy yếu đó, ông Tập Cận Bình vẫn không quên nhấn mạnh cái gọi là “cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”. Các cựu quan chức nước ngoài tham dự cũng theo yêu cầu của ĐCSTQ mà ca ngợi mạnh mẽ “cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” và sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tuy nhiên, theo ông Chu Hiểu Huy, những người nước ngoài này có lẽ cũng hiểu rõ rằng nếu “cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” của ĐCSTQ được hiện thực trên thế giới, thì thế giới sẽ thật sự gặp nguy hiểm.