Đại Kỷ Nguyên

Cổ phiếu A lao dốc, nhà đầu tư Trung Quốc xin Mỹ cứu giúp

Chợ Trung Quốc (ảnh: simonesaponetto - pixabay.com)

Vì sao những bài đăng của Đại sứ quán Hoa Kỳ trên Weibo lại có rất nhiều bình luận của người dân Trung Quốc xin được cứu giúp? Đặc biệt thời gian gần đây, những nhà đầu tư chứng khoán “đại lục” dường như đã “thức tỉnh”, đòi chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và yêu cầu ông Tập “hạ đài”. Có người đã phải thốt lên: “Làm thế nào 200 triệu cổ đông và 700 triệu cư dân có thể ăn mừng năm mới đây? Xin hãy giúp đỡ, hỡi nước Mỹ”.

Sau đây là những nội dung chính trong bài bình luận của chuyên gia gốc Hoa – Vương Hách (王赫) về sự kiện “thức tỉnh” của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Năm 2024, thị trường chứng khoán Trung Quốc “mở cửa với sự sụt giảm mạnh”. Trong tháng 1, Chỉ số Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) giảm 6,27%, Chỉ số thành phần (SZSE) Thâm Quyến giảm 13,77% và Chỉ số theo dõi các cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ của Trung Quốc ChiNext Price, được ví là ‘Nasdaq Trung Quốc’ giảm 16,81%.

Dòng tiền ròng chảy khỏi thị trường “miền Bắc” là 14,506 tỷ nhân dân tệ. Trong thị trường chứng khoán Trung Quốc, “Miền Bắc” thường đề cập đến cổ phiếu tại các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.

Do đó, dòng tiền đi về phía bắc đề cập đến các quỹ chảy vào thị trường chứng khoán đại lục từ chứng khoán Hồng Kông. Các quỹ hướng Bắc là những quỹ được sử dụng để mua cổ phiếu đại lục thông qua Sở giao dịch Hồng Kông.

Vào tháng Hai, thị trường vẫn tiếp tục suy giảm. Đặc biệt vào ngày 2/2, chỉ số Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải có lần giảm xuống dưới 2.700 điểm, tụt xuống mức 2.677,55 điểm; hơn 5.100 cổ phiếu giảm giá, cư dân mạng Trung Quốc kêu than xin được “cứu giúp”.

Vào ngày 5 tháng 2, Chỉ số Shanghai Composite đã từng giảm xuống 2.655,09 điểm. Hơn 5.200 cổ phiếu giảm ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh (trong khi số lượng công ty niêm yết chỉ nhiều hơn hơn 5.300).

Cổ phiếu tiệm cận mức giảm sàn khiến nhiều nhà đầu tư sụp đổ, gọi đây là “vụ sụp đổ thị trường chứng khoán kinh hoàng” và “tồi tệ hơn cả năm 2015”.

(Ảnh: Advantus Media Inc. và QuoteInspector.com).

Điều đáng buồn và tức giận là các chủ đề trên Weibo như “#A股超200股跌停” (hơn 200 cổ phiếu hạng A trên thị trường chứng khoán giảm giá đến mức không thể giao dịch) và “#A股超5,200股飄綠” (hơn 5.200 cổ phiếu hạng A trên thị trường chứng khoán giảm giá) đã bị chặn; đồng thời, các phương tiện truyền thông chính thức tuyên bố cả nước đang “trong không khí lạc quan và tích cực của Trung Quốc”, yêu cầu “ca ngợi tầm nhìn sáng sủa về kinh tế Trung Quốc”.

Các nhà đầu tư không thể chịu đựng được nữa và đổ xô vào trang Weibo chính thức của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc để để lại tin nhắn.

Vào ngày 2 tháng 2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung nhân 3 năm cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar trên Weibo.

Cư dân mạng Trung Quốc đã để lại một lượng lớn tin nhắn trên tài khoản này, cho thấy họ không còn ảo tưởng về ĐCSTQ nữa mà thay vào đó hy vọng chế độ này sẽ nhanh chóng kết thúc.

Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Vương Hách (王赫) đã tổng kết một vài bình luận của cư dân Trung Quốc trên trang Weibo của Đại sứ quán Hoa Kỳ như sau: “Nước Mỹ vĩ đại, xin hãy cứu cổ phiếu hạng A của Trung Quốc”; “Thay mặt các nhà đầu tư, tôi muốn hỏi, nếu các nhà đầu tư của chúng tôi bị thua lỗ như vậy, họ có thể nộp đơn xin tị nạn trên thị trường chứng khoán ở nước bạn không?”; “phát biểu ở đây không bị kiểm duyệt, cảm ơn nước Mỹ”; “Làm thế nào 200 triệu cổ đông và 700 triệu cư dân có thể ăn mừng năm mới? Xin hãy giúp đỡ, hỡi nước Mỹ”; “Cổ phiếu A đã làm mất hết tiền tiết kiệm của tôi.

Tôi đã mất số tiền của 3 năm qua chỉ trong hơn một tuần. Liệu con người có thể tồn tại trong xã hội này không?”; “Đừng nói nhảm nữa, nếu các ông (ý chỉ lãnh đạo Trung Quốc) có khả năng, hãy can thiệp vào cổ phiếu hạng A”; “Xin hãy cứu những người dân dưới chế độ độc tài trên toàn thế giới, tôi cầu xin các vị”.

Vào ngày 3 tháng 2, trang Weibo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã đăng một bài viết về việc bảo vệ hươu cao cổ, bài viết này cũng thu hút một lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc để lại tin nhắn yêu cầu Hoa Kỳ “cứu cổ phiếu A”.

Chuyên gia Vương Hách tổng kết một số ví dụ: “Tôi thành thật xin lỗi vì đã chống Mỹ trong quá khứ”, “Các bạn có thể cử một vài người đến để tiếp quản cổ phiếu A không? Chúng thực sự không thể chịu gồng gánh được nữa”; “Họ ăn thịt và hút tủy và ngăn cấm chúng tôi la hét, thậm chí chúng tôi còn mời một đoàn kịch đến ca hát, và mọi người đều phải góp mặt một cách nhượng bộ”; “Trước khi giao dịch chứng khoán, tôi rất yêu nước. Thật buồn khi trở thành người nước ngoài và ghét đất nước của chính mình sau khi giao dịch chứng khoán”; “Thật tuyệt vọng biết bao khi phải thất vọng về đất nước của chính mình”…v.v.

Bài đăng này đã nhận được 160.000 bình luận, nhưng những bình luận này về cơ bản đã biến mất ngay sau đó và được thay thế bằng một số lượng lớn những câu như “Tình bạn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ muôn năm”, “Tôi yêu Trung Quốc” và “Tôi yêu tôi đất nước tôi”…

Không chỉ vậy, nhiều nhân vật nổi tiếng trẻ tuổi đã thức tỉnh trước sự sụp đổ bi thảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc và đưa ra khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản, Đả đảo Tập Cận Bình”.

Ví dụ, nhà giao dịch nổi tiếng “dòng vốn Tiểu Hiệp” (tài khoản Weibo: 游资小侠 ) đã công khai lăng mạ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi thị trường cổ phiếu A lao dốc và mất hàng chục triệu USD, từ một người ủng hộ chính sách của ĐCSTQ trở thành một người phản đối.

Điều này đã gây chấn động trong cộng đồng tiền điện tử và thị trường chứng khoán thông qua nhiều nhóm. Tiểu Hiệp tên thật là Trần Thạch Tân, sinh năm 1993, bắt đầu sự nghiệp bằng việc đầu cơ tiền kỹ thuật số, sau đó đầu tư 100 triệu vào thị trường chứng khoán và trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc, thường tham gia các hoạt động của các tài khoản Weibo chuyên về tài chính.

Anh đã đăng bài viết: “Chỉ bằng cách lật đổ Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta mới có tương lai. Tên học sinh tiểu học này đã làm hại bao nhiêu người ở Trung Quốc (ý nói ĐCSTQ quá non nớt, yếu kém)?”. “Tất cả nguyên nhân của các vấn đề trong nước đều chỉ đến một người”, “Ngày nào đứa học sinh này chết đột ngột, tôi nghĩ chỉ số trên sàn chứng khoán mới có thể tăng”. Truyền thông mạng Trung Quốc đồn rằng Tiểu Hiệp hiện đã mất liên lạc và có vẻ như đã bị bắt giữ bởi công an Trung Quốc.

(Ảnh: Christian Wittmann / stock.adobe.com).

Chuyên gia các vấn đề thời sự Vương Hách tổng kết, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có một số phận tồi tệ, hơn 30 năm qua, các nhà đầu tư chứng khoán đã phải chịu đựng tình trạng bị cắt cổ nhưng chưa bao giờ họ đứng lên với quy mô lớn để bảo vệ quyền lợi hay thể hiện sự phản kháng của mình. Nhưng lần này vì sao lại có sự phản đối mạnh mẽ như vậy?

Cần phải nói rằng các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã bị thất thu nặng khi cổ phiếu hạng A giảm xuống quá thấp, họ không còn lối thoát và đang tuyệt vọng, không thể chịu đựng được nỗ lực moi xương tủy qua thị trường chứng khoán.

Có câu “chó cùng dứt dậu”, hay người Trung Quốc thường nói: “Thậm chí con thỏ cũng sẽ cắn người khi nó bị kích động”, các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc dù sao cũng là con người, một khi họ thức tỉnh sau giấc mơ “làm giàu bằng giao dịch chứng khoán” và nhận ra rằng cổ phiếu A là một cái bẫy được thiết kế khéo léo và một chiếc liềm sắc bén, họ sẽ có cảm hứng để tự bảo vệ mình, họ sẽ kích thích bản năng bảo vệ tài sản của mình và bắt đầu chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tác giả Vương Hách nhận định, trên thực tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua gần như một lần khủng hoảng trong hơn 30 năm hoạt động, tương đương với những biến động chứng khoán trên toàn thế giới trong suốt hàng trăm năm. Hơn nữa, cường độ và tính phi lý của các vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc nằm ngoài sức tưởng tượng của con người.

Ví dụ: Ví dụ, nếu sử dụng mức giảm trên 20% làm tiêu chuẩn để xác định sự giảm mạnh, trong 20 năm đầu của thế kỷ này, đã xảy ra tới 9 lần khủng hoảng chứng khoán lớn, như được tóm tắt trong một bài viết trên Xueqiu:

Sáu lần giảm mạnh thành xu hướng:

14 tháng 6 năm 2001, từ 1.654,35 giảm xuống 983,54 trong thời gian 0,63 năm, tỷ lệ giảm hơn 40%.
Mùng 6 tháng 4 năm 2004, từ 1.141,9 giảm xuống 610,05 trong 1,16 năm, tỷ lệ giảm hơn 46%.
14 tháng 1 năm 2008, từ 4.165,58 giảm xuống 1.224,9 trong thời gian 0,81 năm, tỷ lệ giảm hơn 70%.
18 tháng 4 năm 2011, từ 2.937,83 giảm xuống 1.905,13 trong 1,63 năm, tỷ lệ giảm hơn 35%.
12 tháng 6 năm 2015, từ 7.224,26 giảm xuống 3.450,68 trong thời gian 0,63 năm, tỷ lệ giảm hơn 50%.
24 tháng 1 năm 2018, từ 4.757,42 giảm xuống 3.282,28 trong thời gian 0,95 năm, tỷ lệ giảm hơn 30%.

Ba lần giảm ngắn hạn:

15 tháng 4 năm 2003, từ 1.119,0 giảm xuống 836,0, trong 0,58 năm, giảm hơn 25%;
14 tháng 4 năm 2010, từ 2.903,7 giảm xuống 2.134,8, trong 0,22 năm, giảm hơn 26%;
31 tháng 5 năm 2013, từ 2.427,3 giảm xuống 1.878,8, trong 0,07 năm, giảm hơn 22%.

Sự suy thoái chứng khoán hiện tại là sự tiếp nối và phát triển từ cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2022 (giá trị tổng thể thị trường chứng khoán hạng A năm 2022 giảm hơn 8%, tổng số lỗ của cổ đông trung bình là 78.700 đô la. Riêng trong năm 2023, Chỉ số Thượng Hải, Thâm Quyến và ChiNext lần lượt giảm tương ứng là 3,7%, 13,54% và 19,41%), được coi là lần giảm thứ 10 kể từ khi bước vào thế kỷ 21.

Chuyên gia Vương Hách kết luận, nhìn thấy những kỷ lục đáng kinh ngạc này, không khó để tưởng tượng nỗi đau và than khóc của các nhà đầu tư chứng khoán. Quan trọng là, những nỗi đau và than khóc của các nhà đầu tư chứng khoán sẽ không làm cho chính quyền Trung Quốc thương xót và tái cơ cấu thị trường chứng khoán, mà ngược lại, họ vẫn tiếp tục cưỡng bức và khai thác với sự khinh thường và chế nhạo không thương tiếc.

Ông Vương Hách cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc không thể chịu đựng được nữa. Các nhà đầu tư Trung Quốc cuối cùng đã thức tỉnh! Nhóm từng là “nhóm phục tùng” lớn nhất Trung Quốc cũng chuẩn bị chiến đấu!

(Nguồn: epochtimes.com).

Exit mobile version