Cơ quan ngôn luận quân sự của chính quyền Trung Quốc đã đưa ra một bài báo cùng thời điểm với thông báo chính thức về việc xử phạt hai tướng quân đội Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa, trong đó ám chỉ tội ác thành lập một chính quyền trung ương riêng biệt.
Theo báo Sound of Hope, đây được cho là phản ánh một câu chuyện nội bộ khác đằng sau vụ án của 2 cựu Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc.
Quân Chính Bình (钧正平/Jun Zhengping) là tài khoản chính thức của Ban Bình luận Chính trị Quân đội Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương.
Vài ngày sau khi có thông báo chính thức rằng 2 cựu Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa sẽ bị khai trừ khỏi đảng và bị đưa ra công lý, cơ quan ngôn luận Quân Chính Bình đã đăng một bài báo dài vào ngày 1 tháng 7 nói rằng, tiêu chí đầu tiên để đánh giá đảng viên là lòng trung thành với ĐCSTQ.
Một ví dụ về sự bất trung được đề cập là Trương Quốc Đào (张国焘/Zhang Guotao), một cựu lãnh đạo quân sự Trung Quốc.
Ban bình luận Quân Chính Bình cho hay: “Trương Quốc Đào đã chia rẽ Hồng quân đến mức không thể chia cắt thêm nữa, đồng thời lợi dụng quyền lực của mình để khiến các quan chức khôn ngoan và yếu tim cùng thành lập một Trung Quốc riêng”.
Theo tờ Vision Times, Quân Chính Bình, với tư cách là cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, đã sử dụng phương pháp nói bóng gió theo thông lệ của ĐCSTQ để chỉ trích Trương, mục tiêu thực sự là để răn đe ông Ngụy Phượng Hòa, Lý Thượng Phúc và thậm chí cả Phó chủ tịch quân ủy Trương Hựu Hiệp.
Ngoài Trương Quốc Đào, cơ quan ngôn luận Quân Chính Bình cũng cho rằng, lịch sử của ĐCSTQ không phải không có “những kẻ đầu cơ và những kẻ phản bội”.
Tờ Vision Times cho rằng “những kẻ đầu cơ và phản bội” được đề cập đến vào thời điểm này cũng ám chỉ ông Ngụy Phượng Hòa, Lý Thượng Phúc và các thế lực đứng sau họ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo Vision Times, chuyên gia truyền thông kỳ cựu Hà Lương Mậu (何良懋/He Liangmao) nói rằng, dường như có hai lý do khiến nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc bị cách chức.
Thứ nhất là họ có quan điểm trái ngược với ông Tập Cận Bình về vấn đề xâm lược vũ trang Đài Loan.
Nguyên nhân thứ hai có thể là một số quan chức cấp cao có âm mưu nổi dậy chống đối, nên ông Tập đã thanh trừng các lãnh đạo quân sự để răn đe.
Theo chuyên gia truyền thông kỳ cựu Hà Lương Mậu, chính quyền đã xử lý họ với tội danh tham nhũng nhằm hạ thấp sự phản đối của họ đối với ông Tập, và tránh việc người dân nghĩ rằng có người muốn nổi dậy chống ông Tập.
Tuy nhiên, một số người cho rằng ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa sẽ bị kết án nghiêm khắc, và khó có khả năng ông Lý sẽ làm chứng chống lại ông Trương Hựu Hiệp.
Nhà báo Cao Tân (高新/Gao Xin) đã đăng một bài viết trên tờ RFA nói rằng, vụ án của ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa có thể có liên quan với nhau.
Theo nhà báo Cao, ngoại giới tin rằng ông Lý Thượng Phúc đã hối lộ cấp trên Trương Hựu Hiệp, người đã ủng hộ ông Lý, nên chắc chắn ông Trương cũng không trong sạch, và ông Tập Cận Bình cũng hiểu điều này.
Nhà báo Cao cho hay, kể từ khi ông Lý Thượng Phúc rơi vào tay Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội vì nhận hối lộ, Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin), Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy trung ương, phải lập tức báo cáo với ông Trương Hựu Hiệp, người phụ trách công tác chính trị, và xin chỉ thị bước tiếp theo.
Tướng Trương Hựu Hiệp không còn cách nào khác ngoài việc ‘thí tốt giữ xe’.
Về cách xử lý tiếp theo của Trung Nam Hải đối với ông Ngụy Phượng Hòa và ông Lý Thượng Phúc, nhà báo Cao nhận định, cả hai người rất có thể sẽ bị kết án tù chung thân.