So sánh ông Trump như một vị CEO quyết đoán và ông Biden như cao thủ Thái Cực Quyền, chuyên gia cho rằng, cách hai ông thực hiện chính sách đối với Trung Quốc rất khác nhau, nhưng về cơ bản là cùng một xu hướng đã rất khác so với 45 năm trước đó. Chính sách của Washington với Bắc Kinh đã thay đổi hoàn toàn, và cách “dùng tiền” thay đổi ĐCSTQ như trước đây đã thất bại.
Khi cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11 đang đến gần, ngày càng có nhiều người bắt đầu thảo luận về những gì ông Trump có thể mang lại cho chính sách tương lai của Hoa Kỳ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nếu ông ấy đắc cử vào Toà Bạch Ốc vào năm tới.
Tất nhiên, một trong những lý do chính khiến có cuộc thảo luận như vậy là do tỷ lệ tán thành đối với ông Trump vẫn ở mức cao trong các cuộc thăm dò. Đặc biệt là sau vụ xả súng ám sát hụt, ông Trump đã dẫn trước ông Biden ở một số bang dao động. Cả hai đảng ở Mỹ, ĐCSTQ và các nước châu Âu đều đang chú ý đến khả năng ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ tiếp theo vào ngày 20/1 năm sau.
Chiến lược tổng thể đối với Bắc Kinh có thể không thay đổi
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Sở Nhất Đinh (楚一丁) cho rằng, không thể phủ nhận rằng một số thế lực trong cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa và các nhà tài trợ đứng sau họ vẫn chưa thể từ bỏ ảo tưởng về ĐCSTQ. Tuy nhiên, chính sách tổng thể hiện nay của chính phủ liên bang Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh phản ánh dư luận chính thống ở Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ và được các lãnh đạo lớn của các đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ. Vì vậy, bất kể ai sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm sau, có thể sẽ không có sự điều chỉnh lớn nào trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh.
Không chỉ như vậy, trừ khi có thay đổi cơ bản về cơ chế bên trong ĐCSTQ hoặc sự thay đổi về nhân sự ảnh hưởng toàn diện, thì chính sách của chính phủ Mỹ đối với ĐCSTQ, trong vòng hơn một thập niên, thậm chí hàng chục năm tới, cơ bản khó có thể có những thay đổi lớn.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã thay đổi chính sách của chính phủ Mỹ đối với Bắc Kinh từ năm 1971.
Tháng 7 năm 1971, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Kissinger đã bí mật đến thăm Trung Quốc. Tháng 10 cùng năm, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2758, đưa chính quyền Bắc Kinh trở thành đại diện pháp lý duy nhất của Trung Quốc tại Liên hợp quốc. Năm 2001, các nước phương Tây tiếp tục chấp nhận việc Bắc Kinh gia nhập WTO. Trong 45 năm kể từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Kissinger năm 1971 đến chiến thắng của ông Trump năm 2016, chính sách của chính phủ Mỹ đối với Bắc Kinh về cơ bản xoay quanh trục tiếp cận và hợp tác.
Nếu chia 45 năm này thành hai nửa, từ năm 1971 đến kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Bush cha và phần còn lại, thì trong nửa đầu, Mỹ cần đối phó với thách thức từ khối Liên Xô và Đông Âu, nên quan hệ với Bắc Kinh chủ yếu dựa trên cân bằng chiến lược Chiến tranh Lạnh.
Sau thời ông Bush cha, từ thời ông Clinton, Bush con cho đến hết nhiệm kỳ của ông Obama, mối quan hệ giữa Mỹ và ĐCSTQ đều dựa trên việc giúp Trung Quốc phát triển kinh tế thị trường để thúc đẩy cải cách hệ thống chính trị của ĐCSTQ.
Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, tiền đề cơ bản trong chính sách của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ là thừa nhận rằng thế giới phương Tây không thể thay đổi hệ thống chính trị của ĐCSTQ thông qua sức ép bên ngoài. Điều này có thể thấy rõ qua việc sắp xếp nhân sự trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và Biden.
Sau khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, ông đã bổ nhiệm Peter Navarro làm cố vấn cấp cao của Toà Bạch Ốc về kinh tế và công nghiệp. Trước khi ông Navarro vào Toà Bạch Ốc, ông đã xuất bản hai cuốn sách: một là “Bẫy tử thần của Trung Quốc” và một là “Cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc”.
Sau khi ông Biden nhậm chức vào đầu năm 2021, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan của ông đã thẳng thắn nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng 11 cùng năm: “Tôi nghĩ một trong những sai lầm trong chính sách trước đây đối với Trung Quốc là một số người tin rằng, thông qua chính sách của Mỹ, chúng tôi sẽ thay đổi căn bản hệ thống của Trung Quốc, nhưng đó không phải là mục tiêu của chính quyền Biden”.
So sánh chính sách song phương của Trung Quốc và Hoa Kỳ, theo chuyên gia Sở Nhất Đinh, một trong những điểm khác biệt lớn nhất là chính sách của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ thay đổi từng ngày và phụ thuộc vào ý chí của một số ít người. Về chính sách của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ, trong bảy hoặc tám năm qua, nhiều đạo luật khác nhau đã dần được hình thành để đối phó với mối đe dọa từ ĐCSTQ. Hoa Kỳ là một quốc gia được cai trị bởi pháp quyền với ba nhánh quyền lực. Một khi luật đã được ban hành, nó không thể được thay đổi hoặc ban hành lại chỉ bằng những nhận xét thông thường của ai đó.
Hai ông Trump và Biden đối xử với Bắc Kinh khác nhau như thế nào?
Ngay cả khi không có thay đổi lớn nào trong định hướng lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ, thì hai ông Trump và Biden vẫn có những cách tiếp cận và quan điểm khác nhau khi đối phó với Bắc Kinh.
Theo chuyên gia Sở, ông Trump có phong cách CEO chuyên quyền, trong khi ông Biden có cách tiếp cận tựa như Thái Cực quyền, tinh tế và toàn diện.
Chưa đầy một tháng sau khi ông Trump đắc cử năm 2016 và trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, gây náo động khắp nước Mỹ và thậm chí cả thế giới phương Tây. Sau đó, từ việc áp thuế lên các tấm pin mặt trời vào tháng 1/2018, đến đợt tăng thuế diện rộng vào tháng 9, và việc bắt Mạnh Vãn Châu ở Vancouver vào tháng 12, mỗi lần ra tay của ông Trump đều khiến Bắc Kinh bị động và không kịp trở tay.
Vào ngày 6/4/2017, ông Tập Cận Bình đến thăm Mar-a-Lago và ông Trump đã thông báo với ông Tập trong bữa tối thân mật rằng quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào Syria để trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hóa học. Như thể một CEO của một tập đoàn lớn, ông Trump đã thông báo quyết định của mình với cấp dưới một cách đơn giản, dứt khoát.
Kể từ thời Kissinger, chính sách của Hoa Kỳ với Bắc Kinh trong 45 năm qua có thể được xem là “đưa gấu về rừng”. Nhưng trong 4 năm nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, ông Trump đã hoàn thành được việc chuyển đổi cơ bản toàn bộ chính sách của Washington đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn do sự chuyển đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với Bắc Kinh là làm thế nào để giải quyết tác động của sự chuyển đổi này đối với hoạt động đầu tư của giới kinh doanh phương Tây tại Trung Quốc và tác động về giá đối với người tiêu dùng phương Tây. Mặc dù hiệu quả điều hành nghiêm ngặt của ông Trump đã nhanh chóng hoàn thành quá trình chuyển đổi cơ bản các chính sách của Bắc Kinh nói chung, nhưng nó vẫn để lại nhiều lỗ hổng cần được lấp đầy.
Sau khi nhậm chức, ông Biden đã sử dụng kỹ năng khéo léo của một chính trị gia kỳ cựu để xử lý toàn bộ chính sách đối với Bắc Kinh một cách trôi chảy. Một mặt, ông đã đưa ra chính sách quản lý công nghệ cao “sân nhỏ tường cao” để ngăn chặn ĐCSTQ tiếp tục thu lượm các công nghệ tiên tiến từ phương Tây. Mặt khác, các đoàn đại diện cấp cao liên tục thăm Bắc Kinh, như thể đang cầu xin Bắc Kinh đàm phán, tại sao lại như vậy?
Thái Cực Quyền là một kỹ thuật “lấy nhu khắc cương”.
Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ, chính phủ phải quan tâm đến lợi ích của cử tri. Các ông chủ Phố Wall và người Mỹ tiêu dùng hàng Trung Quốc giá rẻ đều là những cử tri và lợi ích của họ phải được xem xét. Chính sách “thả gấu về rừng” của chính phủ liên bang Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh đã định hình tình hình và môi trường chung của quan hệ Trung-Mỹ và quan hệ Trung Quốc -phương Tây trong vài thập niên qua. Giờ đây, chính phủ liên bang phải điều chỉnh các chính sách đối với Bắc Kinh do lo ngại về an ninh. Trong quá trình điều chỉnh này, chính phủ được bầu cử dân chủ cần dành đủ thời gian để cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng phương Tây tiếp thu các chính sách mới của chính phủ liên bang.
Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại của ông Biden đã đến thăm Bắc Kinh nhiều lần. Mặc dù lần lượt trở về tay không, nhưng trong quá trình đó, các công ty đầu tư Mỹ ở Trung Quốc bắt đầu dần nhận ra hướng đi không thể đảo ngược của quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai. Đồng thời, nó cũng cho phép các đồng minh châu Âu nhận ra rằng quan hệ Trung Quốc – phương Tây phải đối mặt với những lựa chọn không thể tránh khỏi. Tất nhiên, nó cũng tạo ra thời gian cần thiết để các công ty và khoản đầu tư phương Tây rút khỏi Trung Quốc.
Về vấn đề an ninh Đài Loan và hòa bình qua eo biển Đài Loan, theo tờ Washington Post, ông Trump từng thẳng thắn nói rằng nếu Bắc Kinh dùng vũ lực xâm chiếm Đài Loan, ông sẽ ném bom Bắc Kinh. Mặt khác, ông Biden đã bốn lần tuyên bố trước công chúng rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu quân đội Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan.
Từ những quan điểm khác nhau của họ về vấn đề Đài Loan, không khó để nhận ra sự khác biệt trong cách tiếp cận của họ khi giải quyết vấn đề ĐCSTQ.
Triển vọng
Tác giả Sở Nhất Đinh tổng kết, trong lịch sử Hoa Kỳ và thế giới phương Tây, có hai cách đối phó với hệ thống chuyên chế: một là cách đối phó với Liên Xô cũ, hai là cách đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phương pháp trước đây là Chiến tranh Lạnh và đã thành công. Cách sau hy vọng rằng sau khi giúp Trung Quốc trở nên giàu có, ĐCSTQ sẽ tiến tới dân chủ. Nỗ lực này đã thất bại.
Nói trắng ra, theo ông Sở, phương pháp thứ hai là dùng tiền để triệt hạ ĐCSTQ. Nói cách khác, tiền được dùng để tạo ra tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, đồng thời, tiền được dùng để thúc đẩy nạn tham nhũng trong các quan chức ĐCSTQ. Sau đó, giai cấp trung lưu được tạo ra nhờ nhiều tiền sẽ yêu cầu dân chủ từ một chính quyền đã bị tiền làm cho tham nhũng. Cuối cùng, khi bị ăn mòn bởi tiền, ĐCSTQ sẽ sụp đổ.
Kết quả thất bại của cách tiếp cận “dùng tiền” này là sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà thế giới dân chủ phải đối mặt ngày nay.
Câu hỏi bây giờ là phương Tây nên chọn cách hợp tác với ĐCSTQ trong tương lai như thế nào? Có phải đây là sự quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh để cô lập ĐCSTQ trên trường quốc tế? Hay nên thiết lập một mối quan hệ cạnh tranh cởi mở, trong đó dân chủ và chủ nghĩa chuyên quyền cạnh tranh về mô hình chính trị?
Nếu phương Tây chọn Chiến tranh Lạnh, thì tất cả những gì phương Tây cần làm là tách khỏi ĐCSTQ. Nhưng cho đến nay các nước phương Tây vẫn chưa làm được điều đó. Ít nhất, ông Biden sẽ không làm điều đó. Nếu ông Trump được tái đắc cử, liệu ông có làm như vậy không, điều đó vẫn còn chờ xem.
Một câu hỏi khác là liệu mối quan hệ cạnh tranh cởi mở này giữa Trung Quốc và phương Tây có thể được duy trì mãi mãi? Nói cách khác, liệu ĐCSTQ có sẵn sàng duy trì mối quan hệ này hay không. Khi ĐCSTQ đối mặt với sự bất mãn với xã hội Trung Quốc do suy thoái kinh tế gây ra, liệu họ có tiếp tục duy trì mối quan hệ cạnh tranh cởi mở này với phương Tây?
Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này phụ thuộc vào nhiều biến số. Do đó, cho dù ông Trump hay ông Biden nắm quyền ở Toà Bạch Ốc vào năm 2025, chính sách trong tương lai của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ sẽ đi vào những vùng nước khó đoán, chưa thể lường trước.