Với sự phản kháng từ các lão thành ĐCSTQ và quân đội, dấu hiệu nhà lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình (习近平) mất quyền lực ngày càng rõ ràng, và cuộc tranh giành người kế nhiệm cũng bắt đầu nổi lên. Để có thể duy trì quyền lực của Đảng, các quan chức nghỉ hưu và đương nhiệm của ĐCSTQ có thể đang âm thầm thương thảo, cố gắng xác định người lãnh đạo Đảng sau ông Tập Cận Bình.
Để có thể duy trì quyền lực của Đảng, các quan chức nghỉ hưu và đương nhiệm của ĐCSTQ có thể đang âm thầm thương thảo, cố gắng xác định người lãnh đạo Đảng sau ông Tập Cận Bình.
Theo nhà bình luận gốc Hoa, Chung Nguyên (钟原), bản thân ông Tập có thể vẫn không muốn điều này, nhưng e rằng ông Tập không thể ngăn cản được nữa.
Các nhân vật trong Đảng còn đang phải “cố gắng giữ lấy mạng sống” và tìm cách kéo dài thời gian, dù không ai có thể nói rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng chắc chắn sẽ lại xảy ra cuộc tranh giành sống còn.
Muốn trở thành lãnh đạo ĐCSTQ, trước tiên cần phải trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị
Hầu hết các Tổng Bí thư ĐCSTQ trước đây đều đã từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Nhà bình luận Chung Nguyên cho hay, theo thông lệ ngầm ở Trung Nam Hải, những người có chức vụ Ủy viên Thường vụ sẽ có cơ hội lớn hơn để lên vị trí cao nhất.
Cụ thể, ông Tập Cận Bình đã trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ 17 của ĐCSTQ vào năm 2007, và đã giữ vị trí “người kế nhiệm” trong 5 năm; ông tiếp nhận chức vụ lãnh đạo Đảng trong Đại hội lần thứ 18 vào năm 2012.
Ông Hồ Cẩm Đào (胡锦涛) đã trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ 14 của ĐCSTQ vào năm 1992 và giữ vị trí “người kế nhiệm” trong 10 năm; ông tiếp nhận chức vụ lãnh đạo Đảng tại Đại hội lần thứ 16 vào năm 2002.
Ông Giang Trạch Dân (江泽民) được coi là một trường hợp ngoại lệ. Ông đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ 13 của ĐCSTQ vào năm 1987, dường như không thấy hy vọng trở thành người kế nhiệm. Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra vụ Thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989, sự nổi lên của ông Giang đã được các lão thành công nhận.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Đặng Tiểu Bình (邓小平) mới thật sự là lãnh đạo ĐCSTQ, và một số lão thành vẫn còn tại vị, nên Giang Trạch Dân cũng không có thực quyền.
Năm 1997, ông Đặng Tiểu Bình qua đời, Giang Trạch Dân cuối cùng cũng tự nhận mình là lãnh đạo ĐCSTQ; nhưng một số lão thành vẫn còn, tại Đại hội lần thứ 16 của Đảng năm 2002, Giang bị buộc phải nhường chức Tổng Bí thư cho người kế nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào. Giang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong 2 năm, sau đó thông qua các quan chức thuộc phe Giang để thao túng chính trị, và lâu dài kiểm soát quân đội.
Các ông Triệu Tử Dương, Hồ Diệu Bang cũng đều trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, sau đó giữ các chức vụ như Thủ tướng hoặc Tổng Bí thư ĐCSTQ, nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay nguyên lão Đặng Tiểu Bình.
Những Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại đang rất háo hức
Sau khi ĐCSTQ được thành lập, hầu hết các lãnh đạo Đảng hoặc lãnh đạo danh nghĩa đều xuất phát từ Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Theo nhà bình luận Chung Nguyên, hiện nay, Đảng này có lẽ đang bắt đầu tìm kiếm người kế nhiệm cho ông Tập Cận Bình, và các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại có thể đang trông ngóng về điều này.
Nếu ông Tập Cận Bình vì lý do sức khỏe phải từ chức hoặc bị lật đổ, theo thứ tự của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Lý Cường (李强) đứng thứ hai có vẻ sẽ hợp lý để tiếp nhận chức vụ lãnh đạo ĐCSTQ.
Chuyên gia Chung Nguyên chỉ ra rằng, các chức danh của ông Lý Cường đều do ông Tập Cận Bình chỉ định. Các thư ký, phó thư ký của Quốc vụ viện bên cạnh ông đều là người do ông Tập cài đặt, bốn phó thủ tướng và một giám đốc Ủy ban phát triển và cải cách cũng đang kiềm chế ông. Các lãnh đạo bộ ngành đều được ông Tập Cận Bình trực tiếp chọn lựa; sau khi ông Lý Cường tiếp nhận chức Thủ tướng Quốc vụ viện, ông chỉ có thể cúi đầu phục tùng ông Tập Cận Bình.
Bây giờ tình hình đã thay đổi, ông Tập Cận Bình đang mất quyền lực, ông Lý Cường sẽ cảm thấy cơ hội của mình đã đến, hơn nữa ông cũng rất khó chấp nhận việc người khác bất ngờ leo lên vị trí của mình.
Tuy nhiên, ngoài việc là nhân vật số hai trong Đảng, ông Lý Cường gần như không có lợi thế nào khác, và các lão thành cũng chưa chắc ủng hộ ông.
Các Ủy viên Thường vụ thuộc phe Giang, đặc biệt là băng nhóm Thượng Hải, có thể sẽ cản trở ông. Khi làm việc tại Thượng Hải, ông Lý Cường đã mạnh tay đàn áp nhóm Thượng Hải, vì vậy những người này tự nhiên sẽ ghen ghét.
Ông Chung chỉ ra rằng, ông Lý Cường không có kinh nghiệm công tác ở Trung ương, điều này có nghĩa là ông thiếu mối quan hệ tại Bắc Kinh.
Ngay cả trong nội bộ phe ông Tập, ông Lý cũng có thể bị ghen tỵ. Nhiều quan chức có thể cảm thấy rằng năng lực và thâm niên của ông Lý không hề vượt trội hơn họ, thì tại sao ông lại có thể trở thành Thủ tướng Quốc vụ viện? Do đó, nếu ông Lý muốn kế nhiệm ông Tập, trong nội bộ phe ông Tập có thể có người ủng hộ, nhưng cũng có thể có những người phản đối mạnh mẽ.
Theo nhà bình luận Chung Nguyên, có lẽ ông Thái Kỳ (蔡奇) đã sớm mơ mộng từ lâu.
Trong hơn một năm qua, ông đã nhận được nhiều chức danh Ủy viên Ủy ban hơn ông Lý Cường và nắm giữ các vị trí quan trọng như Văn phòng Trung ương ĐCSTQ và cơ quan tuyên truyền.
Ông Thái có lẽ sẽ không chấp nhận việc ông Lý Cường trở thành cấp trên của mình. Quyền phát ngôn về người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không bị tước đoạt hoàn toàn; ông rõ ràng muốn người của mình kế nhiệm, nhưng làm thế nào để giải quyết cuộc tranh chấp giữa Lý Cường và ông Thái Kỳ sẽ là một thách thức lớn.
Ông Chung Nguyên chỉ ra rằng, ông Đinh Tiết Tường (丁薛祥) dường như là một ứng cử viên tiềm năng mà ông Tập Cận Bình đã sắp xếp trong số các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông có thâm niên thấp hơn và không có kinh nghiệm lãnh đạo ở địa phương. Tuy nhiên, chính vì lý do này, và ông Tập Cận Bình dự định nắm quyền lâu dài, mà ông Đinh Tiết Tường phù hợp để trở thành một con rối tiếp theo. Có lẽ ông Đinh sẽ không hài lòng với vai trò chỉ là một quân cờ, ông có lợi thế về độ tuổi và không loại trừ khả năng đã âm thầm tính toán về tương lai của ông Tập.
Ông Chung Nguyên cho hay, ông Đinh đã theo sát ông Tập trong thời gian dài, từng quản lý Văn phòng Trung ương Đảng, nên hiểu rõ những cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ.
Ông Đinh chắc chắn cũng nắm giữ nhiều thông tin nhạy cảm về người khác và có thể đã tích lũy được một ít mối quan hệ.
Có thể ông Đinh đã tự cho mình là người kế nhiệm, chỉ là cố gắng giấu kín điều này. Tuy nhiên, để được công nhận bởi các bô lão trong ĐCSTQ thì khó khăn hơn nhiều và chưa đủ điều kiện để giành thế thượng phong.
Theo nhà bình luận Chung Nguyên, người muốn giành vị thế cao nhất có lẽ là ông Lý Hy (李希). Ông đứng ở vị trí cuối cùng trong số các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng với chức vụ tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông có thể nắm giữ mọi bí mật tham nhũng của các quan chức cấp cao, nên ông chỉ cần hành động theo chỉ thị của ông Tập Cận Bình.
Ông Lý Hy cũng có thể tự xem mình là thân tín của ông Tập, nên ông không thể ngồi im chờ đợi người khác lên nắm quyền mà không hành động.
Ông Chung cho hay, ông Đinh Tiết Tường và Lý Hy có thể cảm thấy khó có thể cạnh tranh với ông Lý Cường và ông Thái Kỳ, vì vậy có thể họ sẽ phải im lặng quan sát và âm thầm tính toán.
Không loại trừ khả năng họ sẽ gia nhập một bên ủng hộ ông Lý Cường hoặc Thái Kỳ, để đạt được lợi ích lớn hơn, rồi tính toán cho tương lai.Theo ông Chung Nguyên, ông Triệu Lạc Tế (赵乐际) và ông Vương Hỗ Ninh (王沪宁) cũng có thể đang mơ mộng, nhưng họ nên biết rằng khó có thể đấu lại người trong phe ông Tập, lại càng khó nhận được sự ủng hộ từ các bậc lão thành. Có thể họ sẽ chọn cách ngồi xem cuộc chiến giữa các bên và âm thầm gây rối.
Các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đang giữ những mối bận tâm riêng và đề phòng lẫn nhau. Trong vấn đề người kế nhiệm lãnh đạo ĐCSTQ, họ đều nỗ lực hành động, nhưng không ai có lợi thế vượt trội hơn đối thủ tiềm năng.
Một cuộc hỗn loạn giữa họ đang chực chờ xảy ra, đồng thời cũng phải cảnh giác với sự xuất hiện của những người ở thế thượng phong khác.
Những người chiếm ưu thế khác trong số các Ủy viên Bộ Chính trị
Nhà bình luận Chung Nguyên nhận định rằng, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hiện tại có lẽ đều đang chờ đợi ông Tập Cận Bình gặp rắc rối; bên cạnh đó, những người khác trong số các Ủy viên Thường vụ cũng mong muốn ông Tập sớm bị lật đổ.
Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ có cơ hội nhanh chóng thăng tiến lên vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Nếu các Ủy viên Thường vụ còn lại tiếp tục tranh giành quyền lực đến mức không thể giải quyết, thậm chí có một số người cũng bị mất quyền lực, thì cơ hội thăng tiến của các Ủy viên Bộ Chính trị khác sẽ càng lớn hơn.
Ông Chung chỉ ra rằng, Bí thư Tân Cương Mã Hưng Thuỵ (马兴瑞) đứng đầu trong số các Ủy viên Bộ Chính trị khác. Nếu theo thứ tự bổ nhiệm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông có khả năng cao nhất.
Tuy nhiên, thân tín của Tập Cận Bình, Hà Lập Phong (何立峰), gần đây đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung ương tham gia lễ kỷ niệm thành lập Quân đoàn xây dựng Tân Cương. Theo ông Chung, hai người có thể sẽ có sự cạnh tranh, nhưng để trở thành người kế nhiệm ông Tập thì vẫn còn một chặng đường dài.
Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Duẫn Lực (尹力) và Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh (陈吉宁) cũng có thể được cân nhắc tới. Ông Chung cho hay, từ trước đến nay, những người đứng đầu Bắc Kinh và Thượng Hải luôn được coi là những ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo ĐCSTQ.
Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trần Mẫn Nhĩ (陈敏尔) là một trong những người thất bại tại Đại hội XX của ĐCSTQ, khi không giành được vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông chỉ được điều chuyển từ Trùng Khánh sang Thiên Tân và không thể ngồi vào vị trí Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Đông.
Theo nhà bình luận Chung Nguyên, rõ ràng Trần Mẫn Nhĩ đã bị ông Tập Cận Bình cố ý kìm hãm.
Trước đó có tin đồn về việc ông Trần là ứng cử viên kế nhiệm. Giờ đây, khi ông Tập đang mất quyền lực, có thể Trần cảm thấy cơ hội đã đến. Có thể Trần muốn trở thành người kế nhiệm, nhưng trước hết Trần cần phải lọt vào danh sách ứng cử viên, điều này không hề dễ dàng.
Ông Chung cho hay, các Ủy viên Bộ Chính trị khác có thể cũng sẽ có những ảo tưởng, nhưng hầu như không có khả năng trở thành người chiến thắng.
Có tin đồn rằng Phó chủ tịch quân uỷ Trương Hựu Hiệp (张又侠) thực sự nắm quyền kiểm soát quân đội, có thể cũng muốn tranh giành vị trí lãnh đạo Đảng, thể hiện rằng quyền lực đến từ súng đạn, nhưng không biết làm thế nào để nhận được sự ủng hộ từ các lão thành và các quan chức khác.
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Hồ Xuân Hoa (胡春华) được cho là đã bắt đầu nổi lên trở lại. Ông từng là ứng cử viên kế nhiệm do phe Đoàn thanh niên đưa ra và vẫn có lợi thế về độ tuổi, có thể nhận được sự ủng hộ từ một số lão thành.
Tuy nhiên, theo ông Chung, Hồ cần phải trở lại Bộ Chính trị và được thăng tiến lên Ủy viên Thường vụ. Phe ông Tập chắc chắn sẽ mạnh mẽ ngăn cản, nhưng không loại trừ khả năng một số người trong phe ông Tập sau này có thể trung lập và đổi phe.
Ngoài ra, Vương Tiểu Hồng (王小洪) cũng được coi là một ủy viên Bộ Chính trị tiềm năng.
Ông luôn tham gia các cuộc họp của Bộ Chính trị và có thể muốn tận dụng lợi thế của mình với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công an để tranh giành quyền lực, ít nhất có thể ảnh hưởng đến một số tình huống.
Những người khác hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy có thể làm người kế nhiệm ông Tập cận Bình. Trong những năm qua, các quan chức thuộc phe Giang Trạch Dân và phe Đoàn thanh niên cơ bản đã bị loại bỏ hoặc bị đẩy ra ngoài, trong khi những người kế nhiệm đã mất đi kênh thăng tiến.
Theo ông Chung, những người trong phe ông Tập thì ép thăng tiến nhanh, nhưng nhìn chung đều gặp khó khăn trong vị trí hiện tại.
Ông Chung cảnh báo rằng, cuộc tranh giành người kế nhiệm có thể dẫn đến sự tan rã bên trong ĐCSTQ. Ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục gặp gỡ các quan chức nước ngoài, tham gia các cuộc họp và phát biểu, và các phương tiện truyền thông của Đảng vẫn tiếp tục tuyên truyền về “Tư tưởng Tập,” nhưng bầu không khí chính trị ở Bắc Kinh ngày càng trở nên kỳ quái, và khó có thể che giấu.
Không chỉ chính phủ Mỹ bắt đầu có những phản ứng khác thường đối với hành động của ĐCSTQ, mà các phát ngôn chính thức từ Đài Loan cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Lời phát biểu của ông Lại Thanh Đức về “lý tưởng tổ quốc” dường như không chỉ xuất phát từ cảm xúc nhất thời, mà còn giống như là một phản ứng đáp trả những lời kêu gọi từ Bắc Kinh.
Theo ông Chung, có lẽ các cơ quan tình báo của Đài Loan cũng đã nắm bắt được những diễn biến mới nhất từ Trung Nam Hải, biết rằng ĐCSTQ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng quyền lực nghiêm trọng.
Họ xác nhận rằng nhiệm vụ lớn nhất của quân đội Trung Quốc hiện nay là bảo vệ chế độ ĐCSTQ, tạm thời không có thời gian để mạo hiểm bành trướng ra bên ngoài. Ông Trương Hựu Hiệp có thể đã thông báo với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, bảo đảm rằng sẽ tránh được xung đột Trung-Mỹ.
Nhà bình luận Chung Nguyên cho hay, vấn đề lớn nhất hiện nay của Bắc Kinh có lẽ không phải là việc ông Tập Cận Bình sẽ ở lại hay ra đi, hay vấn đề cân bằng quyền lực, mà là ĐCSTQ sẽ đi như thế nào trong bước tiếp theo.
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ngô Bang Quốc (吴邦国) gần đây đã qua đời, và cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường (李克强) cũng đột ngột qua đời vào năm ngoái.
Theo ông Chung, các quan chức ĐCSTQ đều biết rằng ai cũng phải đối mặt với việc sự ra đi mãi mãi, không ai có thể trường thọ.
Hầu hết các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên và nhiều quan chức cấp cao sẽ không muốn từ bỏ những đặc quyền mà họ đã có, và họ vẫn sẽ cố gắng giữ vững “đế chế đỏ”, vì vậy họ sẽ tìm mọi cách để xác định người kế nhiệm lãnh đạo Đảng, nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại.
Ông Chung chỉ ra rằng, cuộc tranh giành người kế nhiệm trong ĐCSTQ không chỉ là cuộc chiến quyền lực, mà còn là cuộc chiến về đường lối. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, Đảng này cần phải tìm ra cách để thoát khỏi tình thế khó khăn, và ai có khả năng dẫn dắt Đảng ra khỏi khủng hoảng mới là rủi ro lớn nhất mà họ phải đối mặt.
Một loạt những hành động của lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại đã làm gia tăng nguy cơ sụp đổ của Đảng này. Các lão thành và nhiều quan chức hiện tại chắc chắn không muốn tiếp tục chịu đựng sự độc đoán của ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, liệu các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo tập thể không? Liệu các Ủy viên Thường vụ đã nghỉ hưu và hiện tại có thể phối hợp để thực hiện lãnh đạo tập thể không? Liệu quân đội có thể chỉ huy Đảng bằng vũ lực không?
Ngày càng nhiều người Trung Quốc tỉnh táo không còn muốn tiếp tục làm nô lệ cho ĐCSTQ. Các chính phủ và nhân dân của các quốc gia lớn trên thế giới cũng không muốn để Đảng này hồi phục sức lực và tiếp tục gây hại cho thế giới.
Theo nhà bình luận Chung Nguyên, ĐCSTQ khó có thể thoát khỏi vận mệnh này, nhưng để tranh giành vị trí người kế nhiệm, họ vẫn sẽ xảy ra những cuộc đấu tranh nội bộ, đâm sau lưng lẫn nhau, và tính toán nhiều mưu mô. Cuộc nội chiến cuối cùng có thể dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ.