Ngay khi hải quân Nga và Trung Quốc đang tập trận, Mỹ đã điều sư đoàn đặc biệt và được biết đến là rất mạnh tới khu vực sát lãnh thổ Nga nhất. Chuyên gia cho rằng đây là một sự răn đe rất rõ ràng và không ngại thể hiện ý đồ ngăn chặn sự mở rộng của hai đối thủ tại khu vực nhạy cảm.

Trong bối cảnh hạm đội hải quân Nga và hải quân Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận “Thái Bình Dương – 2024” từ ngày 10 đến 16/9, quân đội Mỹ cũng có những động thái đáng chú ý. Theo báo cáo của Business Insider vào ngày 15/9, Mỹ đã điều động lực lượng từ Sư đoàn dù số 11, bao gồm cả đơn vị pháo phản lực “HIMARS”, tới quần đảo Aleutian ở Thái Bình Dương với lý do Nga và Trung Quốc đang tiến hành tập trận chung.

Báo cáo còn cho biết: “Quân đội Mỹ đã nhanh chóng khai triển vũ khí và binh sĩ đến điểm xa nhất của Alaska. Điều này gửi đi một tín hiệu tới các đối thủ của Mỹ, đặc biệt là trong thời gian hai đối thủ chính là Nga và Trung Quốc tiến hành tập trận chung ở Thái Bình Dương”.

Quần đảo Aleutian nằm giữa biển Bering và Bắc Thái Bình Dương, kéo dài từ bán đảo Alaska về phía tây đến bán đảo Kamchatka, là điểm xa nhất ở phía tây và phía đông trên lãnh thổ Mỹ, phần cực tây thuộc về Nga. Rõ ràng, việc điều động quân đội Mỹ đến vị trí gần Nga nhất không chỉ mang tính răn đe mà còn nhằm phòng ngừa sự mở rộng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.

Sư đoàn dù số 11 được điều động là một đơn vị chủ lực của quân đội Mỹ, bao gồm một trung đoàn bộ binh nhảy dù và hai trung đoàn bộ binh cơ giới. Được thành lập vào năm 1943, sư đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch trong Thế chiến II, bao gồm trận chiến vịnh Leyte, trận chiến Luzon và giải phóng Manila. Sư đoàn này bị giải tán vào năm 1958, được tái kích hoạt ngắn hạn vào năm 1963 với tên gọi Sư đoàn Tấn công Không quân số 11, nhưng lại ngừng hoạt động vào tháng 6 năm 1965.

Theo chuyên gia các vấn đề quân sự gốc Hoa – Chu Hiểu Huy (周晓辉), cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã khiến Mỹ cho rằng “Nga đã có các biện pháp tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực (ám chỉ Bắc Cực), trong khi Trung Quốc coi khu vực này có giá trị kinh tế về vận tải và tài nguyên thiên nhiên”. Từ đó Bắc Cực được xem là một nơi chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh Trung-Nga. 

Vào ngày 6 tháng 6 năm 2022, quân đội Mỹ đã chính thức tái kích hoạt Sư đoàn dù số 11 tại Alaska, được chuyển từ Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Alaska, chịu trách nhiệm chỉ huy tất cả lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Alaska. Sau khi được tái kích hoạt, sư đoàn còn mang thêm trong tên yếu tố “nhảy dù” và “Bắc Cực,” nhấn mạnh đặc tính của đơn vị. Là đơn vị ưu tú của quân đội Mỹ trong các trận chiến ở vùng cực và khí hậu lạnh, Sư đoàn dù số 11 được trang bị nhiều thiết bị cần thiết cho tác chiến ở vùng cực, do đó được xem là “tiên phong trong việc khai triển lực lượng ở vùng cực” của Mỹ.

Năm 2023, Sư đoàn dù số 11 đã thành lập lực lượng hậu cần và các đơn vị pháo binh, trực thăng lục quân. Hiện tại, sư đoàn này có hai lữ đoàn: một lữ đoàn là lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 25, có biệt danh là “Sói Bắc Cực,” và lữ đoàn 4 của Sư đoàn Bộ binh số 25, có biệt danh là “Spartan”, cả hai lữ đoàn đều có khả năng chiến đấu rất mạnh.

Vào tháng 2 năm 2024, theo báo cáo của tờ Defense News, hơn 8.000 sĩ quan và binh sĩ của Sư đoàn dù số 11 cùng với các đồng minh đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn tại trại huấn luyện ở Alaska. Cuộc tập trận chủ yếu mô phỏng cách mà quân đội Mỹ ứng phó khi gặp đối thủ cùng cấp, đặc biệt khi đối phương có ưu thế về pháo, số lượng đạn dược cũng như sự ưu thế trong phòng không, gây nhiễu thông tin và tác chiến điện tử.

Ngoài việc điều lực lượng mạnh đến quần đảo Aleutian, quân đội Mỹ còn khai triển những vũ khí tiên tiến như hệ thống phóng rocket đa nòng “HIMARS” có khả năng tấn công chính xác và tầm bắn xa tại Aleutian. Về sức mạnh của HIMARS, người ta đã chứng kiến khi quân đội Mỹ tấn công Taliban ở Afghanistan và tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq. Hiện nay, trên chiến trường Ukraina, sức mạnh của nó cũng đã được thể hiện, trong khi hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga hoàn toàn không thể chặn được tên lửa mà nó phóng đi.

Theo chuyên gia Chu Hiểu Huy, khi Mỹ thể hiện sức mạnh trước Trung Quốc và Nga, việc điều động lực lượng mạnh đến khu vực gần nhất với lãnh thổ Nga rõ ràng mang ý nghĩa răn đe.

Cũng trong thời điểm quân đội Mỹ thực hiện hành động mới này, Diễn đàn quân sự Hương Sơn tại Bắc Kinh đã diễn ra, và cuộc họp thứ 18 giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc cũng được tổ chức tại Bắc Kinh. Lãnh đạo Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc đã đồng chủ trì cuộc họp này cùng với Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Chase. Thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất ngắn gọn, chỉ cho biết “hai bên đã trao đổi ý kiến sâu sắc về quan hệ quân sự Trung-Mỹ, các hoạt động quân sự trong giai đoạn tiếp theo và các vấn đề quan tâm chung”. Việc chỉ “trao đổi ý kiến” cho thấy sự khác biệt giữa hai bên vẫn còn rất nghiêm trọng.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, “trong cuộc hội đàm, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thông tin liên lạc giữa quân đội hai bên để ngăn chặn sự cạnh tranh trở thành xung đột và giảm thiểu rủi ro do thông tin không thông suốt và hiểu lầm”.

Cuộc hội đàm đã đề cập đến hai vấn đề nhạy cảm chính. Một là vấn đề Biển Đông, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã thông báo với họ (phía Trung Quốc) rằng chúng tôi đặc biệt lo ngại về các hành động nguy hiểm và leo thang của họ đối với các hoạt động hợp pháp trên biển của Philippines, bao gồm việc va chạm có chủ ý giữa tàu Trung Quốc và tàu tuần duyên Philippines tại bãi cạn Sa-Bin”. Họ cũng nhấn mạnh: “Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ Philippines”.

Vấn đề thứ hai là Đài Loan. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng phía Trung Quốc đã bày tỏ nghi ngờ về việc Mỹ có khả năng đã thay đổi lập trường liên quan đến vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, họ khẳng định rằng Mỹ vẫn kiên định với “chính sách Một Trung Quốc” dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba thông cáo chung và “sáu bảo đảm”. Hai bên có sự khác biệt lớn trong nhận thức về vấn đề này.

Ngoài ra, Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về “sự gia tăng các hành động cưỡng chế, đe dọa hoặc phá hoại ổn định” của Trung Quốc trong những năm gần đây tại eo biển Đài Loan và các khu vực xung quanh Đài Loan.

Từ thông tin cuộc hội đàm mà phía Mỹ tiết lộ, có thể xác nhận rằng hai bên thực sự chỉ “trao đổi ý kiến,” nhưng về hai vấn đề nêu trên, rõ ràng quan điểm của Trung Quốc và Mỹ là khác nhau.

Trước Diễn đàn Hương Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Paparo, đã có cuộc gọi video với Tư lệnh Chiến khu phía Nam của Trung Quốc, Tướng Ngô Á Nam (吴亚男). Hai bên cũng đã đề cập đến hai vấn đề trên, nhưng cũng chỉ là mỗi bên nói theo cách của mình mà không đạt được sự đồng thuận nào.

Rõ ràng, phía Mỹ đang tăng cường đối thoại với quân đội Trung Quốc để tránh những hiểu nhầm, nhưng đồng thời cũng không hề lơi lỏng việc cảnh giác đối với Trung Quốc, bất kể là ở Biển Đông, eo biển Đài Loan hay Bắc Cực. Đối với Trung Quốc, chuyên gia Chu Hiểu Huy cho rằng, họ có thể lựa chọn bắt đầu chiến tranh, nhưng thời điểm và cách thức kết thúc thì không do chính mình quyết định.