Cao Trường Thanh là một nhà văn và nhà phê bình người Mỹ gốc Hoa, đồng thời là người dẫn chương trình của kênh video Changqing Forum. Ông từng là chuyên gia viết bài và diễn giả cho các kênh truyền thông tiếng Trung như Đài truyền hình Formosa, Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Đài phát thanh Á Châu Tự do và Đài truyền hình NTD.

Dưới đây là bài bình luận của ông với tiêu đề ‘Đừng so sánh Gaza với Đài Loan” 

Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, nhiều chuyên gia đã nói về sự tương đồng giữa Ukraine và Đài Loan. Nhưng khi xung đột quân sự ở Gaza nổ ra vào ngày 7/10/2023, nhiều người bắt đầu ví Palestine hoặc Gaza với Đài Loan. Những phép so sánh như vậy là không chính xác, và có thể dẫn đến những hiểu biết và quyết định sai lầm về tình hình hiện tại và tương lai của Đài Loan.

Đài Loan là một quốc gia, khác với Palestine

Đài Loan, với tên gọi Trung Hoa Dân Quốc (ROC), là một quốc gia có lãnh thổ, phong tục, tiền tệ, luật pháp và hệ thống dân chủ để bầu ra các nhà lãnh đạo quốc gia. Đài Loan được thành lập tại Trung Quốc đại lục 38 năm trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) thành lập. ROC hiện đang quản lý Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ.

Trong khi đó, Palestine chưa bao giờ là một quốc gia được công nhận. Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 181 vào năm 1947, chấp thuận việc thành lập các quốc gia riêng biệt cho Israel và Palestine và phân bổ đất đai cho mỗi quốc gia. Sau đó Israel đã thành lập nhà nước của mình theo nghị quyết này, nhưng Palestine thì không. 

Sau Thế chiến II, Liên Hợp Quốc đã đề xuất một nghị quyết về việc thành lập các quốc gia riêng biệt cho Palestine và Israel. Nghị quyết này dựa trên một đề xuất do Hồ Thích Tử, lúc đó là Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và là nhà ngoại giao của Trung Hoa Dân Quốc, đưa ra sau khi dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Đông. Nghị quyết đã được thông qua với 33 phiếu thuận, 13 phiếu chống (với 10 phiếu trắng) của hơn năm mươi quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc vào thời điểm đó. 

Các nước Ả Rập bỏ phiếu chống lại nghị quyết này cho rằng nghị quyết này là vô lý, lập luận rằng diện tích đất được phân bổ cho Israel quá lớn so với dân số. Tuy nhiên, nghị quyết này có những ưu điểm: thứ nhất, nó được xây dựng theo một bản thiết kế được đề xuất sau cuộc thanh tra của phái đoàn do nhà ngoại giao Hồ Thích Tử dẫn đầu, chứ không phải của chính người Do Thái; thứ hai, vào thời điểm đó, người Do Thái phân tán khắp thế giới và dân số của họ không nên được tính toán chỉ dựa trên những người đang sinh sống tại Israel. Nghị quyết đã xem xét đến thực tế là nhiều người Do Thái trên toàn cầu sẽ trở về quê hương tổ tiên của họ sau khi nhà nước Israel thành lập. Do đó, nghị quyết này về cơ bản là hợp lý.

Ngay cả khi đề xuất của ông Hồ có những sai sót, thì cũng không có lý do chính đáng nào để năm nước Ả Rập láng giềng (bao gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq, Li băng) và du kích Palestine xâm lược Israel vào ngày sau khi nước này thành lập, với mục đích xóa sổ quốc gia mới thành lập này. May mắn thay, Israel, mặc dù bị áp đảo về số lượng, đã đánh bại được cuộc xâm lược của năm nước và sống sót. 

Tuy nhiên, cuộc chiến này đã dẫn đến 700.000 người Palestine tị nạn. Do đó, vấn đề người tị nạn Palestine ban đầu là do cuộc xâm lược Israel của các nước Ả Rập.

Cuộc xâm lược của năm quốc gia vào Israel đã thất bại, nhưng Ai Cập, quốc gia lớn nhất ở Trung Đông, đã nắm bắt cơ hội chiếm đóng Gaza, một trong những vùng lãnh thổ được Liên hợp quốc chỉ định để thành lập nhà nước Palestine. Jordan cũng nắm bắt cơ hội chiếm đóng Bờ Tây, một vùng lãnh thổ khác dành cho một Palestine có chủ quyền. 

Do đó, sự phân chia các vùng đất dự định dành cho Palestine không phải do Israel, mà là do các nước Ả Rập. Sự chiếm đóng và phân chia này cũng là lý do chính khiến Palestine không thể thành lập nhà nước, vì vùng đất của họ nằm dưới sự kiểm soát của nước ngoài.

Đài Loan không phải là căn cứ khủng bố

Điểm khác biệt thứ hai giữa Palestine và Đài Loan là Đài Loan chưa bao giờ là căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố chống lại Trung Quốc đại lục.

Kể từ Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất năm 1948 (khi năm quốc gia xâm lược Israel), Ai Cập đã chiếm đóng Gaza trong 19 năm. Phải đến Chiến tranh Trung Đông lần thứ ba năm 1967, khi Ai Cập và các quốc gia khác một lần nữa bị đánh bại, thì Israel mới nắm quyền kiểm soát Gaza để đảm bảo rằng nơi này sẽ không còn được sử dụng làm căn cứ tiền tuyến cho các cuộc xâm lược Israel trong tương lai. 

Đến năm 1994, Israel dần từ bỏ quyền kiểm soát Gaza, và đến năm 2005, rút ​​toàn bộ quân đội, trả lại cho người dân Palestine. Tuy nhiên, nhóm khủng bố Hamas lại biến Gaza thành nơi tập kết chống lại Israel, xây dựng một mạng lưới đường hầm rộng lớn trải dài 500 km và phóng tên lửa vào Israel, gây thương vong cho dân thường. 

Ngược lại, Đài Loan chưa bao giờ phát động các cuộc tấn công khủng bố vào CHND Trung Hoa. Ngay cả chính sách “lấy lại đại lục” trước đây của Quốc dân đảng cũng đã bị từ bỏ. Đài Loan chỉ muốn tự bảo vệ mình và hy vọng thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa hai bờ eo biển. Điều này hoàn toàn khác với Palestine, đặc biệt là Hamas, những lực lượng có mục đích tiêu diệt Israel.

Sự khác biệt thứ ba là Đài Loan sẵn sàng công nhận sự tồn tại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và liên tục bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị hoặc thậm chí là quan hệ ngoại giao, mặc dù thiện chí này của Đài Loan liên tục bị Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối và nhìn nhận với thái độ thù địch.

Ngược lại, Palestine, đặc biệt là Hamas, từ chối công nhận sự tồn tại của Israel, áp dụng chính sách ba “không”: không công nhận, không tiếp xúc, không đàm phán. Đây là nguyên nhân cơ bản của xung đột Israel-Palestine, đặc biệt là xung đột quân sự hiện nay ở Gaza. 

Hòa bình bị bỏ lỡ

Hoa Kỳ cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán và đạt được sự hòa giải và hòa bình giữa Palestine và Israel. Năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã mời Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine, Yasser Arafat, và thủ tướng Israel đến Trại David. 

Họ gần như đạt được thỏa thuận, khi Israel đã nhượng bộ đáng kể cho Palestine, trao toàn bộ Gaza và 95% Bờ Tây, hai vùng lãnh thổ được chỉ định cho nhà nước Palestine theo nghị quyết của Liên hợp quốc. Vì Israel đã thiết lập một số khu định cư ở Bờ Tây, họ sẵn sàng đền bù vùng đất này bằng các vùng lãnh thổ khác ở Israel cho Palestine. 

Chủ quyền và quyền tài phán đối với các địa điểm tôn giáo nhạy cảm và gây tranh cãi cũng sẽ được phân chia: người Palestine sẽ kiểm soát Núi Đền (một địa điểm tôn giáo ở Thành phố cổ Jerusalem, bao gồm Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa và Đền thờ Dome of the Rock), và người Israel sẽ kiểm soát Bức tường phía Tây và các địa điểm linh thiêng xung quanh.

Ngoài ra, Israel đã đồng ý với việc thành lập nhà nước Palestine. Dư luận quốc tế lúc đó nhìn chung coi thỏa thuận hòa bình này có lợi chưa từng có cho Palestine. Các quốc gia Ả Rập lớn như Ả Rập Xê Út cũng ủng hộ và thúc giục Arafat nhanh chóng chấp nhận. Tuy nhiên, Arafat đã không ký thỏa thuận.

Sau những sự kiện này, Dennis Ross đã viết một cuốn sách có tựa đề The Missing Peace (tạm dịch: Hòa bình bị bỏ lỡ), trong đó ông cho rằng lý do chính khiến các cuộc đàm phán năm 2000 thất bại là do Arafat. Về cơ bản, cuối cùng, Arafat vẫn là một nhà lãnh đạo du kích và không thể trở thành một nhà lãnh đạo quốc gia. 

Một lý do khác khiến các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine đổ vỡ là Hamas hoàn toàn từ chối công nhận Israel, hoàn toàn bác bỏ các cuộc đàm phán và thậm chí cả khái niệm về một thỏa thuận hòa bình. 

Theo Mahmoud Abbas, Tổng thống Palestine hiện tại, khi Arafat chuẩn bị bay đến Hoa Kỳ để tham dự các cuộc đàm phán ba bên tại Trại David với Hoa Kỳ và Israel, một nhà lãnh đạo Hamas đã nói với Arafat rằng nếu ông ký một thỏa thuận hòa bình, ông không nên quay trở lại, ám chỉ đến mối đe dọa đến tính mạng của Arafat.

Do đó, dù vì lý do gì, Arafat đã từ chối cơ hội hiếm có này cho một thỏa thuận hòa bình. 

Theo hồi ký của Tổng thống Clinton, trong cuộc trò chuyện cuối cùng với Arafat ngay trước khi rời nhiệm sở, Arafat đã ca ngợi Clinton là một người vĩ đại. Clinton trả lời: “Tôi không phải là một người vĩ đại. Tôi là một kẻ thất bại, và chính ông đã biến tôi thành kẻ thất bại.” Điều này thể hiện rõ sự phẫn nộ của Clinton đối với Arafat vì ông ta đã không ký hiệp định hòa bình.

Đài Loan giống Israel

Một số người so sánh Đài Loan với Palestine hoặc Gaza chủ yếu từ góc độ mạnh và yếu, cho rằng so với Israel, Palestine là bên yếu hơn. Tương tự như vậy, so với Trung Quốc, Đài Loan cũng yếu hơn. Tuy nhiên, chỉ xét theo quan điểm mạnh và yếu là một cách suy nghĩ sai lầm. Gốc rễ của cuộc xung đột Israel-Palestine khởi nguồn từ việc 5 quốc gia xâm lược Israel, với ý định xóa sổ Israel khỏi tư cách là một quốc gia có chủ quyền.

Nếu phải so sánh thì tình hình của Đài Loan giống với tình hình của Israel hơn.

Bản đồ cho thấy rõ ràng Israel chỉ nhỏ như một chiếc lá được bao quanh bởi những vùng đất rộng lớn của các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông. Hơn nữa trong số 22 quốc gia thành viên của Liên đoàn Ả Rập, hầu như không có quốc gia nào là dân chủ.

Tương tự như vậy, Đài Loan nằm cạnh một vùng đất rộng lớn với dân số đông đúc đang bị ĐCS Trung Quốc cai trị. 

Giống như Israel, kể từ cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp năm 1996, Đài Loan đã là một quốc gia dân chủ trong gần ba mươi năm qua. Do đó, Đài Loan tương đồng với Israel hơn là với Palestine.