Sau một thời gian dài trì hoãn việc cho phép Ukraina dùng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào đất Nga, vì sao Hoa Kỳ lại đột ngột thay đổi, gấp rút hành động?. Góp phần vào đó, hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về tình báo bỗng có động thái hiếm thấy, càng làm cho phương Tây thấy cần ủng hộ Ukraina hơn nữa. Lý do ẩn đằng sau đó là gì?.
Kể từ ngày 6 tháng 8, khi Ukraina tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, có thể nói là đã tạo được một động lực mới cho cuộc chiến, nhưng các đồng minh phương Tây của Ukraina vẫn liên tục hạn chế việc Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa được phương Tây hỗ trợ. Tuy nhiên, gần đây đột nhiên lại có thông tin cho rằng những hạn chế này sẽ được nới lỏng, dù vẫn đang bị trì hoãn.
Ngày 13 tháng 9 theo giờ địa phương, Tổng thống Biden sẽ gặp Thủ tướng Anh để thảo luận về vấn đề Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây trong lãnh thổ Nga. Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Giang Phong đã thốt lên rằng: “Tôi cảm thấy rất bức xúc. Tại sao phải đợi đến khi lãnh đạo gặp nhau mới thảo luận và quyết định? Đây có phải là một màn trình diễn chính trị không? Khi tin tức này được công bố, trên thực tế nó đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ đã đồng ý. Từ lúc có thông tin đó cho đến lúc hai nhà lãnh đạo gặp nhau còn 3 ngày, Toà Bạch Ốc có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống, nhưng chiến trường thì luôn thay đổi. Việc thông báo cho ông Putin rằng chúng ta sẽ hành động nhưng cuối cùng lại không hành động sẽ dẫn đến hai kết quả:
Một là, nó sẽ ép ông Putin phải phản công. Hai là, nó có thể dung túng cho ông Putin chuẩn bị leo thang chiến tranh. Dù kết quả nào cũng không có lợi cho việc Mỹ nhấn mạnh rằng Ukraina phải giành chiến thắng”.
Nhưng rồi mọi thứ bỗng nhiên thay đổi. Có vẻ như Toà Bạch Ốc muốn ngừng màn trình diễn chính trị. Trong khi ông Biden chưa gặp Thủ tướng Anh như dự kiến, thì vào giữa tuần, Ngoại trưởng Blinken cùng với Ngoại trưởng Anh Raab đã đến Kyiv. Trước chuyến đi, đã có thông tin rõ ràng rằng Ukraina sẽ nhận được tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ và “Storm Shadow” của Anh cho phép tấn công Nga.
Cùng ngày, kế hoạch “Ukraina chiến thắng” của ông Zelensky và một báo cáo mật của chính phủ ông Biden về chiến lược chiến tranh Ukraina gần như được trình lên Quốc hội Hoa Kỳ cùng một lúc. Theo thông tin từ Reuters, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Toà Bạch Ốc phải nộp báo cáo chiến lược chiến tranh này trước tháng Sáu. Đồng thời thông tin đưa ra đã gần như công nhận sự đồng ý của các lãnh đạo châu Âu về việc Ukraina sử dụng vũ khí do họ cung cấp trong lãnh thổ Nga.
Điều gì đã thúc đẩy Toà Bạch Ốc, sau ba tháng trì hoãn, giờ lại quyết định hành động ngay lập tức?
Có phải do sự cản trở của các đảng viên Cộng hòa đối với tổng thống của đảng Dân chủ gây ra tình trạng trì trệ này, và giờ đến gần hết nhiệm kỳ thì tổng thống muốn gấp rút thực hiện hay không?
Trái lại, báo “Sự thật Ukraina” đưa tin rằng theo thông tin trên trang web của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào ngày 10 tháng 9, các nghị sĩ đã ký tên kêu gọi Toà Bạch ốc gỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ sâu trong lãnh thổ Nga. Lời kêu gọi này nhận được sự ủng hộ từ những nghị sĩ Cộng hòa có tiếng nói nhất như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Tình báo, cùng với Chủ tịch Nhóm Ủy ban Chi tiêu Quốc phòng Cộng hòa, cho thấy người của đảng Cộng hòa không ngăn cản.
Trái lại, từ những chữ ký trong lời kêu gọi, có thể thấy rằng các nhà lãnh đạo tại Quốc hội Mỹ về đối ngoại, quân sự, tình báo, và ngân sách quốc phòng đều hiểu rằng việc gỡ bỏ hạn chế cho Ukraina vào lúc này là chìa khóa để giành chiến thắng.
Ngày 10/9 theo giờ địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Ruben Brekelmans, đã nói: “Ukraina có thể sử dụng vũ khí Hà Lan trên bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Liên bang Nga”. Ông đã nhấn mạnh rằng việc cho phép tấn công Nga cũng áp dụng cho chiến đấu cơ F-16. Đức và Pháp đã đồng ý từ ngày 1 tháng 6 rằng Ukraina có thể sử dụng các loại vũ khí mà họ cung cấp, bao gồm tên lửa tầm xa. Nguyên tắc rất đơn giản: khi đã cho bạn, thì là để bạn sử dụng.
Vậy ai đã khiến Toà Bạch Ốc tỉnh dậy từ giấc ngủ và chuyển từ do dự sang hành động nhanh chóng? Ai có sức mạnh lớn như vậy? Thật bất ngờ, theo chuyên gia bình luận thời sự Giang Phong, đó chính là ông Putin và đồng minh Tập Cận Bình. Báo cáo quyết định hành động của Toà Bạch ốc được đưa ra sau khi quan sát và xác nhận các hành động và thông tin liên quan đến “trục ác” Trung Quốc – Nga – Triều Tiên – Iran trong hơn một tháng. Quyết định bắt đầu hành động vào ngày 11 tháng 9.
Vậy hãy xem ông Putin đã làm gì khiến Toà Bạch Ốc gấp rút hành động? Ông đã yêu cầu Iran cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fath-360, có tầm bắn lên tới 120 km. Nga rất có thể sẽ sử dụng chúng để tấn công các cơ sở hạ tầng và các thành phố phía bắc gần biên giới như Kharkiv và Sumy, cũng như các vị trí của quân đội và mục tiêu quân sự trên tuyến đầu, bao gồm các thành phố chiến lược phía đông của Ukraina.
Trong kho vũ khí của quân đội Nga, tên lửa hiện đại nhất là “Kinzhal”, rất khó để đánh chặn. Chỉ có hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất có khả năng bắn hạ chúng. Thêm vào đó, với tầm bắn xa, quân đội Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu hơn trong lãnh thổ Ukraina. Tuy nhiên, đối với việc Ukraina vượt qua biên giới và trong đất Nga, cụ thể là ở Kursk, tên lửa Kinzhal trở nên đắt đỏ và không phù hợp. Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fath-360 của Iran có thể bù đắp cho điểm yếu này. Do đó, tên lửa Iran tạo thành “mối đe dọa lớn”, có thể được sử dụng để tiêu diệt hệ thống năng lượng của Ukraina, rất có thể là tại các thị trấn, điều này có thể có nghĩa là sẽ có nhiều thường dân Ukraina thiệt mạng.
Tất nhiên, Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc một cách vô điều kiện. Vào ngày 11 tháng 9, điện Kremlin tuyên bố rằng cáo buộc về tên lửa Iran là “vô căn cứ”, đồng thời khoe khoang rằng họ sẽ tiêu diệt bất kỳ tên lửa tầm xa nào được phóng vào lãnh thổ Nga, và đe dọa rằng việc Mỹ và Anh gửi tên lửa tầm xa cho Kyiv sẽ khiến Ukraina phải “gánh chịu những nguy hiểm và rủi ro”. Ông Giang Phong nhấn mạnh rằng, nghe những lời nói này, ông còn không muốn phản biện. Vì sự thật là, quân đội Nga không có khả năng chặn tên lửa đất đối đất và “Storm Shadow” ở miền Đông Ukraina và Crimea, vậy họ làm sao lại bỗng có khả năng chặn chúng trên lãnh thổ Nga?
Ông Giang Phong nói thêm: “Còn về việc Ukraina phải gánh chịu “nguy hiểm và rủi ro”, có gì nguy hiểm hơn việc phải đối mặt với sự tàn phá của kẻ xâm lược mà không có khả năng phản kháng? Vì vậy, những lời lẽ hùng hồn của Nga chỉ cho thấy họ đang rất sợ hãi. Không biết mọi người có nhận thấy điều này không, ít nhất tôi tin rằng Toà Bạch Ốc đã chú ý đến điều này; Đó là lần này điện Kremlin thậm chí không dám sử dụng chiêu trò đe dọa hạt nhân nữa”.
Cùng ngày, các phương tiện truyền thông phương Tây công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Iran vận chuyển tên lửa đến Nga, trực tiếp vạch trần lời nói dối của Nga. Hình ảnh vệ tinh ghi lại một con tàu chở hàng mang cờ Nga, mang tên “Port Olya 3”, đã cập cảng Amirabad của Iran vào ngày 29 tháng 8, sau đó ngắt thiết bị phản hồi AIS và áp dụng chiến lược “cập cảng bí mật”. Sáu ngày sau, nó xuất hiện tại cảng Nga. Con tàu “Port Olya 3” đã vận chuyển khoảng 220 tên lửa đạn đạo tầm ngắn qua biển Caspi tới Nga. Lô tên lửa này đã được chất lên một đoàn tàu chở hàng lớn khi đến Nga. Mỹ và Anh đã phát biểu rằng hành động của ông Putin là “một sự leo thang nghiêm trọng”.
Vậy thì đồng minh của ông Putin, ông Tập Cận Bình thì sao? Giữa tuần này, Thứ trưởng Mỹ Kurt Campbell cho biết Bắc Kinh đang cung cấp “sự hỗ trợ rất thực chất” cho Matxcova để củng cố cỗ máy chiến tranh của họ. Đổi lại, Nga đang giao cho Trung Quốc các công nghệ quân sự và tên lửa được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trước đây, Mỹ chủ yếu tập trung vào các công nghệ được cho là “lưỡng dụng” (nghĩa là dùng được trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự) mà Bắc Kinh cung cấp, vì chúng ta biết rằng Bắc Kinh thường làm những việc như thế này, gọi là “hợp tác quân sự – dân sự”. Bây giờ, Washington đã rõ ràng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hỗ trợ quân đội Nga. Ông Campbell nói rằng “đây không phải là năng lực lưỡng dụng”, có nghĩa là sự hỗ trợ công nghệ mới nhất của Trung Quốc không có ứng dụng cho hàng tiêu dùng, không hề lưỡng dụng, mà chỉ dùng cho quân sự. Đơn giản chỉ là sản xuất vũ khí.
Hơn nữa, các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nga đang nỗ lực che giấu và bảo vệ sự hợp tác này. “Những hoạt động này phần lớn đã chuyển sang hình thức ngầm”. Ông Putin và ông Tập hy vọng rằng cả thế giới sẽ không biết. Trên thực tế, thế giới đang chuẩn bị cho một đợt phản công lớn.
Hành động hiếm có của 2 nhà lãnh đạo tình báo lớn nhất thế giới có ẩn ý gì?
Vào ngày 7 tháng 9, tờ “Financial Times” của Anh đã đưa tin rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) Bill Burns và Giám đốc Cơ quan Tình báo Anh (MI6), đã cùng tham dự một sự kiện. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Trong 77 năm hợp tác chia sẻ tình báo giữa Mỹ và Anh, đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai bên cùng xuất hiện tại một sự kiện công khai. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô, họ cũng không làm điều này. Điều này cho thấy tình hình an ninh toàn cầu hiện tại cực kỳ bất ổn. Họ cảnh báo rằng trước tiên, trật tự thế giới đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Đe dọa hạt nhân của ông Putin không nên là điều có thể ngăn cản việc hỗ trợ Ukraina.
Nghĩa là, phương Tây nên nghiêm túc đối mặt với những mối đe dọa này, nhưng không nên để bị đe dọa bởi các lời uy hiếp của ông Putin. Cuối cùng, điều đáng nhấn mạnh là coi Đảng Cộng sản Trung Quốc là thách thức chính về tình báo và địa chính trị trong thế kỷ này.
Một góc nhìn khác mà mọi người có thể suy nghĩ là, điều này không phải là hiếm gặp sao? Khi những người như Burns và Moore bắt đầu xuất hiện công khai, đó là vì họ cảm thấy bị những ông chủ chính trị của mình bỏ qua, cảm thấy thất vọng và kết luận rằng chỉ có cách công khai lên tiếng mới có hiệu quả.
Washington, London, Matxcova hoặc Kyiv có thể không có sự khác biệt trong việc tiếp nhận thông tin về những gì xảy ra trên chiến trường Nga-Ukraina. Nhưng tại sao Toà Bạch Ốc lại có nhiều lo ngại và trì hoãn khi sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga? Tại sao họ lại chọn cách bỏ qua những thông tin này một cách chọn lọc, thậm chí cả những người đứng đầu tình báo cũng bị bỏ qua? Mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraina là gì? Vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến này rất rõ ràng: đó là kẻ thúc đẩy chiến tranh. Vậy tại sao phương Tây vẫn chưa có được hình phạt thích đáng đối với họ ngoài các biện pháp trừng phạt hạn chế? Ông Giang Phong đặt câu hỏi trong chương trình bình luận riêng của mình.
Toà Bạch Ốc thực sự đang lo lắng về điều gì? Cuộc “chiến tranh Ukraina” này thực sự cũng là “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”, đang tiến gần đến một bước ngoặt. Nghĩa là, nó có thể chỉ dừng lại trên chiến trường Nga-Ukraina, hoặc có thể thông qua sự lan tỏa của các “trục ác”, kéo Trung Đông và Viễn Đông vào, biến nó thành một cuộc chiến tranh thế giới theo đúng nghĩa. Sức ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và khả năng xuất khẩu văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vượt xa những gì được biết đến bề ngoài.
Ông Giang cảnh báo, hãy nhìn vào sự phân bố của các đường dây liên lạc ngầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở châu Âu, Mỹ và Australia, thâm nhập vào các cơ quan về lập pháp và hành chính quốc gia. Cuộc chiến thông tin của Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc, phối hợp với các phương tiện truyền thông chính thống ở phương Tây, đã đạt đến mức công khai. Nhiều phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ và châu Âu đều là những kênh truyền tải câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc, ca ngợi sự phát triển thịnh vượng của Trung Quốc, sự dũng cảm và bất khả xâm phạm của Nga, cũng như câu chuyện bi thảm của Palestine.
Ông Giang cho rằng, hai nhà lãnh đạo tình báo lớn của thế giới đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng như vậy, trong khi các nhà lãnh đạo Anh-Mỹ lại do dự, chậm chạp và yếu đuối, điều này đã buộc họ phải hợp tác để công khai báo cáo. Những sự thật họ tiết lộ cũng rất khắc nghiệt, đó là ngay cả khi NATO nói rằng “chúng tôi sẽ làm hết sức mình” để “giúp cải thiện khả năng phòng không của Ukraina”, tức là “cam kết” cung cấp thêm 200 xe M113, ngay cả khi gần đây đã thông báo sẽ “giao” tất cả các hệ thống phòng không Patriot, thì hai nhà lãnh đạo tình báo đều nói rằng, cho dù như vậy, khả năng phòng không của Ukraina cũng sẽ không được cải thiện đầy đủ.
Điều đó có ẩn ý gì? Thứ nhất, “nhiều thiết bị phòng không” không đồng nghĩa với “nhiều tên lửa đối không”. Có thiết bị đó nhưng bạn không có khả năng tấn công máy bay và máy bay không người lái của đối phương thì có ích gì? Thứ hai, các quốc gia phương Tây hoàn toàn không thể cung cấp thêm nhiều tên lửa đối không, vì sản lượng còn chưa đủ lớn. Đây là lý do tại sao cuộc chiến Nga-Ukraina trở thành bước ngoặt biến thành cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đều đang tham gia, dù công khai hay giấu diếm, họ vẫn đang đấu với phương Tây.
Phương Tây có nhiều công nghệ và sức mạnh quốc gia hơn, nhưng các quốc gia mà ông Giang cho là thuộc “trục ác” lại có ít sức cản từ xã hội và nhân dân hơn. Các nhà độc tài có thể làm những gì họ muốn, và dân chúng thậm chí thể hiện sẵn sàng hy sinh bản thân để hỗ trợ cho cuộc chiến vô nghĩa giữa Nga và Ukraina, thậm chí sẵn lòng gây ra những điểm nóng xung đột mới xung quanh mình để phân tán sức mạnh quân sự của phương Tây. Các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, những hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Đài Loan và Biển Đông, cũng như những mối đe dọa của Iran đối với Israel đều đang chực chờ bùng nổ.
Hai ông Burns và Moore vô vọng phát đi những cảnh báo công khai rằng phương Tây không chắc chắn đã thắng. Họ nhận thấy rằng sự hỗ trợ cho Ukraina đang gặp khó khăn, trong khi sức mạnh của những thực thể như Đảng Cộng sản Trung Quốc còn mạnh mẽ hơn cả thời Liên Xô. Báo cáo chiến lược do chính phủ ông Biden trình lên tuy là bí mật, nhưng chúng ta có thể dựa vào những thông tin đã được tiết lộ trong quá khứ để phân tích. Ít nhất, chiến lược này có thể sẽ nhấn mạnh rằng mục tiêu của Mỹ là “mong muốn thấy một Ukraina dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng, với khả năng ngăn chặn và chống lại sự xâm lược tiếp theo”.
Tuy nhiên, việc giành chiến thắng trong chiến tranh và giành hòa bình là hai điều rất khác nhau. Một điều mà chính phủ ông Biden rất coi trọng là duy trì liên minh quốc tế ủng hộ Ukraina, cả về quân sự và kinh tế. Ngay cả khi không thể mở rộng quy mô và nâng cao tốc độ, cũng phải duy trì sự hỗ trợ này. Nhưng đó chính là điều mà hai người đứng đầu tình báo muốn cảnh báo.
Hiện tại, khả năng sản xuất của phương Tây không đủ để đáp ứng yêu cầu phòng không đầy đủ của Ukraina, trong khi sự hỗ trợ mà Nga nhận được lại liên tục tăng cường. Vậy thì, điều thứ hai là gì? Bạn hãy nhanh chóng sản xuất đi, đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, xây dựng lại kho dự trữ chiến tranh của Mỹ. Chính phủ Công đảng Anh đã nghiên cứu cách tái thiết nền kinh tế thời chiến, đồng thời thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt và hành động bí mật để can thiệp vào sản xuất quốc phòng, bao gồm cả của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Giang Phong nhấn mạnh một lần nữa, chiến lược giành chiến thắng và chiến thắng trong chiến tranh là hoàn toàn khác nhau. Chiến lược giành chiến thắng trong chiến tranh của ông Biden gặp khó khăn, và cũng giống như sự hạn chế trong việc sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga, vũ khí đã được cho đi nhưng vẫn đầy lo lắng và hành động chậm chạp. Điều đó không phải là giành chiến thắng trong chiến tranh mà là kéo dài hoặc thậm chí mở rộng chiến tranh.
Còn ông Trump thì sao? Theo ông Giang Phong, ông Trump là người của hoà bình. Hòa bình của ông đến quá nhanh và đơn giản trong một ngày (ông Trump từng đề cập là sẽ khiến cuộc chiến ở Ukraina chấm dứt tron 24 giờ). Tuy nhiên theo ông Giang Phong, hòa bình không trải qua thử thách của chiến tranh sẽ trở nên quá rẻ mạt và sẽ mang theo hàng loạt vấn đề về trách nhiệm tái thiết sau chiến tranh, cũng như các vấn đề chính trị không rõ ràng liên quan đến việc xử lý tội phạm chiến tranh.