Trong bối cảnh đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận ở mức độ cao về vấn đề ứng phó với ĐCSTQ.

Tuần này, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một gói gồm một loạt các dự luật chống lại ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc, củng cố động thái lưỡng đảng nhằm bảo đảm Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường thế giới.

Những nỗ lực này bao gồm việc cấm phi cơ không người lái do Trung Quốc sản xuất, hạn chế các công ty công nghệ sinh học có liên hệ với Trung Quốc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, tăng cường các biện pháp trừng phạt và thắt chặt quan hệ với các nước châu Á. 

Chiến dịch nhắm vào Bắc Kinh tuần này cho thấy, việc kiềm chế quyền lực của Trung Nam Hải đã nổi lên như một vấn đề hiếm hoi có sự đồng thuận chính trị tại Mỹ.

Một dự luật gây bàn tán là tìm cách khôi phục chương trình thời cựu Tổng thống Donald Trump nhằm xóa sổ hoạt động do thám của Bắc Kinh tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Mỹ. Tất cả các dự luật vẫn cần được Thượng viện chấp thuận.

Dân biểu đảng Cộng hòa John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện chuyên trách các vấn đề về Trung Quốc, cho biết:

“Hạ viện đã gửi một thông điệp mạnh mẽ, lưỡng đảng tới ĐCSTQ: Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói các biện pháp này sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương và lợi ích của Hoa Kỳ. 

Phát ngôn viên Đại sứ quán Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu 刘鹏宇) cho biết: 

“Trung Quốc lên án và kiên quyết phản đối điều này và đã đệ trình các kiến nghị nghiêm túc lên phía Hoa Kỳ”.

Các dự luật tập trung vào rất nhiều chủ đề chính:

Cụ thể, về mặt công nghệ. Công nghệ chiếm ưu thế trong các dự luật này, phản ánh cách tiếp cận “tập trung cao độ” nhằm hạn chế sự lan truyền công nghệ của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, và ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các sáng kiến của Hoa Kỳ, theo ông Craig Singleton, thành viên cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu mang tên Sáng hội Bảo vệ Các nền dân chủ.

Hạ viện cũng thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn tiền liên bang chảy vào năm công ty công nghệ sinh học có quan hệ với Trung Quốc, được mô tả là cần thiết để bảo vệ dữ liệu sức khỏe của người Mỹ, và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh về mặt nguồn cung cấp y tế của Hoa Kỳ.

Vì lý do an ninh quốc gia, một dự luật khác được Hạ viện thông qua sẽ cấm các thiết bị từ nhà sản xuất phi cơ không người lái DJI của Trung Quốc, một công ty thống trị trên thị trường toàn cầu.

Dân biểu Cộng hòa Elise Stefanik chỉ ra rằng:

“Việc cho phép phi cơ không người lái DJI giá rẻ một cách giả tạo độc quyền bầu trời của chúng ta đã tàn phá ngành sản xuất phi cơ không người lái của Hoa Kỳ, và để đôi mắt của kẻ thù chiến lược lớn nhất của chúng ta dòm ngó trên bầu trời của chúng ta”.

Để vá lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu, Hạ viện đã thông qua một sửa đổi mà những người ủng hộ cho rằng sẽ cắt đứt quyền truy cập từ xa của Trung Quốc — chẳng hạn như thông qua các dịch vụ điện toán đám mây — vào công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ để phát triển trí tuệ nhân tạo và hiện đại hóa quân đội của mình.

Về thực trạng gián điệp tại trường học, một dự luật được thông qua sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hạn chế hoạt động do thám của Bắc Kinh đối với sở hữu trí tuệ và các tổ chức học thuật của Hoa Kỳ, cũng như truy tố những người tham gia vào hành vi trộm cắp bí mật thương mại, tin tặc và gián điệp kinh tế.

Đây là nỗ lực của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện nhằm khôi phục Sáng kiến Trung Quốc, một chương trình thời ông Trump nhằm hạn chế hoạt động do thám của ĐCSTQ tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Hoa Kỳ. 

Sáng kiến này đã kết thúc vào năm 2022 sau nhiều lần truy tố không thành công các nhà nghiên cứu, và sau những lo ngại rằng sáng kiến này đã thúc đẩy việc phân biệt chủng tộc và sắc tộc.

Một dự luật gây tranh cãi khác sẽ hạn chế tài trợ của liên bang cho các trường đại học có viện văn hóa do chính phủ Trung Quốc tài trợ, hoặc các chương trình liên kết với một số trường học Trung Quốc.

Dân biểu đảng Cộng hòa Michael Guest, gọi ảnh hưởng của Bắc Kinh bên trong các trường học Hoa Kỳ là một trong những điểm yếu rõ ràng nhất của Hoa Kỳ.

Về lĩnh vực đất nông nghiệp và ô tô điện, một số nhà lập pháp Dân chủ cũng nêu lên mối lo ngại về một dự luật quy định các giao dịch mua bán đất liên quan đến công dân từ Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Iran là các giao dịch “nên được báo cáo”.

Dự luật cũng sẽ bổ sung Bộ trưởng nông nghiệp vào Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Hoa Kỳ, nơi xem xét các tác động đến an ninh quốc gia của các giao dịch nước ngoài.

Dân biểu Đảng cộng hòa, Dan Newhouse cho biết, Bắc Kinh “đã âm thầm mua đất nông nghiệp của Hoa Kỳ với tốc độ đáng báo động, và dự luật này là một bước quan trọng để đảo ngược xu hướng đó”.

Trung tâm Luật Nông nghiệp Quốc gia Mỹ ước tính có 24 tiểu bang đã cấm hoặc hạn chế người nước ngoài và các doanh nghiệp, hoặc chính phủ nước ngoài không được sở hữu đất nông nghiệp tại Mỹ. 

Sự quan tâm này xuất hiện sau khi một tỷ phú Trung Quốc mua hơn 130.000 mẫu Anh gần một căn cứ Không quân Hoa Kỳ ở Texas, và một công ty Trung Quốc khác tìm cách xây dựng một nhà máy ngô gần một căn cứ Không quân ở bang Bắc Dakota.

Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một nỗ lực nhằm loại trừ ô tô điện của Trung Quốc khỏi việc nhận được tín dụng thuế dành cho xe sạch. 

Dân biểu Jason Smith, một đảng viên Cộng hòa, cho biết: “Các gia đình lao động của Hoa Kỳ không nên bị buộc phải trợ cấp cho một quốc gia mà nhiều thập niên thực hành thương mại không công bằng và có bao cấp của chính phủ, đã dẫn đến làm mất việc làm, đóng cửa các nhà máy, và làm suy yếu cộng đồng tại địa phương của họ”.

Đặc biệt, về ngoại giao, Hạ viện Mỹ đã ủng hộ một số biện pháp nhằm tăng cường lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh, và thắt chặt quan hệ với các nước Châu Á – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc.

Một dự luật có thể dẫn đến việc đóng cửa các văn phòng đại diện của Hong Kong tại Hoa Kỳ bằng cách tước bỏ các đặc quyền ngoại giao của họ, nếu lãnh thổ này bị coi là đã bị Bắc Kinh tước mất quyền tự chủ.

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết những lo ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh, một nghị quyết đã được thông qua tại Hạ viện nhằm công nhận tầm quan trọng của việc hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngoài ra, trong ngoại giao, vấn đề Đài Loan là một điểm đáng chú khác. Hạ viện Mỹ đã thông qua ‘Đạo luật ngăn chặn xung đột Đài Loan’.

Một số nhà phân tích cho rằng để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan, việc công bố và phong tỏa tài sản của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ sẽ hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Lâm Giai Long, cho biết hôm 10/9, luật này sẽ ngăn chặn mạnh hơn sự bành trướng của ĐCSTQ và duy trì sự ổn định, an ninh tại eo biển Đài Loan. 

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua/李元华), một học giả người Úc gốc Hoa, nói với báo Sound of Hope rằng, một khi dự luật này được thực thi, nó chắc chắn sẽ đóng vai trò răn đe cuộc tấn công Đài Loan của ông Tập Cận Bình. 

Ông nói: “Thực ra Bắc Kinh không quan tâm nhiều đến các biện pháp trừng phạt quốc gia. Dù bị mất thể diện và bị ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với các đảng viên ĐCSTQ, vì đó không phải là một người mà là toàn bộ hệ thống quan chức tham nhũng, thì họ là rất quan tâm.

Trên thực tế, bản thân ông Tập Cận Bình và người thân của ông cũng không tránh khỏi việc có tài sản ở nước ngoài. 

Con số này và những người liên đới là rất lớn. Một khi các khối tài sản được công bố, và các tổ chức tài chính Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt, thì những người bị công bố không những bị vạch trần những việc xấu họ đã làm, mà số tiền tham nhũng mà họ nắm giữ sẽ sớm bị đóng băng và không thể sử dụng được nữa.

Đây là điều họ quan tâm, và thực sự có tác động lớn nhất đến họ”.

Học giả Lý chỉ ra rằng, điều này sẽ khiến hệ thống ĐCSTQ sụp đổ nhanh hơn. 

Ông cho hay, trên thực tế, không ai trong ĐCSTQ là không tham nhũng. Và sau khi họ tham nhũng, họ chắc chắn sẽ đưa tiền của mình vào các nước phát triển, vì họ biết rằng chỉ những nước dân chủ mới có được sự bảo vệ pháp lý. 

Theo ông Lý, dự luật này sẽ giáng một đòn nặng nề vào ĐCSTQ.