“Khả năng răn đe tổng hợp” của Hoa Kỳ chống lại ĐCSTQ gần đây đã tiến bộ liên tục trên ít nhất hai khía cạnh, giáng một đòn nặng nề cho Bắc Kinh. Chuyên gia nhận định rằng, chính quyền Trung Quốc ngoài việc phát ngôn mạnh mẽ và khẩu chiến ra, hoàn toàn không có biện pháp đối phó hiệu quả nào.
“Khả năng răn đe tổng hợp” của Hoa Kỳ chống lại ĐCSTQ gần đây đã tiến bộ liên tục trên ít nhất hai khía cạnh, giáng một đòn nặng nề cho Bắc Kinh.
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Vương Hách (王赫) đã phân tích 2 tiến bộ mới nhất này của Hoa Kỳ, đồng thời cho rằng, chính quyền Trung Quốc ngoài việc phát ngôn mạnh mẽ và khẩu chiến ra, hoàn toàn không có biện pháp đối phó hiệu quả nào.
Sau đây là những nội dung chính trong bài bình của ông.
Thứ nhất, tên lửa tầm trung đã được khai triển tạm thời tại Philippines và chuẩn bị khai triển tại Nhật Bản
Vào ngày 4 tháng 9, Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Christine Wormuth cho biết, trong chuyến thăm Tokyo vào đầu tháng 8, bà đã thông báo với Nhật Bản rằng, như một phần của cuộc tập trận quân sự, quân đội Mỹ mong muốn khai triển hệ thống tên lửa tầm trung “Typhon” tại Nhật Bản. Cũng vào đầu tháng 8, một phái đoàn của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã thăm căn cứ quân sự liên hợp Lewis-McChord ở tiểu bang Washington, điều này được coi là nền tảng cho việc khai triển ở Nhật Bản. Các nhà lập pháp của cả hai đảng ở Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc khai triển “Typhon” tại Nhật Bản.
Quân đội Hoa Kỳ lần đầu được bàn giao “Typhon” vào cuối năm 2022, là một phần của chương trình “Hỏa lực chính xác tầm xa” của quân đội Mỹ, chủ yếu được sử dụng để phóng tên lửa hành trình “Tomahawk” hoặc tên lửa “SM-6” tấn công các mục tiêu mặt đất, với tầm bắn tối đa khoảng 1800 km. Điều này có nghĩa là nếu Typhon được trai triển ở Nhật Bản, thì toàn bộ khu vực xung quanh Bắc Kinh đều nằm trong tầm bắn, làm tăng cường đáng kể khả năng răn đe đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kể từ năm 2017, quân đội Mỹ đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi để kiềm chế tham vọng quân sự của Trung Quốc. Trong đó, quân đội đã bắt đầu thành lập các “Đơn vị tác chiến đa miền” (MDTF) mới, với hệ thống phóng tên lửa mặt đất tầm trung (Mid-Range Capability, MRC), chính là “Typhon”. Khi Trung Quốc từ chối tham gia Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga, từ chối đàm phán kiểm soát vũ khí thực chất với Mỹ và xây dựng kho tên lửa tầm trung lớn nhất thế giới (cùng với các yếu tố Nga), Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF vào tháng 8 năm 2019.
Trên thực tế, Mỹ luôn tìm cách khai triển tên lửa tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm phá vỡ cái gọi là “ưu thế tên lửa tầm trung” của Trung Quốc (Trung Quốc đã đe dọa Mỹ bằng cách gọi các tên lửa chưa từng qua thực chiến như Đông Phong-21D, Đông Phong-26 là “gói chuyển phát cho hàng không mẫu hạm”, “gói chuyển phát cho Guam”).
Ngay từ năm 2016, Tập đoàn nghiên cứu, phân tích quân sự cho quân đội Hoa Kỳ RAND đã đề xuất rằng Hoa Kỳ nên củng cố quan hệ chính trị và quân sự với các quốc đảo Thái Bình Dương và các nước Đông Nam Á, mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ trong thời chiến (nếu có). Việc cần thiết là làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng với Philippines và Việt Nam, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt với các nước phía nam Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia. Điều này sẽ mang lại cho quân đội Mỹ chiều sâu chiến lược lớn hơn và nhiều lựa chọn hơn.
Vào tháng 4 năm nay, Tư lệnh Quân đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, ông Charles Flynn đã xác nhận trong cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông như Yonhap rằng, quân đội Mỹ sắp khai triển tên lửa phòng không “SM-6” và tên lửa hành trình “Tomahawk” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Mặc dù Tướng Flynn không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể của việc khai triển, nhưng trong tháng 4, như một phần của cuộc tập trận “Lá chắn 24” (hay Salaknib24), Đơn vị tác chiến đa miền số 1 của quân đội Mỹ đã gửi các bệ phóng tên lửa “Typhon” đến Philippines và tạm thời khai triển ở đảo Bắc Luzon (quân đội Philippines dự kiến sẽ trả lại cho Mỹ vào tháng 9). Đây là lần đầu tiên Mỹ khai triển tên lửa mặt đất ra nước ngoài kể từ khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Nếu tên lửa tầm trung của Mỹ có thể được khai triển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, v.v.), tạo thành khả năng tấn công chiến lược tầm xa ở tiền tuyến, điều này sẽ ngăn chặn hải quân và không quân Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất hoặc tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời có tác dụng răn đe Trung Quốc trong việc phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông.
Thứ hai, liên minh an ninh Úc-Anh-Mỹ ‘AUKUS’ sắp mở rộng
Vào ngày 13 tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair đang thăm Nhật Bản cho biết, Canada đang tham gia vào các cuộc đàm phán gia nhập liên minh an ninh “AUKUS”. Điều này đã phần nào xác nhận các thông tin trước đó của truyền thông về việc Nhật Bản và Canada có khả năng gia nhập “giai đoạn thứ hai” của thỏa thuận AUKUS vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Vào tháng 9 năm 2021, ba nước Úc, Anh và Mỹ lần đầu tiên công bố thỏa thuận AUKUS. “Giai đoạn thứ nhất” của thỏa thuận là Mỹ và Anh sẽ giúp Úc xây dựng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. “Giai đoạn thứ hai” là ba nước sẽ phát triển công nghệ quân sự tiên tiến trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, tên lửa siêu thanh và công nghệ lượng tử; thực tế bao gồm hầu hết các lĩnh vực công nghệ cao, và trong tương lai có thể mở rộng sang các lĩnh vực thử nghiệm vũ khí chung, chia sẻ dữ liệu tình báo và nhiều lĩnh vực khác.
Hiện tại, dự án tàu ngầm hạt nhân đã đạt được tiến bộ đáng kể. Vào tháng 3 năm 2023, lộ trình hợp tác tàu ngầm hạt nhân đã được công bố, nêu rõ phương thức “khai triển trước, bán sau, rồi mới xây dựng” theo “ba bước”. Vào tháng 6 năm 2024, một số thông số kỹ thuật của tàu ngầm đã được công bố, cho biết loại tàu ngầm này sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh thế hệ mới, tăng cường khả năng tấn công tầm xa; so với tàu ngầm lớp Virginia mua từ Mỹ, nó sẽ có khả năng chiến đấu mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, AUKUS đang tích cực thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên.
Vào đầu tháng 2 năm nay, New Zealand và Úc đã tổ chức cuộc hội đàm “2+2” đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng tại Melbourne. Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng New Zealand Winston Peters cho biết sau cuộc hội đàm rằng, nước này sẽ tìm cách thiết lập mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Úc và xem xét khả năng gia nhập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc “AUKUS.”
Vào tháng 3, tờ The Guardian của Anh tiết lộ rằng New Zealand đã bày tỏ ý định xem xét việc tham gia phần không hạt nhân của AUKUS. (New Zealand, Canada và Úc-Anh-Hoa Kỳ đã thành lập một liên minh tình báo từ hàng chục năm trước – “Liên minh Ngũ Nhãn”, và cả năm quốc gia này đều thuộc dân tộc Anglo-Saxon.)
Vào ngày 10 tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tổ chức họp báo chung với Tổng thống Mỹ Biden tại Washington, công bố “sự nâng cấp quan trọng nhất kể từ khi thành lập liên minh Mỹ-Nhật”. Ông Biden cho biết, “chúng tôi đang khám phá cách Nhật Bản có thể tham gia vào giai đoạn thứ hai của quan hệ đối tác an ninh ‘AUKUS’ với Úc và Anh”. Điều này được coi là lời mời chính thức từ liên minh AUKUS tới Nhật Bản.
Vào tháng 5, tờ Globe and Mail của Canada dẫn lời hai quan chức chính phủ cho biết Canada đang tìm cách gia nhập phần không hạt nhân của AUKUS, vì lý do đó, Bộ Ngoại giao và Nội các đang chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận.
Theo báo cáo của đài ABC vào ngày 26 tháng 6, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Toà Bạch Ốc Kurt Campbell cho biết, AUKUS đang đàm phán với các quốc gia khác về việc tham gia vào giai đoạn thứ hai của thỏa thuận. Ông không tiết lộ nội dung cụ thể, chỉ cho biết có nhiều quốc gia quan tâm.
Hiện nay, có vẻ như việc mở rộng “AUKUS” đã trở thành điều chắc chắn. Nếu New Zealand và Canada gia nhập “giai đoạn hai” của AUKUS, thì “Liên minh Ngũ Nhãn” và AUKUS sẽ có sự giao thoa lớn, giúp giải quyết vấn đề chuyển đổi của “Liên minh Ngũ Nhãn” (Trung Quốc từng lôi kéo New Zealand nhằm ngăn chặn “Liên minh Ngũ Nhãn” coi Trung Quốc là mối đe dọa chính), đồng thời Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia AUKUS, không chỉ có thể siết chặt gọng kìm với Trung Quốc trong lĩnh vực chip, mà còn làm cho Trung Quốc tụt lại xa hơn trong các công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, khả năng sản xuất vũ khí của Hàn Quốc (nước này đang đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới) và tiềm năng công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản kết hợp với sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ tạo thành một liên minh quân sự khổng lồ, mang lại lợi thế rõ rệt so với Trung Quốc.
Kết luận
Chuyên gia Vương Hách cho rằng, đối mặt với việc Mỹ sẽ khai triển hệ thống “Typhon” tại Nhật Bản và mở rộng AUKUS, Trung Quốc ngoài việc phát ngôn mạnh mẽ và khẩu chiến ra, hoàn toàn không có biện pháp đối phó hiệu quả nào. Trên bình diện quốc tế, họ chỉ có thể ôm chặt Nga hơn (ví dụ, vào tháng 9, có cuộc tập trận quân sự chung Trung-Nga mang tên “Bắc Bộ: Liên hợp-2024” diễn ra trên Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk). Tuy nhiên, cuộc chiến Nga-Ukraina đã làm giảm uy tín quân sự của Nga, mà Trung Quốc vẫn tiếp tục làm như vậy, theo chuyên gia Vương Hách, đó là một quyết định không sáng suốt.