Hơn 100 người Triều Tiên đã mất tích sau khi bị cảnh sát mật bắt giữ vào lúc họ đang cố gắng đào tẩu khỏi đất nước bị cô lập này, hoặc thậm chí khi đang cố gắng gọi điện cho người thân ở Hàn Quốc, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Seoul cho biết hôm 31/10.
Nhóm công tác công lý chuyển tiếp đã công bố báo cáo nêu chi tiết về các mô hình mất tích cưỡng bức, thông qua nghiên cứu dựa trên các cuộc phỏng vấn với 62 người Triều Tiên trốn thoát tại Hàn Quốc.
Hàng chục nghìn người Triều Tiên đã đào tẩu trong nhiều thập niên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng một hiệp định đình chiến, nhiều người trong số họ bị bắt hoặc hồi hương đã bị đưa đến các trại tù hoặc các cơ sở giam giữ khác trước khi được thả.
Nhóm công tác công lý chuyển tiếp cùng với các tổ chức quốc tế khác đã xác định được 113 người trong 66 vụ mất tích.
Trong số 113 người, thì 80% tương đương 90 người, đã bị bắt giữ trong lãnh thổ Triều Tiên, và phần còn lại bị bắt ở Trung Quốc hoặc Nga, và khoảng 30% trong số họ đã mất tích kể từ khi lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011.
Gần 40% trong số họ đã mất tích sau khi bị bắt vào lúc họ đang cố gắng trốn khỏi đất nước, trong khi 26% chịu trách nhiệm về tội ác của một thành viên gia đình khác.
Gần 9% bị cáo buộc liên lạc với những người ở Hàn Quốc hoặc các quốc gia khác.
Theo báo cáo, hơn 81% đã biến mất sau khi bị chuyển đến và bị giam giữ bởi Bộ An ninh Nhà nước, chính là lực lượng cảnh sát mật của Triều Tiên.
Một người được phỏng vấn đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2018 từ thành phố biên giới Hyesan giáp Trung Quốc cho biết, bạn của anh đã bị Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên bắt giữ, khi đang cố gắng thu hồi một chiếc điện thoại di động Trung Quốc được giấu trong núi và hiện có tin đồn là đã thiệt mạng.
Người trả lời phỏng vấn được trích dẫn trong báo cáo nói rằng: “Khi Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên tìm thấy hồ sơ cuộc gọi với Hàn Quốc, những người liên quan sẽ bị coi là những tội nghiêm trọng”.
Kang Jeong-hyun, giám đốc Dự án công tác công lý chuyển tiếp, cho biết báo cáo này nhằm mục đích nhấn mạnh những vụ mất tích cưỡng bức do chế độ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện, là tội phạm xuyên quốc gia, có sự tham gia của Trung Quốc và Nga.
Báo cáo được công bố chỉ vài ngày trước khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chuẩn bị ban hành Đánh giá định kỳ phổ quát 5 năm một lần về Triều Tiên.
Liên Hợp Quốc ước tính có tới 200.000 người bị giam giữ trong một mạng lưới trại lao động khổ sai rộng lớn do Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên điều hành, nhiều người trong số họ bị giam vì lý do chính trị.
Một báo cáo năm 2014 của Ủy ban điều tra Liên Hợp Quốc cho biết các tù nhân phải đối mặt với tra tấn, hãm hiếp, lao động cưỡng bức, chết đói và bị các hình thức đối xử vô nhân đạo khác.
Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án những người đào tẩu là “cặn bã của loài người”, và chế độ ông Kim Jong-un đã thắt chặt kiểm soát biên giới hơn nữa trong vài năm qua.
Tháng này, Hiệp hội Nghiên cứu Nhân quyền Triều Tiên đã bác bỏ báo cáo của Liên Hợp Quốc về các hành vi vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng, bao gồm cả tình trạng mất tích cưỡng bức, gọi đó là “bịa đặt” và là âm mưu của phương Tây nhằm leo thang đối đầu, và làm hoen ố hình ảnh của chính quyền ông Kim.
Bắc Kinh phủ nhận có người đào tẩu Triều Tiên ở Trung Quốc, thay vào đó mô tả họ là những người di cư kinh tế bất hợp pháp.