Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc gồm hơn 200 nhà lập pháp đến từ 40 quốc gia, tập trung vào việc đối đầu với các hoạt động tàn ác của chế độ Trung Quốc, chẳng hạn như vi phạm nhân quyền, đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Đài Bắc vào cuối tháng 7.

Sự kiện có sự tham dự của 49 thành viên IPAC từ 24 quốc gia, đánh dấu đoàn đại biểu quốc hội nước ngoài lớn nhất đến thăm hòn đảo tự trị này.

Trước hội nghị thượng đỉnh, IPAC tiết lộ rằng Bắc Kinh đã cố gắng ngăn cản các thành viên IPAC đi đến Đài Loan. Một số người sau khi đến hội nghị thượng đỉnh Đài Bắc trở về đã bị chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu ở quốc gia của họ.

IPAC cho biết: “Việc can thiệp chính trị và đe dọa liên quan ĐCSTQ trong những ngày gần đây, nhắm cụ thể vào các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh IPAC 2024, là một loạt hành động vụng về và công khai mang tính cưỡng ép nhắm vào đại diện được bầu cử một cách dân chủ”.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị quốc đảo này. Chế độ này không dung thứ cho bất kỳ viên chức chính phủ hoặc nhà ngoại giao nước ngoài nào tiếp xúc với các viên chức Đài Loan.

Chỉ có 12 quốc gia —bao gồm Haiti, Guatemala, Paraguay, Palau và Eswatini—công nhận Đài Loan là một quốc gia và có quan hệ ngoại giao chính thức với nước này.

IPAC tuyên bố: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như bất kỳ quốc gia nào khác không có quyền đe dọa các nhà lập pháp nước ngoài vì họ có những cuộc thảo luận hoàn toàn hợp pháp về luật pháp quốc tế và sự thịnh vượng toàn cầu, cũng như không tìm cách hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà lập pháp được bầu cử một cách dân chủ”.

Sự cưỡng ép của ĐCSTQ

Chính quyền Quần đảo Solomon vào ngày 31 tháng 7 đã ra tuyên bố chỉ trích Peter Kenilorea, một thành viên đối lập hàng đầu của quốc hội (MP), vì đã tham gia hội nghị thượng đỉnh. Quốc gia Nam Thái Bình Dương này tuyên bố rằng chuyến đi là “một nỗ lực nhằm gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và nhắc lại tuyên bố lãnh thổ của ĐCSTQ đối với Đài Loan.

“Tôi thấy đáng tiếc khi chính phủ lại đưa ra tuyên bố rằng việc tôi tham gia Hội nghị thượng đỉnh của các nghị sĩ và thượng nghị sĩ có cùng quan điểm từ khoảng 24 quốc gia là nhằm mục đích gây hại cho Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, Kenilorea cho biết trong một tuyên bố được tờ báo địa phương Solomon Star đăng tải vào ngày 3 tháng 8.

Ông nói thêm: “Thay vì gây tổn hại cho Quần đảo Solomon, hội nghị thượng đỉnh đã xem xét các cách mà chúng tôi, với tư cách là các nghị sĩ quan tâm của mạng lưới IPAC, có thể tiếp tục truyền bá thông điệp tại Quốc hội của chúng tôi về những nguy cơ mà bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với quan hệ eo biển Đài Loan có thể gây ra”.