Đại Kỷ Nguyên

Iran tiếp tục gửi 60 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza

Xe tải của người Palestine xếp hàng trên Dải Gaza ở biên giới với Ai Cập để nhận hàng viện trợ nhân đạo ở Rafah ngày 21 tháng 10. (Ảnh :AP/Hatem Ali).

Iran đã gửi 60 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Ai Cập để chuyển đến Dải Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah.

Theo đài truyền hình nhà nước Iran: lô hàng viện trợ bao gồm thực phẩm, vật tư y tế và thuốc men.

Viện trợ được gửi từ Sân bay Tehran đến Ai Cập với sự phối hợp của Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran.

Sáng sớm hôm qua, một đoàn xe nhân đạo, bao gồm 20 xe tải, đã chính thức tiến vào Dải Gaza từ phía Ai Cập qua cửa khẩu biên giới Rafah. Đây là chuyến hàng viện trợ đầu tiên kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra giữa Israel và nhóm Hamas của Palestine vào ngày 7/10.

Gaza hiện đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc, trong tình trạng không có điện, nước và thực phẩm, nhiên liệu vật tư y tế ngày càng cạn kiệt.

Hãng tin Al-Qahera của nhà nước Ai Cập cho biết, chỉ có 20 xe tải đã đi vào Gaza hôm qua, trong số hơn 200 xe tải chở khoảng 3.000 tấn viện trợ vẫn đang được tập kết gần cửa khẩu trong nhiều ngày. 

Hàng trăm người nước ngoài khác cũng đang chờ đợi để vượt biên từ Gaza sang Ai Cập và thoát khỏi cuộc xung đột.

Liên Hợp Quốc cho biết, các vật dụng cứu trợ sẽ được chuyển đến cơ quan y tế Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine. 

Tuy nhiên, Cindy McCain, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, viện trợ là không đủ. Bà nói: “Tình hình ở Gaza thật thảm khốc. “Chúng ta cần rất nhiều, rất nhiều xe tải nữa và dòng viện trợ liên tục.”

Đại diện chính quyền Gaza cũng cho biết, đoàn xe số lượng hạn chế “sẽ không thể thay đổi thảm họa nhân đạo”, đồng thời kêu gọi thiết lập một hành lang an toàn hoạt động liên tục suốt ngày đêm.

Chuyến xe cứu trợ đầu tiên khởi hành vài giờ sau khi Hamas thả 2 con tin người Mỹ. Việc thả hai con tin này liên quan đến lý do nhân đạo trong một thỏa thuận với Qatar, một quốc gia vùng Vịnh Ba Tư được xem là tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải ở Trung Đông.

Exit mobile version