Ngày 30/8 vừa qua đánh dấu 14 năm Ngày Quốc tế Tưởng nhớ các Nạn nhân bị cưỡng bức mất tích do Liên hợp quốc thành lập.
Đài RFA chỉ ra rằng, vào thời điểm này, hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý của quốc tế.
Tuy nhiên, trước thực tế là chính quyền Trung Quốc từ lâu đã sử dụng cưỡng chế mất tích như một công cụ bình thường để đàn áp những người bất đồng chính kiến, thì gia đình có các nạn nhân bị cưỡng bức mất tích vẫn đấu tranh ngoan cường và phải chịu đựng nhiều nỗi đau.
Năm 1992, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 47/133, ‘Tuyên bố về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích’, và thông qua ‘Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả những người khỏi bị cưỡng bức mất tích’ vào năm 2006.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Bắt giữ, giam giữ hoặc bắt cóc trái với ý muốn của nạn nhân, hoặc tước đoạt tự do của họ và sau đó từ chối tiết lộ số phận hoặc nơi ở của những người liên quan, hoặc từ chối thừa nhận việc tước đoạt tự do của họ, sẽ khiến những cá nhân này nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật”.
Công ước này nhằm mục đích bảo vệ tất cả mọi người khỏi nạn mất tích cưỡng bức, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn công ước và dường như đang bình thường hóa các vụ mất tích cưỡng bức.
Năm 2012, Trung Quốc sửa đổi Luật Tố tụng Hình sự và đưa ra Điều 73, quy định tính hợp pháp của việc cưỡng bức mất tích vào luật pháp quốc gia.
Theo đài RFA, hành vi này không chỉ chà đạp trắng trợn quyền con người mà còn đi ngược lại các quy định quốc tế như ‘Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc’.
Trước sự gia tăng liên tục các vụ việc liên quan đến việc cưỡng bức mất tích ở các quốc gia và khu vực trên thế giới, đặc biệt là các vụ bắt giữ và bắt cóc cấu thành các hành vi cưỡng bức mất tích, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết vào năm 2010, chỉ định ngày 30 tháng 8 là ‘Ngày Quốc tế Tưởng nhớ các Nạn nhân bị cưỡng bức mất tích’ và lễ tưởng niệm bắt đầu vào năm 2011.
Ngay trước ngày tưởng niệm, Luật sư nhân quyền Trung Quốc, Vương Vũ (王宇) một lần nữa bị cưỡng bức mất tích trên đường đến Tô Châu, tỉnh Giang Tô để tham dự phiên tòa xét xử luật sư nhân quyền Dư Văn Sinh (余文生), người bị buộc tội “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”.
Bao Long Quân (包龙军), chồng của luật sư Vương Vũ, nói với đài RFA rằng, đây không phải là lần đầu tiên bà “mất tích”.
Ông Bao cho biết, cưỡng bức mất tích là một phương pháp điển hình được ĐCSTQ sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến, và hình thức này thường thấy trong quá khứ, nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, việc áp dụng thủ đoạn trái luật này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Đài RFA chỉ ra rằng, trường hợp của luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc, Cao Trí Thịnh, còn gây chấn động hơn.
Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh được mệnh danh là “lương tâm của Trung Quốc”, đã biến mất lần thứ ba vào ngày 1/8/2017.
Đến nay, sau 7 năm mất tích, ngoại giới vẫn chưa biết tung tích của ông.
Vợ của ông Cao, bà Cảnh Hoà (Geng He), nhiều lần khóc trong đau đớn.
Bà nói: “Giống như sự mất tích của ông Cao Trí Thịnh lần này, trong 7 năm 17 ngày, không một tin tức, không một lời giải thích, không bằng miệng cũng không bằng văn bản. Chính phủ Trung Quốc cũng dùng toàn bộ bộ máy nhà nước để đối phó với những người như ông Cao, một người nói sự thật và làm việc vì nhân dân”.
Bà Cảnh Hoà cho biết, không chỉ tung tích của ông Cao không rõ ràng mà cả gia đình hơn 10 người của bà cũng bị kiểm soát, chính quyền còn tịch thu thẻ căn cước của họ.
Bà nói bà đã ở Hoa Kỳ được mười lăm năm và bà vẫn luôn không ngừng tìm kiếm ông Cao. Trong suốt 15 qua bà chỉ dám gọi một cuộc điện thoại cho bố mẹ bà.
Bà giải thích rằng, việc cắt đứt liên lạc vẫn không thể bảo vệ được các thành viên trong gia đình bà, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số.
Đài RFA chỉ ra rằng, vụ án của luật sư Cao Trí Thịnh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền và luật sư nhân quyền Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với số phận tương tự.
Cơ sở dữ liệu dữ liệu về tù nhân lương tâm ở Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1 năm 2019 đến ngày 30 tháng 8 năm nay, tổng cộng 33 người bao gồm ông Cao trí Thịnh, ‘dũng sĩ’ cầu Tứ Thông Bành Lập Phát (Peng Lifa), đã bị đưa vào tình trạng cưỡng bức mất tích.
Đồng thời, đã 29 năm kể từ khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 (Gedhun Choekyi Nyima) bị chính quyền Trung Quốc buộc phải biến mất.
Nhà báo công dân mới được trả tự do Trương Triển (张展) lại biến mất vì công việc là về nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Phóng viên Không Biên giới cũng bày tỏ lo ngại về sự biến mất của cô.
Đinh Gia Hi (丁家喜), một luật sư nhân quyền người Trung Quốc và là một trong những nhà hoạt động chính của Phong trào Công dân Mới, đã bị chính quyền Trung Quốc kết án 12 năm tù vào năm 2023 vì cái gọi là “lật đổ quyền lực nhà nước”.
Vợ của ông, bà La Thăng Xuân (罗胜春) nói với truyền thông nước ngoài rằng, chồng bà cũng bị cưỡng bức mất tích vào năm 2020.
Tổ chức nhân quyền quốc tế Safeguard Defenders từng chỉ ra rằng đến cuối năm 2021, có thể có ít nhất 40.000 trường hợp công dân bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức mất tích.
Tuy nhiên, tổ chức này cho hay, rất khó để theo dõi tất cả những phương pháp cưỡng bức mất tích được chính quyền này sử dụng. Do đó, con số thực tế về những người bị cưỡng bức mất tích có thể còn cao hơn.
Trước tình hình nhân quyền bất ổn ở Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cũng quan ngại sâu sắc về việc ĐCSTQ lạm dụng cưỡng bức mất tích.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố vào ngày 30 tháng 8:
“Cưỡng bức mất tích là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó nạn nhân thường bị nhắm đến vì bất đồng quan điểm chính trị hoặc ủng hộ nhân quyền và dân chủ, và phải chịu tổn thương do bị giam giữ hoặc mất tích vô thời hạn.
Gia đình những người bị cưỡng bức mất tích cũng vô cùng đau đớn, không biết người thân của mình đang ở đâu, còn sống hay đã qua đời. Nỗi đau mà việc cưỡng bức mất tích gây ra cho nạn nhân và gia đình họ là không thể tưởng tượng được.
Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ các nạn nhân của tội ác này trên khắp thế giới – kể cả ở Trung Quốc, nơi các thành viên tôn giáo và dân tộc thiểu số, luật sư, nhà hoạt động và những người khác đã trở thành mục tiêu;… Hoa Kỳ kêu gọi các chính phủ chấm dứt hoạt động này, và buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm, và tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người”.
Tổ chức nhân quyền China Human Rights Defenders đã ra tuyên bố kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngừng sử dụng biện pháp cưỡng bức mất tích, đồng thời ký và phê chuẩn Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích (ICPPED).
Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ Tây Tạng cũng kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt tình trạng cưỡng bức mất tích ở Tây Tạng.
Tính đến tháng 5 năm nay, theo hồ sơ từ Nhóm công tác của Liên hợp quốc về mất tích cưỡng bức (WGEID), vẫn còn 144 trường hợp cưỡng bức mất tích chưa được giải quyết ở Trung Quốc.
Theo thông báo do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đưa ra vào tháng 5 năm nay, sau đợt Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) mới nhất về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc vào tháng 1, cơ quan này đã đưa ra 428 khuyến nghị và chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ 98 khuyến nghị.
Trong số 98 đề xuất bị bác bỏ có lời kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngừng đàn áp những người bất đồng chính kiến bằng cách ép buộc mất tích.