Ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, trong hội nghị hôm 3/7 cho rằng, Nhật Bản, Hàn Quốc nên “nhớ rõ cội nguồn”, loại bỏ những ảnh hưởng của phương Tây. Phát biểu của ông Vương đã vấp phải một chỉ trích từ giới chuyên gia.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc châu Á của Quỹ George Marshall trụ sở tại Mỹ bình luận trên Twitter về phát biểu gần đây của ông Vương rằng: “Thông điệp của ông Vương Nghị sẽ không được người Nhật Bản và Hàn Quốc đón nhận. Chẳng lẽ ông ấy thực sự cho rằng lợi ích quốc gia kém quan trọng hơn vẻ bề ngoài ư?”
Trên mạng xã hội, một số học giả phương Tây cho rằng, tuyên bố của ông Vương Nghị “nhuốm màu chủng tộc” và không phản ánh đúng thực tế.
Ông Jeff M. Smith, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại tổ chức Mỹ The Heritage Foundation, viết: “Ông Vương Nghị tuyên bố người Nhật Bản và Hàn Quốc ‘không bao giờ có thể trở thành người Mỹ’, nhưng trên thực tế, nhiều người Nhật, Hàn đã nhập tịch thành công dân Mỹ và điều đó vẫn diễn ra hàng ngày. Người Nhật và Hàn là một phần của nước Mỹ”.
Ông Smith chỉ ra rằng, hàng triệu công dân Mỹ là người có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi có rất ít người Nhật, Hàn nhập tịch Trung Quốc.
Đề cập đến những chỉ trích từ các chuyên gia, học giả phương Tây với phát biểu của ông Vương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 5/7 tuyên bố “chúng tôi không thể nhất trí với những bình luận đó”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và hai nước láng giềng Đông Á xảy ra nhiều mâu thuẫn. Trung Quốc nhiều lần cảnh báo Hàn Quốc có thể đang “đặt cược sai” khi ủng hộ Mỹ, kêu gọi Seoul cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản cũng luôn trong tình trạng căng thẳng và trở nên tồi tệ hồi tháng 12/2022, khi Tokyo thông báo cải tổ chính sách an ninh, trong đó có tăng chi tiêu quốc phòng và coi Bắc Kinh là “thách thức chiến lược lớn chưa từng có”. Hai bên còn tranh cãi về vấn đề chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.