Việc Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc gặp Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ đã là một điều kỳ lạ trong nghi lễ đối ngoại, những gì ông Trương nói với ông Sullivan còn khiến chuyên gia cảm thấy kỳ lạ hơn nữa.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, đang có chuyến thăm Bắc Kinh trong những ngày này. Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, vào ngày 29 tháng 8, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Trương Hựu Hiệp (张又侠), đã lần lượt gặp ông Sullivan tại Đại lễ đường, cùng với cuộc gặp của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Cuộc gặp với ông Tập không có gì lạ, nhưng việc ông Trương Hựu Hiệp – một quan chức quân đội – lại gặp ông Sullivan thì thực sự hiếm thấy và kỳ lạ. Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy đã gặp, còn phải có cả Phó Chủ tịch Quân ủy ra tiếp đón, thật sự là một sự ưu ái lớn đối với ông Sullivan.

Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Chu Hiểu Huy (周晓辉) đã có sự hoài nghi nhất định và đưa ra những điểm mà ông cho là bất thường trong các cuộc gặp này. Sau đây là những giải thích của ông Chu.

Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên ông Trương Hựu Hiệp gặp gỡ các quan chức của chính quyền ông Biden, cũng là cuộc hội đàm đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Mỹ với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc kể từ năm 2018. Khi hai người gặp nhau, ông Trương Hựu Hiệp đã nói: “Yêu cầu của ông về cuộc hội đàm này thể hiện sự coi trọng của chính phủ Mỹ đối với an ninh quân sự và mối quan hệ giữa hai quân đội”.

Điều này cho thấy phía Mỹ đã đề xuất yêu cầu gặp ông Trương Hựu Hiệp, và đáng ngạc nhiên là Trung Quốc lại đồng ý. Tại sao lại đưa ra yêu cầu như vậy? Liệu Mỹ có cảm nhận được điều gì đó? Hay là muốn tìm hiểu về động thái của các quan chức quân đội cấp cao? Vấn đề là ông Tập Cận Bình vẫn là Chủ tịch Quân ủy. Chúng ta có thể suy nghĩ một điều: Nếu các cấp lãnh đạo cao nhất vẫn như trước đây nắm quyền lực, liệu có xảy ra tình huống đòi gặp cấp thấp hơn như vậy không?

Ngoài ra, những gì ông Trương Hựu Hiệp và ông Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp cũng có những điều đáng ngờ. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Trương khi gặp ông Sullivan đã nhắc đến cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden vào tháng 11 năm ngoái tại San Francisco và cho biết trong tháng 4 năm nay hai người đã lại có cuộc điện đàm, trong đó “chỉ ra hướng đi cho sự ổn định, phát triển lành mạnh và bền vững của quan hệ Trung-Mỹ”. Do đó, hai bên “cần thực hiện tốt sự đồng thuận giữa hai nhà lãnh đạo”, thúc đẩy “tầm nhìn San Francisco” trở thành hiện thực.

Điều kỳ lạ là, trong khi báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin về cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Sullivan, ông Tập lại không đề cập đến cuộc gặp ở San Francisco với Tổng thống Mỹ cũng như cuộc điện đàm của họ trong năm nay, mà chỉ nói chung chung rằng “trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, các quốc gia cần đoàn kết hợp tác, chứ không phải chia rẽ đối đầu”, và “mặc dù tình hình của Trung Quốc và Mỹ cũng như quan hệ Trung-Mỹ đã có nhiều thay đổi, nhưng cam kết của Trung Quốc đối với mục tiêu ổn định, phát triển lành mạnh và bền vững của quan hệ Trung-Mỹ không thay đổi… hy vọng phía Mỹ sẽ hướng về phía Trung Quốc… cùng với Trung Quốc tìm ra cách thức đúng đắn để hai cường quốc cùng tồn tại”.

Điều này rõ ràng không phải là phong cách thường thấy của ông Tập, người thường tự xưng là lãnh đạo cường quốc, mà lại có vẻ giống phong cách của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Nếu xem báo cáo chính thức sau cuộc gặp giữa ông Tập và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 26 tháng 4 năm nay, sẽ thấy sự khác biệt.

Báo cáo chỉ ra rằng trong bài phát biểu, ông Tập đã nhắc đến cuộc điện đàm gần đây với ông Biden và nội dung bài phát biểu của mình, ông nêu rõ: “đề xuất hai bên nên coi hòa bình là quý giá, ổn định là trọng yếu, và tin tưởng là nền tảng. Tôi cũng đã nhấn mạnh rằng, ‘đạt được điều lớn sẽ bao gồm điều nhỏ’. Thế giới ngày nay đang trải qua những biến đổi chưa từng có trong một thế kỷ, cách thức ứng phó với biến đổi này là câu hỏi thời đại, câu hỏi của thế giới. Câu trả lời của tôi là thúc đẩy xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh…”, ông Tập còn nói rằng “cường quốc phải có vẻ ngoài cường quốc, phải có tấm lòng rộng lớn và trách nhiệm. Trung Quốc và Mỹ nên làm gương cho điều này”.

Không chỉ vậy, ông Tập còn nhắc đến năm trụ cột mà ông đã đề xuất trong cuộc gặp ở San Francisco, cho biết “Trung Quốc hoan nghênh một nước Mỹ tự tin, cởi mở, phát triển thịnh vượng, và hy vọng phía Mỹ cũng có thể nhìn nhận tích cực về sự phát triển của Trung Quốc”.

Vậy tại sao, sau 5 tháng, ông Tập không chỉ không nhắc đến cuộc gặp với Tổng thống Mỹ năm ngoái và cuộc điện đàm năm nay, mà còn có một số ngữ điệu cũng biến mất? Bản thân không thể đề cập, mà lại để Trương Hựu Hiệp thay mình nhắc đến cuộc gặp và cuộc điện đàm, không phải là điều rất bất thường sao? Bạn có nhận ra thông điệp nào ẩn chứa trong sự bất thường này không?

Sự bất thường và kỳ quặc không chỉ thể hiện ở hai điểm đã nêu, mà còn thể hiện trong các chủ đề mà ông Trương Hựu Hiệp đề cập khi gặp ông Sullivan. Ông Trương đã nói rằng “duy trì sự ổn định trong lĩnh vực an ninh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là phù hợp với lợi ích chung của cả hai bên, cũng là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, hy vọng phía Mỹ có thể cùng với Trung Quốc nỗ lực trên con đường tôn trọng lẫn nhau, sống hòa bình và hợp tác cùng thắng”, đồng thời mong muốn phía Mỹ “trở về chính sách đối với Trung Quốc một cách lý trí và thực tiễn, thực sự tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.” Một thông điệp quan trọng mà ông Trương gửi đến Mỹ là quân đội Trung Quốc sẽ không chủ động khiêu khích và sẽ duy trì sự ổn định.

Tiếp theo, về vấn đề Đài Loan, ông Trương Hựu Hiệp nhấn mạnh “vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là đường ranh đỏ không thể vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ,” “Trung Quốc luôn cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan,” nhưng phản đối “Đài Loan độc lập” và sẽ có biện pháp đối phó, “yêu cầu phía Mỹ dừng các hoạt động quân sự với Đài Loan, dừng vũ trang cho Đài Loan và ngừng phát tán những thông tin sai lệch liên quan đến Đài Loan”. Những gì ông Trương truyền đạt là Đảng Cộng sản Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ biết điểm dừng về vấn đề Đài Loan, không chạm vào giới hạn của Trung Quốc. Nghe như thể ông ấy mới là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.

Rõ ràng, với tư cách là lãnh đạo Đảng luôn quan tâm đến vấn đề Đài Loan và không từ bỏ việc sử dụng vũ lực, đáng lẽ ông Tập phải là người truyền đạt những điều này cho ông Sullivan chứ không phải ông Trương Hựu Hiệp. Tuy nhiên, báo cáo chính thức dường như đã bỏ qua việc ông Tập nói về Đài Loan, mà công chúng lại phải suy ra từ việc truyền thông nhà nước Trung Quốc nói về phát biểu của Sullivan rằng “không ủng hộ ‘độc lập Đài Loan’”, để kết luận rằng hai bên đã đề cập đến vấn đề Đài Loan trong cuộc hội đàm.

Vậy tại sao báo chí nhà nước lại nhấn mạnh vấn đề Đài Loan trong cuộc gặp giữa Trương Hựu Hiệp và Sullivan, nhưng lại bỏ qua phát biểu của lãnh đạo Đảng? Điều này có phải rất kỳ lạ không? Rất bất thường.

Thêm vào đó, hai ông Trương Hựu Hiệp và Sullivan “cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề khác,” liệu có liên quan đến sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Nga không? Có sự thay đổi nào không? Tại sao thông tin chính thức lại tránh đề cập đến điều này?

Theo báo cáo cuộc hội đàm mà Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trích dẫn từ Toà Bạch Ốc, “các vấn đề khác” bao gồm tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở hai bờ eo biển Đài Loan mà ông Sullivan đã đề cập, cam kết của Mỹ về tự do hàng hải ở Biển Đông, lo ngại về việc Trung Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, sự cần thiết phải tránh những hiểu lầm và leo thang trong không gian mạng, cũng như những nỗ lực đang diễn ra để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin ở Gaza, tầm quan trọng của việc quân đội hai nước thường xuyên giao tiếp, v.v. Đối với điều này, báo chí nhà nước Trung Quốc lại không đề cập đến một chữ nào, tại sao lại vậy?

Sự kỳ lạ và bất thường trong cuộc gặp giữa các ông Trương Hựu Hiệp, Tập Cận Bình và Sullivan không thể không khiến người ta liên tưởng đến nhiều tin đồn trước đó. Vậy rốt cuộc, có chuyện gì lớn đang xảy ra ở Bắc Kinh?.