Ngày 13 tháng 4, theo hãng tin Bernama của Malaysia, lãnh đạo Tập Cận Bình công du Malaysia từ ngày 15 đến 17 tháng 4, cảnh sát địa phương thực hiện phong tỏa đường theo từng giai đoạn đối với 17 con đường ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, có khoảng 378 cảnh sát tham gia phong tỏa đường. 

Ngày 14 tháng 4, chính quyền Malaysia thông báo tiếp rằng, cảnh sát địa phương tổng cộng phong tỏa, kiểm soát 136 con đường và địa điểm ở Selangor và Kuala Lumpur, bao gồm các đoạn đường cụ thể giữa Nhà ga số 1 Phi trường Quốc tế Kuala Lumpur và Khách sạn DoubleTree by Hilton ở Putrajaya, cùng các đoạn đường giữa Khách sạn DoubleTree by Hilton ở Putrajaya và Cung điện Quốc gia, giữa khách sạn và Dinh Thủ tướng ở Putrajaya đều bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Chuyến công du Malaysia lần này của lãnh đạo Tập Cận Bình dường như khiến địa phương đối phó như gặp đại địch. Có tin rằng, trước và sau chuyến thăm Malaysia của lãnh đạo Tập Cận Bình, đặc vụ Trung Quốc đã bố trí quy mô lớn tại nhiều nơi ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Còn tờ Oriental Daily News của Malaysia cho biết, cảnh sát địa phương bố phòng bằng các biện pháp chống khủng bố cấp cao, còn huy động cả xe gây nhiễu vô tuyến toàn tần số, để hộ tống xe của lãnh đạo Tập Cận Bình trong suốt hành trình. Có tin đồn chiếc xe mà lãnh đạo Tập Cận Bình sử dụng trong chuyến thăm Malaysia sẽ là chiếc sedan Hồng Kỳ N701 sản xuất trong nước. Xem ra lãnh đạo Tập Cận Bình lại tự mang xe chống đạn đi công tác.

Theo thông tin công khai, Hồng Kỳ N701 được làm bằng vật liệu bọc thép đặc biệt, nên thân xe có độ bền cực cao, thậm chí có thể chống chịu được cả đòn tấn công bằng lựu đạn.

Từ ngày 13 tháng 4, các phương tiện truyền thông địa phương như Bernama TV đã lần lượt phát sóng các chương trình truyền hình do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, sản xuất, tuyên truyền về lãnh đạo Tập Cận Bình và tô hồng cho Trung Quốc.

Do Malaysia là thành viên của dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, và phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung Quốc. Nhưng dự án của Country Garden, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc, tại tiểu bang Johor của Malaysia lại bị chỉ trích vì xuất hiện các tòa nhà dở dang.

Tháng 2 năm 2025, theo báo chí Hoa ngữ thân Trung Quốc tại Malaysia, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã công khai xác nhận rằng lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ đến thăm vào tháng 4 năm nay, và sẽ mang theo phái đoàn thương mại lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm người.

Malaysia lần này rất coi trọng chuyến công du của lãnh đạo Tập Cận Bình, nhưng việc cảnh sát phong tỏa nghiêm ngặt các tuyến đường đã gây ra sự bất bình trong dân chúng địa phương.

Cư dân mạng Malaysia đua nhau chỉ trích: “Nhiều chính khách nước ngoài đến thăm Malaysia cũng không gây tốn kém và phiền hà cho dân như vậy.” “Tốn kém phiền hà cho dân, ngồi trên chiếc xe bọc thép đi khắp nơi!” “Tại sao không đi trực thăng đến, lại còn phải phong tỏa đường.”

Kể từ khi nhậm chức, lãnh đạo Tập Cận Bình rất chú trọng đến an toàn cá nhân. Có nguồn tin tiết lộ, lãnh đạo Tập Cận Bình rất lo lắng về một số lời tiên tri cổ xưa của Trung Quốc, đặc biệt là những lời tiên tri dự đoán về đảo chính cung đình và ám sát sẽ xảy ra với ông. Cũng có quan điểm cho rằng, lãnh đạo Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông có điểm chung, đó là mặc dù bề ngoài cổ xúy “thuyết vô thần”, nhưng trong thâm tâm đều có mức độ tin tưởng và kính sợ nhất định đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc hữu thần.

Biểu hiện bên ngoài của nội tâm này là, dù lãnh đạo Tập Cận Bình đi đâu, ông đều rất chú trọng đến an ninh địa phương.

Ngay cả khi công du quốc tế, lịch trình của ông cũng rất tốn kém và phức tạp.

Từ ngày 5 đến 10 tháng 5 năm 2024, lãnh đạo Tập Cận Bình công du Hungary. Theo cổng thông tin điều tra địa phương VSquare tại thủ đô Budapest của Hungary trích dẫn nguồn tin nội bộ, các biện pháp an ninh nghiêm ngặt của chính phủ thậm chí đã khiến thủ đô Hungary gần như đóng cửa.

Theo báo Up Media của Đài Loan, tháng 8 năm 2023, lãnh đạo Tập Cận Bình chuẩn bị tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi, cảnh sát Nam Phi cho biết, quy mô phái đoàn của lãnh đạo Tập Cận Bình lên tới 500 người, và đã bao trọn hai khách sạn địa phương. Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn vận chuyển toàn bộ đồ nội thất từ Trung Quốc sang một tháng trước hội nghị, bao gồm cốc chén, giường, nệm cho đến thảm trải sàn và cả rèm cửa, “(lãnh đạo Tập Cận Bình) đã hoàn toàn xây dựng lại một phòng nguyên thủ mới”.

Tháng 11 năm 2018, khi lãnh đạo Tập Cận Bình công du Papua New Guinea, đã đặc biệt vận chuyển bằng đường không hai chiếc xe chuyên dụng chống đạn sản xuất trong nước từ Trung Quốc sang. Tháng 12 cùng năm, lãnh đạo Tập Cận Bình thăm Bồ Đào Nha hai ngày, đã chi mạnh tay hai triệu euro để bao trọn tất cả các phòng của Khách sạn Ritz, còn cho mở rộng cửa nhà để xe của khách sạn để thuận tiện cho xe chống đạn của lãnh đạo Tập Cận Bình ra vào.

Cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Cố vấn Pháp luật thuộc Ban Pháp chế Nội Mông, ông Đỗ Văn (Du Wen), hiện đang sống ở châu Âu, tiết lộ trên kênh YouTube của mình rằng, khi ông còn làm việc trong hệ thống của Trung Quốc, các biện pháp an ninh cho các chuyến đi của cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã được coi là nghiêm ngặt. Bởi công tác bảo vệ của chính quyền Trung Quốc được chia thành bảo vệ vòng ngoài, bảo vệ vòng giữa và cận vệ nội bộ, cũng bao gồm ba chiều “không trung, mặt đất và lòng đất”. Ông Đỗ Văn nói, đồng nghiệp cũ của ông cho biết, an ninh của lãnh đạo Tập Cận Bình so với năm đó không biết đã tăng gấp bao nhiêu lần, có thể nói là tỉ mỉ đến từng chi tiết, săm soi từng lỗi nhỏ, mọi nguy cơ an ninh tiềm ẩn đều phải được xem xét “không một kẽ hở”.

Ông Đỗ Văn cho biết, mỗi lần lãnh đạo Tập Cận Bình đi công tác trong nước, trung ương và địa phương đều phải khởi động trước vài tháng phương án an ninh “nghiêm ngặt”, bao gồm việc kiểm tra không bỏ sót ngóc ngách nào đối với các tòa nhà, đồ đạc, không khí và môi trường dọc tuyến đường đi của lãnh đạo Tập Cận Bình. Điều phóng đại hơn nữa là, ngay cả những cây lớn mà lãnh đạo Tập Cận Bình đi ngang qua cũng phải trải qua nhiều lớp kiểm tra an ninh. Có một lần, trước chuyến thăm của lãnh đạo Tập Cận Bình, địa phương đã cho di dời một cây cổ thụ 600 năm tuổi đến địa điểm chỉ định trong đêm, sau đó vì độ vững chắc của cây này không đạt tiêu chuẩn, lại bị nhân viên địa phương di dời đi trong đêm.

Ông Đỗ Văn tiết lộ, mỗi khi lãnh đạo Tập Cận Bình đến một địa điểm nào đó, địa phương sẽ khoanh vùng cấm bay rộng vài km, và khai triển thiết bị chống UAV. Một khi UAV xâm nhập khu vực này, sẽ bị bắn hạ trực tiếp. Ngay cả trực thăng cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng, bảo đảm trong vòng 5 phút đến được khu vực nhiệm vụ được chỉ định.

Ông Đỗ Văn đề cập, tháng 7 năm 2019, lãnh đạo Tập Cận Bình đến thành phố Xích Phong, Nội Mông để thực hiện cái gọi là khảo sát, chính quyền địa phương sắp xếp cho lãnh đạo Tập Cận Bình ngồi dưới gốc cây hòe lớn trong sân một nhà nông dân để trò chuyện với dân làng. Nhưng những “dân làng” bên cạnh lãnh đạo Tập Cận Bình thực chất là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng, đã qua đào tạo hệ thống, diễn tập nhiều lần, cốt để bảo đảm không có sai sót nào vào lúc đó; còn người gọi là cán bộ thôn cũng được điều động từ một thôn khác cách đó hàng chục dặm, người phụ nữ trung niên khoảng bốn mươi tuổi hoạt bát này thực ra là đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc.

Ông Đỗ Văn cho biết, việc cung cấp các biện pháp phòng ngừa như vậy cho lãnh đạo Tập Cận Bình, ngay cả những người trong hệ thống của Trung Quốc cũng phàn nàn rằng, nơi nào lãnh đạo Tập Cận Bình đến, hoàn toàn không giống như đang ở trên lãnh thổ của mình, mà hoàn toàn là trạng thái tiến vào khu vực địch chiếm đóng, ngay cả những “diễn viên quần chúng” dường như cũng là đối tượng phòng ngừa của ông.