Đại Kỷ Nguyên

Lính Mỹ bị kỷ luật trốn sang Triều Tiên

Một binh sĩ Mỹ đang đối mặt với án kỷ luật đã trốn qua biên giới liên Triều để vào Triều Tiên hôm qua và được cho là đang bị Triều Tiên giam giữ. (Ảnh minh họa: AFP).

Một quân nhân Mỹ đang đối mặt với án kỷ luật đã trốn qua biên giới liên Triều hôm 18/7, và đang bị Triều Tiên giam giữ. Các quan chức Mỹ cho biết, điều này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng mới cho chính quyền Washington trong việc đối phó với quốc gia có vũ khí hạt nhân, theo hãng tin Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng, Lloyd Austin bày tỏ lo ngại cho người lính – người mà quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cho biết, đã tham gia chuyến tham quan định hướng tại Khu vực An ninh chung giữa hai miền Triều Tiên, và “cố ý và không được phép vượt qua Đường phân định quân sự để vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.

Quân đội Hoa Kỳ xác định người lính tên là Travis King, với cấp bậc binh nhì. Ông Austin nói rằng, có rất nhiều điều vẫn đang cố gắng tìm hiểu. “Chúng tôi tin rằng anh ấy đang bị (Triều Tiên) giam giữ và vì vậy chúng tôi đang theo dõi và điều tra chặt chẽ tình hình, đồng thời làm việc để thông báo cho người thân của người lính”, ông nói trong một cuộc họp báo.

Chuyến vượt biên của Travis King diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, với sự xuất hiện của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc trong chuyến thăm hiếm hoi nhằm cảnh báo Triều Tiên về các hoạt động quân sự của chính nước này.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết các quan chức Mỹ tại Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao và Liên Hợp Quốc đều đang làm việc để “xác định thêm thông tin và giải quyết tình huống này”.

Phái đoàn của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Những nỗ lực đào thoát sang Triều Tiên bị cô lập, độc tài là cực kỳ hiếm, mặc dù người Mỹ đã từng bị giam giữ ở đó trong quá khứ.

Bộ Ngoại giao trước nay yêu cầu các công dân Hoa Kỳ không được vào Triều Tiên “do nguy cơ bắt giữ nghiêm trọng và giam giữ lâu dài các công dân Hoa Kỳ”.

Exit mobile version