Đại Kỷ Nguyên

Lính Triều sang Nga nhờ tiền của Bắc Kinh?

Xuất hiện tài liệu cuộc họp gia đình Kim Jong Un, tiết lộ ông Tập chi tiền cho lính Triều sang Nga (Ảnh chụp màn hình).

Trong khi thông tin lính Triều Tiên sang Nga hỗ trợ cuộc chiến với Ukraina đã được xác nhận và liên tục có những tiết lộ mới, một thông tin chưa được kiểm chứng đã xuất hiện thu hút nhiều sự quan tâm. Nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ gốc Hoa, Ngô Tộ Lai (吴祚来), cho biết, một bản fax về nội dung cuộc họp gia đình của ông Kim Jong Un đã bị rò rỉ từ Bình Nhưỡng, tiết lộ Triều Tiên cử quân viện trợ Nga, và kinh phí cho việc này đến từ “Tập lão đại”. Bên cạnh đó, ông Kim cũng cho rằng Triều Tiên đang có lợi thế do cuộc chiến này, và sẽ chờ thời để lấy lại vùng Đông Bắc Trung Quốc vốn từng của Triều Tiên.

Tin tức về việc Triều Tiên cử quân viện trợ cho quân đội Nga ở vùng chiến sự Ukraina đã thu hút sự chú ý quốc tế. Theo thông tin từ những người hiểu biết về vấn đề, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiết lộ rằng, chính Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình là người đứng ra chi tiền để thuê những quân nhân Triều Tiên này.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho hay, vào ngày 23/10, Triều Tiên đã cử hơn 3.000 quân nhân đến giúp Nga tham chiến chống Ukraina. Quy mô lực lượng này dự kiến sẽ tăng lên hơn 10.000 người vào khoảng tháng 12. Thông tin này đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế về việc xung đột Nga – Ukraina có thể leo thang hơn nữa.

Khi được hỏi về việc Triều Tiên cử quân tới viện trợ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lâm Kiếm (Lin Jian), phản hồi hôm 24/10 rằng, “Trung Quốc không nắm rõ tình hình liên quan” nhưng cũng không phủ nhận. 

Ông nhấn mạnh lập trường nhất quán của Bắc Kinh về vấn đề Ukraina, “mong muốn các bên thúc đẩy hạ nhiệt tình hình và nỗ lực hướng tới giải quyết chính trị”.

Cho Han-bum (赵汉范), nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, đã mô tả việc Triều Tiên khai triển quân đội tới giúp Nga là “hành động vượt qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc”.

Nhà nghiên cứu họ Cho cho rằng, động thái này đã gây ra sự nghi ngờ trong cộng đồng quốc tế về mối quan hệ đồng minh giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga, có thể dẫn đến sự gia tăng phản cảm với Bắc Kinh trên toàn cầu, ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và giảm vị thế quốc tế của chính quyền này. 

Do đó, Bắc Kinh sẽ ở trong tình trạng rất bất mãn và lo lắng. Đồng thời, Bắc Kinh cũng lo ngại rằng mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên sẽ ấm lên, làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng, hành động này của Triều Tiên đã đặt ĐCSTQ vào một tình huống khó xử.

Khi Trung Nam Hải đang cố gắng đóng vai “sứ giả hòa bình” nhưng không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng gửi quân viện trợ cho Nga, họ cảm thấy rất khó xử. Trong bối cảnh đó, một thông tin đáng ngờ được cho là từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện trên mạng.

Nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ gốc Hoa, Ngô Tộ Lai (吴祚来), cho biết rằng, một bản fax từ Bình Nhưỡng tiết lộ Triều Tiên cử quân viện trợ Nga, và kinh phí cho việc này đến từ “Tập lão đại”.

Theo thông tin, trước khi các quân nhân Triều Tiên lên đường đến giúp Nga xâm lược Ukraina, ông Kim Jong-un đã tổ chức một cuộc họp gia đình đặc biệt. Cuộc họp này tuyên bố rằng, quốc gia đang ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng không công bố ra ngoài, chỉ những người trong gia đình mới biết.

Nhà nghiên cứu Ngô chỉ ra rằng, bài nói chuyện của ông Kim Jong-un trong gia tộc có 9 điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, ông Tập Cận Bình chi trả kinh phí cho lính đánh thuê Triều Tiên hỗ trợ Nga.

Quân đội Triều Tiên hỗ trợ Nga thực chất là lính đánh thuê quốc tế, với kinh phí do “Tập lão đại” chi trả, tổng cộng 100 triệu USD cho vật tư. Trong khi đó, Nga sẽ cung cấp công nghệ hoả tiễn trị giá 200 triệu USD, tổng cộng là 300 triệu USD, để đổi lấy 12.000 quân nhân Triều Tiên tham gia chiến trường (sẽ được điều động theo từng đợt cho đến cuối năm, sau khi được đào tạo).

Thứ 2, cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc.

Việc cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc nhằm ngăn chặn khả năng Hàn Quốc phản công Triều Tiên, cũng như ngăn chặn quân đội Triều Tiên đào tẩu sang phía Nam một cách ồ ạt.

Hôm 15 tháng 10, Triều Tiên đã phá hủy một phần đường nối giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời sử dụng thiết bị hạng nặng để thực hiện các công việc tiếp theo, nhằm chặn đứng giao thông đường bộ song phương.

Thứ 3, vị thế chính trị của Triều Tiên được nâng cao.

Triều Tiên không tham gia vào cuộc chiến tranh, và cuộc chiến tranh này có lợi cho Triều Tiên. Trung Quốc và Nga đều cần sự hỗ trợ từ Triều Tiên; Bình Nhưỡng nhận được công nghệ quân sự tiên tiến từ Matxocva và lương thực cùng tiền từ Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phân tích rằng, trong cuộc chiến này, bên hưởng lợi lớn nhất là Triều Tiên, tiếp theo là các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, trong khi Nga, Trung Quốc và Ukraina đều chịu tổn thất lớn, châu Âu cũng có mất mát. 

Nga đang đi đến thất bại, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn, vì vậy vị thế chính trị của Triều Tiên được nâng cao.

Thứ tư, đòi lại đất đai ở Đông Bắc Trung Quốc.

Giữ kín sức mạnh và chuẩn bị chờ thời, vào thời điểm thích hợp khi Nga và Trung Quốc sụp đổ, Trung Nam Hải xuất hiện sự phân rã lớn trong nội bộ, sẽ là lúc Triều Tiên thu hồi đất đai ở Đông Bắc Trung Quốc bằng cách hòa bình hoặc qua chiến tranh.

Thứ 5, ông Kim Jong-un giới thiệu với các thành viên trong gia đình về tình hình liên quan đến ĐCSTQ.

Ông Kim nói với các thành viên trong gia đình rằng, theo thông tin nhận được, trong Hội nghị Trung ương 3 vừa qua của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã phải đối mặt với sự bất mãn và phản đối mềm mỏng từ phía Trung ương Đảng và quân đội, về việc viện trợ khổng lồ cho Nga và hợp tác quân sự, dẫn đến việc ông Tập trở nên tức giận và ngất xỉu tại chỗ. Phó chủ tịch quân uỷ trung ương Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) đã có công cứu giúp vào thời điểm quan trọng, vì vậy sau hội nghị ông được trọng dụng.

Ông Tập không đủ sức để duy trì tình hình, đã viện cớ bệnh tật để trì hoãn việc viện trợ Nga, nhưng Tổng thống Nga Putin không đồng ý. Ông Tập phải viện trợ Nga về cả kinh tế và quân sự để Matxcova tiếp tục cuộc xâm lược Ukraina.

Tuy nhiên, ông Tập không dám chọc giận Mỹ, chỉ có thể vừa gửi gấu trúc đến Mỹ, vừa tiếp tục âm thầm viện trợ Nga; một trăm triệu USD cho lính đánh thuê chỉ là một phần nhỏ trong sự viện trợ cho Nga.

Ông Putin đã cảnh báo ông Tập rằng sẽ kích hoạt các vũ khí hạt nhân gần Trung Quốc, sẵn sàng tiêu diệt Bắc Kinh, chỉ cần Triều Tiên đứng về phía Nga, thì Matxcova sẽ thông qua chiến tranh để giúp Bình Nhưỡng thu hồi Đông Bắc Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un cho rằng, sự thất bại của ông Tập là điều đã được định sẵn. Quốc gia Triều Tiên cần có sự kiên định chiến lược. “Việc Tập tăng cường quân đội ở Đông Bắc không phải vì sợ Hàn Quốc xâm lược Triều Tiên, mà là vì Bắc Kinh sợ chúng ta chiếm lại Đông Bắc”.

Thứ 6, quân đội Triều Tiên đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại Quốc dân đảng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng nói với gia tộc rằng, sau Thế chiến II, trong cuộc chiến giữa ĐCSTQ và Quốc dân đảng, một phần dựa vào hơn 100.000 quân nhân Triều Tiên, phần nữa là nhờ vào vũ khí của Liên Xô. 

Nguyên soái Lâm Bưu (林彪) đã bị quân Quốc dân đảng đánh bại, quân đội còn lại rất ít. Quân đội 100.000 người được đào tạo tại Liên Xô của Triều Tiên, cộng với hàng chục nghìn người Triều Tiên ở Đông Bắc, đã trở thành lực lượng chủ lực của Quân đội Trung Quốc. 

Nếu không có quân đội Triều Tiên, ĐCSTQ sẽ không thể giành chiến thắng. Ông Kim nói, việc ĐCSTQ điều động một triệu quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là điều hợp lý; Bình Nhưỡng đã giúp họ thống nhất Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không giúp Bình Nhưỡng thống nhất 2 miền Triều Tiên. 

Do đó, ĐCSTQ nợ Bình Nhưỡng một nửa bán đảo Triều Tiên. Nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ gốc Hoa, Ngô Tộ Lai (吴祚来) đã xác minh các tư liệu lịch sử liên quan, cho thấy lời ông Kim Jong-un là chính xác, có thể tìm kiếm trên mạng.

Thứ 7, Trung Quốc là kẻ thù của Triều Tiên suốt 5.000 năm.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nói với gia đình về những ân oán lịch sử với Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của Triều Tiên trong suốt 5.000 năm. 

Ông nhắc đến thời Xuân Thu, khi người Triều Tiên trực tiếp chiến đấu với nước Yên, và cho biết thị trường da hổ và thị trường hàng hóa của Triều Tiên được đặt ở khu vực phía nam của Thanh Đảo, Sơn Đông. Cả Biển Bột Hải được xem là nửa nội hải của Triều Tiên.

Đông Bắc Trung Quốc từ xưa đã thuộc về Triều Tiên, nơi đây có nhiều di tích của Vương quốc Cao Ly cổ đại, bao gồm thành phố, lăng mộ và mộ của quý tộc.

Theo chú thích của nhà nghiên cứu Ngô: đã khai quật được 3 thành phố của Vương quốc Cao Ly, 14 lăng mộ và 26 mộ quý tộc.

Ông Kim Jong-un cho rằng, lịch sử mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên là một lịch sử của xâm lược và chống xâm lược.

Triều Tiên đã bị nhà Tùy, Đường và Thanh đánh bại, nhưng kết quả là họ đã tự mình mất đi thiên hạ.

Sự sụp đổ của các đế chế ở Trung Hoa là quy luật lịch sử; mỗi lần thất bại lớn đều là cơ hội phát triển cho dân tộc Triều Tiên, giúp dân tộc Triều Tiên có một sự trỗi dậy vĩ đại.

Người Mông Cổ, Nhật Bản và Nga cũng vậy, chỉ cần đặt chân lên đất Triều Tiên, cuối cùng họ đều sẽ thất bại. Dòng máu Bạch Đầu Sơn của Triều Tiên là thiêng liêng và không thể xâm phạm.

Người Mỹ cũng chỉ dám đứng ở phía bên kia vĩ tuyến 38 mà không dám vượt qua.

Ông Kim nói, Triều Tiên không cần chiến đấu, mà để họ tự chịu thất bại.

Thứ 8, ông Kim Jong-un nói rằng, Triều Tiên là trung tâm của ngoại giao lớn.

Ông Kim Jong-un tự hào phát biểu:

“Triều Tiên từ xưa là một dân tộc chiến đấu, ngày nay là một dân tộc giàu trí tuệ. Người Triều Tiên hôm nay có thể khiến kẻ thù trên toàn thế giới sợ hãi mà không cần phải đánh nhau. 

Dù là ông Putin hay ông Trump, họ đều phải ngước nhìn vị lãnh đạo vĩ đại của chúng ta. Hiện tại, chúng ta hợp tác với Nga, và ông Tập Cận Bình buộc phải thu hút chúng ta, buộc phải cung cấp bảo đảm về vật chất. 

Ông Tập và ĐCSTQ không thể thất bại; nếu họ thua, Trung Quốc sẽ bị phân chia, và Đông Bắc sẽ trở về với Triều Tiên mà không cần chiến tranh.

Thứ 9, ông Kim Jong-un chế nhạo ông Tập chỉ biết bắt chước mình.

Ông Kim nhận định rằng ông Tập Cận Bình không có tính độc lập tư tưởng, và toàn bộ ĐCSTQ cũng vậy.

Người dân Triều Tiên từ tận sâu trong tâm hồn yêu mến lãnh đạo, điều mà ông Tập Cận Bình không thể đạt được. Ông Tập không có tư tưởng chủ đạo; tư tưởng Mao Trạch Đông đã thất bại trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, và ở Trung Quốc, chỉ có những người thất bại, những người có vấn đề về tinh thần mới tôn sùng Mao Trạch Đông.

Ông Kim Jong-un chế nhạo ông Tập chỉ biết bắt chước mình, nói rằng hình ảnh ông Tập đi thị sát trên truyền hình Trung Quốc, những cảnh người dân chào đón, đều là học hỏi và bắt chước Triều Tiên, không có sự sáng tạo. 

Ông Kim Jong-un cho hay, người dân Triều Tiên thật lòng yêu mến lãnh đạo, họ khóc và hô vang tình yêu dành cho lãnh đạo, còn những cảnh của ông Tập Cận Bình chỉ là diễn xuất. 

Ông Tập học Mao Trạch Đông nhưng không giống, học theo các lãnh đạo Triều Tiên lại càng không giống. Đôi khi ông Tập còn muốn học ông Putin, nhưng ông Tập không dám khoe cơ bắp cũng như không dám cưỡi ngựa.

Nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ gốc Hoa, Ngô Tộ Lai cho biết, nói đến đây, gia tộc họ Kim đều cười, bởi lẽ, gia tộc họ Kim thường không dám cười trước mặt ông Kim Jong-un, nhưng khi nói đến ông Tập Cận Bình, thì cả gia tộc Kim đều không thể ngừng cười. 

Ông Ngô nói rằng, thông tin trong tài liệu này chưa được xác minh tính xác thực. Nếu thông tin là đúng, ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình sẽ khó lòng giải thích với nhân dân Trung Quốc đang chịu nhiều khổ cực, vì nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng, trong khi Bắc Kinh lại chi tiền để thuê lính Triều Tiên viện trợ Nga.

Exit mobile version