Đại diện dự khuyết của Hoa Kỳ về các vấn đề chính trị đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc – Robert Wood, cho biết, ngày 28/6 (theo giờ địa phương), rằng Mỹ sẽ đối đầu với Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Triều Tiên.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên diễn ra sau khi Tổng thống Nga Putin tới Bình Nhưỡng vào tuần trước, và ký một hiệp ước với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong đó hai nước đồng ý cung cấp hỗ trợ quân sự nếu một trong hai bên phải đối mặt với hành động xâm lược vũ trang.

“Điều này sẽ gây quan ngại lớn cho toàn thể cộng đồng thế giới”, Đại diện dự khuyết Mỹ Robert Wood nói với hãng tin Reuters trước cuộc họp, đồng thời cáo buộc Nga “về cơ bản là đứng về phía một quốc gia để vi phạm vô số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Ông nói thêm: “Đây là điều chưa từng có và chúng ta cần phải nêu rõ thực chất của nó. Chúng tôi cũng muốn xem chính quyền Trung Quốc nói gì về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Triều Tiên và Nga. Họ không thể coi đây là một diễn biến tích cực”.

Tuần trước, Bắc Kinh đã phản ứng thận trọng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hội nghị thượng đỉnh là cuộc trao đổi song phương giữa Nga và Triều Tiên, nhưng không nêu chi tiết.

Triều Tiên đã phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc kể từ năm 2006 vì chương trình hỏa tiễn đạn đạo và hạt nhân của nước này, và các biện pháp đó đã được tăng cường trong những năm qua. 

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Triều Tiên gửi vũ khí tới Nga để sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraina. Cả Matxcơva và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc này.

Ban giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc đã bị giải tán vào cuối tháng 4, sau khi Nga phủ quyết việc gia hạn. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, Nga phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.

Trong nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chia rẽ về cách giải quyết vấn đề Triều Tiên. 

Nga và Trung Quốc cho rằng việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ không có ích, và muốn các biện pháp như vậy được nới lỏng. 

Chính phủ 2 nước này đề xuất dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt vào tháng 12/2019 nhưng chưa bao giờ đưa dự thảo nghị quyết của mình ra bỏ phiếu.