Đại Kỷ Nguyên

Mỹ sẽ quyết định trong tuần này có gửi bom chùm tới Ukraina hay không

Mỹ sẽ quyết định trong tuần này có gửi bom chùm tới Ukraina hay không (ảnh: VOA).

Các quan chức Hoa Kỳ nói với CBS News hôm thứ Tư rằng, Hoa Kỳ có thể đưa ra quyết định về việc có chấp thuận chuyển giao các loại bom, đạn chùm gây tranh cãi cho Ukraina ngay trong tuần này hay không. 

Bom chùm mang theo hàng chục quả bom nhỏ hơn phân tán khi được kích nổ và đã bị cấm ở hơn 100 quốc gia, vì những quả bom nhỏ chưa nổ vẫn có thể gây rủi ro cho dân thường trong nhiều năm, sau khi chiến tranh kết thúc.

Hoa Kỳ đang xem xét chấp thuận yêu cầu lâu dài của Ukraina về bom, đạn chùm để giải quyết nhu cầu cấp thiết về đạn dược trong cuộc phản công đang diễn ra chậm hơn dự kiến. Theo một quan chức Mỹ, một quả bom chùm đơn lẻ phân tán các quả bom nhỏ, có thể bao phủ diện tích gấp 5 lần so với các loại đạn thông thường.

Công ước về Bom, đạn chùm có hiệu lực vào năm 2010 và việc cấm sử dụng, sản xuất và tàng trữ bom, đạn chùm đã được ký kết ở 123 quốc gia. Tuy nhiên Mỹ, Nga và Ukraina chưa ký hiệp ước này. Cả máy bay chiến đấu của Nga và Ukraina đều được cho là đã sử dụng bom chùm trên chiến trường.

Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu sự miễn trừ của tổng thống đối với việc xuất khẩu bom, đạn chùm, nếu hơn 1% số quả bom nhỏ mà chúng chứa thường không phát nổ, được gọi là “tỷ lệ dud”. Các loại đạn thông thường cải tiến hai mục đích, hay DPICM, mà Hoa Kỳ đang xem xét gửi đi có tỷ lệ hư hỏng chỉ hơn 1%, tỷ lệ này có thể không đáng kể để thuyết phục các đồng minh rằng, hiệu quả của việc cung cấp DPICM là lớn hơn so với rủi ro từ các quả bom nhỏ chưa nổ.

Bà Laura Cooper, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách vấn đề Nga, Ukraina và Á – Âu, cho biết trong phiên điều trần trước quốc hội vào đầu mùa hè này rằng: “Các nhà phân tích quân sự của chúng tôi đã xác nhận rằng DPICM sẽ hữu ích, đặc biệt là đối với việc chống lại các vị trí được đào sẵn của Nga trên chiến trường”.

Bà nói thêm: “Lý do tại sao bạn chưa thấy một bước tiến nào trong việc cung cấp loại vũ khí này liên quan đến cả những hạn chế hiện có của Quốc hội đối với việc cung cấp DPICM, và những lo ngại về sự thống nhất của đồng minh. Nhưng từ góc độ hiệu quả chiến trường, chúng tôi tin rằng nó sẽ hữu ích”.

Exit mobile version