Bộ trưởng Tài chính Nga tuyên bố vào ngày 26/2 rằng, Nga đang đàm phán với Trung Quốc về việc phát hành các khoản vay bằng đồng Nhân dân tệ. Giới phân tích tin rằng khi Hoa Kỳ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga gần đây, nhiều ngân hàng đã thắt chặt các giao dịch kinh doanh với Nga. Nếu Nga thực sự dùng đồng Nhân dân tệ để vay, thì liệu Trung Quốc có bị trừng phạt hay không?.
Với câu hỏi này, một phóng viên của tờ Sound of Hope đã phỏng vấn Vương Quốc Thần, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Kinh tế Trung Quốc 27/2.
Ông nói rằng, các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các quốc gia khác đã ngừng chấp nhận thanh toán từ Nga.
Một nguồn tin nội bộ khác cho biết, 3 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc: Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc đã ngừng giao dịch thanh toán với Nga do lo ngại lệnh trừng phạt của phương Tây. Các ngân hàng khác ở Trung Quốc và Hồng Kông cũng đã tăng cường rà soát việc nhận kiều hối từ Nga.
Vậy liệu Trung Quốc có bị trừng phạt không? Ông Vương Quốc Thần trả lời là có. Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo chính phủ Trung Quốc về các giao dịch tiền bạc hoặc vốn với Nga.
Điều này thực ra có thể được thực hiện một cách tế nhị, chẳng hạn như trước đây có trường hợp Bắc Kinh thực hiện các giao dịch hoặc khoản vay kinh tế tài chính với một quốc gia bị trừng phạt thông qua một ngân hàng rất nhỏ.
Đó là ngân hàng nông thôn, không làm tín dụng quốc tế nên dù bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ngân hàng đó cũng không có quan hệ thương mại với Washington, không cần dựa vào Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu SWIFT, nên không bị ảnh hưởng. Tất nhiên, bốn ngân hàng quốc doanh lớn sẽ không thể làm được việc như vậy.
Chuyên gia Vương Quốc Thần cho biết, công dụng lớn nhất của đồng Nhân dân tệ vẫn là trong việc giải quyết thương mại giữa Trung Quốc và Nga.
Trong năm qua, gần như toàn bộ lượng mua dầu từ Nga của Trung Quốc đều bằng Nhân dân tệ. Đó cũng không phải là điều tốt cho sự phát triển trong tương lai của đồng Nhân dân tệ.
Ông Vương Quốc Thần đặt câu hỏi là ĐCSTQ có suy nghĩ gì. Ông nói, trong một, hai năm trở lại đây, do chiến tranh Nga-Ukraina, tỷ trọng nhân dân tệ trong giao dịch thanh toán quốc tế trên thế giới đã vượt qua Nhật Bản, nhưng có một vấn đề khác là trong thống kê tiền gửi ngoại hối của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ trọng Nhân dân tệ không tăng mà lại giảm, tức là Nhân dân tệ quả thực đã tăng trong lưu thông quốc tế nhưng chỉ giới hạn ở một số ít.
Các quốc gia bị Hoa Kỳ trừng phạt bao gồm cả Nga và Iran, thực sự đang hạn chế việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ ở Trung Quốc, và người dân không sẵn lòng coi nó như một tài sản. Vì vậy, đây không phải là điều tốt cho sự phát triển trong tương lai của đồng Nhân dân tệ.
Ngoài ra, ông Vương đánh giá rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và không nên có thêm tiền để cho Nga vay.
Ông Vương nói, trước nhiều cuộc khủng hoảng tài chính trong nước, phần lớn số tiền chính phủ Trung Quốc đều dùng để giải quyết các khoản nợ này, thì Bắc Kinh còn lại bao nhiêu tiền để cho Nga vay? Đó là một câu hỏi khác.