Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc “tay trắng”, bị đả kích đến nỗi đã phải gửi tâm thư cho Đại sứ quán Mỹ yêu cầu tấn công, vì “sẵn lòng chấp nhận để cả 2 bên cùng thua, còn hơn là để hội quyền quý thắng một mình”. (Cả 2 bên ý nói là cả người dân và quan chức Trung Quốc). Bên cạnh đó, có người còn viết trên tài khoản mạng của Đại sứ quán Anh rằng, nếu Trung-Anh giao tranh, xin hãy tấn công Uỷ ban Chứng khoán Trung Quốc. Nguyên nhân của sự phẫn uất hiếm có này là gì? Tại sao thị trường chứng khoán lao dốc lại là lỗi của chính quyền Bắc Kinh?
Sau đây là những nội dụng chính trong bài phân tích của chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Vương Hữu Quần (王友群).
Bước vào năm 2024, các cổ phiếu hạng A của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã liên tục giảm giá, với hơn 5.200 cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh giảm giá. Từ điểm cao nhất vào năm 2021, tổng giá trị thị trường đã giảm hơn 60%, mất gần 2 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Ngay sau khi mở cửa vào ngày 5 tháng 2, chỉ số Shanghai Composite đã giảm xuống mức thấp nhất là 2.655,09 điểm, gần 2.000 mã cổ phiếu của các công ty gần như chạm ngưỡng giảm giá tối đa. Tình hình sụp đổ bi thảm trên thị trường chứng khoán đã khiến nhiều người dân Trung Quốc trở nên tuyệt vọng.
Cổ đông bức xúc, cầu xin Anh, Mỹ ‘tấn công’
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Vương Hữu Quần (王友群)
đã tổng kết một số bình luận của nhà đầu Trung Quốc trên mạng xã hội như sau: “Đã giảm liên tục sáu tháng rồi. Đây là tháng thứ bảy rồi đó. Ngay cả một người mù chữ cũng không thể để tình hình trở nên như vậy, làm sao mà các ông (ý chỉ các nhà lãnh đạo) vẫn có thể bình an vô sự như vậy?”; “Tại sao không xin từ chức và chịu trách nhiệm đi?”
“Hủy bỏ thị trường chứng khoán hạng A sẽ giảm bớt một kênh lừa đảo”.
Đang là kỳ nghỉ lễ Tết, một người đã viết một câu đối: “Hàng nghìn cổ phiếu giảm sàn chia tay năm cũ, hàng vạn người bị kẹt vốn đón chào năm mới”. Câu trên bảng hoành phi nằm ngang là “Mông muội trong thị trường chứng khoán”.
Để ngăn cản các nhà đầu tư bộc lộ sự bất mãn, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng hết sức để chặn tất cả các khu vực bình luận, các nhà đầu tư không còn cách nào khác, đành phải để lại bình luận trên một bài đăng của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc về việc bảo vệ hươu cao cổ:
Họ viết: “Ôi trời, cuối cùng tôi cũng có thể bình luận ở đây. Tôi nghẹt thở đến mức nôn mửa sau khi xem các phương tiện truyền thông chính thức mỗi ngày. Tất cả đều là giả dối”.
“Hoa Kỳ hãy giúp chúng tôi, xin hãy giải cứu hàng trăm triệu nhà đầu tư cổ phiếu A đang gặp khó khăn với”; “Các vị có thể cử vài người đến tiếp quản cổ phiếu A được không?”
“Thị trường chứng khoán không tốt cũng không sao, bạn không cần phải chơi. Nhưng thỉnh thoảng, một số tin tức sẽ được tung ra để khoe khoang, dỗ dành người ta vào đó rồi cùng lao dốc. Đây có phải là điều con người nên làm không?”
“Tôi ghen tị với bầu không khí cởi mở của đất nước các bạn. Mọi người đều có thể công khai chỉ trích chính phủ. Điều này có thể thúc đẩy sự tiến bộ của đất nước và cải thiện đời sống của người dân… Nhưng ở đây họ chỉ bịt miệng người dân và ngăn cản người dân nói xấu. Chúng tôi thật khốn khổ nếu luôn sống trong cái thế giới luôn tự đề cao mình!”
“Những ông lớn sống thịnh vượng, luôn được ăn ngon uống say, chẳng bao giờ quan tâm đến số phận những người thấp cổ bé họng”. “Trước khi đầu tư chứng khoán, tôi cũng rất yêu nước, nhưng sau khi đầu tư chứng khoán, tôi trở nên đầy thù hận với quốc gia, thật đáng thương. Từ giờ, tôi không yêu đất nước này nữa”.
“Hãy bảo vệ Đài Loan. Tình hình hiện tại của chúng tôi là bài học tốt nhất”.
“Giờ đây, khi tâm tình dân chúng đang chia rẽ, hãy tấn công, tôi sẵn lòng chấp nhận để cả 2 bên cùng thua, còn hơn là để hội quyền quý thắng một mình”. (Cả 2 bên ý nói là cả người dân và quan chức Trung Quốc).
Sau khi Weibo xoá các bình luận trên tài khoản của Đại sứ quán Mỹ, các nhà đầu tư cổ phiếu đã tập trung để phản đối trên khu vực bình luận của tài khoản Weibo của Đại sứ quán Ấn Độ và Đại sứ quán Anh tại Trung Quốc.
Một số nhà đầu tư viết: “Nếu Trung Quốc và Anh gây chiến, Anh phải cho nổ tung Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và sàn giao dịch”.
Về sự sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán, một số nhà đầu tư cho biết: “Đây là dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của đảng”.
Cựu ‘tiểu phấn hồng’ Trần Thạch Tân (tài khoản Weibo: 游资小侠 ), sinh năm 1993, bắt đầu sự nghiệp bằng việc đầu cơ tiền kỹ thuật số, sau đó đầu tư 100 triệu vào thị trường chứng khoán nhưng thua lỗ hàng chục triệu vì cổ phiếu A, “trắng tay” chỉ sau một đêm, đã đăng một bài đăng đề xuất “Đả đảo Tập Cận Bình và Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Nguyên nhân sâu xa là gì?
Khi thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh sụt giảm vào ngày 5 tháng 2, thị trường chứng khoán Đài Loan đã quay trở lại mốc 10.000, với giá trị giao dịch là hơn 327 tỷ Đài tệ.
Tại sao thị trường chứng khoán Trung Quốc lại khác với thị trường chứng khoán Đài Loan?
Nguyên nhân quan trọng nhất là Đài Loan đang tham gia vào nền kinh tế thị trường tự do thực sự và thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, thị trường chứng khoán Đài Loan hoạt động theo các quy luật kinh tế thị trường được quốc tế thừa nhận. Trái lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc không thực hiện một nền kinh tế thị trường tự do, mà thực hiện một nền kinh tế quyền lực, trong đó quyền lực đóng vai trò quyết định trong phân phối tài nguyên. Đặc điểm nổi bật của quyền lực này là việc thực hiện các hoạt động bí mật, không công khai, không công bằng và không công minh, theo chuyên gia các vấn đề thời sự Vương Hữu Quần.
Một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, ông Ngô Cảnh Liên (吴敬琏), đã từng nói rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc thậm chí còn “không thể so sánh được với sòng bạc” vì “trong sòng bạc cũng có quy tắc, ví dụ như bạn không thể xem lá bài của người khác”.
Ông Vương Hữu Quần nhận định, quyền lực của ĐCSTQ rất tùy tiện, và một đặc điểm nổi bật của ĐCSTQ trong suốt trăm năm lịch sử của mình là không ngần ngại sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục tiêu.
Ông Vương chỉ ra, việc sử dụng mọi biện pháp cần thiết ở đây bao gồm cả việc sử dụng quyền lực để nhìn trộm con át chủ bài của thị trường. Làm sao các nhà đầu tư có thể tin tưởng vào một thị trường mà bạn có thể tùy ý xem quân át chủ bài, thậm chí còn tệ hơn cả sòng bạc?
Ông Vương cho rằng, mục đích ban đầu của ĐCSTQ khi thành lập thị trường chứng khoán không phải là như trong xã hội tự do, để đưa các doanh nghiệp tốt lên sàn và cho nhà đầu tư chia sẻ lợi ích, mà là nhằm giúp các doanh nghiệp Nhà nước bế tắc thoát khỏi khó khăn hoặc giúp ngân hàng Nhà nước thoát khỏi nợ xấu khổng lồ. Nói một cách đơn giản, thị trường chứng khoán được coi như một máy rút tiền.
Ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục nhấn mạnh “Đảng lãnh đạo mọi thứ”.
Đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, sự lãnh đạo của đảng được thể hiện ở chỗ đảng vừa đóng vai trò là trọng tài, huấn luyện viên, vừa là vận động viên. Bàn tay quyền lực của đảng mở rộng sang mọi khía cạnh của thị trường chứng khoán, và có thể thu hoạch từ người dân theo ý muốn.
Theo ông Vương, một người gốc Hoa, Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ rằng khi những người trong thị trường vốn có tiền, họ sẽ đòi hỏi dân chủ trong chính trị, tự do trong kinh tế và đa dạng văn hóa, điều này không thuận lợi cho chế độ độc tài tối hậu của họ. Do đó, Bắc Kinh thường xuyên “đánh cắp” từ những người đã làm giàu trong thị trường chứng khoán. Điều này là một biện pháp đặc biệt mà Bắc Kinh sử dụng để kiểm soát thị trường chứng khoán, còn được gọi là “tiêu diệt tính thanh khoản”.
Ngày 5 tháng 2, blogger tài chính “Kênh của Lão Mạn” đã đăng bài viết, cho biết: “Hiện tại đã xác nhận được rằng, từ trưa hôm qua, Ủy ban Giám sát Chứng khoán đã bắt đầu hạn chế mạnh mẽ toàn diện việc các tổ chức bán ra. Hai tháng trước, họ mới chỉ làm việc phê duyệt số lượng cổ phiếu để bạn bán ra hôm nay, họ điều tiết việc bán ra bao nhiêu hôm nay. Nhưng bây giờ, họ đã đưa ra một quyết định tuyệt đối, hủy chức năng của nút ‘bán ra’ trên bảng điều khiển hoạt động của các công ty chứng khoán, việc nhấp chuột bán ra không có hiệu lực”.
“Mức độ vô lý của sự việc này, tôi đã không thể diễn đạt bằng lời nói nữa. Ngay cả dùng câu ‘che tai trộm chuông’ cũng không thể mô tả được sự việc này. Việc các tổ chức bán ra, liệu có phải do chính các công ty chứng khoán muốn bán ra không? Tiền của các công ty chứng khoán không phải là tiền của riêng họ. Hiện nay, số vốn của toàn quốc đang dịch chuyển, tất cả thanh khoản đã bị lấp bởi các trái phiếu chính phủ, tiền ban đầu được đầu tư vào các tổ chức chứng khoán đang dịch chuyển, các nhà đầu tư đang rút vốn và chuyển hướng đầu tư vào trái phiếu chính phủ”.
Blogger này tiếp tục chỉ trích: “Ngay cả phần lớn việc dịch chuyển vốn cũng là do chính phủ ép buộc. Các nhà tài trợ ở quy mô lớn hơn một chút đã được quy định nghĩa vụ chính trị phải mua trái phiếu chính phủ. Điều này xảy ra vào cuối tháng 10 năm ngoái, mặc dù đây là vấn đề thuộc phạm vi hệ thống tài chính và Ngân hàng Trung ương, không liên quan trực tiếp đến Ủy ban Giám sát Chứng khoán, nhưng liệu Ủy ban Giám sát Chứng khoán có thể giả vờ không biết được không?”
“Nhà đầu tư muốn rút vốn, nhưng các công ty chứng khoán không thể thực hiện lệnh bán ra giúp họ được, phải làm sao đây? Các công ty chứng khoán có thể vi phạm hợp đồng với nhà đầu tư sao? Điều đó không chỉ dẫn đến sự sụp đổ của chỉ số, mà còn là sự sụp đổ của trật tự! Sự sụp đổ lòng tin của con người! Đây là bước đầu tiên trong việc sụp đổ toàn bộ trật tự xã hội!”
ĐCSTQ đóng vai trò là trọng tài, huấn luyện viên và vận động viên trên thị trường chứng khoán, điều này hoàn toàn vi phạm các quy luật khách quan của thị trường chứng khoán.
Kết quả là việc “thu hoạch” từ nhà đầu tư hết đợt này đến đợt khác của ĐCSTQ đã xóa sạch niềm tin của mọi nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài rút được thì đều đã rút; nhà đầu tư Trung Quốc rút được thì cũng đã rút; nhà đầu tư may mắn thì phải rút dưới sự thiệt hại nặng nề, mất gần hết tiền; cuối cùng là trật tự tài chính sụp đổ.
Phần kết luận
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nắm quyền hơn 11 năm và tiếp tục tập trung quyền lực. Theo ông Vương Hữu Quần, ngày nay, “tập trung hóa” đã trở thành “chủ nghĩa toàn trị”.
Chủ nghĩa toàn trị chính trị về cơ bản là trái ngược với nền kinh tế thị trường. Cuộc đối đầu này đã dẫn đến một tình huống ở Trung Quốc vào năm 2023, nơi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường ngoại hối và thị trường trái phiếu phải cạnh tranh cùng nhau.
Bước sang năm 2024, cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán, khủng hoảng thị trường bất động sản, khủng hoảng thị trường ngoại hối và khủng hoảng nợ của ĐCSTQ đều ngày càng sâu sắc. Những cuộc khủng hoảng này, xét cho cùng, là những cuộc khủng hoảng về niềm tin.
Ông Vương nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đã mất niềm tin vào ĐCSTQ khi họ bất lực nhìn ĐCSTQ toàn trị tiếp tục hành hạ nền kinh tế và phá hủy hết ngành công nghiệp này đến ngành công nghiệp khác.
Nếu cuộc khủng hoảng lòng tin này phát triển, sẽ có sự chồng chất của khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng xã hội, cuối cùng là sự tan rã và sụp đổ của chính quyền toàn trị Bắc Kinh, ông Vương kết luận.
(Nguồn: aboluowang.com).