Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì Hội nghị Công tác Tài chính của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 30-31/10. Cuộc họp nhấn mạnh sự kiểm soát của đảng đối với hệ thống tài chính và chỉ ra rằng, tình trạng hỗn loạn tài chính và tham nhũng đang diễn ra. Các chuyên gia dự đoán rằng điều này có nghĩa là một cơn bão chống tham nhũng quy mô lớn đang ập đến và nhiều quan chức tài chính sẽ bị sa thải.
Theo Bloomberg ngày 1/11, cuộc họp tài chính của Ủy ban Trung ương Trung Quốc kết thúc hôm 31/10 chỉ ra rằng, chính quyền Trung Quốc đang xem xét các biện pháp tiếp theo để giải quyết một số nguồn rủi ro tài chính, bao gồm nợ của chính quyền địa phương, áp lực đối với các nhà phát triển bất động sản và các ngân hàng nhỏ, nhưng không có thông tin cụ thể nào được đưa ra.
Cuộc họp nêu rõ, để ngăn ngừa và giải quyết rủi ro nợ của chính quyền địa phương, cần thiết lập “cơ chế dài hạn” và “tối ưu hóa cơ cấu nợ của chính quyền trung ương và địa phương”.
Các nhà kinh tế của ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs cho biết trong một ghi chú: “Câu này cho thấy rằng trong khi chính quyền địa phương đang giảm đòn bẩy và giảm rủi ro bằng cách giải quyết các vấn đề nợ ẩn, thì chính quyền trung ương có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm tài chính hơn và tăng thêm đòn bẩy”. Nói cách khác, chính quyền Trung ương Trung Quốc sẵn sàng mở rộng quy mô vay nợ.
Theo các nhà kinh tế, chính quyền địa phương Trung Quốc đang ngập trong nợ nần và đang trên bờ vực hoặc lâm vào tình trạng phá sản, việc giải quyết các khoản nợ này như thế nào có thể quyết định sự thành bại của hệ thống tài chính Trung Quốc trong vài năm tới, cũng như sự phát triển của hệ thống tài chính Trung Quốc, và quyết định hướng phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Theo các nguồn tin, vào tháng 5 năm nay, Cục Tài chính Quý Dương, thủ phủ của tỉnh Quý Châu, thừa nhận rằng các phương tiện kỹ thuật để chuyển đổi nợ về cơ bản đã cạn kiệt.
Vào tháng 9, Nội Mông tuyên bố sẽ phát hành trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt trị giá 66 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9 tỷ USD) để giúp trả nợ lãi suất cao phát hành trước năm 2018.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán vào tháng 2 rằng tỷ lệ gánh nặng nợ của chính quyền địa phương trên GDP của Trung Quốc sẽ tăng 9 điểm phần trăm trong năm nay. Tỷ lệ này chỉ tăng 5 điểm phần trăm vào năm 2022. Mức tăng vào năm 2021 chỉ là 2 điểm phần trăm.
Nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương còn đáng lo ngại hơn, đó là khoản nợ do chính quyền địa phương phát hành với lãi suất cao thông qua các nền tảng tài chính do họ kiểm soát, không nằm trong bảng cân đối kế toán của chính phủ. Người mua chính là các ngân hàng và hộ gia đình. Một khi nợ quá nhiều chuyển thành nợ xấu sẽ gây ra rủi ro về tài chính, chính trị.
Vào cuối tháng 9 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hoán đổi nợ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 tỷ USD), cho phép chính quyền địa phương hoán đổi cái gọi là nợ ngầm lấy trái phiếu với lãi suất thấp hơn. Tuần trước, ĐCSTQ cũng tuyên bố sẽ phát hành thêm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ để hỗ trợ chi tiêu địa phương.
Trong năm qua, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn cung cấp một số hỗ trợ cho các nhà phát triển gặp khó khăn và nền tảng tài chính của chính quyền địa phương. Bloomberg đưa tin rằng các ngân hàng lớn này có khoản nợ lên tới 9 nghìn tỷ USD. Nếu họ tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương, lợi nhuận của họ sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Tuy nhiên, động thái của ĐCSTQ cũng nhằm mục đích “làm cho các ngân hàng quốc doanh lớn trở nên tốt hơn và mạnh mẽ hơn” .
Ông Trương Trí Uy (张智威/Zhang Zhiwei), chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Bảo Ngân (Baoyin) Investment, cho biết: “Các tổ chức tài chính lớn thuộc sở hữu nhà nước có thể giành được nhiều thị phần hơn trong ngành tài chính”.
Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương lần này một lần nữa đề xuất kích hoạt thị trường vốn và phát huy tối đa “chức năng trung tâm” của thị trường vốn. Tuy nhiên, theo chủ trương, chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy cái gọi là cải cách thị trường vốn, về bản chất là tự mâu thuẫn.
Các ngân hàng quốc doanh lớn đã bị ảnh hưởng bởi các nhà phát triển bất động sản và sự thất bại của chính quyền địa phương, trong khi các công ty nước ngoài như Goldman Sachs đã thu hẹp lại kế hoạch mở rộng.
Bloomberg đưa tin, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát lĩnh vực tài chính thông qua chiến dịch chống tham nhũng toàn diện và tuyên truyền tư tưởng.
Với tư cách là quan chức tài chính cao nhất của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) đã có bài phát biểu kết luận tại cuộc họp.
Cuộc họp nêu rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa ngành tài chính để thu hút thêm nhiều tổ chức tài chính và quỹ dài hạn nước ngoài, đồng thời cả Thượng Hải và Hồng Kông sẽ được phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, cuộc họp cũng cho rằng độ mở tài chính cần phải “cân bằng” với an ninh.
Tuyên bố này rõ ràng nhắc nhở mọi người về ẩn ý của việc ĐCSTQ nhấn mạnh vào việc tuân theo các yêu cầu chính trị, chính xác đó là loại yêu cầu của chính quyền trung ương. Cuộc điều tra gần đây của Bắc Kinh đối với nhà cung cấp Foxconn của Apple là một ví dụ.
Theo tờ Wall Street Journal, chính phủ Trung Quốc có thể đang cố gắng cảnh báo người sáng lập Foxconn, Terry Gou, nhưng nếu Foxconn và các công ty tương tự của nó bị phạt nặng hoặc hoặc vướng vào những khó khăn chính trị hoặc an ninh tốn kém khác, các nhà sản xuất nước ngoài như Foxconn có thể đẩy nhanh việc rút lui khỏi Trung Quốc.
Hội nghị Công tác Tài chính vừa qua nhấn mạnh sự kiểm soát của đảng đối với hệ thống tài chính. Trước tình trạng hỗn loạn tài chính và tham nhũng đang diễn ra, liệu một cơn bão chống tham nhũng quy mô lớn đang ập đến và nhiều quan chức tài chính sẽ bị sa thải?.