Học giả Đức chỉ ra: Đã đến lúc cuộc chiến Ukraina vốn bế tắc hơn ba năm nay phải kết thúc. Nhưng với những điều kiện hòa bình vô lý do phía Nga đề xuất, khó có khả năng đàm phán sẽ diễn ra ngay lập tức. Lúc này, một số nước đương nhiên nghĩ đến Trung Quốc và đặt nhiều hy vọng vào ông Tập Cận Bình. Nhưng tính khả thi ở đây là gì?

Nhà khoa học chính trị người Đức gốc Hoa đã sống ở Đức hơn ba mươi năm – Trương Tuấn Hoa , hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Ecole Universitaire de Management ở Pháp, đã có bài bình luận về cách một số nhà lãnh đạo châu Âu trong đó có cả ông Zelenskyy đang đề cao ông Tập. Theo chuyên gia, ông Tập đang có một cơ hội gần như là cuối cùng để làm điều đúng đắn.

Sau đây là những nội dung chính trong bài viết của ông Trương Tuấn Hoa được đăng trên báo Đức Deutsche Welle phiên bản tiếng Trung.

Trước mắt độc giả hiện giờ có hai cảnh tượng. Một là Chủ tịch Đại hội nhân dân Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã được Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin mời đến Matxcova vào ngày 9 tháng này để thăm Nga chính thức. Ông cũng tham dự Diễn đàn Quốc gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông kêu gọi cả hai bên cùng nỗ lực để cải thiện pháp luật, đấu tranh chống lại các biện pháp trừng phạt và sự can thiệp của nước ngoài.

Hai là Hội nghị cấp cao NATO tại Washington. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố tại đó vào ngày 10 tháng này rằng Trung Quốc là “nhân tố quyết định” (decisive enabler) cho việc Nga xâm lược Ukraina bất hợp pháp, ông đại diện cho NATO yêu cầu Bắc Kinh ngừng cung cấp linh kiện vũ khí hoặc công nghệ quốc phòng cho Nga; đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraina, NATO đã đưa ra tuyên bố rõ ràng như vậy đối với Bắc Kinh.

Cả hai tình huống này không chỉ cho thấy Trung Quốc ủng hộ bên nào, mà còn cho chúng ta biết hướng đi sau này. Có thể nói, kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraina, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đã vượt xa khỏi phạm vi ngoại giao thông thường. Ông Triệu Lạc Tế nói rằng muốn “đấu tranh chống lại các biện pháp trừng phạt và sự can thiệp của nước ngoài” với Nga, điều này đã rõ ràng hơn về việc hỗ trợ Nga thoát khỏi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt do cuộc xâm lược vào Ukraina, tức là giúp Nga có khả năng tiếp tục cuộc chiến này. Điều này đã trở thành chính sách đã được xác định của ông Tập Cận Bình.

Quay trở lại vài ngày trước.

Những người đã đọc sách “Bắc Sử – Nho Lâm Hạ Truyện – của Hùng An Sinh” (北史·儒林传下·熊安生) đều biết nghĩa của thành ngữ Trung Quốc “đới cao mạo” (hay đội mũ cao), có nghĩa là khen ngợi, tán dương, tâng bốc, nịnh nọt người khác. Thông thường, ông Tập Cận Bình đã quen với việc những người trung thành với ông ấy trong nước “đội mũ cao” cho ông, và ông Putin cũng như các quốc gia châu Phi muốn nhận vốn đầu tư của Trung Quốc cũng thường “đội mũ cao” cho ông. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không ngờ rằng, trong vài ngày trước đó, không ít quan chức châu Âu cũng đã bắt đầu “đội mũ cao’ cho mình.

Mặt trận phụ thuộc và thống nhất

Người đội chiếc mũ cao đầu tiên là Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb. Trong một cuộc phỏng vấn ở Helsinki, ông nói: “Nga hiện rất phụ thuộc vào Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này chỉ bằng một cuộc điện thoại”. Lý do của ông là chính vì Nga hiện đang rất phụ thuộc vào Trung Quốc nên ông ấy mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này, theo lý luận đó, ông Tập Cận Bình nên dập tắt cơn sốt chiến tranh của ông Putin. Nếu sự phụ thuộc được coi là yếu tố duy nhất tồn tại thì tuyên bố của ông có lý. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.

Học giả Trương Tuấn Hoa giải thích, bởi vì ông Stubb quên rằng Nga dựa vào Trung Quốc chủ yếu là vì ông Tập Cận Bình sẵn sàng hợp tác với ông Putin để xây dựng mặt trận thống nhất chống lại phương Tây. Hơn nữa, ông Putin không hề ngốc, ông đã lợi dụng mối quan hệ cũ với Triều Tiên, Việt Nam và Ấn Độ để kiềm chế ông Tập Cận Bình, khiến ông Tập dù có muốn cũng không thể thoát khỏi vòng tròn ma thuật của Liên minh Trục.

Sự đồng lòng, thấu hiểu lẫn nhau của chế độ độc tài

Chiếc mũ cao thứ hai là món quà Thủ tướng Orbán Viktor tặng ông Tập Cận Bình. Trong hoàn cảnh “không được Liên minh châu Âu ủy quyền”, Thủ tướng Hungary Orbán đã bắt đầu thực hiện “sứ mệnh hòa bình” của mình từ đầu tháng này, lần lượt thăm Ukraina, Nga và Trung Quốc. Ông Orbán đã đăng bài trên mạng xã hội cho rằng Trung Quốc là lực lượng then chốt tạo ra các điều kiện hòa bình cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraina. Ông nói: “Trung Quốc có một kế hoạch hòa bình, trong khi chính sách của Mỹ là chính sách chiến tranh. Còn chúng tôi ở châu Âu, chúng tôi không có một đường lối chiến lược và vị thế độc lập, chỉ đơn thuần sao chép lại chiến lược của Mỹ”. Những lời này chỉ có thể khiến ông Tập cảm thấy những quan sát của mình về tình hình thế giới đã được ghi nhận và đồng tình.

Ông Orban rõ ràng là một ngoại lệ trong phe EU. Nhưng ông lại biết cách “sử dụng quyền lực” để làm những việc đi ngược lại chính sách đối với Trung Quốc của EU. Không có gì ngạc nhiên khi các thành viên của Nghị viện Châu Âu đã công khai chế nhạo ông. Nhưng lời nói của ông chắc chắn phù hợp với sở thích của ông Tập và thậm chí có thể khiến ông đánh giá sai về châu Âu.

Học giả Trương Tuấn Hoa lý giải, ông Orbán làm như vậy có ba lý do chính: Thứ nhất, ông muốn tiếp tục đường lối ngoại giao ưu tiên lợi ích quốc gia của mình. Bằng cách “đội mũ cao” cho Bắc Kinh, ông hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc. Thứ hai, ông Orbán cũng là người theo chủ nghĩa chính trị độc tài, và Trung Quốc là mẫu mực trong mắt ông. Thứ ba, ông thực sự có tham vọng trở thành một “Donald Trump của châu Âu”. Không lâu sau đó, ông đã hô khẩu hiệu giống như cựu Tổng thống Mỹ Trump là “Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại”, và tuyên bố sẽ thực hiện “một chính sách châu Âu mạnh mẽ” trong thời gian giữ chức Chủ tịch. Nhưng thật ra, theo học giả Trương Tuấn Hoa, ông có thể hơi tự đề cao quá, vì khách quan mà nói, những nỗ lực “Ngựa Thành Troy” của Nga và Trung Quốc nhiều nhất cũng chỉ phục vụ lợi ích cho hai ông Putin và Tập Cận Bình. Vì vậy, nỗ lực của ông chắc chắn sẽ kết thúc bằng thất bại.

Lựa chọn cuối cùng

Chiếc mũ cao cuối cùng là do ông Zelenskyy đội cho ông Tập Cận Bình. Gần đây, khi bình luận về “sứ mệnh hòa bình” của ông Orbán, ông Zelenskyy đã nói rằng Orbán không có ảnh hưởng cần thiết để thông qua đàm phán kết thúc xung đột Nga-Ukraina, không thể đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraina, “chỉ có các quốc gia hoặc liên minh nghiêm túc và mạnh mẽ như Mỹ, Trung Quốc và EU” mới có thể tham gia tốt vai trò trung gian hiệu quả. Mặc dù Zelenskyy đã bị Bắc Kinh phản đối trước và sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình do ông đề xuất vào tháng trước, bây giờ ông vẫn quyết định tiếp tục đội chiếc mũ cao cho ông Tập Cận Bình, bởi vì ông không còn lựa chọn nào khác. Quan điểm của Zelenskyy là, với tư cách là trung gian, một quốc gia phải có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, hoặc có một lực lượng quân sự rất mạnh, khiến Tổng thống Nga Putin phải nể sợ. Xét theo tiêu chuẩn này, Bắc Kinh chắc chắn đủ điều kiện. Nhưng ông có thể đã quên mất xem ông Tập Cận Bình nghĩ gì.

Phải thừa nhận rằng, tình trạng mà ông Zelenskyy đang phải đối mặt là một trong những tình huống khó khăn nhất mà các chính trị gia trên thế giới không muốn phải đối mặt. Không chỉ có sự can thiệp của ông Orbán, mà sự gia tăng của lực lượng cánh hữu châu Âu, cũng như khả năng ông Trump trở lại Toà Bạch Ốc sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, đều có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng của Ukraina. Trong trường hợp này, nắm lấy Bắc Kinh có thể là chiến lược tối ưu. Nhưng vấn đề là, ông Tập Cận Bình có sẵn sàng hợp tác với ông Zenlenskyy theo cách mà ông hợp tác với ông Putin không?

Cơ hội mà ông Tập Cận Bình đang đánh mất

Trong cuộc gặp gỡ bất thường với ông Orbán, ông Tập vẫn tiếp tục thúc đẩy “Kế hoạch hòa bình 12 điểm” của mình, nhấn mạnh các nguyên tắc “các bên không mở rộng chiến trường, không leo thang xung đột, không thêm dầu vào lửa”. Tuy nhiên, thực tế ông Tập Cận Bình vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với ông Putin, không chỉ hỗ trợ Nga về tài chính và sản xuất quân sự, mà còn có các cuộc tập trận hải quân chung với Nga ở Biển Đông, đồng thời sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự của Nga và Belarus ở gần biên giới Ba Lan và Ukraina. Điều này khiến NATO trở nên bất an và bắt đầu lên tiếng chỉ trích công khai.

Như ông Zelensky đã nói, Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc, hoàn toàn có đủ tiềm lực để đóng vai trò trung gian. Tuy nhiên, với ông Tập Cận Bình, người đã bị ý thức hệ hóa, mặc dù ông không muốn thay đổi quan điểm chính trị của mình và sự ngưỡng mộ đối với ông Putin cũng như hoài niệm về thời kỳ Đảng Cộng sản Liên Xô, ông vẫn có cơ hội đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraina. Điều kiện tiên quyết là ông phải hơi di chuyển vị trí về phía giữa, chẳng hạn như giảm đáng kể hoặc giảm một cách biểu tượng việc cung cấp các sản phẩm kép cho Nga. Thậm chí nếu không làm như vậy, một chuyến thăm Kyiv để gặp ông Zelenskyy cũng có thể là một dấu hiệu tốt về sự trung lập của ông. Nhưng liệu ông Tập Cận Bình có thể đến Kyiv và gặp ông Zelenskyy không? Chỉ riêng với mối quan hệ thân thiết với ông Putin, ông ấy chắc chắn sẽ không làm như vậy.

Tóm lại, mặc dù các nhà lãnh đạo ở châu Âu đã dành cho ông Tập Cận Bình những lời khen ngợi như vậy, ông chưa có đủ can đảm để đóng vai trò một nhân vật vĩ đại thực sự, kết thúc cuộc chiến ở Ukraina cho toàn thế giới. Nói cách khác, ông đang bỏ lỡ cơ hội hiếm có mà Thượng Đế đã ban cho ông. Tuy nhiên, miễn là vẫn còn một tia hy vọng, thì vẫn đáng để nói những lời tốt về Tập Cận Bình và tôn vinh ông, mặc dù không cần quá hy vọng.