Đại Kỷ Nguyên

Hơn 1000 người Tây Tạng bị tra tấn vì phản đối chính quyền Trung Quốc phá chùa xây đập gây thảm họa

Người Tây Tạng ở Tứ Xuyên đã biểu tình liên tiếp nhiều ngày phản đối việc chính phủ xây dựng các trạm thủy điện sẽ phá hủy 6 ngôi chùa (ảnh chụp màn hình studentsforafreetibet).

Trong khi thỉnh nguyện ôn hòa và kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngừng việc phá hủy nhiều ngôi chùa để xây dựng đập nước, hơn một nghìn nhà sư và người dân Tây Tạng đã bị cảnh sát Tứ Xuyên bắt giữ. Theo tin tức mới nhất, một số người Tây Tạng đã bị tra tấn để bức cung, một số khác thì bị đói đến ngất đi trong giá lạnh.

Chính quyền Trung Quốc mới đây đã chính thức khởi động dự án xây dựng một nhà máy thủy điện lớn trên sông Kim Sa ở huyện Đức Cách thuộc châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên. Để xây dựng con đập này, dự kiến ​​sẽ phải phá hủy 6 ngôi chùa và buộc hàng nghìn người dân ở xã Uông Bố Đỉnh của huyện Đức Cách phải di dời.

Đặc biệt, hai ngôi chùa nằm gần khu vực dự án quy hoạch nhất là Wonto và Yena có lịch sử rất lâu đời. Đây là chùa theo phái Sakya của Phật giáo Tây Tạng. Trong chùa có một số bức bích họa từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15, chúng mang ý nghĩa văn hóa và tôn giáo rất quan trọng đối với người dân địa phương. Những ngôi chùa này đã may mắn tồn tại sau Cách mạng Văn hóa nhưng hiện nay lại đang phải đối mặt với việc bị phá hủy do chính quyền muốn xây đập.

Sau khi biết được kế hoạch này, người Tây Tạng ở địa phương đã tập trung trước trụ sở chính quyền huyện Đức Cách và kêu gọi chính quyền dừng dự án, nhưng phía chính quyền đã thẳng thừng từ chối. 

Trước đó, một đoạn video được lan truyền cho thấy khi các nhân viên của chính quyền đến chùa Yenan ở xã Uông Bố Đỉnh để buộc các nhà sư phải di dời, các nhà sư và người dân Tây Tạng địa phương đã quỳ xuống cầu xin cán bộ ngừng thực thi lệnh di dời nhưng họ đã bị phớt lờ.

Vào ngày 22/2, có một lượng lớn nhà sư và người Tây Tạng tiếp tục xuống đường biểu tình một cách ôn hòa nhưng họ lại bị cảnh sát kéo và đánh đập. Đài Á Châu Tự do (RFA) dẫn lời nguồn tin cho biết, cảnh sát đã triển khai vòi rồng, bình xịt hơi cay và súng điện để trấn áp cuộc biểu tình, có một số người đã bị thương và phải nhập viện.

Sau đó, chính quyền đã phong tỏa tất cả các con đường lớn ở xã Uông Bố Đỉnh và áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với các ngôi làng và chùa chiền, bao gồm cả việc hạn chế liên lạc.

Hai nguồn tin từ bên trong Tây Tạng nói với RFA hôm 24/2 rằng, cảnh sát Tứ Xuyên đã bắt giữ hơn 1.000 người Tây Tạng, bao gồm cả các nhà sư từ ít nhất hai ngôi chùa, và bắt đầu tra tấn, thẩm vấn những người Tây Tạng bị bắt kể trên vào thứ Bảy, có một số người bị đánh đến mức nhập viện.

Những nguồn tin này cho biết, những người bị giam giữ đều bị tát và bị đánh đập mỗi khi họ từ chối trả lời các câu hỏi.

Một nguồn tin khác tiết lộ rằng, những người Tây Tạng bị bắt không được cung cấp thức ăn ngoại trừ một ít nước nóng, và nhiều người đã bất tỉnh trong giá lạnh.

Ông Dawa Tsering, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Tây Tạng thuộc Chính phủ Tây Tạng lưu vong, nói rằng theo thông tin mà ông có được, các ngôi làng đã bị bao vây, Internet và điện bị cắt, người ngoài không được phép liên lạc với họ, điện thoại di động của những người trẻ tuổi bị tịch thu và các ảnh, video liên quan có thể bị xóa.

Trước việc chính quyền Trung Quốc lại tiến hành một cuộc đàn áp mới đối với người Tây Tạng, bà Uzra Zeya, Điều phối viên đặc biệt của Hoa Kỳ về Tây Tạng, đã đăng bài trên mạng xã hội X vào ngày 25/2 và nói rằng, Bắc Kinh phải tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận, đồng thời cho phép người Tây Tạng tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách quản lý nước và đất đai.

Bà Uzra Zeya cũng chỉ ra rằng, những ngôi chùa có tuổi đời hàng thế kỷ này là nhà của hàng trăm nhà sư Phật giáo Tây Tạng, chúng chứa đựng những di vật văn hóa không thể thay thế; Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng người Tây Tạng để giúp họ bảo tồn văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ độc đáo của mình.

Tiến sĩ Sophie Richardson, một chuyên gia về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, cũng đăng tải thông tin trên nền tảng mạng xã hội X rằng, các nhà sư và người dân Tây Tạng đang than khóc trong đau đớn, việc chính phủ các nước dân chủ chỉ bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ là chưa đủ. Điều quan trọng nhất là, các quan chức Trung Quốc nên bị buộc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Hầu hết các dự án thủy điện quy mô lớn của Trung Quốc đều được xây dựng trên các con sông bắt nguồn từ Khu tự trị Tây Tạng và kéo dài đến các khu dân cư của người Tây Tạng ở nhiều tỉnh khác nhau của Trung Quốc. 

Một số nhà hoạt động Tây Tạng tin rằng những dự án này làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của nước và trầm tích, gây thiệt hại nghiêm trọng đến chất lượng đất nông nghiệp và hệ sinh thái địa phương, đồng thời buộc cư dân gần đó phải di dời.

Đặc biệt, trước nhiều thảm họa lở đất, động đất, lũ lụt cướp đi vô số sinh mệnh, nhiều chuyên gia như nhóm học giả nghiên cứu Lan Hằng Tinh (兰恒星) và chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc (王维洛) nhiều lần nói rằng các thảm họa đó là nhân tạo, do chính phủ xây dựng số lượng lớn các hồ đập chứa nước. 

Ví dụ, sau trận động đất ở Cam Túc cuối năm 2023 khiến hàng trăm người thiệt mạng, các chuyên gia nói đó là một thảm họa nhân tạo, và nghiên cứu của nhóm học giả Lan Hằng Tinh đã chỉ ra rằng, lưu vực sông Hoàng Hà, Trung Quốc đang phải đối diện với những mối nguy hiểm rất đáng lo ngại.

Ngoài ra, có một thảm họa kinh hoàng khác đã bị ĐCSTQ che đậy. Chương trình “Discovery” của Mỹ xếp thảm họa này vị trí thứ nhất trong “Top 10 thảm họa nhân tạo trong lịch sử thế giới”, xếp trước vụ rò rỉ hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô cũ.

Đó là thảm họa nhân tạo vỡ đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam khiến hơn 230 nghìn người chết và hơn 10 triệu người mất nhà cửa. Nó xảy ra vào ngày 8 tháng 8 năm 1975, gây chấn động thế giới.

Hồ chứa Bản Kiều (Banqiao) và Hồ chứa Thạch Mạn Than (Shimantan) là một trong những công trình trọng yếu để ĐCSTQ kiểm soát sông Hoài. Năm 1951, cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông đã viết một dòng đề từ “Sông Hoài phải được tu sửa xong”. Sau đó, một loạt hồ chứa bắt đầu được xây dựng trên sông Hoài.

Vào tháng 2 năm 1995, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Châu Á đã công bố một báo cáo về sự cố vỡ Hồ chứa Bản Kiều và Hồ chứa Thạch Mạn Than, gây chấn động dư luận.

Exit mobile version