Gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã tham dự Eurosatory – triển lãm quốc tế lớn nhất về ngành an ninh và quốc phòng trên bộ và trên không – được tổ chức 2 năm một lần tại Paris, Pháp.
Sự việc đã thu hút sự chú ý. Các nhà phân tích cho rằng, trong khi chiến tranh đang nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới, các công ty vũ khí của Trung Quốc cũng nhìn thấy cơ hội kinh doanh, họ muốn chiếm lĩnh thị trường vũ khí và mở rộng sức ảnh hưởng chính trị.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trang bị quân sự của Trung Quốc chỉ giống như ‘nhìn hổ vẽ mèo’, và tình hình kinh tế chính trị hiện tại của nước này cũng không tốt nên Bắc Kinh có thể khó đột phá bằng phương pháp này.
Tại triển lãm Eurosatory vừa kết thúc ở Paris, số lượng doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Trung Quốc tham gia lần này đã vượt xa lần trước, lên tới hơn 60 doanh nghiệp. Trong cuộc triển lãm lần trước có chưa tới 10 doanh nghiệp Trung Quốc.
Triển lãm Eurosatory được tổ chức 2 năm một lần và bắt đầu từ năm 1960, đến nay đã có lịch sử hơn 50 năm. Đây là triển lãm về an ninh và quốc phòng lớn nhất thế giới, quy tụ các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, quốc phòng, an ninh từ khắp nơi trên thế giới.
Tại triển lãm năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc (Norinco), nhà sản xuất các loại vũ khí trên bộ lớn nhất Trung Quốc, đã trưng bày 2 khẩu pháo tự hành cỡ nòng 155 mm, cả 2 đều đạt tiêu chuẩn của NATO.
Trung Quốc đã sử dụng pháo cỡ nòng 152 mm do Liên Xô sản xuất trong nhiều niên. Vào những năm 1980, Bắc Kinh đã bắt đầu thử áp dụng công nghệ pháo tiên tiến của phương Tây để thay thế các hệ thống pháo lỗi thời của Liên Xô.
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Trung Quốc đã mua một bộ công nghệ thiết kế và sản xuất hoàn chỉnh của Tiến sĩ Gerald Vincent Bull – thiên tài pháo phương Tây, nên nước này mới có bước đột phá trong công nghệ pháo 155 mm.
Hôm 27/6, Tiến sĩ Vương Tú Văn (王繡雯), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan, nói với báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng: “Tất nhiên, nếu chi rất nhiều tiền để mua các thiết kế và công nghệ của phương Tây thì Trung Quốc có thể đã bắt đầu thoát khỏi khuôn mẫu và kỹ thuật của Liên Xô để theo đuổi chất lượng sản xuất vũ khí tốt hơn”.
Nga được biết đến là cường quốc quân sự lớn thứ hai thế giới, nhưng những biểu hiện của nước này trong cuộc xâm lược Ukraina chỉ ở mức tạm chấp nhận được.
Bà Vương Tú Văn cho rằng, điều này chứng tỏ vũ khí kiểu Liên Xô có thể không mạnh như dự đoán. Do đó, Bắc Kinh cũng có thể phải cân nhắc xem có nên điều chỉnh thông số sản xuất vũ khí và nắm bắt thị trường vũ khí theo thông số của phương Tây với thị phần lớn hơn hay không.
Về việc Trung Quốc chuyển hướng trang bị theo tiêu chuẩn của NATO, ông Tô Tử Vân (蘇紫雲), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, phân tích với báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng:
“Chỉ có thể nhìn hổ vẽ mèo. Nguyên nhân là do các thông số kỹ thuật của phần cứng, chẳng hạn như pháo, có thể dễ dàng làm ra. Nhưng Trung Quốc không biết gì về phần điện tử, nếu NATO không công bố những mật mã điện tử tương thích thì trang bị vũ khí do Trung Quốc sản xuất sẽ không thể tương thích với thiết bị của NATO, vậy sẽ trở thành hòn đảo đơn độc”.
Ông Tô nói, Trung Quốc “thực sự có thể tăng một số thị phần xuất khẩu khi cung cấp các loại đạn hoặc pháo tương thích, nhưng kim ngạch của những sản phẩm này khá nhỏ, chỉ có thể như muối bỏ biển mà thôi”.
Ông Eoin Micheál McNamara, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan (FIIA), cũng cho rằng Trung Quốc đã trưng bày pháo đạt tiêu chuẩn NATO ở Châu Âu nhưng các quốc gia thành viên NATO khó có thể trở thành khách hàng của họ, vì lý do an toàn. Bắc Kinh chắc chắn biết điều này và họ gần như không có cơ hội xuất khẩu vũ khí sang các nước thành viên NATO.
Hiện tại, cuộc xâm lược Ukraina của Nga ở Châu Âu đã kéo dài hơn 2 năm; cuộc chiến Israel – Hamas nổ ra ở Trung Đông vào tháng 10 năm ngoái; còn ở khu vực Châu Á, trước sự khiêu khích của chính quyền Trung Quốc, những nước láng giềng của nước này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan cũng đang chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh có thể xảy ra.
Trong khi thế giới xuất hiện nhiều điểm nóng chiến tranh, các doanh nghiệp vũ khí của Trung Quốc cũng rầm rộ tham dự triển lãm Eurosatory.
Tiến sĩ Vương Tú Văn phân tích rằng, rõ ràng là Bắc Kinh cho rằng tình hình thế giới càng hỗn loạn thì các nước càng tăng cường mua vũ khí, cơ hội kinh doanh trên toàn cầu cho ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc cũng càng lớn.
Bà Vương cho rằng, những sản phẩm quân sự cũng giống như các sản phẩm ‘Made in China’ khác, chẳng hạn như điện thoại di động Huawei. Với mẫu mã đẹp và giá thành thấp, ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc có thể giành lấy các đơn đặt hàng vũ khí từ nhiều nước đang phát triển, để thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài về công nghệ và mối quan hệ mua bán lâu dài”.
Theo bà Vương, mặt khác, có lẽ Bắc Kinh cũng thấy rằng cuộc chiến Nga – Ukraina sẽ vẫn tiếp diễn và gây ra tình trạng thiếu vũ khí ở Mỹ cũng như các nước phương Tây, do đó họ có ý định tận dụng cơ hội này để kiếm bộn tiền”.
Trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan, Tô Tử Vân, cho rằng: “Trung Quốc muốn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu là vì sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên gần 2,4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, trong đó có 700 tỷ USD có thể đã được dùng để mua vũ khí và quân trang”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Châu Âu, Trung Đông và Châu Á có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất; 5 quốc gia đứng đầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Ả-rập Xê-út.
Trong số đó, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự trong năm thứ 29 liên tiếp, với mức tăng 6%, tổng trị giá là 296 tỷ USD.
Điều này cũng khiến những nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản, Đài Loan đầu tư nhiều hơn vào quân sự. Chi tiêu quân sự của Nhật Bản trong năm 2023 là 50,2 tỷ USD và của Đài Loan là 16,6 tỷ USD, cả hai nước này đều tăng 11%.
Ông Tô Tử Vân cho rằng, ngoài việc nắm bắt thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, điều quan trọng hơn là Bắc Kinh đang muốn nắm bắt sức ảnh hưởng chính trị và củng cố tầm ảnh hưởng chính trị của mình. Đây là tham vọng lớn hơn của chính quyền này.
Khi Nga bận xâm chiếm Ukraina, lượng xuất khẩu vũ khí của nước này đã giảm 53%; lượng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 44% so với 5 năm trước.
Ông Tô Tử Vân nói: “Xuất khẩu của Nga đã giảm đáng kể. Trong tình hình này, một mặt, Bắc Kinh muốn bù đắp một phần thiếu hụt ngoại hối của mình; mặt khác, họ muốn cạnh tranh hoặc mở rộng sức ảnh hưởng chính trị nhờ vào việc xuất khẩu quân trang, chủ yếu là nhắm vào Châu Phi và một số nước ở Châu Á.
Tất nhiên, Châu Á là chỉ Myanmar và Pakistan, còn Châu Phi là thị trường mới mà nước này nhắm tới”.
Ông Elio Calcagno, chuyên gia về quốc phòng Châu Âu, nhà nghiên cứu dự án quốc phòng tại Viện Quan hệ Quốc tế (IAI) của Ý, nói với VOA rằng các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều thị trường xuất khẩu hơn nữa.
Điều này rõ ràng sẽ mang lại ưu thế thương mại, nhưng hoạt động xuất khẩu vũ khí cũng mang tới ảnh hưởng chính trị, đặc biệt là nếu bên mua bị phụ thuộc vào bên bán.
Bà Vương Tú Văn cho rằng, Trung Quốc rất muốn thay thế vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực và thậm chí trên toàn thế giới. Trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang vật lộn với cuộc chiến Nga – Ukraina và Israel – Hamas, thì ĐCSTQ lại đang thể hiện năng lực và chất lượng trong việc sản xuất vũ khí của mình, Bắc Kinh cũng có ý phô diễn bản thân trước các nước đang phát triển khác.
Trước tình hình chính trị và kinh tế xấu, phải chăng Bắc Kinh muốn phá vòng vây?
Ba năm sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Ông Tô Tử Vân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái, nếu có thể tăng cường xuất khẩu trong ngành công nghiệp quân sự thì họ có thể phần nào bù đắp một phần tổn thất trong ngoại thương.
Về việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tham dự triển lãm Eurosatory ở Châu Âu, bà Vương Tú Văn cho rằng:
“Đây cũng có thể là con đường liều lĩnh mà Bắc Kinh đang lao, vào khi nền kinh tế trong nước tiếp tục xấu đi.
Bất kể là bán thứ gì, chỉ cần có thể kiếm được ngoại hối, các doanh nghiệp có được doanh thu và người lao động không thất nghiệp là được.
Điều này cũng có thể có nghĩa là, ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc cũng đã xuất hiện vấn đề, vì vậy họ rất khao khát kinh doanh vũ khí theo tiêu chuẩn của NATO”.
Hôm 27/6, Bộ Chính trị Trung Quốc đã họp để xác định ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 3. Hội nghị Trung ương 3 thường là phiên họp được thế giới bên ngoài chú ý nhất, vì chương trình nghị sự trong cuộc họp này sẽ quyết định trọng tâm công tác của ban lãnh đạo khóa này, đặc biệt là định hướng chính sách kinh tế.
Cùng ngày, chính quyền Trung Quốc cũng ra thông báo xử lý hai “con hổ quân đội” là hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa.
Ông Tô Tử Vân nói rằng, việc chính quyền Trung Quốc công bố xử lý hai “con hổ lớn” vào thời điểm này có thể là để thanh trừng chính trị, dù trên bề mặt là chống tham nhũng.
Ngay cả khi hai người này thật sự tham nhũng, họ vẫn đều được thăng chức Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian ông Tập nắm quyền, điều này cho thấy cách nhìn người của ông Tập không chuẩn. Ngoài ra, vụ xử lý này cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sĩ khí của quân đội Trung Quốc.
Ông Tô nói thêm rằng: “Dù thế nào đi nữa, ông Tập nên là người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất. Ngoài ra, còn có Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đã ngã ngựa. Có thể thấy chính quyền của ông Tập thật sự đang tồn tại những nhân tố bất ổn từ bên trong”.
Trước thông tin các tướng lĩnh của Lực lượng hỏa tiễn và các quan chức trong các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Trung Quốc bị miễn chức, nhà bình luận thời sự Chung Nguyên (Zhong Yuan) nói rằng: “Tương đương với việc Trung Quốc bị buộc phải thừa nhận rằng trong quân đội đã xuất hiện vấn đề lớn”.