Philippines hôm qua đã triệu tập khẩn cấp và xem xét trục xuất đại sứ Trung Quốc tại nước này. Hành động quyết liệt này của Philippines liên quan đến việc tàu tiếp tế của họ trên biển Đông bị tàu Trung Quốc tấn công.
Như đã đưa tin, vào cuối tuần qua, các tàu của Trung Quốc đã tấn công các tàu tiếp tế của Philippines trong đó có cả một tàu chở các quan chức quân sự cấp cao của nước này. Trước hành động tấn công từ phía Trung Quốc, chính quyền Philippines đã công khai gọi đây là một “sự leo thang nghiêm trọng”.
Theo nguồn tin từ hãng Reuters, Philippines liên tục cáo buộc tàu tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc liên tục bắn vòi rồng áp suất cao vào các tàu tiếp tế của Philippines, gây “hư hỏng động cơ nghiêm trọng” cho một trong số các con tàu tiếp tế và sau đó tàu Trung Quốc còn “cố tình” đâm vào một tàu tiếp tế khác.
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, ông Romeo Brawner hôm qua cho biết chiếc tàu chở ông đã bị các tàu Trung Quốc phun nước và bắn trúng.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines ông Jonathan Malaya cho biết tại một cuộc họp báo“Đã có sự leo thang nghiêm trọng trong hành vi của các đặc vụ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Tại buổi họp báo phía Philippines cũng cung cấp các hình ảnh về vụ tấn công trên biển của phía Trung Quốc.
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, nói với đài phát thanh Philippines rằng ông ‘không bị thương’ trong vụ pháo nước và ông ‘không tin Đảng Cộng sản Trung Quốc biết ông’ có mặt trên tàu.
Philippines đã gửi công hàm phản đối ngoại giao chống lại hành vi “xâm lược” của ĐCSTQ ở Biển Đông và lập tức triệu tập đại sứ Trung Quốc.
Các quan chức của Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng hành động của ĐCSTQ đã “gây ra mối đe dọa đối với hòa bình, trật tự và an ninh”.
Các tàu Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vòi rồng áp suất cao chống lại các tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế. Sự kiện leo thang đối đầu trên biển giữa Trung Quốc và Philippines diễn ra chưa đầy một tháng sau khi lãnh đạo hai nước gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco, với kỳ vọng tìm ra giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Hãng AFP đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Hai đầu tuần rằng “Những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc nói và hứa không giống với những gì đang xảy ra ở vùng biển này”.
Đại diện Bộ NGoại giao nước này cho biết công hàm ngoại giao phản đối hành vi trên đã được gửi đi và “đại sứ Trung Quốc cũng đã được triệu tập”. Và căng thẳng hơn khi phía Philippines cho biết họ đang xem xét việc trục xuất Đại sứ Trung Quốc tại Philippines.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã nhiều lần chỉ trích hành vi “hung hăng” của Trung Quốc và tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với đồng minh là Mỹ.
Trong khi đó, truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này lại cho rằng Philippines đang chịu sự kích động, xúi giục của các thế lực bên ngoài”. Vẫn như thường lệ truyền thông Trung Quốc không chỉ đích danh thế lực bên ngoài là quốc gia nào và liên tục khẳng định chủ quyền của họ ở gần như toàn bộ khu vực Biển Đông.
Chính quyền Philippines cật lực phản đối luận điệu này của Trung Quốc và họ cho rằng quân đội Mỹ không hề tham gia vào sứ mệnh tiếp tế.
Ông Marcos Jr. khẳng định rằng sự hiện diện của tàu cảnh sát biển và tàu dân quân Trung Quốc ở vùng biển Philippines là bất hợp pháp và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí Mỹ- Trung dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu năm 2024 và sẽ tiến đến việc thành lập một cơ quan kiểm soát vũ khí giữa hai nước, và xem xét xây dựng cơ chế thông báo phóng tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc.
Toà Bạch Ốc cho biết hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung hồi tháng trước đã nhất trí về kiểm soát vũ khí và chỉ đạo các quan chức cấp cao của cả hai bên thực hiện các hành động tiếp theo.
Quan chức này nói với Nikkei Asia rằng thông báo này rất quan trọng và việc Trung Quốc đạt được thỏa thuận này cho thấy họ dường như hiểu hơn về tầm quan trọng của sự hoà bình và ổn định.
Quan chức này bác bỏ quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng Mỹ và Trung Quốc cần xây dựng lòng tin trước khi đưa ra các bước đi cụ thể. Mà cho biết rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc trước tiên cần phát triển các bước đi sơ bộ, như thông báo phóng tên lửa, để xây dựng mối quan hệ tin cậy.
Các quan chức hai bên cũng từ chối tiết lộ thêm thông tin chi tiết về cơ chế kiểm soát mới này, nhưng họ cho biết một thỏa thuận song phương tương tự giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho khuôn khổ quan hệ Mỹ-Trung.
Thỏa thuận giữa Mỹ và Nga, được ký năm 1988 trong Chiến tranh Lạnh, thoả thuận này yêu cầu cả hai bên phải thông báo cho nhau khi có kế hoạch phóng tên lửa chiến lược như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Dù quan hệ giữa Mỹ và Nga đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ, Nga vẫn sẽ thông báo trước cho Mỹ về các vụ thử tên lửa đạn đạo, điều này cho thấy Điện Kremlin vẫn hiểu tầm quan trọng của việc tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc.
Ngũ Giác Đài cảnh báo rằng Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm để ngăn chặn sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột ở Tây Thái Bình Dương bằng khả năng đáp trả nhắm vào lục địa Mỹ.
Các quan chức Mỹ cho biết các quy định về sử dụng trí tuệ nhân tạo cho quân đội cũng sẽ là một vấn đề quan trọng khác trong các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí trong tương lai.