Trong chuyến thăm Trung Quốc của mình, ông Putin đang thể hiện rõ việc gia tăng sự ủng hộ đối với chính quyền Bắc Kinh. Chuyên gia nhận định rằng, ông cũng đang ngày một phụ thuộc vào Bắc Kinh. Những động thái gần đây cho thấy sự lấn lướt ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với đất nước rộng lớn phương Bắc.
Ngày 15/5, Điện Kremlin đăng bài phỏng vấn trong đó ông Putin nói chuyện với Tân Hoa Xã, một cơ quan truyền thông của nhà nước của Trung Quốc. Trong cuộc thảo luận, ông Putin ca ngợi “tình hữu nghị” lâu đời của Nga với Trung Quốc và các tổ chức quốc tế của nước này. Ông đổ lỗi cuộc chiến Ukraina cho “những người bảo trợ phương Tây” của Ukraina thay vì việc xâm lược Crimea và Donbass vào năm 2014 và nỗ lực liên tục của ông kể từ năm 2022 để lật đổ Kyiv. Đồng thời ông đã đổ lỗi cho cái mà ông gọi là “tỷ phú vàng” (Golden Billion) vì mọi tệ nạn của thế giới.
Cụ thể, ông Putin đã buộc tội các “tỷ phú vàng” – được hiểu là những quốc gia phát triển giàu có nhất – là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề đối với phần còn lại của thế giới. Ông Putin không đưa ra các chi tiết cụ thể về cáo buộc này, nhưng có vẻ như ông muốn thể hiện rằng các quốc gia phát triển hàng đầu đang góp phần gây ra các khó khăn toàn cầu thông qua các chính sách và hành động của họ.
Chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Yale – Anders Corr và là hiệu trưởng tại Corr Analytics đã có bài viết nhận định về những động thái mới này của ông Putin. Sau đây là những nội dung chính trong bài viết của ông.
Quay trở lại vơi bài phỏng vấn ông Putin, ông đã chia thế giới thành các quốc gia giàu và nghèo, đồng thời cho rằng các nước nghèo, dẫn đầu là Trung Quốc, “coi BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) là nền tảng để tiếng nói của họ chắc chắn được lắng nghe”.
Quan điểm của ông Putin về địa chính trị hoàn toàn trái ngược với sự phân chia thế giới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thành các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế. Ông Putin tuyên bố rằng “giới tinh hoa phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo từ chối tôn trọng sự đa dạng văn minh và văn hóa cũng như bác bỏ các giá trị truyền thống hàng thế kỷ”. Tuy nhiên, theo tác giả Anders Corr ông Putin cũng làm như vậy ở Ukraina, và chính quyền Trung Quốc cũng làm như vậy với các nhóm người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Pháp Luân Công và Cơ đốc giáo.
Hơn nữa, Hoa Kỳ thực sự ủng hộ sự đa dạng, miễn là thuật ngữ này không bị biến đổi để có nghĩa là các nhà độc tài xâm lược biên giới của họ, bắt người dân nước ngoài phục tùng sự cai trị đơn phương của họ, từ chối để người dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử thực sự và tịch thu tài sản của công dân và nhà đầu tư một cách không hợp lý.
Ông Putin trích dẫn niềm tin của mình, được một số người gọi là “thuyết âm mưu”, rằng các quốc gia “ tỷ phú vàng” đang cố gắng làm giàu cho bản thân trước sự tổn hại của phần còn lại của thế giới. Đây được cho là mặt trái của cách nói đến “Phương Nam toàn cầu” (Global South) của không chỉ ông Putin mà còn bởi nhiều học giả cánh tả ở phương Tây.
Khái niệm về “Bắc toàn cầu” và “Nam toàn cầu” hoặc phân chia Bắc–Nam trong bối cảnh toàn cầu, được dùng để mô tả một nhóm các quốc gia theo các đặc điểm về chính trị và kinh tế xã hội. Nam toàn cầu là một thuật ngữ thường được dùng để chỉ các quốc gia ở khu vực Mĩ – La-tinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, hay các nước thứ ba.
Cả ông Putin và những người cánh tả phương Tây đều sử dụng ý tưởng về “chủ nghĩa thực dân mới” của “phương Tây” để bôi nhọ các nền dân chủ giàu có, gây bất lợi cho các quốc gia tương đối nghèo hơn (tính theo GDP bình quân đầu người) vốn bị các nhà lãnh đạo độc tài, thiếu kiến thức và tham nhũng đè nén.
Lý thuyết về chủ nghĩa thực dân mới của ông Putin là một phiên bản được hâm nóng hơn của lý thuyết về chủ nghĩa đế quốc của Lênin, và là sự tự biện minh cho sự bành trướng của quân đội Nga và Trung Quốc thông qua các cuộc xâm lược bạo lực, cách mạng và bắt giữ giới tinh hoa.
Ông Putin dường như tin rằng các nước BRICS—do Trung Quốc dẫn đầu và bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi—đang dẫn đầu “Miền Nam và Đông Âu toàn cầu” so với các quốc gia “tỷ phú vàng” như các thành viên G7, với tổng dân số là 779 triệu người. Nhóm này trước đây là G8, bao gồm cả Nga, cho đến khi quân đội của ông Putin xâm lược Ukraina và ông bị trục xuất.
Điều mà ông Putin không đề cập trong cuộc phỏng vấn của mình là Hoa Kỳ đã giúp xây dựng nền kinh tế của nhiều nước G7 sau Thế chiến thứ hai thông qua Kế hoạch Marshall. Đổi lại, G7 đã cung cấp viện trợ phát triển quốc tế rộng rãi cho nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, những nước tham gia chống lại G7 giờ đây dường như không hề đánh giá cao số tiền miễn phí mà họ đã từng nhận được từ phương Tây.
Cả Trung Quốc và Nga đều tìm cách phi đô la hóa thương mại lẫn nhau và với thế giới để chống lại các biện pháp trừng phạt nền kinh tế của họ. Ông Putin đã nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn rằng “Hơn 90% giao dịch thanh toán giữa các công ty [Nga và Trung Quốc] của chúng tôi được thực hiện bằng tiền tệ quốc gia”. Hầu hết giao dịch đó được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ chứ không phải đồng rúp, cho thấy sự thống trị ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với đất nước đã sinh ra nó.
Mục đích của Liên Xô cũ khi thành lập ĐCSTQ là nhằm lật đổ chủ nghĩa đế quốc ở Trung Quốc, điều này sẽ khiến việc lật đổ chủ nghĩa tư bản ở châu Âu trở nên dễ dàng hơn. Đệ tam Quốc tế (Comintern) của Lenin, được thành lập năm 1919, “có nhiệm vụ kích động các cuộc cách mạng chống chủ nghĩa tư bản ở châu Âu; trong thế giới thuộc địa, nó nhằm mục đích kích động các cuộc nổi dậy chống chủ nghĩa đế quốc, và do đó góp phần vào các cuộc cách mạng chống chủ nghĩa tư bản ở châu Âu”, theo nhà sử học Lorenz M. Lüthi. “Vì mục đích đó, Đệ tam Quốc tế đã tài trợ cho việc thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1921”.
Mặc dù quan hệ Trung-Xô gặp phải giai đoạn khó khăn bắt đầu từ năm 1956, nhưng mối quan hệ này đã được cải thiện sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1989, khiến Hoa Kỳ trở thành siêu cường cuối cùng còn tồn tại. Hiệp định Thượng Hải 5 vào năm 1996 đã thống nhất Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác trong một thỏa thuận an ninh biên giới. Ông Putin lên nắm quyền vào năm 1999. 4 năm sau, Mỹ đánh chiếm Baghdad chỉ trong 21 ngày. Điều này khiến Bắc Kinh và Matxcova lo ngại, kết quả là hai bên càng xích lại gần nhau hơn.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải của Trung Quốc, được phát triển từ Hiệp định Thượng Hải 5, cũng được ông Putin nhắc đến một cách tích cực. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) bao gồm Trung Quốc, Nga, Pakistan, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Điều này quan trọng vì có mối tương quan chặt chẽ giữa các quốc gia đe dọa hoặc thực hiện bạo lực nhằm phá vỡ trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, hoặc đồng lõa với các mối đe dọa đó.
Bốn quốc gia có tư cách quan sát viên SCO là: Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ. Ba trong số đó và hai thành viên đầy đủ phản đối kịch liệt cái gọi là “quyền bá chủ của Mỹ”.
Theo góc nhìn của tác giả Anders Corr, việc phá vỡ hệ thống liên minh Trung-Nga đang nổi lên, bao gồm cả SCO và BRICS, sẽ không chỉ đòi hỏi phương Tây phải có những động lực tích cực để khích lệ những quốc gia đang đứng trong hàng rào đạt được tiến bộ về dân chủ và thị trường, mà còn phải bảo đảm rằng những hậu quả tiêu cực sẽ xảy ra đối với những quốc gia tỏ ra quá gần gũi với Nga và Trung Quốc. Các tổ chức quốc tế do ĐCSTQ lãnh đạo đã bình thường hóa và tạo điều kiện cho sự hiếu chiến của Matxcova và Bắc Kinh, do đó các thành viên của họ không được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt sau đó.