Hình ảnh mới xuất hiện công bố hôm 10/9 cho thấy, quân đội Trung Quốc hoạt động sâu bên trong một vùng lãnh thổ đang tranh chấp do Ấn Độ quản lý mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

‘Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc đã xâm nhập sâu 60km vào lãnh thổ Ấn Độ và cắm trại trong nhiều ngày’, là thông tin được cho là chia sẻ từ NewsFy, một hãng tin có trụ sở tại Itanagar, thủ phủ của Arunachal. 

Hình ảnh cho thấy tàn tích của lửa trại, lon đồ hộp và bao bì thực phẩm bị bỏ đi, cùng với những bức vẽ ở khu vực Kapapu thuộc quận Anjaw của Arunachal Pradesh.

Bức vẽ trên phiến đá lớn có chữ “Trung Quốc” được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung, và hình ngôi sao, cùng với năm 2024 – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc xâm nhập mới xảy ra, theo hãng tin Newsweek.

Các nguồn tin mà Newsfy dẫn lời ước tính rằng, địa điểm này đã bị bỏ hoang khoảng một tuần trước khi được phát hiện.

Họ nói đó là bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc đã xâm nhập ít nhất 60km vào Arunachal Pradesh, một tiểu bang ở đông bắc Ấn Độ mà Bắc Kinh gọi là Nam Tây Tạng.

Khu vực này là một trong những khu vực tranh chấp gay gắt nhất trong cuộc xung đột biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, có nguồn gốc từ thời kỳ thực dân Anh. 

Cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, bùng nổ bởi những tranh chấp biên giới này, chứng kiến ​​Trung Quốc tạm thời tiến vào Arunachal Pradesh và Aksai Chin, một khu vực tranh chấp khác ở xa hơn về phía tây.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ở mức cao kể từ cuộc xung đột thương vong ở Thung lũng Galwan, vùng Ladakh thưa dân của Ấn Độ vào năm 2020, khiến 20 quân nhân Ấn Độ và một số lượng không xác định lính Trung Quốc thiệt mạng. 

Cuộc đụng độ diễn ra dọc theo Đường kiểm soát thực tế, đường biên giới trên thực tế được thiết lập sau cuộc xung đột năm 1962.

Các cuộc đụng độ tay đôi tiếp theo diễn ra dọc biên giới vào năm 2021 và 2022, mặc dù không có thương vong nào được báo cáo. 

Cả New Delhi và Bắc Kinh đều phản ứng bằng cách khai triển số lượng lớn quân đội và vũ khí đến các khu vực biên giới và xây dựng cơ sở hạ tầng, để tăng cường khả năng cơ động của quân đội.

Kể từ sự cố Galwan, chính phủ 2 nước đã tổ chức 21 vòng đàm phán cấp chỉ huy, nhằm mục đích giảm căng thẳng, và đạt được sự giải tỏa tại các điểm nóng dọc biên giới. Bất chấp những nỗ lực này, tiến độ vẫn còn hạn chế.

Kể từ năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công khai ủng hộ yêu sách của Ấn Độ đối với Arunachal Pradesh trong bối cảnh, Washington và New Delhi nỗ lực tăng cường quan hệ để ứng phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.