Khi căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức một cuộc tập trận hàng hải chung vào thứ Sáu, ngày 6/12. Giới quan sát đánh giá đây là biện pháp răn đe trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cuộc tập trận hôm thứ Sáu của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines mang mật danh là “Chiến dịch hợp tác hàng hải đa phương”. Nó được tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng, mục đích của cuộc tập trận là nhằm tăng cường khả năng tương tác ba bên về chiến thuật, kỹ thuật và quy trình phòng thủ.

Cuộc tập trận có sự tham gia của phi cơ P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, tàu BRP Andres Bonifacio và một phi cơ nhỏ C-90 của Hải quân Philippines, và khu trục hạm lớp Murasame JS Samidare của Nhật Bản.

Đáng chú ý, cuộc tập trận của Mỹ, Nhật Bản và Philippines diễn ra ngay sau khi, Philippines ngày 4/12 cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và va chạm với tàu tuần tra của họ tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, khẳng định rằng hành động của họ là hợp pháp.

Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với Scarborough, nhưng Bắc Kinh kiểm soát bãi cạn này từ năm 2012.

Philippines tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Trung Quốc và đang xây dựng chiến lược để thực hiện điều đó.

Nhận định về những diễn biến mới nhất đang xảy ra ở Biển Đông, ký giả Vương Hách của thời báo Epoch Times nhắc lại, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 4 năm nay, hình thành một cấu trúc đa phương nhỏ trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở Đông Nam Á để cùng nhau đối phó với chủ nghĩa bành trướng hàng hải và xâm lược trên biển của Trung Quốc”.

Ký giả Vương Hách cũng đánh giá Philippines hiện là quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu trong việc phối hợp với các quốc gia phương Tây để đối phó với hành vi bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông.