Khi các thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tập trung họp để chọn thành phố đăng cai Thế vận hội 2024, lúc đó cuối cùng chỉ có 2 thành phố tranh cử là Paris và Los Angeles. Cuối cùng, IOC đã làm một việc chưa từng có tiền lệ: Paris 2024 và Los Angeles 2028. Do lo ngại rằng năm 2028 sẽ không có thành phố nào muốn ứng cử, Ủy ban Olympic quốc tế chỉ đơn giản trao quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2024 và 2028 cho Paris và Los Angeles.

Thế vận hội Paris 2024 vừa khai mạc có thể được coi là Thế vận hội “giản dị” thậm chí là “nghèo nàn”. Nhằm tiết kiệm chi phí, thậm chí phá vỡ truyền thống, không có sân vận động chính, ngay cả lễ khai mạc cũng diễn ra ngoài trời, các vận động viên các quốc gia vào lễ khai mạc bằng cách đi thuyền trôi dạt trên sông Seine, các màn trình diễn ca múa sử dụng các cây cầu trên sông và các công trình kiến trúc hai bên bờ.

Ngoài ra, việc không lắp đặt điều hòa không khí ở làng Thế vận hội cũng là một trong những điểm tranh cãi trước thềm Thế vận hội. Gần đây, có thông tin cho rằng vài vận động viên Hàn Quốc đã chuyển đến ở khách sạn thay vì làng Thế vận hội, vì “điều kiện xe buýt không tốt, không có điều hòa”. Các vận động viên Australia cũng phàn nàn về tình trạng xe buýt quá đông và phải ngồi trên sàn xe buýt.

Đằng sau tất cả những kết quả không như ý của Thế vận hội Paris là một thực tế đáng xấu hổ là hiện tại không có ai sẵn sàng đăng cai Thế vận hội.

Tác giả với bút danh Phong Linh Chi Thanh (风灵之声) đã có bài viết giải thích nguyên nhân không còn thành phố nào muốn đăng cai Thế vận hội nữa.

Quay lại năm 2017, các thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã tập trung họp để chọn thành phố đăng cai Thế vận hội 2024, lúc đó cuối cùng chỉ có 2 thành phố tranh cử là Paris và Los Angeles. Cuối cùng, IOC đã làm một việc chưa từng có tiền lệ: Paris 2024 và Los Angeles 2028. Do lo ngại rằng năm 2028 sẽ không có thành phố nào muốn ứng cử, Ủy ban Olympic quốc tế chỉ đơn giản trao quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2024 và 2028 cho Paris và Los Angeles.

Nhiều người vẫn nhớ, khi Bắc Kinh ứng cử đăng cai Thế vận hội, cuộc tranh cử rất quyết liệt! Năm 1993, Bắc Kinh ứng cử đăng cai Thế vận hội 2000 nhưng thua Sydney vỏn vẹn 2 phiếu. Phải đến 8 năm sau mới thành công đăng cai Thế vận hội 2008. Trong Thế vận hội 2008 có 10 thành phố ứng cử, Thế vận hội 2012 có 9 thành phố, sau đó là 7 và 5. Đến Thế vận hội 2024, chỉ còn lại 2 thành phố cố gắng tới cùng.

Diễn ra 4 năm một lần, Thế vận hội thu hút hơn 5 triệu người trực tiếp tới tham dự và hơn 10 tỷ người theo dõi qua truyền hình. Đây là cơ hội hiếm có để một thành phố trưng bày hình ảnh, do đó nhiều thành phố nổi tiếng hoặc mới nổi trên thế giới luôn mơ ước được đăng cai Thế vận hội. Thế nhưng ngày nay, Thế vận hội lại trở nên được ít người quan tâm, tại sao lại như vậy?

Thực ra, trước đây Thế vận hội cũng đã từng gặp phải vấn đề này. Ý tưởng thay phiên nhau tổ chức Thế vận hội trên toàn thế giới được đề xuất từ năm 1896. Lúc đó điều này thực sự cần thiết, vì khi ấy chưa có đường bay quốc tế, cũng chưa có truyền hình, nên để toàn thế giới tham gia và hưởng thụ Thế vận hội, cuộc thi này cần được tổ chức luân phiên ở nhiều nơi.

Cùng với sự phát triển của Thế vận hội, IOC đã duy trì truyền thống này, mô hình ứng cử đã phát triển thành các thành phố ứng cử gửi hồ sơ, sau đó bỏ phiếu để chọn ra thành phố chiến thắng. Tuy nhiên, đến năm 1984, không có thành phố nào muốn đăng cai, bởi tình hình của các kỳ Thế vận hội trước đó không được tốt lắm. Ở Thế vận hội Mexico 1968, các hoạt động biểu tình chính trị tại địa phương đã biến thành các vụ bạo lực; Thế vận hội Munich 1972, các phần tử khủng bố đã giết chết 11 vận động viên Israel. Hai sự kiện này cho thấy rủi ro chính trị, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng khi đăng cai Thế vận hội. Trong khi Thế vận hội Montreal 1976 lại vượt quá dự toán ngân sách 13 lần, cho thấy rủi ro tài chính. Do đó, đến cuối những năm 1970, IOC đã rơi vào khủng hoảng.

Trong trường hợp này, Los Angeles đề xuất sử dụng các sân vận động hiện có thay vì xây mới để tổ chức Olympic. Ủy ban Olympic Quốc tế không có lựa chọn nào khác, nên đã chấp nhận đề xuất này. Los Angeles tận dụng tối đa các cơ sở của các trường đại học và các đội bóng địa phương, các vận động viên được sắp xếp ở ký túc xá của các trường đại học.

Kết quả rất thoả đáng. Olympic Los Angeles 1984 đã thành công rực rỡ, đặc biệt về mặt kinh tế, chỉ tốn khoảng 1 tỷ đô la Mỹ và Los Angeles thậm chí còn kiếm được tiền.

Thành công của Los Angeles đã khuyến khích đợt đăng cai Olympic mới. Năm 1992 có 6 thành phố đăng cai, năm 1996 có 6 thành phố, năm 2000 có 8 thành phố, năm 2004 có tới 11 thành phố đăng cai. Khi số lượng thành phố tăng lên, Ủy ban Olympic Quốc tế cũng trở nên khắt khe hơn. Thay vì tiếp tục mô hình của Los Angeles, họ bắt đầu đưa ra nhiều yêu cầu mới. Từ 1992 đến 2020, Ủy ban Olympic Quốc tế đã thêm hàng chục môn thể thao mới, điều này cần nhiều sân bãi và ký túc xá hơn cho các vận động viên, và chi phí chủ yếu do các thành phố đăng cai gánh vác.

Sự cạnh tranh quyết liệt khiến các thành phố đăng cai cảm thấy áp lực ngày càng lớn, và cách hiệu quả nhất để làm cho việc đăng cai trở nên hấp dẫn hơn là xây dựng các sân vận động mới. Sydney đã xây 15 sân vận động mới và cung cấp 10.000 chỗ ở cho các vận động viên, Athens xây 22 sân vận động mới, Bắc Kinh xây 12 sân vận động mới. Những công trình này khiến cho việc đăng cai Olympic trở nên rất tốn kém.

Dưới đây là chi phí của các Thế vận hội Hè trong vòng 30 năm qua:

Barcelona 1992: khoảng 9 tỷ đô la Mỹ

Atlanta 1996: khoảng 4,5 tỷ đô la Mỹ

Sydney 2000: khoảng 5-5,5 tỷ đô la Mỹ

Athens 2004: khoảng 9-10 tỷ đô la Mỹ

Bắc Kinh 2008: khoảng 6-7 tỷ đô la Mỹ

London 2012: khoảng 15 tỷ đô la Mỹ

Rio de Janeiro 2016: khoảng 13 tỷ đô la Mỹ

Tokyo 2020: khoảng 15-25 tỷ đô la Mỹ

Như vậy, chi phí tổ chức Olympic gần đây đã tăng vọt, với 3 kỳ Olympic gần nhất lên tới 10-25 tỷ đô la Mỹ. Và đây chỉ là chi phí liên quan đến thể thao, chưa kể chi phí xây dựng giao thông công cộng hay cơ sở hạ tầng khác. Ví dụ, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, Bắc Kinh đã tốn khoảng 45 tỷ đô la Mỹ cho Olympic Mùa hè 2008, Nga tốn khoảng 51 tỷ đô la cho Olympic Mùa đông 2014, và Tokyo tốn khoảng 35 tỷ đô la.

Bất kể tính toán như thế nào, tất cả các thành phố đăng cai đều vượt xa so với dự toán ban đầu. Quá trình đăng cai khuyến khích họ cố ý đưa ra dự toán thấp. Ban đầu, họ sử dụng các kế hoạch tinh gọn, nhưng sau khi được chấp thuận, họ liên tục bổ sung các hạng mục phụ trội, những “khoản trang trí” khổng lồ này rất có thể lấn át và vượt quá dự kiến. Trong khi doanh thu từ bán vé, hợp đồng truyền hình và tài trợ, quảng cáo chỉ bù đắp một phần nhỏ chi phí này, nghĩa là chính phủ (thực chất là người dân đóng thuế) phải gánh phần lớn chi phí. Vì vậy, đây không phải là một “cuộc làm ăn” có lợi.

Tất nhiên, trong nhiều năm, các thành phố đăng cai luôn biết rằng có thể lỗ nặng trong ngắn hạn, nhưng họ vẫn hy vọng vào lợi ích lâu dài trong tương lai. Ủy ban Olympic Quốc tế đưa ra những lợi ích của việc đăng cai Olympic, bao gồm lợi ích xã hội, chẳng hạn như để lại “di sản Olympic”. Gọi là di sản, tức là những thứ mà sau khi Olympic kết thúc vẫn tiếp tục mang lại lợi ích cho thành phố. Ví dụ như các cơ sở thể thao có thể được sử dụng bởi các đội bóng và người dân địa phương, cơ sở hạ tầng có thể đem lại lợi ích cho nhiều người hơn. Ngoài ra, lập luận phổ biến nhất là đăng cai Olympic sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố lâu dài. Olympic là thời điểm rực rỡ nhất của một thành phố, khi cả thế giới đổ dồn về đây, mang theo khách du lịch, cơ hội kinh doanh và đầu tư nước ngoài.

Nhưng thực tế lại kém tuyệt vời hơn.

Đối với ngành du lịch, một nghiên cứu vào năm 2004 cho thấy rằng, sau đỉnh cao du lịch trước Olympic, ngành du lịch ở Atlanta, Sydney và Seoul đều giảm sút. Một nghiên cứu về Olympic mùa Đông năm 1996 thậm chí còn kết luận gần như không có ảnh hưởng nào đến du lịch dài hạn. Một nghiên cứu vào năm 2010 kết luận rằng gần như không có bằng chứng nào cho thấy việc tổ chức Olympic mang lại lợi ích cho ngành du lịch, và ngược lại, có rất nhiều bằng chứng cho thấy nó gây hại cho ngành này. Hiệu ứng “mọi con mắt đều đổ dồn về đây” cũng có thể phản tác dụng. Nếu thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, nếu có những thông tin tiêu cực, như các sự cố về an ninh hoặc ùn tắc giao thông (do lượng khách du lịch tăng vọt trong Olympic), thì điều này lại càng làm hại hình ảnh của thành phố đăng cai.

Các cơ sở thể thao hoặc đầu tư hạ tầng cơ sở cũng tạo ra nhiều lãng phí. Ví dụ, Nga đã tiêu 8,7 tỷ USD để xây mới một đường sắt và một đường cao tốc tới làng Olympic mùa Đông ở Sochi, hiện nay được coi là một sự lãng phí khổng lồ. Rio de Janeiro đã chi 4 tỷ USD để xây một tuyến metro mới kết nối các bãi biển và Trung tâm Olympic, mặc dù nó thực sự mang lại lợi ích cho một số cư dân, nhưng đây cũng không phải là một tuyến đường rất cần thiết.

Ủy ban Olympic Quốc tế thường nói rằng, chúng tôi cần 30 sân vận động, và bạn phải đặt chúng ở những nơi tiện lợi về giao thông. Do đó, các thành phố đăng cai phải thực hiện nhiều loại xây dựng và cải tạo để đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Olympic Quốc tế. Sau khi kết thúc Olympic chỉ trong một thời gian ngắn, vẫn còn lại rất nhiều sân vận động bỏ hoang. Sân vận động Tổ Chim là chủ nhà chính của Olympic Bắc Kinh, nó vẫn phải tốn khoảng 10 triệu USD mỗi năm để bảo trì. Hiện nay, có hàng chục dự án như vậy ở các thành phố đăng cai Olympic. Ví dụ, ở Rio de Janeiro, 12 trong số 27 sân vận động đã không tổ chức bất kỳ sự kiện nào trong một năm sau khi kết thúc Olympic. Đây thực sự là bằng chứng rõ ràng về sự lãng phí nghiêm trọng do tổ chức Olympic.

Vào năm 2015, có 6 thành phố cạnh tranh để đăng cai Olympic 2024. Nhưng sự phản đối của người dân đã buộc Boston và Hamburg rút lui, và thị trưởng mới của Rome cũng giữ lời hứa rút khỏi cuộc đua. Sau đó, hơn 260.000 người đã ký vào một bản kiến nghị, thúc đẩy Budapest cũng rút lui. Vì vậy, chỉ còn lại Paris và Los Angeles.

Điều này buộc Ủy ban Olympic Quốc tế phải thực hiện một số cải cách, yêu cầu các thành phố đăng cai học tập theo mô hình của Los Angeles năm 1984, sử dụng các sân vận động hiện có và tạm thời, và cho phép họ hợp tác với các thành phố khác. Nhưng cho đến nay, mặc dù Olympic Paris được coi là một trong những kỳ Olympic tiết kiệm nhất trong 20 năm qua, nhưng theo một phân tích mới nhất của WalletHub, tổng chi phí ước tính cho kỳ Olympic này là khoảng 8,2 tỷ USD (bao gồm cả xây dựng cơ sở hạ tầng), và nó sẽ trở thành kỳ Olympic có chi phí thứ cao thứ sáu trong lịch sử.

Olympic 2028 sẽ quay trở về Los Angeles, và ủy ban tổ chức của thành phố này tuyên bố rằng thành phố có thể một lần nữa tổ chức Olympic trong đúng dự toán ngân sách. Nếu họ thành công, liệu đây có thể là một dấu hiệu khởi đầu của một sóng đăng cai mới?

Tuy nhiên, hiện tại Ủy ban Olympic Quốc tế đã ngừng cuộc cạnh tranh đăng cai và chuyển sang thương lượng riêng tư với các thành phố. Họ đã chọn Milan và Cortina d’Ampezzo của Ý làm thành phố đăng cai Olympic Mùa Đông 2026 và giao Olympic Mùa Hè 2032 cho Brisbane, Úc.

Một số người cũng kêu gọi thực hiện một kế hoạch vĩnh viễn nhất định, nghĩa là xem xét xây dựng một cụm sân vận động Olympic vĩnh viễn, bao gồm 35 hoặc 40 sân vận động cho Olympic Mùa Hè, cộng với một số sân vận động Olympic Mùa Đông. Các sân vận động Olympic vĩnh viễn sẽ loại bỏ những công trình ma rất lãng phí, giúp các thành phố tránh nợ nần và giảm thiểu tác động tới môi trường của Olympic, nhưng cũng có thể làm giảm sự mới lạ của mỗi kỳ Olympic.

Bất kể là phương án nào, căn bản vẫn là vấn đề chi phí-lợi ích, và logic kinh tế là nền tảng của nhiều hiện tượng xã hội, và Olympic cũng không ngoại lệ.