Đại Kỷ Nguyên

Tại sao Trung Quốc ngần ngại, không can thiệp vào khủng hoảng Biển Đỏ

Bản đồ vùng Biển Đỏ (ảnh: Nghiên cứu chiến lược).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cuối tháng trước nói: “Các vụ tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) của Houthi nhắm vào tàu hàng trên Biển Đỏ gây tổn hại cho Trung Quốc, nên chúng tôi hoan nghênh họ đóng vai trò mang tính xây dựng trong ngăn chặn những hành động đó”.

Nhưng Trung Quốc tới nay không mặn mà với ý tưởng tham gia liên minh Bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu, dù ông Vương Nghị nói hôm 14/1, giữa chuyến thăm Ai Cập, khẳng định Bắc Kinh “lo ngại sâu sắc khi tình hình Biển Đỏ leo thang nghiêm trọng”.

William Figueroa, chuyên gia về Trung Quốc – Trung Đông tại Đại học Groningen ở Hà Lan, nhận định: “Nguồn lực quân sự của Trung Quốc tại Vùng Vịnh khá hạn hẹp và họ chắc hẳn không muốn bị kéo vào xung đột quy mô lớn. Nếu Trung Quốc lên tiếng quyết liệt hơn, họ có thể làm mất lòng Iran và chịu những tổn hại không đáng có”.

Một lý do khác khiến Trung Quốc ngần ngại can thiệp ở Biển Đỏ là các đòn tập kích của Houthi chủ yếu nhắm vào tàu hàng có liên hệ với Israel và Mỹ. Giới chức Trung Quốc chưa ghi nhận bất cứ sự cố nào ảnh hưởng đến tàu hàng liên quan nước mình tại khu vực.

Theo Josef Gregory Mahoney, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Bắc Kinh muốn tránh các hệ lụy chính trị lẫn ngoại giao nếu đối đầu với lực lượng Houthi. Họ không muốn thể hiện sức mạnh ở khu vực quá xa lãnh thổ và đánh động lo ngại của phương Tây về tiềm lực quân sự.

Theo Ahmed Aboudouh, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Chatham House của Anh: “Các vụ tập kích của Houthi còn tạo cơ sở cho Bắc Kinh gia tăng lập luận chỉ trích Mỹ vì đã thổi bùng xung đột và bất ổn ở khu vực”. Qua đó, Trung Quốc sẽ làm nổi bật hình ảnh của mình là một trung gian đàm phán đáng tin cậy, có thể là đối với các bất đồng ở Trung Đông, vốn đã được chứng tỏ một phần qua thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao Iran – Arab Saudi vào năm ngoái.

Exit mobile version