Mới đây, một người tiêu dùng Anh vô tình tìm thấy thẻ căn cước, nghi là của tù nhân Trung Quốc, trong số quần áo hàng hiệu mà cô mua. Vụ việc này, bị nghi là lao động cưỡng bức hoặc lao động nô lệ trong tù, một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo tờ The Guardian ngày 1/12, một phụ nữ sống ở Derbyshire, Anh, đã nhận được chiếc áo khoác chống nước Regatta đặt mua trong đợt giảm giá trực tuyến vào Black Friday 22/11. Tuy nhiên, khi mặc vào, cô cảm thấy có một vật cứng hình chữ nhật giấu trong ống tay áo bên phải, và phát hiện đó là một tấm thẻ trông giống thẻ căn cước (ID) của tù nhân.
Ngoài tên trại giam và dòng chữ “Cục Trại giam Bộ Tư pháp sản xuất”, trên thẻ còn có ảnh chụp chân dung. Trong ảnh là một người đàn ông mặc đồng phục tù nhân đứng trước một chiếc thang đo độ cao.
Vì dòng chữ trên giấy chứng nhận được viết bằng tiếng Trung giản thể, khiến dư luận một lần nữa dấy lên lo ngại về nghi vấn sử dụng lao động nô lệ tù nhân Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xuyên quốc gia.
Vì sự an toàn của những người liên quan, tờ Guardian chưa công bố tên người giữ tài liệu hoặc tên nhà tù liên quan. Tuy nhiên, bài báo đề cập rằng nhà tù liên quan tuyên bố trên trang web chính thức rằng, nhà tù chuyên sản xuất quần áo và gia công linh kiện điện tử.
Người phụ nữ tìm thấy ID cho biết cô không mong đợi tìm thấy thứ gì đó như thế này trong sản phẩm Regatta. Regatta là một thương hiệu của Anh, nhưng chuyện như thế này lại xảy ra với cô khiến cô rất khó chịu.
Cô từng liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của Regatta để hỏi thăm, bộ phận chăm sóc khách hàng khẳng định rằng giấy tờ tùy thân mà cô nhìn thấy chỉ là “thẻ nhận dạng lao động của Trung Quốc”, nhưng nó “thực sự trông giống thẻ nhận dạng tù nhân”.
Bộ phận chăm sóc khách hàng sau đó yêu cầu cô vứt bỏ thẻ chứng nhận đi. Nhưng sau đó, nhân viên dịch vụ khách hàng lại yêu cầu cô trả lại thẻ chứng nhận, và hứa sẽ cung cấp một chiếc áo khoác mới để đổi lấy chiếc áo khoác ban đầu, đồng thời sẵn sàng tặng thêm một chiếc áo nữa như một sự cảm kích. Người phụ nữ từ chối “lòng tốt” đó, nhưng vẫn lấy thẻ chứng nhận trong thùng rác và trả lại cho công ty này.
Tờ The Guardian cho hay, Regatta không chỉ là thành viên của tổ chức “Sáng kiến Giao dịch có đạo đức” (ETI). “Tuyên bố về Nô lệ Hiện đại” năm 2023 của công ty này còn cam kết cấm sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động trong tù.
Regatta đã tiến hành các cuộc điều tra liên quan đối với 70 nhà sản xuất cung cấp từ năm 2022 – 2023, nhưng không rõ có bao nhiêu nhà máy trong số này được đặt tại Trung Quốc.
Sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, người phát ngôn của Regatta cho biết, công ty đã mở cuộc điều tra ngay sau vụ việc và phát hiện quần áo được đề cập được sản xuất tại một nhà máy tuân thủ đầy đủ các quy định, nhưng họ sẽ tiếp tục điều tra xem thẻ chứng nhận được khâu vào quần áo như thế nào.
Người phát ngôn cũng nhấn mạnh rằng công ty “không khoan nhượng” đối với lao động cưỡng bức hoặc lao động tù nhân.
Trước đây, người tiêu dùng nước ngoài thường tìm thấy những thông điệp cầu cứu từ các nhà tù của Trung Quốc bên trong các sản phẩm tiêu dùng.
Trước Giáng sinh năm 2021, một phụ nữ người Anh cũng tìm thấy thẻ căn cước tù nhân của một nhà tù Trung Quốc bên trong chiếc áo khoác mà cô mua trên mạng. Cô lo lắng đây có thể là tín hiệu cấp cứu từ tù nhân tới thế giới.
Chiếc áo khoác mang nhãn hiệu Brave Soul và thuộc sở hữu của một công ty có trụ sở tại Manchester tên là Whispering Smith. Thẻ căn cước của tù nhân đến từ Nhà tù Nhạc Dương (Yueyang) ở tỉnh Hồ Nam (Hunan), tên của nữ tù nhân là Hướng Giai Hoa (Xiang Jiahua/向佳華).
Ngoài ra, vào tháng 11 năm nay, đài truyền hình công cộng Đức và Pháp (德法公共電視台/Arte) đưa tin, có người tìm thấy một tờ giấy viết tay bằng tiếng Trung Quốc trên que thử thai mua ở Paris với nội dung: “Bạn thân mến, bạn có biết rằng cuộc sống bình yên của bạn phụ thuộc vào một nhóm tù nhân Trung Quốc?”
Năm 2019, một bé gái 6 tuổi tìm thấy bên trong tấm thiệp Giáng sinh từ thiện do Tesco, chuỗi siêu thị lớn của Anh bán dòng chữ viết bằng tiếng Anh viết rằng: “Chúng tôi là một nhóm người nước ngoài bị giam giữ trong nhà tù Thanh Phổ (Qingpu) ở Thượng Hải (Shanghai), Trung Quốc và đang bị cưỡng bức lao động. Xin hãy giúp đỡ. Chúng tôi cũng đã thông báo cho các tổ chức nhân quyền”.
Sau vụ việc, Tesco thông báo sẽ tạm dừng hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở Trung Quốc.
Năm 2015, một người đàn ông Anh tìm thấy một lá thư kêu gọi sự giúp đỡ từ Trung Quốc bên trong đôi tất mà anh ta mua. Người đàn ông tên Đinh Đình Khôn (丁廷坤) phàn nàn trong thư rằng, anh đến từ Tô Châu, An Huy và bị giam tại Trại giam huyện Linh Bích trong ba năm vì anh kiến nghị vạch trần hành vi tham nhũng của các quan chức địa phương. Cả anh và vợ đều bị tàn tật do bị chính quyền bức hại.
Vào năm 2012, một phụ nữ Hoa Kỳ, đã phát hiện trong số những đồ trang trí Halloween mà cô vừa mua có một lá thư tiếng Anh yêu cầu giúp đỡ do học viên Pháp Luân Công Tôn Nghị (孫毅) ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia thuộc Thẩm Dương viết. Cô đã công khai nó. Bức thư vạch trần chế độ nô lệ và cuộc bức hại tàn khốc mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng trong các trại lao động.
Tôn Nghị trốn sang Indonesia vào năm 2016, nơi anh tham gia quay bộ phim tài liệu “Thư giúp đỡ”(Letter from Masanjia).
Vào tháng 10 năm 2017, Tôn Nghị qua đời một cách bí ẩn ở Indonesia. Ngoại giới nghi ngờ anh chết vì bị ĐCSTQ ám sát. Bộ phim tiếp tục được trình chiếu ở nhiều nước và giành được nhiều giải thưởng.
Ông Lữ (吕), một học viên Pháp Luân Công từng làm việc trong một công ty ngoại thương của Trung Quốc, nói với tờ Sound of Hope rằng: “Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, có rất nhiều hành vi mờ ám trong ngành sản xuất của Trung Quốc, và các sản phẩm lao động nô lệ đã được sản xuất trong 20 đến 30 năm qua. Vào thời điểm đó, nhiều sản phẩm do công ty ngoại thương của ông xuất khẩu đều do các tù nhân sản xuất”.
Sau khi cựu tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, họ đã đưa một số lượng lớn học viên Pháp Luân Công học và hành xử theo Chân-Thiện-Nhẫn vào các trại lao động, trại tạm giam và các nhà tù, nơi họ bị buộc phải lao động khổ sai.
Từ tháng 5 năm 2005 đến tháng 7 năm 2006, ông Lữ bị cảnh sát Trung Quốc giam giữ tại Trại giam ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông. Ông đã chứng kiến các tù nhân trong các trại giam bị buộc phải làm việc mà không bị kết án theo luật, để sản xuất các sản phẩm lao động nô lệ như giày da để xuất khẩu sang châu Âu.
Ông cho biết: “Giày được làm hoàn toàn thủ công. Tù nhân phải bấm đế và khâu giày. Toàn là giày da. Đế rất cứng. Phải dùng dùi để xỏ và xâu chỉ. Ai cũng phải làm việc rất cực nhọc, hơn mười tiếng một ngày. Nếu không đạt chỉ tiêu, người đó sẽ bị đánh tập thể. Trưởng kho nhà tù sẽ tập hợp một nhóm người tham gia vào việc này.
Nhà tù có các hoạt động của một hộp đen. Không có cách nào để tìm ra nguồn gốc của sản phẩm trong chuỗi cung ứng của nó. Điều cuối cùng bạn có thể tìm thấy là nhà máy xuất khẩu giày này ở Huệ Châu. Nó có giấy phép kinh doanh. Không ai có thể tìm thấy Trại tạm giam ở nơi sản xuất giày này. Tất cả các trại tạm giam, nhà tù đều có lao động nô lệ. Tù nhân không có thời gian nghỉ ngơi. Đôi khi họ làm việc suốt đêm”.
Thạc sĩ Luật quốc tế Lại Kiến Bình (赖建平) nói rằng: “ĐCSTQ luôn có thể lách các quy định pháp luật của phương Tây là vì Trung Quốc không minh bạch. Ở Trung Quốc không có tự do báo chí hay tự do ngôn luận. Mọi việc đều do chính phủ quyết định. Các doanh nghiệp cũng bị chính phủ kiểm soát..Các doanh nghiệp theo hệ thống như vậy đều có trách nhiệm che giấu mọi thông tin về phương thức sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất sản phẩm của họ”. Theo Thạc sĩ Luật quốc tế Lại Kiến Bình, hệ thống chính trị của Trung Quốc xác định rằng họ có thể che giấu sự thật, bởi vì ĐCSTQ kiểm soát mọi thông tin của tất cả mọi người và mọi doanh nghiệp. Đây là một vấn đề cơ bản.