Trong thời gian ngắn Trung Quốc đã tăng cường mua uranium và các nguyên tố phóng xạ lên mức cao kỷ lục. Chuyên gia dựa trên các thông tin được kiểm chứng và những dự đoán riêng của mình để đưa ra nhận định đáng lo ngại, cảnh báo phương Tây.
Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Trung Quốc, vào tháng 5 vừa qua, Tổng giá trị mua uranium đã làm giàu và các nguyên tố phóng xạ, đồng vị và hợp chất khác của Trung Quốc từ Nga đạt tổng trị giá 233 triệu USD, trong đó 231,5 triệu USD dành cho uranium đã làm giàu và 1,4 triệu USD cho các hợp chất khác, lập mức cao kỷ lục. Đây là giá trị lớn nhất kể từ khi số liệu thống kê được thu thập vào năm 2015.
Dữ liệu cũng cho thấy Bắc Kinh đã mua gần 70 triệu USD uranium làm giàu vào tháng 4 năm nay. Do lượng mua vào tháng 5 tăng vọt, Bắc Kinh đã mua uranium và các nguyên tố khác từ Matxcova trong 5 tháng đầu năm nay, lên tới 311 triệu USD.
Tính đến cuối năm ngoái, Nga đã bán tổng cộng các nguyên tố phóng xạ trị giá 440 triệu USD cho Trung Quốc, trong đó 418 triệu USD là uranium đã được làm giàu.
Trong số các nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân trên thế giới, Rosatom của Nga “là nhà cung cấp uranium đã làm giàu lớn nhất trên thị trường toàn cầu”.
Theo phân tích dữ liệu thống kê công khai của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, các nước trên thế giới ước tính đã nhập khẩu uranium đã làm giàu trị giá khoảng 1,29 tỷ USD từ Nga vào năm 2021, và con số nhập khẩu vào năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,03 tỷ USD và USD, 2,7 tỷ USD, cho thấy xu hướng tăng lên.
Vào năm 2022, trong tổng số lượng uranium đã được làm giàu mà Rosatom đã bán, có khoảng 30% được các nước EU mua, và 23% lượng uranium được các cơ sở tiện ích của Hoa Kỳ mua.
Theo nhà bình luận gốc Hoa, Chu Hiểu Huy (周晓辉), để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga, các nước phương Tây đang nỗ lực cải thiện khả năng tự cung cấp năng lượng hạt nhân.
Điều này bao gồm việc cải thiện khả năng làm giàu uranium và thiết lập các địa điểm mới để sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Từ năm ngoái đến năm nay, Trung Quốc đã mua hơn 700 triệu uranium đã được làm giàu. Vậy chủ đích của việc này là gì?
Trung Quốc là cường quốc năng lượng hạt nhân, với 55 lò phản ứng hạt nhân hiện đang hoạt động và 22 lò nữa đang được xây dựng.
Từ năm 2022 đến tháng 5 năm nay, chính quyền Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng lớn uranium đã làm giàu từ Nga. Nhà bình luận Chu Hiểu Huy chỉ ra rằng, một mục đích là tăng kho dự trữ chiến lược trong nước để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu hạt nhân.
Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc từng tuyên bố rằng “các kho dự trữ uranium được làm giàu chiến lược trong nước nên được mở rộng để đối phó với biến động giá cả, rủi ro chuỗi cung ứng và các thách thức khác”.
Một mục đích khác là tạo ra vũ khí hạt nhân. Hợp tác hạt nhân giữa Trung Quốc và Nga có thể bắt nguồn từ những năm 1950, khi Liên Xô cung cấp viện trợ về vật liệu, công nghệ và chuyên gia hạt nhân. Khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, Liên Xô đã ngừng viện trợ hạt nhân, nhưng Bắc Kinh và Matxcova đã nối lại hợp tác trong thế kỷ 21. Đặc biệt trong những năm gần đây, sự hợp tác đã được tăng cường.
Ví dụ, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga vào tháng 3 năm 2023, ông đã tuyên bố với Tổng thống Nga Putin rằng, tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân Rosatom của Nga và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc đã ký hợp đồng dự án hợp tác dài hạn để phát triển các lò phản ứng neutron nhanh và hệ thống chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín.
Vào ngày 4 tháng 5, chính phủ Nga đã chính thức phê duyệt Công ty Nhiên liệu TVEL, một công ty con của Rosatom, xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân mới có độ làm giàu uranium-235 không quá 30,4% cho Dự án Trình diễn Lò phản ứng Nhanh Hà Phố ở Phúc Kiến, Trung Quốc trong ba năm tới.
Trong uranium tự nhiên, uranium-238 không dễ phân hạch, chiếm 99,2% và uranium-235 chỉ chiếm 0,8%. Chất sau này là nhiên liệu của các lò phản ứng thông thường và là vật liệu tự nhiên duy nhất trong tự nhiên dễ phân hạch. Nga đã chấp thuận xuất khẩu uranium-235 sang Trung Quốc, trực tiếp loại bỏ nhu cầu Trung Quốc phải tinh chế nó.
Với uranium được làm giàu có độ tinh khiết cao hơn, Bắc Kinh có thể sản xuất plutonium thông qua các lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh, và plutonium là vật liệu phân hạch chính để sản xuất vũ khí hạt nhân.
VOA năm ngoái đề cập rằng, Patty-Jane Geller, cựu nhà phân tích chính sách phòng thủ hỏa tiễn và răn đe hạt nhân tại Heritage Foundation, đã xuất bản một bài báo nói rằng, sự hợp tác hạt nhân ngày càng sâu sắc giữa ĐCSTQ và Nga trong những năm gần đây đã khiến mọi người lo lắng.
“Sự phát triển này có nghĩa là Matxcova càng cung cấp nhiều nhiên liệu thì Bắc Kinh càng có thể sản xuất nhiều plutonium. Trung Quốc càng sản xuất được nhiều plutonium thì nước này càng có thể chế tạo nhiều vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, Alex Wellerstein, một nhà sử học vũ khí hạt nhân người Mỹ và là người tạo ra trang mô phỏng vũ khí hạt nhân trực tuyến NUKEMAP, lại có quan điểm khác. Ông nói với đài VOA rằng ước tính ĐCSTQ đã sở hữu khoảng 14 tấn uranium được làm giàu ở mức độ cao, và khoảng 3 tấn plutonium đã tách ra, đủ để chế tạo càng nhiều đầu đạn hạt nhân.
Theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm của Thụy Điển, Trung Quốc là quốc gia có vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, chỉ trong một năm, nước này đã tăng từ 350 vũ khí hạt nhân trong năm 2022 lên 410 vũ khí hạt nhân trong năm 2023 và con số này tiếp tục tăng.
Ngoại giới tin rằng một khi Trung Quốc xác định được nhu cầu, nước này sẽ có tiềm năng mở rộng số lượng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa lên ngang tầm với Mỹ và Nga vào năm 2030.
“Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2023 dự đoán rằng, Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí hạt nhân, và sẽ có tới 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035.
Chính quyền Trung Quốc không trực tiếp phủ nhận hay thừa nhận điều này mà nhấn mạnh rằng, sự phát triển gần đây của vũ khí hạt nhân sẽ mang tính phòng thủ.
Theo nhà bình luận Chu Hiểu Huy, rõ ràng, sự gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ có liên quan trực tiếp đến việc chế độ này tăng cường hợp tác với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, và nhập khẩu uranium làm giàu quy mô lớn từ Nga.
Ngoài hai mục đích trên, ĐCSTQ còn có mục đích lợi dụng các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga để kinh doanh uranium đã làm giàu và thu lợi nhuận.
Nhà bình luận Chu cho hay, một khả năng khác là Rosatom và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc có thỏa thuận bí mật, đó là Nga xuất khẩu uranium đã làm giàu qua các kênh không bị trừng phạt sang Trung Quốc, còn ĐCSTQ lợi dụng cơ hội để kiếm lợi nhuận.
Báo cáo của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh cho thấy, năm 2022, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 97 tấn uranium đã làm giàu, không khác nhiều so với 95 tấn năm 2021.
Tuy nhiên, vào năm 2023, xuất khẩu uranium đã làm giàu của Trung Quốc tăng vọt tăng 288% so với năm 2021, đạt 368 tấn. Theo ông Chu, sự gia tăng xuất khẩu uranium làm giàu của Trung Quốc vào năm 2023 chủ yếu là do thị trường Mỹ. Theo thống kê của Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu 175 tấn sang Mỹ, nhưng dữ liệu của Mỹ cho thấy Washington đã nhập khẩu tới 293 tấn uranium đã làm giàu từ Bắc Kinh.
Ngoài ra, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng cung cấp với Tập đoàn Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc từ năm 2026 đến năm 2031. Vậy ĐCSTQ có âm mưu gì đằng sau điều này?
Nhà bình luận Chu Hiểu Huy cho rằng, rõ ràng, trước sự gia tăng đột ngột lượng uranium làm giàu mà Trung Quốc nhập khẩu, các nước phương Tây như Hoa Kỳ và Châu Âu cần phải cảnh giác.
Thứ nhất, ngăn chặn sự gia tăng đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh. Thứ hai là để tránh nguy cơ chuyển từ phụ thuộc vào Nga sang phụ thuộc vào ĐCSTQ trong chuỗi cung ứng uranium được làm giàu.