Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Triệu Quân Sóc (趙君朔) nhận định, chính quyền Hoa Kỳ đang rơi vào cục diện tiến thoái lưỡng nan trên hai chiến trường lớn. Tại Trung Đông, trục chống Mỹ đã phát động các đợt tấn công quy mô nhỏ vào Israel, vào quân Mỹ hoặc vào tàu chiến Mỹ. Mặc dù họ chưa thu được kết quả đáng kể, nhưng nếu Mỹ phản ứng thái quá sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện, đây là điều mà chính phủ Mỹ không muốn thấy nhất khi đang phải chuẩn bị cho mùa bầu cử tổng thống; nhưng nếu Mỹ phản ứng không đủ, lại sẽ bị coi là yếu nhược.

Bộ Y tế của chính quyền Dải Gaza gần đây thông báo số người chết trong cuộc chiến tranh Israel-Palestine vượt quá 25.000 người, trong chưa đầy 4 tháng. Cùng lúc, hãng thông tấn Washington Post đăng tin vào ngày 21/1: Sau khi không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công vào tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ, chính quyền ông Biden đang lên kế hoạch cho một hành động quân sự tiếp tục, chống lại phiến quân Houthis của Yemen.

Bốn ngày trước đó, tổng thống Biden và hai lãnh đạo đảng của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, cùng với các chủ tịch của các ủy ban ngân sách, quân sự, ngoại giao và tình báo đã tiến hành một cuộc hội đàm kéo dài 11 giờ, nhằm phá vỡ bế tắc trong viện trợ quân sự cho Ukraina, điều đang bị cản trở bởi các cải cách chính sách biên giới của Mỹ.

Sau cuộc hội đàm, mặc dù lãnh đạo lưỡng viện tin rằng đã có tiến triển, nhưng các nghị viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện khả năng vẫn muốn thắt chặt các biện pháp hạn chế nhập cư bất hợp pháp, chặn dự luật phân bổ ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraina lần cuối cùng trước cuộc bầu cử năm nay.

Mặc dù mục tiêu chính sách hiện tại của chính quyền Biden về tình hình Trung Đông là hỗ trợ Israel tiêu diệt các thủ lĩnh quân sự và chính trị của Hamas ở Gaza, không để chiến tranh tiếp tục mở rộng sang các khu vực xung quanh, nhưng rõ ràng diễn biến đã không như chính quyền Biden mong đợi, trong thời gian một tháng qua, Israel đã phát động 4 làn sóng tấn công kiểu ám sát ở Li-băng, Iraq và Syria.

Chiến tranh ở Trung Đông (ảnh: Stephen Coles / Flickr).

Chiến tranh Trung Đông tiếp tục bùng nổ

Vào cuối tháng 12 năm 2023, một chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran được cho là thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ở Damascus. Một tuần sau, Saleh al-Arouri, một quan chức cấp cao của Hamas, thiệt mạng trong một cuộc không kích vào lãnh thổ Hezbollah ở phía nam thủ đô Beirut của Li-băng. Một vụ tấn công tên lửa khác ở Damascus hôm 20/1 đã giết chết 4 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, trong đó có Hojatallah Omidvar, người phụ trách tình báo ở Syria của Lực lượng Quds, lực lượng hoạt động ở nước ngoài của Vệ binh Cách mạng Iran. Vào ngày 4 tháng 1, Mushtaq al-Jawhari, thủ lĩnh của Harakat al-Nujaba, một nhóm chống Mỹ, đã bị tiêu diệt bởi một máy bay không người lái tại trụ sở Baghdad của nhóm này.

Cũng trong ngày 20/1, căn cứ liên quân Mỹ Al Asad ở miền Tây Iraq bị tấn công bởi nhiều tên lửa đạn đạo và rocket. Mặc dù tên lửa phòng không Patriot đã chặn được đại bộ phận các cuộc công kích, nhưng một số đã trúng mục tiêu, khiến một số lính Mỹ và Iraq thương vong. Đây là vụ nghiêm trọng nhất trong số khoảng 140 vụ tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái do dân binh Iraq và Syria tiến hành nhằm vào quân đội Mỹ kể từ chiến tranh Israel-Palestine lần này.

Một phương diện khác, hai vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại Iran gần lăng mộ Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Quds, người bị chính quyền ông Trump ám sát 4 năm trước, khiến khoảng 100 người thiệt mạng. Sau đó, nhóm khủng bố Isis-K xuất hiện nhận trách nhiệm. Iran trả đũa bằng các cuộc tấn công tên lửa nhắm vào các nhóm khủng bố ở Syria và Pakistan và một gián điệp bị nghi là của Israel tại khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq.

Tại Biển Đỏ, cũng có chiến trường thứ ba không ngừng leo thang, nhằm buộc Israel chấm dứt cái gọi là “cuộc diệt chủng” đối với người Palestine ở Gaza. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Israel-Palestine, phiến quân Houthis ở Yemen đã thực hiện gần 30 cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái nhằm vào các tàu thuyền đi lại ở Biển Đỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải trên biển cả và cản trở các hoạt động thương mại quốc tế. Trong nỗ lực buộc lực lượng Houthis ngừng tấn công, Mỹ đã tiến hành 5 đợt không kích vào Yemen chỉ trong hai tuần đầu năm với hy vọng phá hủy các kho đạn dược và căn cứ phóng tên lửa của phiến quân Houthis.

Tuy nhiên, khi một đợt không kích của Mỹ kết thúc, ngay lập tức vào ngày hôm sau, phiến quân Houthis thường tiến hành một cuộc tấn công tiếp theo vào các tàu trên Biển Đỏ. Nói cách khác, cuộc phản công của quân đội Mỹ đã không đạt được hiệu quả như mong đợi, thậm chí có thể nói, khiến quân Houthis đánh trả táo bạo hơn. Do phiến quân Houthis dám chiến đấu với quân đội Mỹ ở Biển Đỏ, danh tiếng của tổ chức này ở Trung Đông và Yemen đã được nâng cao đáng kể. Phương tiện truyền thông quan trọng của Pháp “Le Monde” cũng đăng tải một bài báo đặc biệt dài về quá trình phát triển của tổ chức này với tiêu đề “Houthis đã trở thành một tay chơi không thể bỏ qua ở thế giới Trung Đông”. Ngoài ra, Wall Street Journal còn dẫn lời Vali Nasr, một học giả có thẩm quyền về các vấn đề Trung Đông gốc Iran và là viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Johns Hopkins, tin rằng Mỹ đang trên con đường khai chiến với Yemen.

“Trục kháng chiến Trung Đông” do Iran đứng đầu đang phối hợp tấn công từ nhiều hướng, khiến Israel và Mỹ phải phân tâm.

Trên thực tế, Vali Nasr và đồng nghiệp của ông trong học viện, Narges Bajoghli, một nhà nhân loại học chuyên về các vấn đề Trung Đông, vừa đăng một bài báo dài thảo luận về tình hình chiến tranh trên tạp chí “Quan hệ Quốc tế” hai tháng một số vào ngày 17 tháng 1. Họ tin rằng Iran, hiện đang cung cấp kinh phí, vũ khí và hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ chức dân binh ở Li-băng, Iraq, Syria và Yemen, vốn đang tiến hành phối hợp tấn công từ nhiều hướng để chống lại quyền lực của Israel và Mỹ ở Trung Đông. Trước mắt, các bên đều có mục tiêu kép là buộc Israel ngừng bắn ở Gaza và ngăn chặn Israel mở rộng chiến tranh sang Li-băng.

Bàn về lý do tại sao các lực lượng dân binh và tổ chức quân sự được Iran hậu thuẫn ở nhiều nơi lại lần lượt tham gia chiến cục, bài viết của chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Triệu Quân Sóc cũng đề xuất một cách giải thích rất độc đáo về diễn biến ban đầu của tình hình: Kể từ thời điểm Hamas đột kích Israel ngày 7/10 năm ngoái, các lãnh đạo cấp cao của tổ chức Hamas, Hezbollah, Lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, Houthis và dân binh Iraq đã thường xuyên họp mặt ở Beirut, có khả năng họ đã biết về cuộc đột kích đang được chuẩn bị, nhưng không ngờ Hamas lại tấn côgn theo cách ngoài dự liệu như vậy, tạo thành thương vong khủng khiếp, buộc Israel phải dùng đến đòn phản công gần như điên cuồng, khiến tất cả các thành viên của “Trục kháng chiến Trung Đông” do Iran thành lập, phải tập hợp lại để giúp đối kháng với Israel, quốc gia được Mỹ hậu thuẫn.

Quan điểm này khá thuyết phục khi đối chiếu với diễn biến hiện tại của chiến sự. Quả thực, theo báo cáo được tờ Washington Post đăng tải ngày 19/1, một mặt, Hezbollah của Li-băng vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào Israel sau khi khai chiến, mặt khác, nước này cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán phân định biên giới bị trì hoãn từ lâu với Israel, Israel hy vọng sẽ thiết lập vùng đệm ở biên giới Li-băng mà tất cả dân quân Li-băng không thể tiến vào, nhằm để duy trì an ninh của Israel, nhưng sự tiến triển của cuộc đàm phán trước mắt không thuận lợi, Israel đã nói rõ rằng nếu đàm phán ngoại giao không giải quyết được cuộc tranh chấp đã lâu dài này, Israel chỉ có thể lựa chọn sử dụng phương thức chiến tranh để đạt đến mục tiêu của mình. Mỹ trước đây đã thành công trong việc thuyết phục Israel không được đồng thời phát động chiến tranh với Li-băng, liệu lần này có thể kìm chân Israel hay không là điều khó có thể lạc quan dựa trên tình hình chiến sự hiện tại.

Cờ Palestine, cờ Israel và cờ Mỹ (ảnh: Ted Eytan).

Mâu thuẫn giữa Israel và Mỹ không ngừng nóng lên

Có thể nói, điều Hoa Kỳ hy vọng là Israel sẽ dừng tay sau khi làm trọng thương lực lượng của Hamas, rồi nỗ lực nối lại con đường đàm phán về vấn đề Palestine thông qua giải pháp hai nhà nước. Nhưng thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người nhất tâm muốn dựa vào chiến tranh tổng lực để khôi phục danh vọng và tiền đồ chính trị đang sa sút của mình, ông đã bác bỏ thẳng thừng điều này. Sự bất đồng ý kiến nghiêm trọng như vậy, về mục tiêu giữa hai bên, đã khiến một số thượng nghị sĩ nặng ký của đảng Dân chủ Hoa Kỳ như Elizabeth Warran, cân nhắc một số điều kiện bổ sung nhất định, trong viện trợ quân sự cho Israel, để ngăn chặn nước Mỹ trao cho Israel một tấm séc trắng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, dẫn đến biểu tình phản đối Israel và Mỹ tăng vọt trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phương Nam.

Đây không phải là nguy cơ ngoại giao duy nhất mà ông Biden phải đối mặt. Trên chiến trường Nga-Ukraina, cuộc phản công của Ukraina bắt đầu vào cuối năm ngoái gần như không có tiến triển gì, hiện tại vẫn chưa biết liệu Mỹ có thể cung cấp viện trợ quân sự để Ukraina trụ qua mùa đông năm nay hay không, trước làn sóng tấn công mới của Nga, khiến người ta lo ngại. Trong một phóng sự đặc biệt đăng ngày 19/1, tờ Financial Times đã phỏng vấn một người lính ở chiến khu phía Nam Kirson, anh này trực tiếp thừa nhận tình hình chiến sự trước mắt rất thê thảm. Về việc liệu Ukraina có thể cầm cự lâu dài ở chiến khu phía Nam hay không, người lính này thẳng thắn nói rằng điều này là không thể.

Tổng thống Ukraina, ông Zelensky cũng biết rất rõ điều này, nên hồi tháng 12 năm ngoái, ông tuyên bố chiến tranh đã bước sang giai đoạn mới. Sau khi xác định quân của mình không cách nào lấy lại được đại bộ phận chiến khu Nam bộ, ông ra lệnh thành lập các pháo đài mới tại các khu vực then chốt của tiền tuyến đối đầu lưỡng quân dài 1.000 km, điều này cho thấy quân Ukraina đã chuyển từ thế tấn công sang thoái hồi phòng thủ. Trong mắt các quan chức phương Tây, đây là sách lược “phòng thủ tích cực” – giữ vững tuyến phòng thủ trước mắt, chờ thời cơ tìm ra điểm yếu trong tuyến phòng thủ của đối phương và tiến hành các cuộc phản công hữu hạn bằng không kích – hy vọng có thể chống giữ đến năm 2025 cho một làn sóng phản công khác.

Nhưng then chốt lớn nhất dẫn đến chuyển hướng của chiến lược mới này nằm ở Washington. Một khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa cuối cùng bức bách ông Biden phải nhượng bộ đáng kể về chính sách nhập cư, và lưỡng viện Quốc hội phê chuẩn viện trợ quân sự, thì mức độ vũ khí, đạn dược mà Ukraina nhận được trong năm nay vẫn khó có khả năng sẽ được cải thiện đáng kể, không đủ để giúp Ukraina lấy lại được ưu thế trên chiến trường. Vì vậy, diễn biến của chiến cục năm nay rất có thể là bế tắc, trước khi quân Nga tung ra một cuộc tấn công quy mô lớn khác, có lẽ là vào mùa hè, tuy nhiên cục diện như vậy sẽ có lợi cho Matxcova. Kế hoạch của ông Putin là làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của phương Tây và làm tăng lợi thế cho Nga.

Cờ Ukraina (ảnh: rawpixel.com).

Chiến cục tại Ukraina đang sa lầy

Nếu cục diện trên chiến trường vẫn tiếp tục duy trì trạng thái như hiện nay cho tới cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm nay, ông Biden sẽ khó có thể thuận lợi tái đắc cử, còn ông Trump, người mà thanh thế càng ngày càng cao trên con đường trở lại Tòa Bạch Ốc, luôn coi chiến tranh là sự lãng phí nhân mạng, hao tổn tiền tài, không mang lại lợi ích. Trong nhiệm kỳ trước, ông đã tự hào tuyên bố chưa hề tham gia bất kỳ cuộc chiến nào. Ông Trump có khả năng sẽ buộc Ukraina phải nhượng bộ lãnh thổ và đàm phán hòa bình để ngăn cuộc chiến tranh này tiêu tốn tài nguyên của Mỹ, như một cái hang không đáy.

Nếu kịch bản này xảy ra thì đó sẽ là một sự kiện vui buồn lẫn lộn cho Đài Loan, nếu Ukraina buộc phải từ bỏ một phần lãnh thổ đáng kể, ĐCSTQ có thể suy luận rằng, miễn là họ tấn công trước khiến Mỹ phản ứng không kịp, và bằng cách kéo dài xung đột vũ trang, sẽ có cơ hội củng cố thành quả của việc sử dụng vũ lực để chiếm lợi thế trong đàm phán. Trong chiến dịch tranh cử sơ bộ của ông Trump ở bang Iowa và New Hampshire, ông thường đề cập đến mối đe dọa kinh tế do ĐCSTQ gây ra đối với Mỹ; trong khi, về cuộc chiến Nga-Ukraina, ông chỉ nói rằng ông ủng hộ việc đình chiến giữa hai bên. Ông vẫn muốn chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ về quay lại đối phó với ĐCSTQ, mà cuộc chiến Nga-Ukraina kéo dài sẽ khiến Mỹ rơi vào tình huống tụt hậu nghiêm trọng trong việc bán và giao vũ khí cho Đài Loan. Kể từ khi được giới truyền thông chú ý cách đây một năm, tình huống này trước mắt vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể nào.

Nếu không cần phải tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina, quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào phương Tây về vũ khí (điểm này không giống như Israel, một quốc gia có quân đội hùng mạnh), thì chính phủ mới của Mỹ mới có thể thực sự xoay trọng tâm về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xử lý các vấn đề mà chính quyền ông Biden nhiều lần đề cập trong các thông cáo báo chí sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. Nhưng trên thực tế Hoa Kỳ chưa làm gì nhiều đối với các loại hành vi thương mại không công bằng của ĐCSTQ, hay trong việc việc kìm chế ĐCSTQ đang tăng cường áp bức Philippines ở Biển Đông, và đương nhiên, cả việc tăng cường quân bị cho Đài Loan và thúc đẩy hợp tác quân sự Mỹ-Đài.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ (ảnh: Pixabay).

Chính quyền Hoa Kỳ đang tiến thoái lưỡng nan? Ảnh hưởng đến tình hình bầu cử cuối năm

Tóm lại, có thể thấy rõ chính quyền ông Biden đang rơi vào cục diện tiến thoái lưỡng nan trên cả hai chiến trường; ở Trung Đông, trục phản kháng Mỹ đã tung ra các làn sóng tấn công quy mô nhỏ vào Israel, quân đội Mỹ hoặc tàu Mỹ. Mặc dù chưa thu được kết quả rõ ràng, nhưng nếu động thái phản ứng mà thái quá, thì sẽ có thể dẫn phát một cuộc chiến tranh toàn diện, đây là kết quả mà chính quyền Hoa Kỳ hiện tại không muốn thấy, nhất là trong năm bầu cử này, nhưng sự phản kích không đủ mức sẽ bị coi là yếu nhược.

Trên chiến trường Nga-Ukraina, ông Biden phải duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraina để ngăn ông Putin thành công và tạo thành thất bại lớn trong chính sách đối ngoại của ông trước cuộc bầu cử. Nhưng ông càng cấp thiết muốn tài trợ thì các chính trị gia đảng Cộng hòa càng kiên trì yêu cầu thông qua các cải cách chính sách biên giới cho nước Mỹ trước. Việc ông thỏa hiệp có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội ở một mức độ nhất định trong nội bộ đảng, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Vì vậy, có thể dự đoán một cách hợp lý rằng, chừng nào cục diện này còn tiếp tục phát triển, thì triển vọng tái đắc cử suôn sẻ của ông Biden là không mấy lạc quan. Trong khi, một chính phủ của đảng Cộng hòa ở kỳ tiếp theo có khả năng cao sẽ đi theo đường lối đối kháng và phi hòa giải đối với ĐCSTQ. Trong khi đó, tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức vẫn tiếp tục “Bốn kiên trì” của cựu tổng thống Thái Anh Văn, lúc này, họ trước tiên sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng cách tận dụng thế cục có lợi này, đến lúc đó, họ sẽ đưa ra những yêu cầu với Mỹ để tăng cường toàn diện thực lực về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, thậm chí về mặt ngoại giao, trong khi kinh tế Trung Quốc đang lao dốc mà chưa thấy cơ hội xoay chuyển, thì Đài Loan sẽ biến mình thành một con nhím Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hợp tác mật thiết hơn với Mỹ, khiến ĐCSTQ không dám tiến đánh.

(Nguồn: aboluowang.com).