Đại Kỷ Nguyên

Tổ chức chống Mổ cướp Nội tạng được đề cử Giải Nobel Hòa bình

Tổ chức chống Mổ cướp Nội tạng được đề cử Giải Nobel Hòa bình (ảnh: Chris Jackson/Getty Images).

Nhà lập pháp người Anh – Nam tước Philip Hunt – đã đề cử Hiệp hội các Bác sĩ chống Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng (DAFOH) làm ứng viên cho giải Nobel Hòa bình. Ông Hunt đã ca ngợi vai trò của nhóm bác sĩ y đức này trong việc nêu bật “nỗi kinh hoàng của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng” ở Trung Quốc.

DAFOH là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, Mỹ, bao gồm các bác sĩ y khoa từ khắp nơi trên thế giới. Trong suốt 17 năm qua, DAFOH đã và đang nâng cao nhận thức của người dân trên khắp thế giới về ngành công nghiệp cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ, qua nhiều bằng chứng về nạn mổ cướp tạng, các hội thảo trực tuyến cùng nhiều cuộc vận động kêu gọi Liên Hợp Quốc hành động.

Vào tháng 1 vừa qua, DAFOH đã kêu gọi Liên Hợp Quốc thành lập một tòa án hình sự quốc tế để xét xử tội cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính phủ Trung Quốc.

Nam tước Philip Hunt, một nghị viên của Nghị viện Vương quốc Anh, đã khen ngợi DAFOH vì “công lao to lớn” trong việc đưa ra lý do tại sao chúng ta cần phải hành động.

Ông Hunt nói với báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh rằng: “Những hành vi mổ cướp tạng ở Trung Quốc thật kinh khủng, tôi nghĩ chúng đi ngược lại các quyền cơ bản của con người”.

Ông Hunt nói, việc trao Giải Nobel Hòa bình cho nhóm bác sĩ này “sẽ không chỉ hỗ trợ nâng cao nhận thức và sự chú ý hơn về chủ đề [mổ cướp tạng] này, mà còn gây ảnh hưởng tích cực đến mọi nỗ lực chống lại nạn buôn người – một vấn nạn nghiêm trọng khác trong thời đại chúng ta”.

Tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc đã và đang khiến một lượng lớn dân chúng gặp nguy hiểm. Tại Trung Quốc, những người tu luyện môn khí công Phật gia giữa đời thường Pháp Luân Công cũng như những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người theo đạo Cơ đốc tại gia đều có thể bị giết để lấy tạng, thậm chí bị mổ cướp nội tạng ngay khi họ vẫn đang sống.

Các khách du lịch quốc tế có nhu cầu ghép tạng thường bị thu hút bởi thời gian chờ đợi cực kỳ ngắn tại các bệnh viện Trung Quốc. Họ có thể chọn sang Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép nội tạng, từ đó vô tình trở thành đồng phạm của những tội ác này.Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế vào ngày 31/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết, ĐCSTQ nằm trong số “một vài chế độ đàn áp [người dân] nhất trên thế giới” vì vi phạm nhân quyền.

Vào ngày 27/3/2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Chấm dứt Mổ cướp Nội tạng năm 2023”. Theo đó, vi phạm dân sự có thể bị phạt tới 250 nghìn USD (khoảng 6 tỷ VND), mức phạt cao nhất dành cho vi phạm hình sự là 1 triệu USD (hơn 24 tỷ VND) và 20 năm tù giam. Dự luật này còn phải được Thượng viện thông qua và có được chữ ký của Tổng thống thì mới bắt đầu có hiệu lực. 

Vào năm 2022, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết nhằm lên án “hành vi phạm tội, vô nhân đạo và phi đạo đức” này.

Ông Hunt đã rất nỗ lực vận động để Vương quốc Anh thông qua luật cấm người dân nước này tham gia vào hoạt động du lịch ghép tạng. Ông Hunt cũng cho biết, bản thân ông thấy rất thất vọng vì cho đến nay vẫn chưa có phản ứng rõ ràng nào về vấn nạn này từ các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Trong cuộc đánh giá gần đây của Liên Hợp Quốc về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, những người lên án chính quyền Bắc Kinh chỉ được lên tiếng trong 45 giây, và vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã không được đề cập đến.

Ông Hunt đã cảm thấy rất kinh hoàng khi biết được sự việc đang xảy ra ở Trung Quốc, và cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp chấm dứt nạn mổ cướp tạng này.

Ông Hunt nói: “Cưỡng bức thu hoạch nội tạng là một tội ác khủng khiếp, khủng khiếp”, những vụ giết người đằng sau hậu trường đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp này phát triển.

Theo ông Hunt, các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, như người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương và các học viên Pháp Luân Công xứng đáng được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều so với hoàn cảnh khủng khiếp mà họ đang gặp phải.

Ông Hunt nói rằng còn một chặng đường dài phía trước, nhưng những nỗ lực tập thể từ DAFOH và các nhóm cùng chí hướng khác có thể bắt đầu tạo nên sự khác biệt.

Exit mobile version