Gần đây, tờ New York Times đã đăng một bài báo trích dẫn một chiều quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc, phủ nhận cáo buộc rằng, các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn và rằng, chính quyền này đã thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống, đồng thời hạ thấp cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với những người tu luyện môn Phật pháp giữa đời thường Pháp Luân Công. 

Đáp lại, Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) hôm 22/8 đã long trọng tuyên bố

“Tội ác cấp nhà nước về thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của ĐCSTQ thực sự là một “tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này”.

Qua hơn hai thập niên điều tra có hệ thống, Tổ chức điều tra này đã thu thập được một lượng lớn bằng chứng, chứng minh rằng:

Kể từ năm 1999, dưới sự chỉ đạo của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, chế độ này đã kiểm soát đảng, chính quyền, quân đội, cảnh sát, tư pháp và các tổ chức y tế, cũng như các bộ máy nhà nước khác, thông qua Ủy ban Chính trị và Pháp luật và hệ thống “610”, thực hiện cuộc đàn áp tàn bạo các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng quy mô lớn từ người còn đang sống, kéo dài 25 năm và vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.

Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã đưa ra một danh sách ngắn gọn về lời khai của các nhân chứng.

Ví dụ, vào tháng 1/2020, khi điều tra Lý Quốc Vĩ (李国伟), một bác sĩ ghép thận tại Bệnh viện Tây Kinh (西京) trực thuộc Đại học Y Không quân Trung Quốc để thu thập bằng chứng qua đường dây điện thoại quốc tế, Lý đã cam kết rõ ràng rằng, ông có thể cung cấp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.

Vào ngày 25/7/2022, nhà phê bình kinh tế Nhật Bản, Sugawara Ushio, người từng là thủ lĩnh một nhóm trực thuộc tổ chức xã hội đen Nhật Bản Yamaguchi-gumi, có 220.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội X, đã làm chứng rằng ông đã tận mắt chứng kiến ​​Khoa Cấy ghép Gan của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh cắt gân của một học viên Pháp Luân Công ở độ tuổi 20 và trói tay chân người này vào giường để chuẩn bị cho việc thu hoạch gan.

Một bác sĩ thuộc khoa cấy ghép của bệnh viện cũng cho biết: “Do dân số Trung Quốc đông nên chúng tôi có thể chuẩn bị bất kỳ số lượng người hiến tạng phù hợp nào”.

Một ví dụ khác, Trần Cường (陈强), người liên hệ về cấy ghép nội tạng tại Bệnh viện 307 của Quân đội Trung Quốc, nhấn mạnh rằng họ vận hành nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công thông qua hoạt động một cửa giữa chính phủ, cảnh sát và các nhà tù.

Đồng thời cũng có thể cung cấp thông tin về danh tính của các học viên Pháp Luân Công bị cướp tạng.

Trường hợp khác là Chu Gia Tân (朱家滨), trưởng phòng tổng hợp của “Phòng 610” ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đã công khai thừa nhận rằng, ông ta đã thu hoạch và bán nội tạng của học viên Pháp Luân Công Cao Nhất Hi (高一喜) khi Cao còn sống.

Tính đến tháng 10/2023, Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã công bố 866 bằng chứng ghi âm điều tra và hơn 4.000 bằng chứng tài liệu.

Trong số đó, có 66 bằng chứng được ghi lại thừa nhận rõ ràng hoặc trực tiếp chứng thực việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống mà không được gây mê. 

Tài liệu cho hay, trong số đó có 5 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, một Phó Chủ tịch Quân ủy, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc. 

Nhiều người đã cáo buộc cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân ra lệnh thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.

Lý Trường Xuân (李长春), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, không phủ nhận việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công mà nói rằng, người giám sát cụ thể là Cựu Bộ trưởng Bộ công an, Chu Vĩnh Khang.

Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đã cam kết qua điện thoại với thư ký của Giang Trạch Dân rằng, ông sẽ dừng cuộc điều tra về việc Giang ra lệnh thu hoạch nội tạng từ hàng triệu học viên Pháp Luân Công.

Cuộc điều tra cũng cho hay, những người bị nghi ngờ tham gia thu hoạch nội tạng sống đến từ 891 bệnh viện và các trung tâm cấy ghép nội tạng, với hơn 9.500 bác sĩ cấy ghép đang hành nghề, cùng những người khác.

Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công  xác nhận rằng, hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống trên quy mô lớn của ĐCSTQ là tội ác diệt chủng, do bộ máy nhà nước thực hiện. Tội ác này đã phá hủy hoàn toàn hệ thống đạo đức và tư pháp của xã hội Trung Quốc.

Trong báo cáo của mình, tờ New York Times chỉ trích dẫn quan điểm của một chuyên gia có chữ ký từ Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai tại Trường Luật Yale và “các chuyên gia hàng đầu khác trong lĩnh vực nhân quyền ở Trung Quốc”, để phủ nhận cáo buộc ĐCSTQ cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ cơ thể sống của các học viên Pháp Luân Công. 

Tuy nhiên, ngay từ tháng 2 năm 2020, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã yêu cầu Đại học Yale tiết lộ chi tiết các nguồn tài trợ nước ngoài mà Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai nhận được, bao gồm cả nguồn tài trợ từ Trung Quốc.

Hơn nữa, Tờ báo đơn phương trích dẫn ý kiến ​​của các “chuyên gia hàng đầu” không thể kiểm chứng để phủ nhận tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ, nhưng lại không trích dẫn quan điểm của bất kỳ tổ chức quốc tế đáng tin cậy nào ủng hộ cáo buộc đó.

Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công cho hay:

“Chúng tôi có lý do để tin rằng tuyên bố của tờ báo New York Times về nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đã vi phạm các tiêu chuẩn nghề nghiệp trong việc đưa tin khách quan, trung lập và cân bằng của các phương tiện truyền thông, đồng thời chứa đựng những thành kiến ​​nghiêm trọng có thể khiến độc giả hiểu lầm.

Do đó, chúng tôi yêu cầu tờ New York Times rút lại báo cáo này để tránh gây hiểu lầm cho công chúng”.

Tổ chức điều tra này cho biết, họ nắm giữ một lượng lớn bằng chứng và sẵn sàng hợp tác với giới truyền thông và các cơ quan liên quan, để tiến hành điều tra và báo cáo chuyên sâu.

Tổ chức này kêu gọi các chính phủ, cơ quan và những người có ý thức về công lý trên toàn thế giới tiến hành điều tra sâu hơn về các cáo buộc tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ, hành động để ngăn chặn tội ác này, và buộc những người liên quan phải chịu trách nhiệm.