Theo Tờ Washington Post, dẫn lời ba nguồn tin, cho biết Toà Bạch Ốc gần đây đã bắt tay vào đánh giá chi phí mua Greenland, bao gồm ngân sách trợ cấp sau khi tiếp quản và lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên. Đây là bước phân tích chi tiết về hiệu quả kinh tế để sáp nhập Greenland vào Hoa Kỳ, đánh dấu hành động cụ thể nhất của Tổng thống Trump kể từ khi ông công khai ý định này. Dù kế hoạch vấp phải phản đối từ Đan Mạch và Greenland cùng chỉ trích quốc tế, các quan chức Toà Bạch Ốc vẫn tiến hành xem xét tác động tài chính nếu Greenland trở thành lãnh thổ Hoa Kỳ.
Các phân tích tập trung vào chi phí mua lại, lợi ích kinh tế và ngân sách phục vụ 58.000 cư dân đảo. Nhân viên Văn phòng Ngân sách Toà Bạch Ốc đang tính toán chi phí vận hành Greenland, đồng thời ước lượng lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên cho Bộ Tài chính Mỹ. Một phương án được đề xuất là đưa ra điều kiện vượt trội hơn khoản trợ cấp 600 triệu USD mà Đan Mạch hiện chi cho Greenland mỗi năm. Một quan chức nắm kế hoạch tiết lộ: “Chúng tôi đề xuất mức cao hơn nhiều so với Đan Mạch, cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư lớn.”
Một quan chức cấp cao Toà Bạch Ốc cho biết họ đang cân nhắc: “Mất bao nhiêu để biến Greenland thành lãnh thổ Hoa Kỳ?” Tuy nhiên, phân tích này dựa trên kịch bản người dân Greenland bỏ phiếu đồng ý. Báo cáo từ Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ tháng 1 cho thấy giá trị khoáng sản Greenland khoảng 200 tỷ USD, nhưng vị trí chiến lược ở Bắc Đại Tây Dương có thể trị giá tới 3 nghìn tỷ USD. Tổng thống Trump từng cân nhắc mua Canada hay kênh Panama, nhưng ông xem Greenland là mục tiêu khả thi nhất, theo một quan chức thân cận.
Dù vậy, vấn đề Greenland không phải ưu tiên hàng đầu trong nghị sự an ninh quốc gia Mỹ. Quan chức Toà Bạch Ốc gọi đây là “hành động bổ sung”, chỉ được xem xét sau khi giải quyết các vấn đề lớn như chiến tranh Nga-Ukraina, xung đột Israel-Hamas và kiềm chế Iran. Mục tiêu của chính quyền Trump là thuyết phục dân chúng rằng chi phí sẽ được bù đắp qua tiền bản quyền khoáng sản và thuế thương mại. Toà Bạch Ốc cũng đang tìm cách đưa ra điều kiện hấp dẫn hơn để lôi kéo Greenland.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen dự kiến thăm Greenland từ ngày 2/4, trong khi Phó Tổng thống Vance vừa đến căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại đây – chuyến thăm cấp cao nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ.