Chính quyền Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả vì ủng hộ cuộc xâm lược Ukraina của Nga nếu không thay đổi chính sách.
Điều này đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, trong cuộc phỏng vấn của ông với hãng tin BBC News hôm 18/6.
Ông Stoltenberg cho biết Bắc Kinh đang “cố gắng đạt được hai kết quả” bằng cách viện trợ bộ máy quân sự của Nga, đồng thời cố gắng duy trì mối quan hệ với các đồng minh châu Âu.
Trong chuyến thăm Washington, ông nói: “Về lâu dài, chính sách này sẽ không hiệu quả”.
Khi được hỏi các thành viên NATO có thể làm gì trước việc ĐCSTQ viện trợ Nga, ông Stoltenberg cho biết đã có “cuộc trò chuyện liên tục” về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.
Ông cho biết Bắc Kinh “chia sẻ nhiều công nghệ, chẳng hạn như vi điện tử, vốn là chìa khóa giúp Nga chế tạo hỏa tiễn và vũ khí mà Matxcova dùng trong cuộc xâm lược Ukraina.
Ông nói thêm rằng, “ở một giai đoạn nào đó, chúng ta nên nghĩ đến một số tổn thất kinh tế nếu Bắc Kinh không thay đổi hành vi của mình”.
Bắc Kinh hiện đang phải chịu một số lệnh trừng phạt vì viện trợ Nga, với việc tháng trước Mỹ đã công bố các hạn chế sẽ ảnh hưởng đến khoảng 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hồng Kông.
Bắc Kinh bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình với Matxcova, nói rằng họ không bán vũ khí sát thương và “xuất khẩu hợp lý hàng hóa có công dụng kép theo luật pháp và quy định”.
Nga ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế kể từ khi nước này phát động cuộc chiến toàn diện với Ukraina vào năm 2022.
Ám chỉ Iran, ĐCSTQ, và Triều Tiên, ông Stoltenberg nói: “Nga hiện ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với các nhà lãnh đạo độc tài”.
Ông nói rằng Triều Tiên đã gửi đạn pháo tới Nga và đổi lại, Nga cung cấp công nghệ tiên tiến cho các chương trình hỏa tiễn và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông nói thêm: “Bằng cách này, Triều Tiên đang giúp Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina”.Theo khảo sát của Trung tâm Razumkov, do viện trợ Matxcova nên đa số người Ukraina coi ĐCSTQ là chính phủ thù địch.