Ngày 28/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một sắc lệnh công bố “Luật Quan hệ Đối ngoại của Trung Quốc”, được thông qua trong phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 14, và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 vừa qua.
Luật quan hệ đối ngoại này, được đưa ra lần đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm cố gắng thiết lập hợp pháp cái gọi là ngoại giao Chiến lang do ông Tập Cận Bình chủ trương, và tăng cường quyền lực của Trung Quốc trong việc “đáp trả” những hành động được coi là bị đe dọa bởi Mỹ và các đồng minh phương Tây. Đặc biệt là việc cấm vận các sản phẩm và thiết bị công nghệ cao của Mỹ, đối với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhạy cảm.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi do những bất đồng về Đài Loan, Biển Đông và nhân quyền. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Blinken gần đây đã đến thăm Bắc Kinh và cố gắng hợp tác với Trung Quốc để ổn định mối quan hệ giữa hai nước, nhưng những nỗ lực của ông Blinken dường như chỉ có giới hạn.
Mỹ và châu Âu đều nhận thức rõ rằng cần phải giảm sự phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm.
Điều 33 Chương 4 của Luật Quan hệ Đối ngoại nêu, “Đối với những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, thì Trung Quốc có quyền áp đặt các biện pháp đối phó và các hạn chế tương ứng”.
Trong suốt vài thập niên kể từ khi cố lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, thì chính phủ Trung Quốc luôn theo đuổi chiến lược ẩn mình, tập trung vào phát triển và kiếm tiền một cách âm thầm.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây 10 năm, nhờ vào sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, nên chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã bắt đầu chú ý đến việc tạo ra sự khác biệt, với việc không chỉ mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự trên thế giới thông qua dự án Vành đai và Con đường, mà còn tích cực thúc đẩy chính sách ngoại giao chiến lang.
Ông Triệu Lạc Tế (赵乐际), Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố rằng Luật Quan hệ Đối ngoại có “ý nghĩa quan trọng” trong việc bảo vệ đất nước và ủng hộ sự phục hồi vĩ đại của Trung Quốc.
Ông Vương Nghị (王毅), Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mô tả luật này là “một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc”.
Ông Vương Nghị viết trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo rằng, “Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi lớn chưa từng có trong suốt một thế kỷ, cán cân quyền lực quốc tế đang được điều chỉnh sâu sắc, cấu trúc và trật tự quốc tế đang trải qua những thay đổi phức tạp, và thế giới đã bước vào một thời kỳ hỗn loạn và biến động mới”.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Mỹ đã đưa một số lượng lớn công ty Trung Quốc vào danh sách đen, cáo buộc các công ty này đã hỗ trợ chính quyền Bắc Kinh giám sát các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và những nơi khác, hoặc hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho cuộc xâm lược Ukraina của Nga.
Washington cũng đã thúc đẩy các đồng minh áp đặt lệnh cấm vận hoặc hạn chế xuất khẩu thiết bị và công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc, để gây “sức ép kinh tế” lên Bắc Kinh, đồng thời khuyến khích các đồng minh “giảm thiểu rủi ro” trong các cuộc đàm phán thương mại.
Chính quyền Bắc Kinh coi những hành động này của Mỹ là sự đàn áp Trung Quốc. Bản thân ông Tập đã cảnh báo trong cuộc gặp gần đây với Ngoại trưởng Blinken tại Bắc Kinh rằng, Hoa Kỳ “không thể làm tổn hại hoặc tước đoạt đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”.
Nhưng dù than phiền như thế nào, Bắc Kinh cũng sẽ thông qua luật của riêng mình để đối phó với các biện pháp trừng phạt của nước ngoài đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc.
Bản thân Bắc Kinh cũng thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong quan hệ đối ngoại để gây áp lực chính trị đối với các nước như Úc, Canada, Hàn Quốc và Litva.
Vào tháng 2, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh trừng phạt và phạt tiền 2 nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon vì bán vũ khí cho Đài Loan.
Tuy nhiên, CNN dẫn lời ông Triệu Tuệ Sinh (赵穗生), giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Joseph Kerber thuộc Đại học Denver, Mỹ, cho rằng, “Đây là luật quan hệ đối ngoại đầu tiên… nhưng nó đọc giống như một tuyên bố chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình hơn”.