Đại Kỷ Nguyên

Truyền thông Mỹ: Giới tinh hoa Trung Quốc chạy trốn ngày càng tăng nhưng không phải sang Mỹ

Ảnh minh họa: Getty.

Trong những năm gần đây, tốc độ người Hoa ra nước ngoài để nhập cư ngày càng tăng. Theo truyền thông Hoa Kỳ, số lượng người Trung Quốc nhập cư trong 3 quý đầu năm nay đã bằng con số của cả năm ngoái, đặc biệt là sự di tản nhân tài khoa học công nghệ là đáng kể nhất. Những nhân vật tài năng hàng đầu này không chọn Mỹ là điểm đến đầu tiên, mà họ thích chọn Nhật Bản, Úc, Canada và các nước châu Âu.

Mới đây, tờ New York Times đưa tin rằng, khi Trung Quốc ở thời kỳ nghèo nhất trong những năm 1980 và 1990, gần như tất cả những tài năng xuất sắc nhất của nước này đều đã sang phương Tây để tìm việc làm. Năm 1992, có tới 870.000 người đã rời bỏ Trung Quốc. Năm 2012, do sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cùng chính sách giữ dân của Bắc Kinh, số lượng người ra nước ngoài nhập cư giảm xuống còn 125.000. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi đáng kể vào năm ngoái, bất chấp các hạn chế về hộ chiếu và đi lại vì dịch Covid, số lượng người Trung Quốc ra nước ngoài nhập cư vẫn vượt con số 310.000 người. Tuy vậy, con số lũy kế trong 3 quý đầu năm nay thậm chí còn bằng cả năm ngoái.

Bài báo chỉ ra rằng, nhiều người trong số họ đã cân nhắc việc nhập cư ra nước ngoài sau khi Trung Quốc sửa đổi hiến pháp vào năm 2018 để bãi bỏ hệ thống nhiệm kỳ tổng bí thư ĐCSTQ, và chính sách Zero Covid là lý do tiếp theo khiến họ phải quyết định chạy khỏi Trung Quốc.

Trần Lương Thạch (Chen Liangshi), nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Baidu và Alibaba và hiện đang làm việc tại công ty Meta của Anh cho biết, anh đã rời Trung Quốc khi dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu cách đây 3 năm rưỡi, vì anh không thích tình hình xã hội và môi trường chính trị ở đó. Anh nói sẽ không quay lại cho đến khi Trung Quốc đạt được dân chủ và người dân có thể sống một cuộc sống tự do.

Ông Phó (Fu), từng làm kỹ sư cho một công ty công nghệ quốc phòng nhà nước ở Trung Quốc cũng cho biết, sau khi hiến pháp được sửa đổi, ông và các đồng nghiệp dành nhiều thời gian nghiên cứu chính trị hơn trước, dẫn đến việc họ phải làm thêm giờ. Cuối năm ngoái ông đã xin nghỉ việc và sang Canada kiếm sống.

Anh Chu (Zhou), từng du học ở Mỹ cũng bỏ công việc lương cao tại một công ty khởi nghiệp về xe tự lái ở Bắc Kinh. Hiện làm kỹ sư phần mềm tại một công ty ô tô Tây Âu. Anh chấp nhận bị giảm lương, vì anh cho rằng đó là cái giá phải trả cho sự tự do.

Lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo ở tỉnh Sơn Đông (Shandong), ông Triệu (Zhao) cho biết, ông sang Mỹ học lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật 5 năm trước. Ban đầu ông dự định trở về Trung Quốc sau khi tốt nghiệp, nhưng phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với dịch Covid-19 khiến ông e ngại. 

Ông nói: “Tôi không thể quay lại nơi mà mọi thứ đều là… một đất nước được xây dựng trên sự dối trá”.

Bài báo chỉ ra rằng, hầu hết các chuyên gia Trung Quốc này đều chọn đến các nước phát triển bên ngoài nước Mỹ, vì quá trình xin thị thực và tình trạng thường trú tại Mỹ rất phức tạp và có nhiều biến số.

Ông Phó thừa nhận chưa bao giờ cân nhắc việc nhập cư vào Mỹ vì trường đại học cũ của ông và công ty công nghệ quốc phòng mà ông làm việc đều bị Mỹ trừng phạt, khiến ông khó vượt qua được cuộc đánh giá an ninh của nước này. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng cuối cùng sẽ được làm việc tại nước Mỹ thân thuộc.

Ngoài những nhân tài về công nghệ, giới nhà giàu Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động tháo chạy của mình. Sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình (Xi Jinping) tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, luật sư chuyên về nhập cư nổi tiếng David Lesperance đã nhanh chóng nhận được chỉ thị từ 3 gia tộc doanh nhân siêu giàu Trung Quốc để “kích hoạt” kế hoạch rời Trung Quốc.

Một làn sóng bán bất động sản hạng sang xuất hiện ở Thượng Hải, thậm chí một số người còn bán tài sản của mình với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường. Ngoài ra, một lượng lớn người giàu ở Vũ Hán (Wuhan), Bắc Kinh, Giang Tô (Jiangsu), Chiết Giang (Zhejiang) và các nơi khác đã bắt đầu bán bất động sản, nhiều doanh nhân Đài Loan cũng bắt đầu bán và chuyển nhượng doanh nghiệp.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners, ước tính năm 2022, có khoảng 10.000 cư dân có tài sản lớn đã cố gắng rút 48 tỷ USD khỏi Trung Quốc – khiến nước này trở thành quốc gia có dân số và tài sản chảy ra nước ngoài lớn thứ hai sau Nga.

Đường Ninh Tư (Tang Ningsi), phó giáo sư tại Đại học thành phố Hồng Kông, cho biết sự ra đi của nhân sự và của cải sẽ là cái giá phải trả rõ ràng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây việc rời khỏi Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trước đây cư dân mạng thường cho rằng, hộ chiếu sẽ bị cắt góc tại hải quan Trung Quốc khi xuất cảnh. Thêm vào đó, ngày càng nhiều ngân hàng nước ngoài đang dần rút khỏi thị trường Trung Quốc, khiến giới nhà giàu này gặp khó khăn khi gửi tiền ra nước ngoài.

Vào tháng 8 năm nay, trên mạng lan truyền tin tức rằng, bà Hà Mai (He Mei), chủ tịch cơ quan nhập cư Trung – Mỹ tại Thượng Hải, đã bị cảnh sát Thượng Hải bắt giữ. Theo thông tin được người trong cuộc tiết lộ, cảnh sát đã yêu cầu bà Hà Mai giao nộp toàn bộ thông tin khách hàng đã được sử dụng cho hoạt động nhập cư. Một số nhà phân tích tin rằng, ĐCSTQ muốn điều tra tất cả những người giàu có đã ra khỏi Trung Quốc.

Exit mobile version