Đại Kỷ Nguyên

Ukraina đang ‘xâm lược’ Nga? Vì sao phương Tây ‘dám’ ủng hộ?

Ukraina có đang ‘xâm lược’ Nga? (ảnh: Lực lượng vũ trang Ukraine).

Việc quân đội Ukraina tấn công vào tỉnh Kursk đã khiến Nga phải phân tán lực lượng để phòng thủ, đồng thời tạo cơ hội cho Ukraina tiếp tục tấn công vào các mục tiêu khác. Chuyên gia cho rằng, chiến lược này, mặc dù mạo hiểm, nhưng lại hiệu quả và được phương Tây ủng hộ bởi nó không vi phạm nguyên tắc chung về việc hỗ trợ Ukraina phòng thủ.

Ukraina trong những ngày gần đây đã tiến vào lãnh thổ Nga, cụ thể là tỉnh Kursk, và đã tiến sâu hơn 30km. Người ta cho rằng khi Ukraina kiểm soát, khí đốt tự nhiên ở khu vực này được chuyển đến trung tâm châu Âu, điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. Dù sao đi nữa, sau hai năm chịu đựng chiến tranh, vượt qua mùa đông với việc bị cắt điện và các cuộc tấn công ác liệt của Nga không phân biệt các khu vực quân sự và dân sự, và sau khi liên tục kêu gọi viện trợ quân sự từ phương Tây, Ukraina đã thực hiện một chiến thuật mạo hiểm, khiến cả thế giới phải mở to mắt: hóa ra Nga cũng có những điểm yếu và không thể chống đỡ được một cuộc tấn công sâu vào trong nội địa.

Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Nghê Quốc Vinh (倪国荣) cho rằng, cuộc chiến này đang rơi vào bế tắc, quân đội Nga đã thiệt mạng hơn 500.000 người, nó đã trở thành cuộc chiến của giới lãnh đạo, không phải là cuộc chiến của người dân Nga dũng cảm bảo vệ tổ quốc. Không những nó không phù hợp với quan niệm về cuộc chiến tranh chớp nhoáng của cường quốc đánh nước nhỏ hơn nhiều, mà trong cuộc chiến này, quân đội Ukraina còn dám tấn công vào một tỉnh của Nga, thậm chí bắt giữ hơn 100 binh sĩ Nga và thông báo trên mạng.

Ukraina dám biến phòng thủ thành xâm lược, phá vỡ thái độ thờ ơ của thế giới sau một thời gian dài chiến tranh, đặc biệt là tinh thần của các nước dân chủ phương Tây được nâng cao. Chuyên gia Nghê Quốc Vinh cho rằng, sau hơn hai năm, điểm mù của Điện Kremlin đã được phơi bày, nguyên nhân chính không phải là đất nước sắp sụp đổ, mà là do lãnh đạo Nga đã phát động chiến tranh trước, vì vậy rất khó huy động cả nước (họ không có được thứ tình cảm của người dân nước bị xâm lược). Ngoài ra Nga chỉ đang dùng việc đe dọa bằng vũ khí hạt nhân để giữ vị thế trên trường quốc tế, trừ khi Nga bị diệt vong, nếu không việc sử dụng vũ khí hạt nhân là vô lý, một khi sử dụng trước, Nga sẽ trở thành kẻ thù của nhân loại, việc bị trục xuất khỏi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là điều đương nhiên.

Với điểm mù này, đội quân cảm tử của Ukraina đã tiến vào tỉnh Kursk, mở ra một trang mới cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, đồng thời khiến NATO và Mỹ âm thầm hoan nghênh, quốc gia mở đầu cuộc xâm lược đã phải phòng thủ, quân đội tuyến đầu buộc phải rút về, điều này có thể giải tỏa áp lực cho Ukraina. Với đà như vậy, hôm nay họ có thể tấn công tỉnh này, lần sau có thể tấn công tỉnh khác, điều này khiến Điện Kremlin bận rộn cả trong lẫn ngoài, chiến lược “phản khách vi chủ” này đã khiến các chuyên gia chính quy phải ngỡ ngàng. Trước đây, phương Tây đều đồng ý cho Ukraina tấn công vào nguồn gốc các cuộc tấn công và các kho đạn dược, chặt đứt gốc rễ để phòng thủ. Sự phát triển như vậy, lại tuân theo nguyên tắc có rủi ro nhưng không có hại lớn, vì vậy phương Tây không những không lên án, mà còn giúp Ukraina tự cứu mình, khi từ đây Ukraina có thể sẽ nhận được nhiều vũ khí hơn.

Nói cách khác, việc quân đội Ukraina tấn công vào tỉnh Kursk đã khiến Nga phải phân tán lực lượng để phòng thủ, đồng thời tạo cơ hội cho Ukraina tiếp tục tấn công vào các mục tiêu khác. Chiến lược này, mặc dù mạo hiểm, nhưng lại hiệu quả và được phương Tây ủng hộ bởi nó không vi phạm nguyên tắc chung về việc hỗ trợ Ukraina phòng thủ.

Thực tế, Ukraina đã đẩy tuyến đầu của NATO tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga, điều này có lợi cho việc bố trí phòng thủ của NATO. Khi Nga phải bận rộn dập tắt cuộc “xâm lược” của Ukraina, sẽ giảm bớt mối đe dọa đối với các nước NATO, các nước NATO giáp với Nga không có lý do gì để không mỉm cười.

Nga giải thích cuộc tấn công vào đất Nga của Ukraina là do các phần tử phá hoại, ngoài việc giữ thể diện, họ cũng không dám ngay lập tức đưa ra đe dọa bằng vũ khí hạt nhân như mọi khi. Khi chiến tranh xảy ra trên lãnh thổ Nga, khó có thể chấm dứt trong vài ngày, người tị nạn đổ về thủ đô, điều này chứng minh chính sách xâm lược Ukraina của ông Putin là một tổn hại cho đất nước, lúc này khả năng đàm phán và ngừng bắn sẽ tăng lên, nếu không quân đội Nga sẽ giống như xi măng cứng nhắc trên đất Ukraina, chỉ có thể chiến thắng bằng chiến tranh tiêu hao, đàm phán là điều không thể.

Tác giả Nghê Quốc Vinh nhận định, chiến lược mạo hiểm của quân đội Ukraina đã đạt được kết quả bước đầu, đáng để các quốc gia yếu thế đang bị láng giềng đe dọa trên toàn thế giới tham khảo. Khi Nga bị bế tắc, Trung Quốc sẽ do dự hơn, Đài Loan ủng hộ Ukraina là hoàn toàn chính xác, khi Ukraina có thể tồn tại và phát triển, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan cũng sẽ có ánh sáng trong mây đen. Cuối cùng tác giả Nghê Quốc Vinh cảm kích, “liệu cuộc chiến tranh Nga-Ukraina là khúc dạo đầu ảnh hưởng đến việc bùng nổ Thế chiến thứ ba hay không, hiện tại, sự dũng cảm của quân đội Ukraina cho thấy Thế chiến thứ ba thực sự không cần thiết”.

Cuộc tấn công Kursk của Ukraina đánh dấu ‘đòn đau thứ 3’ với Nga trong cuộc chiến

Có cùng nhận định với chuyên gia Nghê Quốc Vinh, thành viên cấp cao tại Trung tâm Eurasia, phó giáo sư Đại học Texas-Arlington Brian Whitmore cũng đưa ra khái niệm rằng Nga giờ đây đang bị xâm lược.

Ông viết trên trang của Hội đồng Đại Tây Dương rằng: “Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới mà Ukraina đã xâm lược Nga. Và chúng ta hiện đang sống trong một thế giới mà Ukraina, tính đến thời điểm viết bài này, đang chiếm đóng một phần lãnh thổ của Nga có kích thước gần bằng Thành phố New York”.

“Chúng ta vẫn chưa biết ý nghĩa quân sự của cuộc xâm lược của Ukraina vào Kursk, đánh dấu lần đầu tiên quân đội nước ngoài chiếm đóng lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Nhưng xét theo phản ứng ban đầu yếu ớt của Điện Kremlin — trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao khác lên án và hạ thấp cuộc xâm phạm lãnh thổ là một “cuộc tấn công khủng bố” và một “hành động khiêu khích có vũ trang” — thì hậu quả chính trị hứa hẹn sẽ rất to lớn”.

Phó giáo sư Whitmore cho rằng, nguyên nhân là do cuộc xâm lược và chiếm đóng một số khu vực của Tỉnh Kursk đánh dấu “đòn thua quân sự đau đớn” lớn thứ ba mà nhà lãnh đạo Điện Kremlin phải gánh chịu kể từ khi phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraina năm 2022.

Đòn đầu tiên: Tháng 2 đến tháng 9/2022

Đó là giai đoạn đầu của cuộc chiến Nga-Ukraina, khi quân đội Nga phải rút lui khỏi khu vực gần thủ đô Ukraina vào tháng 3/2022. Ngay sau đó là đòn đau đớn hơn, khi soái hạm Moskva – tàu chiến chủ lực của Hạm đội Biển Đen của Nga bị đánh chìm vào tháng 4/2022. 

Và việc Nga mất tàu chiến chủ lực trong một cuộc chiến trên bộ vào tay một quốc gia không có hải quân, vẫn chưa phải là việc mất mặt nhất. Vào tháng 9 và tháng 10/2022, Ukraina đã phát động các cuộc phản công chớp nhoáng để giải phóng các vùng lãnh thổ rộng lớn do Nga chiếm đóng ở khu vực Kharkiv và Kherson.

Khi Nga phát động cuộc xâm lược vào đầu năm 2022, hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng cuộc chiến sẽ kết thúc trong vài tuần. Nhưng đến cuối năm 2022, cỗ máy chiến tranh của Nga không còn trông bất khả chiến bại nữa.

Đòn thứ hai: Tháng 6 đến tháng 8/2023

Lần này nó đến từ trong chính vòng tròn thân cận của ông Putin. Cuộc nổi loạn vào tháng 6/2023 của Yevgeniy Prigozhin và đội quân đánh thuê có liên hệ với Điện Kremlin của ông, Tập đoàn Wagner, đã phơi bày những vết nứt sâu sắc trong giới tinh hoa chính trị Nga cũng như những lỗ hổng của Lực lượng vũ trang Nga.

Theo tác giả Whitmore, việc ông Prigozhin, một người bạn thân của ông Putin từ những năm 1990, phát động một cuộc nổi loạn chống lại Điện Kremlin, đã minh họa cho những nguy cơ của “chính sách đối ngoại đầu tư mạo hiểm” của ông Putin, vốn chuyển giao các nhiệm vụ quân sự và an ninh quan trọng cho các tác nhân tư nhân danh nghĩa. Những mạng lưới bảo trợ không chính thức này, trong đó ông Putin là trọng tài cuối cùng, chỉ hoạt động tốt khi nhà lãnh đạo Nga mạnh mẽ. Còn khi ông yếu đuối, điều đó có thể dẫn đến các sự kiện như cuộc nổi loạn của Wagner.

Và thực tế là Prigozhin có thể kiểm soát thành phố Rostov-on-Don một cách hiệu quả và đưa quân đánh thuê Wagner của mình tiến về phía bắc đến ngoại ô Voronezh, cách Matxcova khoảng ba trăm dặm.

Sự kiện này không chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong giới tinh hoa cầm quyền của Nga, bị phơi bày bởi cuộc xâm lược Ukraina. Nó còn phơi bày điểm yếu cơ bản của lực lượng vũ trang trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của họ: bảo vệ quê hương. Và điều này, đến lượt nó, tạo tiền đề cho đòn đau thứ 3.

Đòn thứ ba: Tháng 8/2024

Cuộc xâm lược Kursk của Lực lượng vũ trang Ukraina—được hình thành, lên kế hoạch và thực hiện trong bí mật nghiêm ngặt—đã gây sốc và ngay lập tức thay đổi câu chuyện về cuộc chiến. Thay vì những tin tức đều đều về những bước tiến nhỏ của Nga ở Donbas, một tiêu đề trên tờ New York Times đã nói lên tất cả: “Một cú lừa và một canh bạc: Làm thế nào quân đội Ukraina xâm lược Nga”.

Theo ông Whitmore, từ việc quân đội Nga không được chuẩn bị đến việc sơ tán dân thường hỗn loạn, cho đến việc quân đội Ukraina liên tục tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga, chiến dịch Kursk đã phơi bày điểm yếu không chỉ của Lực lượng vũ trang Nga mà còn của chính nhà nước Nga.

Ông Whitmore giải thích rằng, trong hơn hai thập niên cai trị của mình, hợp đồng xã hội của chế độ ông Putin với xã hội Nga đã dựa trên việc khôi phục lại sự vĩ đại đã mất và tái lập đế chế. Nhưng ngày nay, có vẻ như nó đã không đạt được trách nhiệm cơ bản nhất của một nhà nước: là bảo vệ lãnh thổ và công dân của mình khỏi sự xâm lược của nước ngoài. 

Hậu quả quân sự của cuộc xâm lược táo bạo của Ukraina vào Nga vẫn chưa rõ ràng. Trong một bài đăng trên Substack, Thiếu tướng đã nghỉ hưu của Quân đội Úc Mick Ryan lưu ý rằng do cuộc xâm lược, Ukraina sẽ có các lựa chọn: Họ có thể cố gắng giữ lại lãnh thổ đã chiếm được, họ có thể rút lui đến các vị trí phòng thủ hơn bên trong nước Nga, hoặc họ có thể rút lui về Ukraina sau khi làm bẽ mặt Điện Kremlin. Trong khi đó, Nga phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn là có nên di chuyển quân đội khỏi mặt trận ở miền đông Ukraina để giành lại lãnh thổ của Nga ở khu vực Kursk hay không.

Bất kể điều này diễn ra như thế nào về mặt quân sự, thiệt hại chính trị đã xảy ra.

Exit mobile version