Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có báo cáo 2024 về Trung Quốc, chỉ ra những điều đáng lo ngại, đồng thời đưa ra khuyến nghị mà chuyên gia cho là chuyên nghiệp và hợp lý để giải quyết khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc. Nhưng vì sao Bắc Kinh vẫn khước từ?.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo về Trung Quốc năm 2024 vào ngày mùng 2/8. Theo Điều 4 của Hiệp định IMF, IMF thường tổ chức các cuộc thảo luận song phương với các quốc gia thành viên hàng năm. IMF là một tổ chức kinh tế liên chính phủ, và Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan ngày nay) là một trong những quốc gia sáng lập. Chính quyền Trung Quốc đại lục chỉ giành được ghế của Trung Quốc tại IMF vào năm 1980 và được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành. Hiện tại, tỷ trọng của Trung Quốc trong IMF là 6,4%, đứng thứ ba sau Mỹ (17,43%) và Nhật Bản (6,47%).
Dựa trên báo cáo mới này, chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa, Vương Hách (王赫) chỉ ra một số điểm nổi bật đáng lo ngại của kinh tế Trung Quốc.
Thứ nhất, triển vọng trung hạn của nền kinh tế Trung Quốc không hề lạc quan. Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5% vào năm 2024, được hỗ trợ bởi đầu tư công mạnh mẽ và tiêu dùng tư nhân tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng sẽ chậm lại trong trung hạn, do một số yếu tố bất lợi dài hạn.
Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống mức 4% trong giai đoạn 2025-2026 và sẽ tiếp tục giảm tới mức 3% vào thời điểm 2027-2029.
Thứ hai, IMF khuyến nghị Bắc Kinh nên dần hủy bỏ các chính sách công nghiệp của mình. Trung Quốc sử dụng chính sách công nghiệp và can thiệp của nhà nước một cách phổ biến và thiếu minh bạch. IMF cho rằng, việc sử dụng quá mức chính sách công nghiệp trong thời gian dài của Trung Quốc sẽ dẫn đến chi phí và rủi ro kinh tế lớn.
Đối với nội bộ, nó dẫn đến phân bổ tài nguyên sai lệch, giảm đầu tư sản xuất, và gia tăng rủi ro chất lượng tài sản của ngành tài chính do phụ thuộc vào nợ, v.v. Đối với bên ngoài, nó khiến các đối tác thương mại lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.
IMF đề xuất Trung Quốc dần dần bãi bỏ chính sách công nghiệp, đồng thời kết hợp với các cải cách bổ sung, sẽ hạn chế tác động méo mó trong nước; tăng cường minh bạch trong các chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với bên ngoài, có thể giảm bớt áp lực phân chia kinh tế địa chính trị.
Thứ ba, yêu cầu Bắc Kinh cải thiện dữ liệu kinh tế của mình. IMF tuyên bố rằng dữ liệu do chính quyền Trung Quốc cung cấp cho IMF nhìn chung là đủ cho mục đích giám sát, nhưng vẫn còn một số sai sót.
Phụ lục 6 chỉ ra một số khoảng trống dữ liệu đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng. Các khoảng trống dữ liệu tồn tại lâu dài bao gồm: dữ liệu GDP hàng quý được phân loại theo cấu trúc chi tiêu (danh nghĩa, thực tế và điều chỉnh theo mùa); dữ liệu chính phủ mở rộng, bao gồm dữ liệu chi tiêu được phân loại theo loại kinh tế (chi tiêu thường xuyên và chi tiêu vốn), cũng như dữ liệu của các thực thể ngoài ngân sách phù hợp với tiêu chuẩn thống kê được đưa vào phạm vi chính phủ mở rộng (bao gồm các nền tảng tài chính của chính quyền địa phương). Dữ liệu cán cân thanh toán của Trung Quốc không được cung cấp theo yêu cầu của ấn bản thứ 6 của “Sổ tay về cán cân thanh toán và vị thế đầu tư quốc tế” về chi tiết theo ngành của tài khoản tài chính hoặc chi tiết thu nhập đầu tư. Ngoài ra, cần tăng cường chia sẻ và tiêu chuẩn hóa dữ liệu về khoáng sản chiến lược.
Theo ông Vương, từ ba điểm trên có thể thấy, đội ngũ IMF khá nhẹ nhàng với chính quyền Trung Quốc, nhưng năng lực chuyên môn của họ buộc họ phải lên tiếng phản đối với nhiều hành vi của Bắc Kinh.
Đối với điều này, Bắc Kinh bề ngoài giữ thái độ hòa nhã, nhưng về bản chất thì kiên quyết không thay đổi. Ví dụ, Trung Quốc khẳng định lại cam kết cải thiện chất lượng dữ liệu, nhưng lại “bày tỏ lo ngại nghiêm trọng” về khung “Sự đầy đủ của dữ liệu” (DAA) mới được IMF thiết lập; không đồng ý với kết quả xếp hạng đối với tài khoản quốc dân; phản đối xếp hạng đối với thống kê tài chính của chính phủ; chỉ cho biết sẽ xem xét việc công khai dần dữ liệu chi tiết về thu nhập đầu tư và ngành của khu vực bên ngoài trong thống kê khu vực bên ngoài.
Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý nhất của ngoại giới trong báo cáo là việc Trung Quốc thẳng thừng từ chối một đề xuất quan trọng của IMF: Đó là sử dụng nguồn lực tài chính của chính phủ trung ương để bảo vệ người mua nhà đối với các căn hộ dự bán chưa hoàn thành.
IMF cho rằng, mặc dù có khoảng trống dữ liệu khiến việc ước tính chính xác chi phí tiềm ẩn rất khó khăn, và những chi phí này có mức độ bất định đáng kể, nhưng tính toán của nhân viên cho thấy, nếu thực hiện phương án này, có thể sẽ phát sinh chi phí tài chính tương đương khoảng 5,5% GDP trong vòng bốn năm. GDP của Trung Quốc năm 2023 khoảng 17,89 nghìn tỷ đô la, 5,5% GDP tương đương khoảng 1 nghìn tỷ đô la.
Tại sao IMF lại khuyến nghị điều này? Chuyên gia Vương chỉ ra hai lý do chủ yếu.
Thứ nhất, năm nay là năm thứ 4 thị trường bất động sản điều chỉnh. Động thái này là cần thiết và cần tiếp tục được thực hiện, nhưng ngành bất động sản vẫn là lực cản nghiêm trọng đối với hoạt động kinh tế Trung Quốc.
Ước tính nhu cầu nhà ở cơ bản trong thập niên tới sẽ giảm từ 35% đến 55% so với mức trung bình giai đoạn 2012-2021.
Thứ hai, mặc dù Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng nào để giải quyết vấn đề các chủ đầu tư gặp khó khăn do tồn đọng một lượng lớn hàng tồn kho nhà ở trong các dự án không khả thi về mặt kinh doanh bền vững. Người mua nhà đối với các căn hộ dự bán chưa hoàn thành lo ngại sẽ phải chịu tổn thất lớn, đây là yếu tố hạn chế chính trong việc xử lý việc phá sản cho các chủ đầu tư.
Do đó, IMF khuyến nghị, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi lĩnh vực bất động sản hiệu quả và chi phí thấp, cần đưa ra một gói chính sách toàn diện dưới sự điều phối của chính phủ trung ương, bao gồm 3 biện pháp sau:
Sử dụng nguồn tài chính của Chính phủ trung ương bảo vệ người mua nhà chưa hoàn thiện trước khi bán.
Đẩy nhanh quá trình giải quyết các chủ đầu tư bị phá sản.
Đẩy nhanh quá trình phục hồi nhu cầu nhà ở, bao gồm cải thiện độ co giãn của giá và cải thiện tình hình tài chính của các chủ đầu tư có khả năng thanh toán.
Trong đó lấy việc “sử dụng nguồn tài chính của chính phủ trung ương để bảo vệ người mua nhà chưa hoàn thiện” làm cốt lõi.
IMF tin rằng gói hỗ trợ có mục tiêu này sẽ dẫn đến sự gia tăng mức nợ so với mức cơ sở trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ làm giảm nguy cơ tiếp tục sụt giảm mạnh trong đầu tư bất động sản, và sẽ giúp xây dựng lại niềm tin cũng như thúc đẩy tiêu dùng.
Do đó nó có thể thúc đẩy tăng trưởng và tăng doanh thu tài chính trong trung hạn.
Hơn nữa, làm như vậy, ngay cả khi phải gánh chịu chi phí tài chính xấp xỉ 5,5% GDP trong vòng 4 năm thì vẫn khả thi (theo điểm 27 của báo cáo: chính sách tài khóa ngắn hạn nên tập trung vào việc hỗ trợ tài chính trung ương một lần cho ngành bất động sản, nhằm ngăn chặn chính quyền địa phương rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính).
Theo chuyên gia Vương, những khuyến nghị trên của IMF đưa ra đều dựa trên tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh tế.
Các giám đốc điều hành của IMF kêu gọi chính quyền Trung Quốc cho phép các nhà phát triển bất động sản không có khả năng tiếp tục hoạt động được rút lui kịp thời, và tăng tính linh hoạt của giá nhà đất.
Hầu hết các Giám đốc điều hành cũng tin rằng, có cơ hội để chính quyền sử dụng nguồn vốn của chính phủ trung ương để bảo vệ người mua những ngôi nhà chưa hoàn thiện.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã từ chối. Những lời bào chữa là chi phí tài chính và rủi ro đạo đức có thể xảy ra đối với một động thái như vậy.
Trương Chính Hâm (张正鑫/Zhang Zhengxin), Giám đốc điều hành của Trung Quốc, cho biết:
“Chúng tôi tin rằng việc xây dựng và bàn giao dự án cần tiếp tục được thúc đẩy theo nguyên tắc thị trường và pháp quyền, đồng thời bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Việc chính phủ trung ương trực tiếp hỗ trợ tài chính để tránh hình thành những kỳ vọng cuối cùng của chính phủ và gây ra các vấn đề về đạo đức là không phù hợp”.
Theo nhà bình luận Vương Hách, đây rõ ràng là sự lừa dối. Nếu ĐCSTQ thực sự “thúc đẩy việc xây dựng và bàn giao dự án theo nguyên tắc thị trường và pháp quyền, đồng thời bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà”, thì làm sao lại có vô số tòa nhà chưa hoàn thiện trên khắp Trung Quốc?
Việc bán bất động sản của Trung Quốc chủ yếu là bán trước.
Theo chính sách của Bắc Kinh, quỹ trước khi bán được các ngân hàng và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, và các công ty bất động sản không được tùy ý sử dụng.
Tuy nhiên, ông Vương chỉ ra rằng, thực tế là các công ty bất động sản, ngân hàng và chính quyền địa phương đã cấu kết với nhau để lạm dụng nguồn tiền bán trước, và tạo ra những lỗ hổng lớn, dẫn đến một số lượng lớn công trình xây dựng dở dang.
Tuy nhiên, đã hơn 4 năm kể từ khi cứu trợ thị trường bất động sản Trung Quốc, chính quyền trung ương vẫn chưa điều tra toàn diện và nghiêm ngặt những người chịu trách nhiệm về số lượng lớn công trình xây dựng dang dở.
Vậy hệ lụy của tình trạng này là gì? Ông Vương cho hay, người mua nhà phải nuốt viên thuốc đắng của những tòa nhà dang dở.
Tất nhiên các nhà chức trách biết rằng sự suy thoái của thị trường bất động sản đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc, nhưng tại sao họ không chấp nhận khuyến nghị của IMF rằng, chính quyền trung ương nên dùng 1 nghìn tỷ USD để giải cứu thị trường bất động sản?
Theo ông Vương, thị trường bất động sản sụp đổ nên chính quyền địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp. Hơn nữa, chính quyền trung ương có lợi ích trung ương, chính quyền địa phương có lợi ích địa phương.
Chính quyền trung ương muốn chính quyền địa phương nuốt viên thuốc đắng của bong bóng thị trường bất động sản.
Nhà bình luận Vương Hách chỉ ra rằng, trên thực tế, chính quyền Trung Quốc về cơ bản khác với chính quyền phương Tây.
Ở các nước châu Âu và châu Mỹ, mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được chuẩn hóa, có quyền, trách nhiệm và lợi ích tương ứng với nhau.
Còn đối với hệ thống cai trị của ĐCSTQ thì sao? Mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương không được chuẩn hóa, trò chơi luôn diễn ra khốc liệt, chính quyền trung ương và địa phương đều hành động như những kẻ lừa đảo.
Quyền lực của chính quyền trung ương lớn hơn nhiều so với chính quyền địa phương, chính quyền trung ương dùng vũ lực để đối phó với côn đồ, trong khi côn đồ ở địa phương dung chiêu trò mềm mỏng.
Trung ương thì có chính sách đàn áp xuống dưới, ở địa phương thì có biện pháp đối phó từ dưới lên.
Ngoài ra, chính quyền trung ương không có lựa chọn nào khác ngoài việc giải cứu, vì ĐCSTQ không có hệ thống phá sản chính quyền địa phương như ở phương Tây, nên họ không thể áp đặt những hạn chế tài chính cứng rắn đối với chính quyền địa phương.
Nhà bình luận Vương Hách cho hay, hiện nay, tình hình chính trị của ĐCSTQ đang nghiêng về cánh tả và tăng cường tập trung quyền lực, chính quyền trung ương phải đàn áp hoàn toàn chính quyền địa phương, và kiểm soát hoàn toàn người dân.
Vì vậy, Bắc Kinh không thể “dùng nguồn tài chính của trung ương để bảo vệ người mua những căn nhà bán trước chưa hoàn thiện”, chưa kể đây là tiền thật hàng nghìn tỷ USD!
Theo ông Vương, giới tinh hoa chính sách kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế, khi đối mặt với ĐCSTQ, một tay xã hội đen chính trị, đã kêu gọi chế độ này khai triển các nguồn tài chính “một lần”, để hoàn thiện và bàn giao tài sản trước khi bán, hoặc bồi thường cho người mua nhà, nhưng họ chỉ có thể khiến vấn đề rơi vào bế tắc.