Cuộc tập trận mới đây diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ gia tăng ở Biển Đông và mối quan ngại của Singapore về quyền tự do hàng hải. Cuộc khảo sát Tình hình Đông Nam Á năm 2024 cho thấy, gần 73% người Singapore lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng và sự quyết đoán về mặt quân sự của Trung Quốc. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Tại sao Singapore vẫn tiếp tục tham gia các cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc bất chấp những lo ngại này? Và điều gì thúc đẩy Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận này?.
Nhà sử học nổi tiếng người Singapore Wang Gungwu nhận xét rằng, Trung Quốc theo truyền thống là một cường quốc lục địa, không có thể mạnh trên biển, nên các chuyến đi hàng hải thế kỷ 15 của Trịnh Hòa là một ngoại lệ đáng chú ý. Sau Chiến tranh Nha phiến năm 1839, cuộc chiến đã làm nổi bật điểm yếu của Trung Quốc trước các cuộc xâm lược bằng tàu chiến. Do đó Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh và hiện tự hào có hạm đội tàu chiến mặt nước lớn nhất thế giới.
Ngược lại, Singapore từ lâu đã được xác định là một quốc gia hàng hải, phát triển từ một cảng thương mại khu vực vào những năm 1400 thành một căn cứ hải quân quan trọng của Anh. Với nguồn lực hạn chế và dân số ít, sự tồn tại của Singapore phụ thuộc vào sức mạnh hải quân của mình và hiện đang có một trong những lực lượng hải quân tiên tiến nhất Đông Nam Á.
Cả hai quốc gia đều nhận ra tầm quan trọng của sức mạnh hải quân đối với an ninh khu vực. Vào tháng 9 năm 2024, Hải quân Singapore và Hải quân Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận hợp tác hàng hải lần thứ ba và lớn nhất từ trước tới nay. Cuộc tập trận chung này được khởi xướng từ năm 2015.
Ian Seow Trịnh Vĩ, nghiên cứu sinh Triết học tại Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Oxford đã có bài viết trên The Diplomat giải thích, vì sao Singapore vẫn tập trận chung với Trung Quốc dù đối tác quân sự ưa thích của họ là Hoa Kỳ.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ gia tăng ở Biển Đông và mối quan ngại của Singapore về quyền tự do hàng hải. Cuộc khảo sát Tình hình Đông Nam Á năm 2024 cho thấy, gần 73% người Singapore lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng và sự quyết đoán về mặt quân sự của Trung Quốc. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Tại sao Singapore vẫn tiếp tục tham gia các cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc bất chấp những lo ngại này? Và điều gì thúc đẩy Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận này?
Đối với Singapore, sự tham gia của nước này báo hiệu mong muốn giữ thái độ trung lập trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ. Đối với Trung Quốc, các cuộc tập trận này giúp xây dựng lòng tin với Singapore và bảo đảm an ninh cho các tuyến đường biển của nước này qua Eo biển Malacca. Đồng thời, các cuộc tập trận hàng hải này rất quan trọng trong việc chứng minh cam kết của Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm bằng cách giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như cướp biển và thiên tai.
Singapore: Thể hiện sự trung lập và liên quan
Singapore tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc để duy trì sự trung lập của mình trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng gia tăng, một thông lệ đã có từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Trong những năm 1990, Singapore đã ủng hộ sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Đông Nam Á để cân bằng với các mối đe dọa bên ngoài bằng cách ký một biên bản ghi nhớ cho phép Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ hải quân và không quân của mình để làm hậu cần và tiếp tế, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ đóng cửa căn cứ hải quân của mình tại Vịnh Subic của Philippines. Các cơ sở này sau đó đã đóng một vai trò trong việc hỗ trợ Chiến tranh toàn cầu chống khủng bố của Hoa Kỳ sau các cuộc tấn công ngày 11/9.
Tuy nhiên, vào giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2000, Singapore đã nhận ra ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, thể hiện qua sự cố Đá Vành Khăn năm 1995, và trở nên lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng đến các tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại của nước này. Thay vì làm đối trọng với Trung Quốc, Singapore đã chọn duy trì quan hệ song phương tích cực để bảo đảm môi trường an ninh khu vực ổn định có lợi cho sự phát triển của mình.
Singapore đã ký Hiệp định về Trao đổi Quốc phòng và Hợp tác An ninh (ADSEC) với Trung Quốc vào năm 2008 để tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Thỏa thuận này chính thức hóa các hoạt động như các chuyến thăm cảng qua lại và giới thiệu các lĩnh vực hợp tác mới như hỗ trợ nhân đạo, dẫn đến Cuộc tập trận Hợp tác đầu tiên tại Quế Lâm, Quảng Tây. Ban đầu có sự tham gia của 60 binh sĩ từ cả hai nước, cuộc tập trận này tập trung vào chống khủng bố và an ninh sự kiện. Theo thời gian, quy mô của cuộc tập trận đã mở rộng lên đến 240 binh sĩ.
Tuy nhiên, sự gia tăng căng thẳng trong sự cạnh tranh Trung-Mỹ, bắt đầu từ chính sách “chuyển hướng sang châu Á” của Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Barack Obama vào năm 2009 và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đã làm dấy lên mối lo ngại của Singapore về việc buộc phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Trong khi Hoa Kỳ vẫn là nhà cung cấp vũ khí và đối tác đào tạo chính của Singapore, Singapore vẫn nỗ lực trấn an Trung Quốc rằng, họ sẽ không đứng về bên nào trong những căng thẳng đang nổi lên giữa các cường quốc này.
Trong bối cảnh này, Singapore và Trung Quốc đã khởi xướng Diễn tập hợp tác hàng hải vào năm 2015 để tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương và thúc đẩy lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc tập trận hải quân cũng cung cấp cho Singapore một nền tảng để nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải đối với an ninh và thương mại của mình, đồng thời giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống chung như cướp biển.
Các cuộc tập trận hải quân ngày càng trở nên quan trọng đối với Singapore, do Trung Quốc liên tục lo ngại về tính trung lập của Singapore. Trung Quốc từ lâu đã coi Singapore là quá gần gũi với Hoa Kỳ, bằng chứng là Singapore tham gia các cuộc tập trận đa phương do Hoa Kỳ dẫn đầu như Cobra Gold ở Thái Lan và Super Garuda Shield ở Indonesia.
Mối lo ngại này đã gia tăng sau bài phát biểu năm 2016 của Thủ tướng Lý Hiển Long khi đó chỉ trích việc Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án quốc tế về Luật biển về tranh chấp Biển Đông. Cùng năm đó, quan hệ Trung Quốc-Singapore trở nên căng thẳng hơn nữa do việc tịch thu xe bọc thép Terrex của Lực lượng vũ trang Singapore tại Hồng Kông do Trung Quốc không hài lòng về việc Singapore tiếp tục tập trận quân sự tại Đài Loan, nơi Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình.
Cuộc tập trận hợp tác hàng hải năm 2024 là cuộc tập trận lớn nhất trong ba cuộc tập trận được tiến hành cho đến nay và diễn ra ngay sau khi Singapore tham gia cuộc tập trận Super Garuda Shield do Hoa Kỳ dẫn đầu, phản ánh nỗ lực của Singapore nhằm duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trung Quốc: An ninh thông qua hợp tác
Đối với Trung Quốc, eo biển Malacca, với Singapore nằm ở vị trí chiến lược tại trung tâm, từ lâu đã được xác định là một nút thắt dễ bị tổn thương đối với an ninh và thương mại của nước này. Năm 2003, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào đã nêu bật “Thế tiến thoái lưỡng nan Malacca”, một kịch bản mà eo biển này có thể bị phong tỏa trong trường hợp bất trắc về quân sự. Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro này thông qua các tuyến đường bộ ở Trung và Nam Á, 90% hoạt động thương mại của Trung Quốc và 80% lượng dầu nhập khẩu của nước này vẫn đi qua đường biển, tạo ra một rủi ro cho Trung Quốc.
Với vị trí trung tâm của Singapore tại eo biển Malacca, Trung Quốc coi Diễn tập Hợp tác Hàng hải là một thành phần quan trọng trong chiến lược duy trì quan hệ hữu nghị với Singapore, bảo đảm sự trung lập của Singapore trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ và bảo vệ eo biển trong trường hợp khẩn cấp.
Ở cấp khu vực, Cuộc tập trận hợp tác hàng hải năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Bằng cách tham gia các cuộc tập trận hải quân chung với Singapore, Trung Quốc muốn xoa dịu những lời chỉ trích về sự quyết đoán của mình ở Biển Đông và nhấn mạnh cam kết của mình đối với một trật tự hợp tác khu vực bằng cách giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống chung như cướp biển, buôn lậu và thiên tai.
Những hạn chế và ý nghĩa rộng hơn
Quy mô các cuộc tập trận quân sự chung giữa Singapore và Trung Quốc có khả năng vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Hiện tại, các cuộc tập trận hải quân của Singapore với Trung Quốc tương đối khiêm tốn so với sự tham gia của nước này vào các cuộc tập trận hải quân đa phương do Hoa Kỳ dẫn đầu như RIMPAC, bao gồm nhiều hoạt động chiến đấu và phi chiến đấu.
Phạm vi hạn chế này một phần là do hành động cân bằng tinh tế của Singapore giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và sự thiếu khả năng tương tác giữa hai lực lượng hải quân. Singapore nhận thức rằng việc tiến hành các cuộc tập trận chiến đấu với Trung Quốc có thể gây ra những lo ngại trong nội bộ Hoa Kỳ, đối tác quốc phòng ưa thích của nước này, trong khi sự liên kết quá mức với Washington có thể làm trầm trọng thêm sự nghi ngờ của Trung Quốc về tính trung lập của Singapore trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ.
Đối với Trung Quốc, các cuộc tập trận Hợp tác Hàng hải không chỉ nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Singapore mà còn bảo đảm an ninh cho Eo biển Malacca. Về mặt khu vực, Trung Quốc muốn thể hiện cam kết của mình đối với hòa bình và ổn định khu vực bằng cách giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên, để những nỗ lực này có hiệu quả, Trung Quốc cũng phải giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng thông qua các biện pháp ngoại giao.