Đại Kỷ Nguyên

Vì sao việc công khai ‘mua phiếu bầu’ của Musk không phạm pháp? 3 hiệu quả ngay lập tức

Musk, người giàu nhất thế giới hết lòng ủng hộ Trump. (Ảnh chụp màn hình).

Tỷ phú Elon Musk đã có một kế hoạch ‘mua phiếu bầu’ cho ông Trump một cách công khai đầy táo bạo và sáng tạo. Mọi hình thức mua phiếu bầu đều phạm pháp ở Mỹ, nhưng vì sao sáng kiến của ông Musk lại không vi phạm pháp luật? Và những yếu tố thiên tài nào giúp nó trở thành kế hoạch đi vào lịch sử?.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này không chỉ là cuộc trình diễn của các ứng cử viên mà còn có sự “tham gia sâu sắc” của tỷ phú Elon Musk, người đang hoàn toàn ủng hộ ông Trump.

Vào ngày 7 tháng 10, ông Musk lại công bố một kế hoạch tài trợ lớn cho chiến dịch.

Khác với những khoản quyên góp chính trị thông thường, tiền của Musk lần này không được đổ vào quảng cáo chính trị, mà được cho là sẽ trực tiếp đến tay những cử tri tham gia!

Cụ thể, điều kiện là mỗi lần giới thiệu thành công một cử tri đang đăng ký ở tiểu bang chiến trường ký vào đơn thỉnh nguyện ủng hộ Tu chính án thứ nhất và thứ hai của Hiến pháp, người giới thiệu sẽ nhận được 47 đô la.

Cách làm này có vẻ như chưa từng thấy, nhìn có vẻ khá sáng tạo, hãy cùng kênh truyền thông tiếng Hoa “Tổng quan kinh doanh” (​​首席商业评论) xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.

Khuyến khích cử tri “tham gia mô hình kim tự tháp”

Nói một cách đơn giản, tỷ phú đang thực hiện một dự án giới thiệu người quen kiểu “người cũ dẫn dắt người mới”.

Mỗi khi kéo được một người mới vào, người giới thiệu sẽ nhận được 47 đô la. Dĩ nhiên, không phải cứ muốn kéo ai cũng được, mà có một số điều kiện hạn chế.

Điều kiện đầu tiên là đối tượng được mời chỉ giới hạn trong các cử tri đã đăng ký ở các tiểu bang cụ thể. Những “tiểu bang cụ thể” này chủ yếu là các tiểu bang chiến trường (nơi chưa thực sự nghiêm về bên Cộng Hoà hay Dân chủ, có nhiều cử tri lưỡng lự). Đây là một phân loại đặc biệt trong cuộc bầu cử Mỹ, tức là những tiểu bang không trung thành với đảng nào, có lập trường bỏ phiếu “lung lay” trong mỗi cuộc bầu cử. So với các tiểu bang trung thành với một trong hai đảng, các tiểu bang chiến trường chính là yếu tố quyết định hơn cho chiếc ghế tổng thống. Do đó, cuộc cạnh tranh giữa các ứng cử viên để thu hút cử tri ở các tiểu bang chiến trường thường đóng vai trò quyết định đến kết quả cuối cùng.

Lần này, dự án “người cũ dẫn dắt người mới” bao gồm 7 tiểu bang — Pennsylvania, Georgia, Nevada, Arizona, Michigan, Wisconsin và North Carolina — đều là các tiểu bang chiến trường quan trọng trong cuộc bầu cử lần này, có thể coi là những yếu tố quyết định. Nhìn vào đây, có thể thấy mục tiêu của dự án này rõ ràng và mạnh mẽ.

Điều kiện thứ hai là người được mời phải ký vào một đơn thỉnh nguyện ủng hộ Tu chính án thứ nhất và thứ hai của Hiến pháp. Xin lưu ý rằng nội dung của đơn thỉnh nguyện này không liên quan trực tiếp đến việc bỏ phiếu cho ứng cử viên nào, mà chỉ thể hiện thái độ ủng hộ các tu chính án của Hiến pháp. Nghe có vẻ hơi kỳ lạ, khi rõ ràng là để giúp ông Trump thu hút phiếu bầu, tại sao không đơn giản hơn, trực tiếp chi tiền để “mua” phiếu, mà lại phải yêu cầu người được mời ký vào một đơn thỉnh nguyện không liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử?

Lý do rất đơn giản: Việc mua phiếu bầu một cách trực tiếp là vi phạm pháp luật, trong khi ký đơn thỉnh nguyện thì không vi phạm. Mặc dù nội dung của đơn thỉnh nguyện có vẻ không liên quan gì đến việc ủng hộ ông Trump, nhưng ông Musk đã thông qua một loạt hành động và quảng bá để liên kết nhóm người ký đơn thỉnh nguyện với việc ủng hộ ông Trump, tạo ra hiệu ứng rằng “ký vào đơn thỉnh nguyện này tương đương với việc ủng hộ Trump”. Mặc dù không thể bảo đảm tỷ lệ chuyển đổi từ “ký đơn thỉnh nguyện sang bỏ phiếu cho Trump” là 100%, nhưng ít nhiều cũng đã tạo ra một ảnh hưởng mạnh mẽ.

Vì vậy, sau khi làm rõ các điều kiện để thu hút người mới, nhiều người có vẻ rất hào hứng và bắt đầu quan tâm đến câu hỏi tiếp theo: Vậy, sau khi đã kéo được người mới, tiền sẽ nhận như thế nào?

Như hình này cho thấy, liên kết ký đơn thỉnh nguyện sẽ yêu cầu người ký cung cấp thông tin liên lạc của người giới thiệu. Còn về cách thức tiền thưởng được chuyển vào tài khoản của từng người tham gia, hiện vẫn chưa rõ. Nhưng có thể yên tâm, với tư cách là một ông lớn công nghệ và là một trong những người sáng lập PayPal, ông Musk chắc hẳn sẽ giải quyết được các vấn đề chi tiết này.

Đến đây, không khỏi khiến người ta nhận ra: đây chính là việc khuyến khích dân chúng tham gia vào hình thức “tiếp thị đa cấp” một cách trắng trợn!

Nhưng… chờ đã, điều này có thực sự vi phạm pháp luật không?

Nó thực sự không phạm pháp

Thực tế là cách làm này không vi phạm luật bầu cử hiện hành của Mỹ.

Luật liên bang Mỹ rõ ràng cấm việc trả tiền trực tiếp cho cá nhân để đăng ký bầu cử, đồng thời ở một số tiểu bang, việc trả tiền cho những người thu thập chữ ký số lượng cũng có thể vi phạm. Tuy nhiên, hành động lần này của ông Musk đã khéo léo lách được tất cả các giới hạn pháp lý trên, vì phí này được trả cho người giới thiệu cử tri đã đăng ký. Đây thực sự là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Mỹ có một sáng kiến như vậy.

Ngoài việc khéo léo khai thác lỗ hổng pháp lý, còn có một lý do quan trọng khác khiến đây là một sáng kiến lần đầu tiên trong lịch sử, đó là: tiền, quá nhiều tiền. Ông Musk đã tuyên bố mục tiêu của đơn thỉnh nguyện lần này là thu được 1 triệu chữ ký từ cử tri ở các tiểu bang chiến trường. Chúng ta có thể giả định rằng, nếu trong số 1 triệu cử tri đó, có một nửa — tức 500.000 người — là qua hoạt động giới thiệu này, thì tỷ phú sẽ phải chi tới 23,5 triệu đô la — có lẽ chỉ có rất ít người trên thế giới mới đủ khả năng để xem xét vấn đề này.

Như chúng ta đã nói trước đó, đơn thỉnh nguyện này không chắc chắn có thể chuyển đổi thành phiếu bầu với tỷ lệ 100%, và hiệu quả cuối cùng còn chờ xem xét, không loại trừ khả năng cuối cùng số tiền đã chi ra nhưng không có sự gia tăng rõ rệt về phiếu bầu. Vì vậy, ngay cả với những tỷ phú siêu giàu, việc chi một khoản tiền lớn vào một canh bạc không rõ khả năng thắng cũng là điều không dễ dàng.

Tất cả những lý do trên đã tạo nên vị thế “người đầu tiên trong lịch sử” của Musk trong vấn đề này.

Ngoài những tranh cãi về việc “mua phiếu bầu” bản thân, hành động táo bạo của ông Musk còn liên quan đến những rủi ro pháp lý khác: lợi dụng việc ký đơn để thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng và gây ảnh hưởng sau này.

Musk không phải là người ngốc, ông cũng biết rằng những người ký vào đơn thỉnh nguyện chưa chắc đã bỏ phiếu cho ông Trump. Tuy nhiên, vì những người này đã để lại thông tin liên lạc, đội ngũ của ông Trump có thể liên hệ với những cử tri “lung lay” này trong nửa tháng trước khi bầu cử và cố gắng thuyết phục họ. 

Theo logic thu thập người dùng trên internet, 47 đô la này chính là chi phí để lọc người dùng, trước tiên liên hệ, sau đó tiếp tục thuyết phục để chuyển đổi. Chỉ cần số lượng người tham gia đủ lớn, chắc chắn sẽ đạt được kết quả đáng kể. Và điều này liên quan đến một vấn đề pháp lý khác: liệu hành vi thu thập thông tin cá nhân của cử tri có vi phạm pháp luật không?

Chủ thể của hành động này là Ủy ban Hành động Chính trị Mỹ được thành lập tại Texas vào tháng 5 năm nay. Trang web của Ủy ban Hành động Chính trị Mỹ đã từng lợi dụng việc đăng ký cử tri để thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng, đối tượng là cử tri ở các tiểu bang chiến trường. Trong số các tiểu bang liên quan, các quan chức bầu cử tại Michigan và North Carolina đã bắt đầu điều tra vấn đề này. Các quan chức Michigan cho biết, đến thời điểm hiện tại, họ chưa phát hiện bất kỳ bằng chứng nào vi phạm luật tài chính bầu cử của tiểu bang.

Vì vậy: không vi phạm, nhưng chắc chắn là một cuộc cược mạo hiểm.

Cuối cùng thì có tác dụng lớn đến mức nào?

Trước tiên, có thể kết luận là chiến dịch chắc chắn có chút tác dụng, nhưng liệu có thể giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hay không, thật sự rất khó nói.

Nói một cách khách quan, chi tiết của hành động này được thiết kế khá tỉ mỉ. Mục tiêu chính là những cử tri trung lập ở các tiểu bang chiến trường. Họ có thể bao gồm hai loại người: (1) những người muốn bỏ phiếu nhưng đang phân vân giữa hai ứng cử viên; và (2) những cử tri ban đầu không có nhiều động lực bỏ phiếu. Hai loại người này có khả năng cao sẽ bị thu hút về phía ông Trump vì lợi ích kinh tế. Cách khai triển cụ thể của hành động này rõ ràng đã học hỏi từ mô hình “tiếp thị đa cấp” cổ điển, một khi họ đã nếm trải lợi ích, sẽ nhanh chóng lan rộng ra.

Mức giá “47 đô la” rõ ràng cũng là kết quả của sự suy nghĩ kỹ lưỡng. Một khoản thưởng 47 đô la cho mỗi người, điều này có sức hấp dẫn lớn đến mức nào? Phải chia ra. Đối với những người có thu nhập trung bình trở lên, số tiền này gần như không có sức hấp dẫn, có thể chỉ đủ cho một bữa ăn, và những người này thường có lập trường chính trị khá vững vàng, họ sẽ không dễ dàng thay đổi quan điểm chỉ vì một chút lợi ích kinh tế nhỏ nhoi. Do đó, mức giá này thực tế đã loại trừ họ khỏi nhóm mục tiêu.

Nhưng đối với những cử tri ở tầng lớp thu nhập thấp, 47 đô la lại là một khoản thu nhập không thể bỏ qua, có thể tương đương với vài ngày chi phí sinh hoạt. Hành động này cung cấp cho họ một cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền nhanh trong thời gian ngắn, bằng cách tích cực kéo người khác vào và hình thành mạng lưới “người truyền người”, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Tất nhiên, bên cạnh tiền bạc, một điểm nhấn khác của kế hoạch này là sự gắn bó sâu sắc của chính ông Musk. Lợi ích kinh tế là một phần động lực bỏ phiếu, nhưng sự ủng hộ “toàn lực” của tỷ phú Musk cũng rất quan trọng. Qua hành động ủng hộ chưa từng có này, ông Musk đã gắn kết bản thân mình với ông Trump một cách sâu sắc. Hành động này khiến cử tri thấy và tin rằng: Ông Trump không phải chiến đấu một mình, bỏ phiếu cho Trump cũng giống như bỏ phiếu cho Musk. Điều này đã tối đa hóa động lực của những người ủng hộ ông Musk, giúp ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay.

Còn về việc nâng cao số phiếu bầu trực tiếp, như đã đề cập trước đó, số lượng người ký vào đơn thỉnh nguyện có thể không có mối liên hệ trực tiếp với tỷ lệ chuyển đổi thành phiếu bầu cuối cùng. Tuy nhiên, kết quả của đơn thỉnh nguyện cũng là một quá trình tạo dựng sức mạnh. Nếu đơn thỉnh nguyện này cuối cùng thu thập được trên 1 triệu chữ ký từ cử tri ở các tiểu bang chiến trường, thì một kết luận đơn giản là: Ông Trump đã đạt được lợi thế lớn ở những tiểu bang này. Điều này sẽ tạo ra ảo giác vô hình cho bà Harris và những người ủng hộ bà, khiến họ tin rằng thế cục đã ngã ngũ và chủ động từ bỏ cuộc chiến bầu cử.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một trò chơi, có quy tắc nhưng cũng đầy các “sáng tạo”, bất ngờ và những chiêu trò bên ngoài. Còn về kết quả cuối cùng sẽ ra sao, hãy cùng chờ xem nhé!.

Exit mobile version