Những diễn biến liên quan nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, cũng đang khiến giới quan sát chú ý đến vai trò của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc ở các nước đang phát triển.
Tương tự như Wagner, các “nhà thầu an ninh” Trung Quốc đã vươn ra khắp châu Phi và châu Á. Lực lượng tổ chức kiểu quân đội này là “dấu ấn” ngày càng thấy rõ trong chiến lược mở rộng của Trung Quốc ra toàn cầu. Từ ngăn cướp biển chiếm các con tàu chở hàng ở Vịnh Aden đến canh gác một tuyến đường sắt ở Kenya, hay bảo vệ một kho nhiên liệu ở Sri Lanka.
Cả hai phiên bản lực lượng an ninh tư nhân của Nga và Trung Quốc, đều có mối quan hệ mờ ám với chính quyền của họ. Chúng làm bình phong cho các nhiệm vụ bí mật và làm tiền tiêu ở những nơi mà chính quyền không thể trực tiếp nhúng tay.
Chính quyền Bắc Kinh có các chi bộ Đảng kiểm soát mọi đơn vị, nên các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc về mặt kỹ thuật là quân của chính quyền, đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối.
Trung Quốc kiểm soát súng chặt chẽ. Các đơn vị cảnh sát thông thường không được trang bị nhiều súng đạn. Không giống nhóm đánh thuê Wagner của Nga được trang bị đầy đủ cho hoạt động tác chiến, thậm chí có cả xe tăng, đại pháo và không quân.
Về phía Trung Quốc, các công ty an ninh tư nhân làm việc theo một mô típ khác. Họ không cần trang bị vũ khí sát thương. Đối với những công việc nguy hiểm ở nước ngoài, khi gặp rắc rối, họ chỉ cần đứng sau tư vấn và quan sát các đơn vị cảnh sát vũ trang địa phương làm việc.
Nhóm Wagner của Nga đôi khi phải chấp nhận các hoạt động ‘đánh đấm’ vì lợi nhuận. Ngược lại, các đơn vị an ninh tư nhân Trung Quốc ở nước ngoài thường sử dụng cách tiếp cận bằng quyền lực mềm, bằng quan hệ ngoại giao, để bảo vệ lợi ích.
Ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chỉ muốn thể hiện họ thuần túy là dân làm ăn và né tránh có quan hệ với chế độ Bắc Kinh. Tuy nhiên, các công ty an ninh Trung Quốc thường cần bảo vệ mình bằng cách phô trương thanh thế họ đang có Bắc Kinh chống lưng.